Tác giả tác phẩm: Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam - Ngữ văn 10 Cánh diều
Ngọc Anh | Chat Online | |
26/11 14:45:55 |
Tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - Ngữ văn lớp 10
I. Tác giả Trần Quốc Vượng1. Tiểu sử
- Trần Quốc Vượng, 12/12/1934 - 8/8/2005, là một giáo sư, nhà sử học, nhà khảo cổ học Việt Nam
- Ông được xem là một trong tứ trụ của sử học Việt Nam đương đại
- Ông sinh tại huyện Kinh Môn, Hải Dương nhưng quê quán ở thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
- Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cùng với Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm năm 1956 ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp
- Ngày 22/09/2003, ông lập gia đình lần thứ 2 với người vợ trẻ kém ông gần 30 tuổi
- Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ban văn hóa nghệ thuật
2. Sự nghiệp văn học- Ông đã viết nhiều bài nghiên cứu khoa học (trên 400 bài) đăng trên các tạp chí chuyên môn trong nước (khảo cổ, lịch sử, văn học, văn hóa dân gian, văn hóa nghệ thuật,...) và ngoài nước
- Ngoài ra, ông đã viết và được in ấn nhiều sách (trên 40 cuốn) ở cả trong và ngoài nước, có thể kể đến như:
+ Việt Nam khảo cổ học (tiếng Nhật, Tokyo, 1993)
+ Trong cõi (California, 1993)
+ Theo dòng lịch sử (1995)
+ Some aspects of Vietnam culture (Mỹ, 1995)
+ Tìm hiểu văn hoá dân gian Hà Nội (1997)
+ Việt Nam, cái nhìn địa văn hoá (1998)
+ Vietnam folklore and history (Mỹ, North Ilinois, 1998)
+ Essay into the Vietnam past (New York, Mỹ, 1999)
+ Ngành nghề, tổ nghề, làng nghề Việt Nam (1999)
+ Làng nghề, phố nghề Thăng Long, Hà Nội (2000)
+ Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm (2000)
+ Trên mảnh đất nghìn năm văn vật (2001)
+ Tìm hiểu bản sắc văn hoá xứ Huế (2001)
+ Confusianism in East Asia (Seoul, Hàn Quốc, 2001)
+ Khoa Sử và tôi (2001)
+ Tìm hiểu bản sắc văn hoá xứ Quảng (2002)
+ Tìm hiểu bản sắc văn hoá dân gian Nam Bộ (2004)
+ Hà Nội như tôi hiểu (2005)
+ Con người – Môi trường – Văn hoá (2005)
1. Hà Nội, như các nhà địa lí học nhận định, là thủ đô tự nhiên của lưu vực sông Hồng, của miền Bắc Việt Nam trước khi lớn lên cùng với sự lớn lên mở nước của dân tộc – thành trung tâm đầu não của cả nước.
Đông, Nam, Đoài, Bắc, mỗi vùng đều có một trữ lượng folklore (dân gian) phong phú: ca dao, tục ngữ, dân ca, chèo, múa rối, truyện cổ tích,... Toàn bộ trữ lượng văn hoá dân gian ấy được chuyển dồn về trung tâm Hà Nội, kết tụ chọn lọc và nâng cao trên cái có sẵn của vùng non nước Hồ Tây – Hồ Gươm, núi Nùng, núi Khán mà trở thành folklore Hà Nội. Triều đình Lý, Trần đưa việc thờ cúng các anh hùng dân tộc như Phù Đổng, Hai Bà Trưng, Bố Cái (Phùng Hưng), Mai Hắc Đế,... về giữa phố phường và xóm trại ven đô. Dân dã về Hà Nội sinh sống lại đưa thần điện của làng xóm mình về kinh kì Kẻ Chợ, kèm theo đó là các lễ hội dân gian. Sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, xã hội của Thủ đô do vậy mà phong phú nhiều dạng vẻ. Nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê lại nâng các lễ hội đua thuyền, đấu vật, hất phết, tung còn, múa rối nước, múa chạy đàn dân gian lên thành quốc lễ, có đội hình chuyên hóa, có sân khấu đàng hoàng, có phục trang sang trọng hơn. Văn hoá dân gian không tách rời mà kết hợp, hoà hợp với văn hoá cung đình và được “chính thức hoá” và “sang trọng hoá”. Cái sang trọng bao giờ cũng là một sắc thái cần và bắt buộc của văn hoá Thủ đô, văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Cái sang trọng ấy, trên nền tảng một nếp sống phong lưu do công thương phát triển ngấm vào phong cách, thế ứng xử của người Thăng Long – Hà Nội về ăn, mặc, ở và đi lại.
