Thầy thông ngôn - Chương 6 (Hồ Biểu Chánh)
Hope Star | Chat Online | |
03/08/2019 19:50:14 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
156 lượt xem
- * Thầy thông ngôn - Chương 7 (Hồ Bieru Chánh) (Văn học trong nước)
- * Thầy thông ngôn - Chương 8 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Thầy thông ngôn - Chương 5 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Thầy thông ngôn - Chương 4 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Cuộc tuyển cử Hội đồng quản hạt gần tới. Ông Lê Huấn Hữu là cựu thông ngôn ở Châu-đốc với ông Võ Hạo Nhiên là điền chủ ở Long-xuyên ra tranh cử quận Châu-đốc, Hà-tiên, Long-xuyên, Rạch-giá, nên đi rảo khắp nơi kiếm thế cậy thần mà khuyến dụ thừa sai các làng.
Lê Trường Sanh đứng thông ngôn cho quan chủ tỉnh, tổng làng thảy đều kiêng nể, bởi vậy hai người ra tranh cử người nào cũng đến cậy giúp lời giùm. Trường Sanh đã không chịu giữ cử chỉ trung lập, mà lại còn chường mặt đi lo giùm Võ Hạo Nhiên, ép làng phải theo ý mình, rầy tổng sao không sốt sắng.
Đến ngày tuyển cử, Võ Hạo Nhiên ở Long-xuyên tuy được thăm nhiều, song ở Châu-đốc, Rạch-giá, Hà-tiên đều sút thăm Lê Huấn Hữu xa lắm, bởi vậy Lê Huấn Hữu đắc cử.
Lê Huấn Hữu không nhờ thừa sai tỉnh Long-xuyên mà cũng được làm Hội đồng Quản hạt, bởi vậy khi lãnh chức rồi muốn cho dân Long-xuyên biết oai thế của mình, nên đi Sài-gòn làm sao không biết mà quan trên chạy giấy rút thầy Lê Trường Sanh về làm việc tại dinh Thượng thơ.
Thầy thông Phong oán hận Trường Sanh mà không dám ra sức rửa hờn. Nay thình lình người ta làm cho Trường Sanh bị đổi, thầy lại khoái chí vui lòng. Cái thái độ ấy thiệt là thấp hèn, nhưng vì thầy không phải là người cao kiến, bởi vậy sự vui mừng của thầy lộ ra ngoài cho đến mọi người đều thấy rõ hết thảy.
Cách chẳng mấy ngày quan Chánh chủ tỉnh lại giao cho thầy coi thâu đơn khẩn đất và coi phát bài vĩnh viễn. Thầy vẫn biết tỉnh Long-xuyên đất hoang còn nhiều, nếu được lãnh coi sở nầy thì dễ làm giàu như chơi. Tuy vậy mà thầy không thạo việc, chưa hiểu lề luật lại cũng chưa quen tổng làng, bởi vậy thầy bợ ngợ không biết nói thế nào mà ăn tiền cho được.
Thầy thấy lúc nầy thầy đi hầu, có một hai người lột khăn xá thầy. Thầy lấy làm đắc ý, tưởng là thầy đã thế vị cho Trường Sanh được rồi.
Chiều bữa nọ, ăn cơm rồi, thầy mới rủ thầy ký Hậu xuống nhà bà Hương quản Viện mà chơi. Bà Hương quản vừa thấy thầy bước vô thì bà cười ngất và nói rằng:
- Dữ hôn! Mấy tháng nay tôi mới thấy mặt thầy thông! Thế khi thầy Trường Sanh cấm thầy, nay thầy đổi đi rồi nên thầy mới dám xuống đây chớ gì, phải hôn?
Bà nói chơi, mà thầy có tịt riêng nên thầy nhột nhạt. Đã vậy mà thầy thấy cô Diệu Anh đứng trong cửa buồng lấy khăn che miệng mà cười, thì thầy càng hổ thẹn, bởi vậy thầy trả lời ú ớ, nghe không được, ngồi chơi chưa đầy mười phút đồng hồ, rồi từ bà Hương quản mà về. Từ đó về sau thầy không chịu xuống xóm Cái-sơn chơi nữa, dầu ai rủ cho mấy thầy cũng không đi.
Ông Lê Huấn Hữu được làm Hội đồng Quản hạt rồi, thì ông chẳng lo việc chi gấp cho bằng viêc khẩn đất. Bởi vậy có người điềm chỉ nên ông vào đơn xin khẩn hai sở đất lớn ở tỉnh Long-xuyên. Ông nghe nói thầy thông Phong coi về đất khẩn, nên ông tìm đến nhà mà làm quen rồi mượn thầy làm giấy tờ giùm cho ông cho mau.
Thầy thông Phong thấy cái gương Lê Trường Sanh vì nghịch với ông Hội đồng mà bị đổi thì thầy giựt mình, bởi vậy thầy rán lo công việc cho ông Lê Huấn Hữu không dám trễ nãi.
Lê Huấn Hữu khẩn được hai sở đất rồi, bữa nọ có dịp xuống Long-xuyên mới ghé nhà thầy thông Phong rồi lại mời thầy ra nhà hàng mà ăn cơm. Thầy được ăn cơm với ông Hội đồng Quản hạt thì thầy đắc ý chẳng có chi bằng. Mà chừng ăn cơm rồi nghe ông Hội đồng Quản hạt mời thầy khi nào có lễ nghỉ vài ngày lên Châu-đốc chơi một chuyến cho biết nhà ông, thì thầy lại càng đắc ý hơn nữa.
Thầy về nhà thầm nghĩ, nhỏ mà làm quen với mấy ông lớn mới cậy nhờ được, chớ chơi với kẻ thấp hơn mình thì không ích lợi gì, bởi vậy về sau thầy ít muốn tới lui chơi với mấy thầy trong tỉnh, đêm nào có buồn thì thầy đến nhà quan Phủ thăm ngài mà thôi, đến đó bẩm dạ mà thầy vui hơn là nói chuyện với người khác.
Gần tới lễ Sanh nhựt (lễ Chúa giáng sinh, lễ Noël, c.t. riêng) có giấy quan trên cho ba ngày nghỉ, thầy nhứt định lên Châu-đốc chơi, nên đánh dây thép cho ông Hội đồng Hữu hay trước rồi xuống tàu mà đi Châu-đốc.
Thầy đi tàu chệc[1], nên tới Châu-đốc lối hai giờ chiều. Ông Hội đồng có cho người gia dịch ra đón cầu tàu rước thầy về nhà.
Khi thầy bước vô, ông Hội đồng mừng rỡ, hối đứa ở lấy rượu đãi thầy và hỏi thăm việc đất cát lăng xăng. Ăn cơm chiều rồi ông Hội đồng mới dắt thầy đi dạo chợ chơi.
Qua ngày sau ăn cơm sớm mai rồi, ông Hội đồng lại rủ thầy xuống ghe đi với ông qua thăm anh rể của ông là Cai Tổng Hồng Văn Luông ở bên Phú-hội.
Ghe tới bến thì đã gần ba giờ chiều. Thầy thông Phong dưới ghe bước lên cầu mát, dòm thấy một toà nhà lầu đồ sộ trước mặt, thầy choá con mắt, nên đứng ngó sửng. Ông Hội đồng bước lên vỗ vai thầy mà nói rằng:
- Nhà anh Tổng tôi đây. Đi vô chớ.
Ông Hội đồng đi trước, thầy nối gót theo sau. Bước vô khỏi cửa ngõ sắt rồi mới tới một cái sân lớn, chính giữa sân có trồng một bồn bông tây thiệt đẹp, lại dọc theo đường đi hai bên có để chậu kiểng đủ thứ, kim quít[2], cằn thăn, xen lộn với cau lùn, bùm sụm[3], chậu nào cũng lớn cây nào cũng tươi. Ngoài hai hàng kiểng ấy thì là cây trái sum sê, nào mận, nào cam, nào ổi bồ đào, nào sa bô chê[4], nào mảng cầu xiêm, nào mít miền dưới, chẳng thiếu thứ nào hết. Trước thềm nhà lại có xây một cái hồ lớn, giữa hồ có xây một hòn non giả, dưới nước cá lội vởn vơ, trên non cây mọc lố xố, trông ra thiệt là phong lưu thú vị vô cùng.