2. Trước hết, người Hà Nội, kết quả của tỉnh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, đua tài, học hỏi người ngoài và nâng cao nên trở thành những người Việt Nam lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi.
Khi người ta lao động giỏi ở một trung tâm giao dịch, một trung tâm “mở cửa”, đón gió muôn phương thì nảy sinh nhu cầu lựa chọn (kén cá, chọn canh), đòi hỏi và có điều kiện thỏa mãn việc tiêu dùng “của ngon vật lạ” từ các nơi đổ về.
Gắng công kén được cốm Vòng
Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui.
Hình thành một mạng lưới làng quê sản xuất đặc sản nông phẩm và sản phẩm thủ công ven đô cùng với phố phường thủ công nội đô, giao lưu với nhau ở bốn chợ chính trước bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc.
Từ đó, tất nhiên người Hà Nội trở nên sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, đại diện của hùng anh cả nước, làm ăn tài, đại diện của tỉnh hoa dân tộc. Người Thăng Long - Hà Nội nhờ truyền thống hiếu học, nhờ có điều kiện giao lưu văn hoá xã hội, thu nhận nhanh nhạy nhiều liều lượng thông tin khác nhau, trở nên đặc biệt mẫn cảm về chính trị – tình cảm.
Với một nếp sống phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần, lịch sử ngàn năm văn vật của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã hun đúc cho người Hà Nội một nếp sống thanh lịch: từng trải mà nhẹ nhàng, kiên định mà duyên dáng, hào hoa mà thanh thoát, sang trọng mà không xa hoa, cởi mở mà không lố bịch, nhố nhăng,... từ lời ăn tiếng nói đến phong cách làm ăn, suy nghĩ,...
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh.
Thành phố Rồng Bay có trường cao cấp về Văn (Quốc Tử Giám), về Võ (Giảng Võ đường) từ thế kỉ XI cho nên Thăng Long vừa thượng võ với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, vừa văn hiến với Chu An, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Chiêu Hổ, Bà Huyện Thanh Quan,...
Văn hoá Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là một “hằng số tuyệt vời” của văn hoá Việt Nam.
1. Thể loại
Văn bản thông tin
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác- In trong văn hóa Hà Nội, tìm tòi và suy ngẫm, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2010)
3. Phương thức biểu đạtThuyết minh kết hợp với tự sự và nghị luận
4. Tóm tắt tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng)Hà Nội là một vùng đất linh thiêng giàu văn hóa đồng thời cũng là trung tâm hội tụ đầy đủ những tinh hoa bản sác của dân tộc từ folklore, lễ hội, dân ca, …đến cách sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội của Hà Nội đều rất phong phú, nhiều dáng vẻ. Bên cạnh đó, phong thái và khí chất của con người Hà Nội cũng rất khác, duyên dáng, phong lưu mà sang trọng. Từ cổ chí kim, trải qua ngàn đời, ngàn năm xây dựng và phát triển, Hà nội vẫn luôn là mảnh đất xinh đẹp, đáng tự hào của dân tộc ta.