Thầy thông Phong mới thấy ngoài sân mà trong bụng thầy đã khen thầm rồi chừng bước vô nhà thầy thấy ghế bàn tủ ván món nào cũng tốt lộng lạc, thuở nay thầy chưa thấy nhà ai đẹp bằng, thì thầy kinh tâm nên đứng ngó dáo dác, coi bộ bợ ngợ lắm. Ông Hội đồng thấy nhà vắng teo bèn hỏi rằng:
(….thiếu câu hỏi)
Bỗng nghe phía sau có tiếng dạ, mà lại nghe có tiếng giày ở trên lầu đi xuống thang. Ông Hội đồng ngồi tại ghế giữa rồi chỉ cái ghế khác để ngang đó mà mời thầy thông ngồi.
Thầy thông vừa ngồi thì thấy một cô độ chừng mười bảy, mười tám tuổi, da trắng, môi son, y phục toàn lụa trắng, ở trong cửa buồng bước ra xá ông Hội đồng mà chào rằng: “Thưa cậu, mới vô”, rồi lại ngó thầy thông Phong và cúi đầu chào.
Cô nầy là Hồng Như Hoa con gái của ông Cai Tổng Hồng Văn Luông.
Ông Hội đồng hỏi cô rằng:
- Có anh Tổng và chị Tổng ở nhà hay không?
Cô Hồng Như Hoa cười và đáp rằng:
- Thưa ba với má cháu đi vô trong ruộng.
- Bất nhơn dữ hôn; đi hồi nào?
- Thưa đi hồi khuya.
- Vậy mà tao cứ tưởng có anh Tổng ở nhà, nên sẵn dịp có thầy thông ở dưới Long-xuyên lên thăm, tao dắt thầy qua chơi chớ. Anh Tổng có nói chừng nào về hay không?
- Thưa, ba cháu nói đi chiều nay về, bởi vì mai còn mắc đi ăn kết[5] trong làng nào đó không biết.
- Chắc ảnh về hay không?
- Thưa chắc, bởi vì ba với má cháu dặn chờ về rồi sẽ ăn cơm.
Ông Hội đồng day qua nói với thầy thông Phong rằng:
- Không lẽ qua đến đây rồi bỏ đi về. Thôi, chờ ảnh về đặng tôi nói chuyện chơi. À thầy biết bắn hay không? Như muốn đi bắn chim chơi thì lấy cây súng của tôi đó, rồi biểu bầy trẻ nó dắt cho mà đi.
Thầy thông Phong không biết bắn súng, song nếu chịu thiệt trước mặt cô Như Hoa thì sợ cô cười, nên lắc đầu nói tránh rằng:
- Trời nắng quá, thôi để ở nhà chơi.
Mấy đứa chèo ghe xách súng và ôm áo mưa của ông hội đồng lên. Kẻ trong nhà cũng lăng-xăng lít-xít, đứa quét ván lau bàn, đứa bưng trà lấy thuốc.
Cô Như Hoa đi ra đi vô mà sai khiến tôi tớ như thường, chớ không phải cô thấy có thầy lạ mà cô bợ ngợ như con gái khác.
Ông Hội đồng cởi áo nằm nghỉ. Thầy nói thầy không mỏi mệt, nên bước ra đứng trước cửa coi kiểng chơi, ông Hội đồng cởi áo thay giày rồi nằm ình trên ván.
Chừng thầy trở vô thì ông Hội đồng đã ngủ ngáy khò khò. Thầy thấy có mấy khuôn hình treo trên bàn viết dựa cửa sổ, thầy mới đi lần lại đó mà coi. Thình lình cô Như Hoa bước ra và cười nói rằng:
- Ủa! Cậu Hội đồng ngủ rồi. Hồi hôm thức khuya quá sao mà?
Thầy thông day lại nói rằng:
- Hồi hôm ông Hội đồng thức nói chuyện chơi với tôi quá mười hai giờ khuya rồi mới ngủ.
Thầy và nói và đi lần lại bàn giữa lấy một điếu thuốc đốt mà hút. Còn cô Như Hoa thì ngồi ghế xích đu để gần trước bàn thờ.
Thầy liếc ngó cô thì thấy cô đã bới tóc láng nhuốt, chớ không phải để đầu bùi nhùi như hồi mới vô vậy nữa. Thầy ngó kỹ lại thấy cổ cô đeo một sợi dây chuyền nhỏ, mà tai có đeo một đôi bông hột xoàn lớn, tay cô đeo ba chiếc cà-rá, cũng nhận hột xoàn; tuy miệng rộng môi mỏng, trán thấp, mắt lươn, song tướng mạo dong dải, tay chơn dịu dàng, coi phải điệu con gái nhà giàu lắm.
Thầy đương liếc cô, thình lình cô day ra ngó thầy mà hỏi rằng:
- Thầy ở dưới Long-xuyên phải hôn?
- Phải, tôi làm thông ngôn tòa bố dưới Long-xuyên.
- Thầy đi lên trên nầy chơi hay có việc chi?
- Ông Hội đồng mời hoài nên tôi lên thăm ông chơi chớ có việc chi đâu.
- Ừ! Phải rồi. Tôi nghe cậu Hội đồng tôi có khẩn dất ở dưới Long-xuyên, có lẽ khi cậu xuống dưới thường nên quen với thầy phải hôn?
- Phải.
- Đất ở dưới tốt hay không vậy thầy?
- Chắc là không bằng đất trên nầy. Không biết ông Cai ở nhà đây mỗi năm góp lúa chừng bao nhiêu vậy cô?
- Phần của ba tôi góp chừng năm sáu chục ngàn giạ. Còn đất của anh hai tôi ở bên Hồng-ngự ảnh góp hai ba chục ngàn gì đó không biết.
- Giàu lớn dữ há! Ông Cai có mấy người con?
- Có hai người con, anh hai tôi với tôi đây mà thôi.
Hai người nói chuyện tới đó, bỗng đâu ông Hội đồng trở mình và tằng hắng, làm cho hai người lặng thinh không nói nữa. Thầy thông đứng dậy lại cửa sổ mà ngó ra vườn. Cô Như Hoa đi ra nhà sau, rồi nghe có tiếng cô khoát nạt tôi tớ om sòm.
Cách chẳng bao lâu ông Hội đồng thức dậy, rửa mặt rồi kế ghe của vợ chồng ông Cai Tổng về tới.
Ông Cai Tổng tuổi chừng năm mươi, mà vì ông có bịnh hút nên ông ốm, coi bộ ông già. Ông không có râu mà tóc đã điểm bạc hoa râm. Ông ít nói mà hễ nói thì chậm rãi, dường như đếm từng tiếng, cân từng lời. Còn bà Cai Tổng thì mập mạp, phục phịch, đã hay nói hay rầy, mà tiếng nói lại rổn rảng, nên từ tôi tớ trong nhà đến làng dân trong tổng ai cũng kiêng sợ bà.
Hai vợ chồng ông Cai Tổng về tới bến, thấy ghe của ông Hội đồng Quản hạt đậu đó thì lật đật đi riết vô nhà; anh em gặp nhau chào hỏi coi bộ vui vẻ lắm. Ông hội đồng tiến dẫn thầy thông Phong thì vợ chồng ông Cai Tổng cũng chào hỏi niềm nở tử tế.
Ăn cơm rồi, ông Cai Tổng biểu gia dịch dọn mâm hút lại bộ ván lớn phía bên tay mặt rồi mời khách lại nằm hút với ông đặng nói chuyện chơi. Ông Hội đồng nằm ngang với ông Cai Tổng lâu lâu hút một điếu, còn thầy thông thì thú thiệt rằng thầy không biết hút, nên thầy nhắc ghế ngồi gần đó mà coi và nói chuyện chơi.
Hai ông nói chuyện với nhau, Chẳng hề nghe luận việc chi ích nước lợi dân, hoặc tính việc chi có nhơn có nghĩa, chỉ lo mưu mà mua đất cho rẻ, hoặc lập thế giựt đất của dân mà thôi. Nói một hồi rồi ông Cai Tổng hỏi thăm thầy thông coi ở dưới Long-xuyên còn sở đất nào trống hay không, đặng ông gởi đơn xin khẩn.