5. Bố cục tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng)Chia văn bản thành 2 đoạn
- Đoạn 1: Từ đầu đến “ở và đi lại”: Sự hình thành văn hóa Hà Nội
- Đoạn 2: Còn lại: Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
6. Giá trị nội dung tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng)- Ca ngợi nền văn hóa, nét đẹp lâu đời của mảnh đất Hà Nội
- Giới thiệu sự hình thành và nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng)- Các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt, sáng tạo.
- Giọng văn nhẹ nhàng, sâu sắc.
- Sử dụng sáng tạo kết hợp các phương thức biểu đạt nhằm phân tích đánh giá văn bản.
1. Sự hình thành nền văn hóa Hà Nội
- Văn hoá Hà Nội được hình thành dựa trên sự kết hợp của những yếu tố:
+ Trữ lượng folklore (dân gian) phong phú, ca dao, tục ngữ, dân ca, chèo, múa rối, truyện cổ tích,... của vũng Đông, Nam, Đoài, Bắc kết tụ chọn loc và nâng cao trên cái có sẵn của vùng non nước Hồ Tây - Hồ Gươm, núi Nùng, núi Khán mà trở thành folklore Hà Nội.
+ Truyền thống lễ hội văn hóa dân gian, sinh hoạt văn hóa tôn giáo lâu đời
+ Văn hoá dân gian không tách rời mà kết hợp, hoà họp với văn hoá cung đình và được “chính thức hoá' và “sang trọng hoá'. Cái sang trọng bao giờ cũng là một sắc thái cần và bắt buộc của văn hoá Thủ đô, văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
2. Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội- Hà Nội là nơi tập trung của những người Việt Nam lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi. Là nơi tích tụ tinh hoa bốn phư thông minh, tài hoa
- Nhu cầu lựa chọn, đòi hỏi và có điều kiện thỏa mãn việc tiêu dùng “của ngon vật lạ” từ các nơi đổ về. Từ đó có mạng lưới làng quê tập trung sản xuất đặc sản chuyên biệt => biết hưởng thức, tận hưởng, sành ăn, sành mặc.
- Có điều kiện thuận lợi để giao lưu và tiếp thu văn hóa cộng thêm truyền thống hiếu học => nhanh nhạy, hiểu biết và mẫn cảm về chính trị - tình cảm.
=> Qua thời gian đã mài giũa ra những người con Hà Nội thanh lịch, tinh tế, tài hoa, phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần, sang trọng mà không xa hoa, cởi mở mà không lố bịch.
3. Những phương diện văn hóaPhần 1: Sự hình thành văn hóa Hà Nội
* Phương diện nội dung:
+ Lịch sử hình thành văn hóa Hà Nội qua các triều đại lịch sử: Triều đình Lý – Trần; nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê.
+ Các yếu tố dẫn đến sự hình thành văn hóa Hà Nội: Sự kết hợp giữa yếu tố Văn hóa dân gian và văn hóa cung đình.
* Phương diện hình thức: Dấu ngoặc đơn (dùng để trú giải); các số chú thích (giải nghĩa từ ngữ)
Phần 2: Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
* Phương diện nội dung:
+ Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự hình thành nếp sống thanh lịch của người Hà Nội (Từ lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy giỏi; đến nảy sinh nhu cầu lựa chọn; đến hình thành mạng lưới làng quê sản xuất đặc sản nông phẩm và sản phẩm thủ công ven đô; ròi trở nên sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, làm ăn tài…)
+ Trích những câu thơ, câu thành ngữ. tục ngữ để bổ sung, làm rõ nội dung
* Phương diện hình thức: Các dòng chữ in nghiêng (giúp người đọc dễ xác định vị trí và mối quan hệ của các thông tin); dấu ngoặc đơn (dùng để trú giải)
Tài liệu khác:
- Tác giả tác phẩm: Lễ hội Đền Hùng - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Lễ hội dân gian đặc sắc của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Thị Mầu lên chùa (Trích chèo Quan Âm Thị Kính) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Mắc mưu Thị Hến (Trích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Tự tình – Bài 2 (Hồ Xuân Hương) - Ngữ văn 10 Cánh diều