Thầy thông thấy ông giàu lớn ỷ mạnh, trong ý muốn làm ơn cho ông, nên tuy không thạo việc khẩn đất cho lắm, song cũng hứa bướng rằng để về ông hỏi dọ cho chắc rồi sẽ viết thơ cho ông biết.
Bà Cai Tổng ngồi bộ ván phía bên kia, bà cũng xen vô mà nói chuyện vang rân. Cô Như Hoa ngồi một bên bà, cô cũng nói thong thả chẳng ké né[6] chút nào hết.
Chừng thầy thông bước lại bàn giữa rót nước uống, bà Cai Tổng mới hỏi thăm thầy mấy tuổi, có vợ hay chưa, gốc ở đâu, cha mẹ còn đủ hay không. Bà hỏi đâu thì thầy nói đó, cứ tỏ thiệt không giấu chi hết. Lúc thầy nói thì cô Như Hoa ngó thầy trân trân, nhưng vì đứng trước mặt bà Cai Tổng không dám liếc, nên thầy không thấy sự ấy.
Lối mười giờ, cô Như Hoa lên lầu mà ngủ. Thầy thông mới lại ván mà nằm; vì đêm trước thầy thức khuya lại trưa thầy không nghỉ, nên mệt mỏi nằm nghe nói chuyện một hồi rồi thầy ngủ quên.
Sáng hôm sau ông Hội đồng với thầy thông Phong xuống ghe mà về. Hai vợ chồng ông cai Tổng với cô Như Hoa đều đưa tới cầu mát. Ghe đã dang ra rồi mà ông Cai Tổng còn kêu vói thầy thông mà dặn kiếm dùm đất ở dưới Long-xuyên đặng cho ông xin khẩn.
Về dọc đường ông Hội đồng nói chuyện với thầy thông thì cứ khen ông Cai Tổng Luông giàu lớn, khen ông trị dân khôn khéo, khen ông bụng dạ rộng rãi. Chừng ghe về tới nhà, hai người sửa soạn bước lên, ông Hội đồng lại vỗ vai thầy thông mà nói rằng:
- Nầy, tôi mới nghĩ một việc ngộ lắm. Thầy muốn vợ hôn?
Thầy thông chưng hửng, nên mắt ngó ông Hội đồng trân trân, không biết trả lời thế nào.
Ông Hội đồng cười mà nói tiếp rằng:
- Tôi hỏi thiệt chớ không phải giả bộ đâu. Nếu thầy muốn kiếm vợ thì tôi nói với anh Tổng tôi đặng ảnh gả con cháu tôi cho thầy. Từ hôm qua đến nay thầy qua nhà chơi, thầy thấy con cháu tôi rõ ràng, nó dễ coi, chớ không lịch sự cho lắm, mà cưới vợ kiếm gái xinh đẹp làm chi, vợ xấu là vợ của mình. Nó có học trên Nữ học đường ba bốn năm, nó nói tiếng tây khá quá. Tôi mới quen biết thầy mấy tháng nay, mà tôi thấy tánh nết thầy tôi thương, nên tôi tính như vậy đặng gần gũi nhau chơi. Thầy nghĩ thử coi được thì tôi làm mai giùm cho.
Thầy thông Phong tuy trong trí thường mơ ước cưới vợ giàu, theo như lời cha mẹ dạy, song vô đến nhà Cai Tổng Luông, thầy thấy nhà cửa kinh dinh[7] thầy choá mắt, thầy thấy cô Như Hoa đeo hột xoàn thầy kinh tâm, thầy nghe chủ nhà giàu, số huê lợi mỗi năm đến năm bảy chục ngàn thầy khiếp sợ, nên thầy chẳng hề dám ước cho được vào làm rể một nhà như vậy bao giờ. Nay thình lình nghe mấy lời của ông Hội đồng chẳng khác nào nằm chiêm bao, bởi vậy thầy biến sắc rồi ú ớ rằng:
- Ông thương tôi cám ơn ông quá...Nếu được như vậy thì tôi cám ơn ông lắm..Mà tôi sợ...không biết con ông Tổng có ưng tôi hay không?
Ông Hội đồng kéo tay biểu thầy bước lên trước, rồi ông theo sau mà nói rằng:
- Không hại gì đâu, để tôi tính cho. Thầy đừng lo.
Ngày ấy thầy thông Phong cứ nằm mà tính hoài, nửa mừng nửa lo, không muốn nói chuyện, mà cũng không chịu đi chơi. Tối lại, lối mười giờ thầy từ ông Hội đồng xuống tàu mà về. Ông Hội đồng đưa ra tới cầu tàu. Lúc tàu gần mở dây, ông nói với thầy rằng:
- Chuyện đó để tôi nói lại với anh Tổng và chị Tổng tôi rồi tôi gởi thơ cho thầy hay. Còn thầy hỏi dọ dùm tôi có miếng đất nào trống thì thầy cho tôi hay liền nhé.
Thầy thông dạ rồi kế tàu súp-lê[8] chạy tuốt.
[1] Người Trung hoa sống ở Việt Nam
[2] loại cây chanh, còn được gọi là cam quất.
[3] loại kiểng lá tròn quãng đầu ngón tay, trái chín có vị ngọt
[4] (sapotier), loại cây ăn trái du nhập từ Java
[5] (anquette), điều tra
[6] rụt rè
[7] rộng rãi, ngăn nắp
[8] (souffler), thổi gió như thụt ông bễ của thợ rèn)
Lê Trường Sanh đứng thông ngôn cho quan chủ tỉnh, tổng làng thảy đều kiêng nể, bởi vậy hai người ra tranh cử người nào cũng đến cậy giúp lời giùm. Trường Sanh đã không chịu giữ cử chỉ trung lập, mà lại còn chường mặt đi lo giùm Võ Hạo Nhiên, ép làng phải theo ý mình, rầy tổng sao không sốt sắng.
Đến ngày tuyển cử, Võ Hạo Nhiên ở Long-xuyên tuy được thăm nhiều, song ở Châu-đốc, Rạch-giá, Hà-tiên đều sút thăm Lê Huấn Hữu xa lắm, bởi vậy Lê Huấn Hữu đắc cử.
Lê Huấn Hữu không nhờ thừa sai tỉnh Long-xuyên mà cũng được làm Hội đồng Quản hạt, bởi vậy khi lãnh chức rồi muốn cho dân Long-xuyên biết oai thế của mình, nên đi Sài-gòn làm sao không biết mà quan trên chạy giấy rút thầy Lê Trường Sanh về làm việc tại dinh Thượng thơ.
Thầy thông Phong oán hận Trường Sanh mà không dám ra sức rửa hờn. Nay thình lình người ta làm cho Trường Sanh bị đổi, thầy lại khoái chí vui lòng. Cái thái độ ấy thiệt là thấp hèn, nhưng vì thầy không phải là người cao kiến, bởi vậy sự vui mừng của thầy lộ ra ngoài cho đến mọi người đều thấy rõ hết thảy.
Cách chẳng mấy ngày quan Chánh chủ tỉnh lại giao cho thầy coi thâu đơn khẩn đất và coi phát bài vĩnh viễn. Thầy vẫn biết tỉnh Long-xuyên đất hoang còn nhiều, nếu được lãnh coi sở nầy thì dễ làm giàu như chơi. Tuy vậy mà thầy không thạo việc, chưa hiểu lề luật lại cũng chưa quen tổng làng, bởi vậy thầy bợ ngợ không biết nói thế nào mà ăn tiền cho được.
Thầy thấy lúc nầy thầy đi hầu, có một hai người lột khăn xá thầy. Thầy lấy làm đắc ý, tưởng là thầy đã thế vị cho Trường Sanh được rồi.
Chiều bữa nọ, ăn cơm rồi, thầy mới rủ thầy ký Hậu xuống nhà bà Hương quản Viện mà chơi. Bà Hương quản vừa thấy thầy bước vô thì bà cười ngất và nói rằng:
- Dữ hôn! Mấy tháng nay tôi mới thấy mặt thầy thông! Thế khi thầy Trường Sanh cấm thầy, nay thầy đổi đi rồi nên thầy mới dám xuống đây chớ gì, phải hôn?
Bà nói chơi, mà thầy có tịt riêng nên thầy nhột nhạt. Đã vậy mà thầy thấy cô Diệu Anh đứng trong cửa buồng lấy khăn che miệng mà cười, thì thầy càng hổ thẹn, bởi vậy thầy trả lời ú ớ, nghe không được, ngồi chơi chưa đầy mười phút đồng hồ, rồi từ bà Hương quản mà về. Từ đó về sau thầy không chịu xuống xóm Cái-sơn chơi nữa, dầu ai rủ cho mấy thầy cũng không đi.
Ông Lê Huấn Hữu được làm Hội đồng Quản hạt rồi, thì ông chẳng lo việc chi gấp cho bằng viêc khẩn đất. Bởi vậy có người điềm chỉ nên ông vào đơn xin khẩn hai sở đất lớn ở tỉnh Long-xuyên. Ông nghe nói thầy thông Phong coi về đất khẩn, nên ông tìm đến nhà mà làm quen rồi mượn thầy làm giấy tờ giùm cho ông cho mau.
Thầy thông Phong thấy cái gương Lê Trường Sanh vì nghịch với ông Hội đồng mà bị đổi thì thầy giựt mình, bởi vậy thầy rán lo công việc cho ông Lê Huấn Hữu không dám trễ nãi.
Lê Huấn Hữu khẩn được hai sở đất rồi, bữa nọ có dịp xuống Long-xuyên mới ghé nhà thầy thông Phong rồi lại mời thầy ra nhà hàng mà ăn cơm. Thầy được ăn cơm với ông Hội đồng Quản hạt thì thầy đắc ý chẳng có chi bằng. Mà chừng ăn cơm rồi nghe ông Hội đồng Quản hạt mời thầy khi nào có lễ nghỉ vài ngày lên Châu-đốc chơi một chuyến cho biết nhà ông, thì thầy lại càng đắc ý hơn nữa.
Thầy về nhà thầm nghĩ, nhỏ mà làm quen với mấy ông lớn mới cậy nhờ được, chớ chơi với kẻ thấp hơn mình thì không ích lợi gì, bởi vậy về sau thầy ít muốn tới lui chơi với mấy thầy trong tỉnh, đêm nào có buồn thì thầy đến nhà quan Phủ thăm ngài mà thôi, đến đó bẩm dạ mà thầy vui hơn là nói chuyện với người khác.
Gần tới lễ Sanh nhựt (lễ Chúa giáng sinh, lễ Noël, c.t. riêng) có giấy quan trên cho ba ngày nghỉ, thầy nhứt định lên Châu-đốc chơi, nên đánh dây thép cho ông Hội đồng Hữu hay trước rồi xuống tàu mà đi Châu-đốc.
Thầy đi tàu chệc[1], nên tới Châu-đốc lối hai giờ chiều. Ông Hội đồng có cho người gia dịch ra đón cầu tàu rước thầy về nhà.
Khi thầy bước vô, ông Hội đồng mừng rỡ, hối đứa ở lấy rượu đãi thầy và hỏi thăm việc đất cát lăng xăng. Ăn cơm chiều rồi ông Hội đồng mới dắt thầy đi dạo chợ chơi.
Qua ngày sau ăn cơm sớm mai rồi, ông Hội đồng lại rủ thầy xuống ghe đi với ông qua thăm anh rể của ông là Cai Tổng Hồng Văn Luông ở bên Phú-hội.
Ghe tới bến thì đã gần ba giờ chiều. Thầy thông Phong dưới ghe bước lên cầu mát, dòm thấy một toà nhà lầu đồ sộ trước mặt, thầy choá con mắt, nên đứng ngó sửng. Ông Hội đồng bước lên vỗ vai thầy mà nói rằng:
- Nhà anh Tổng tôi đây. Đi vô chớ.
Ông Hội đồng đi trước, thầy nối gót theo sau. Bước vô khỏi cửa ngõ sắt rồi mới tới một cái sân lớn, chính giữa sân có trồng một bồn bông tây thiệt đẹp, lại dọc theo đường đi hai bên có để chậu kiểng đủ thứ, kim quít[2], cằn thăn, xen lộn với cau lùn, bùm sụm[3], chậu nào cũng lớn cây nào cũng tươi. Ngoài hai hàng kiểng ấy thì là cây trái sum sê, nào mận, nào cam, nào ổi bồ đào, nào sa bô chê[4], nào mảng cầu xiêm, nào mít miền dưới, chẳng thiếu thứ nào hết. Trước thềm nhà lại có xây một cái hồ lớn, giữa hồ có xây một hòn non giả, dưới nước cá lội vởn vơ, trên non cây mọc lố xố, trông ra thiệt là phong lưu thú vị vô cùng.
Thầy thông Phong mới thấy ngoài sân mà trong bụng thầy đã khen thầm rồi chừng bước vô nhà thầy thấy ghế bàn tủ ván món nào cũng tốt lộng lạc, thuở nay thầy chưa thấy nhà ai đẹp bằng, thì thầy kinh tâm nên đứng ngó dáo dác, coi bộ bợ ngợ lắm. Ông Hội đồng thấy nhà vắng teo bèn hỏi rằng:
(….thiếu câu hỏi)
Bỗng nghe phía sau có tiếng dạ, mà lại nghe có tiếng giày ở trên lầu đi xuống thang. Ông Hội đồng ngồi tại ghế giữa rồi chỉ cái ghế khác để ngang đó mà mời thầy thông ngồi.
Thầy thông vừa ngồi thì thấy một cô độ chừng mười bảy, mười tám tuổi, da trắng, môi son, y phục toàn lụa trắng, ở trong cửa buồng bước ra xá ông Hội đồng mà chào rằng: “Thưa cậu, mới vô”, rồi lại ngó thầy thông Phong và cúi đầu chào.
Cô nầy là Hồng Như Hoa con gái của ông Cai Tổng Hồng Văn Luông.
Ông Hội đồng hỏi cô rằng:
- Có anh Tổng và chị Tổng ở nhà hay không?
Cô Hồng Như Hoa cười và đáp rằng:
- Thưa ba với má cháu đi vô trong ruộng.
- Bất nhơn dữ hôn; đi hồi nào?
- Thưa đi hồi khuya.
- Vậy mà tao cứ tưởng có anh Tổng ở nhà, nên sẵn dịp có thầy thông ở dưới Long-xuyên lên thăm, tao dắt thầy qua chơi chớ. Anh Tổng có nói chừng nào về hay không?
- Thưa, ba cháu nói đi chiều nay về, bởi vì mai còn mắc đi ăn kết[5] trong làng nào đó không biết.
- Chắc ảnh về hay không?
- Thưa chắc, bởi vì ba với má cháu dặn chờ về rồi sẽ ăn cơm.
Ông Hội đồng day qua nói với thầy thông Phong rằng:
- Không lẽ qua đến đây rồi bỏ đi về. Thôi, chờ ảnh về đặng tôi nói chuyện chơi. À thầy biết bắn hay không? Như muốn đi bắn chim chơi thì lấy cây súng của tôi đó, rồi biểu bầy trẻ nó dắt cho mà đi.
Thầy thông Phong không biết bắn súng, song nếu chịu thiệt trước mặt cô Như Hoa thì sợ cô cười, nên lắc đầu nói tránh rằng:
- Trời nắng quá, thôi để ở nhà chơi.
Mấy đứa chèo ghe xách súng và ôm áo mưa của ông hội đồng lên. Kẻ trong nhà cũng lăng-xăng lít-xít, đứa quét ván lau bàn, đứa bưng trà lấy thuốc.
Cô Như Hoa đi ra đi vô mà sai khiến tôi tớ như thường, chớ không phải cô thấy có thầy lạ mà cô bợ ngợ như con gái khác.
Ông Hội đồng cởi áo nằm nghỉ. Thầy nói thầy không mỏi mệt, nên bước ra đứng trước cửa coi kiểng chơi, ông Hội đồng cởi áo thay giày rồi nằm ình trên ván.
Chừng thầy trở vô thì ông Hội đồng đã ngủ ngáy khò khò. Thầy thấy có mấy khuôn hình treo trên bàn viết dựa cửa sổ, thầy mới đi lần lại đó mà coi. Thình lình cô Như Hoa bước ra và cười nói rằng:
- Ủa! Cậu Hội đồng ngủ rồi. Hồi hôm thức khuya quá sao mà?
Thầy thông day lại nói rằng:
- Hồi hôm ông Hội đồng thức nói chuyện chơi với tôi quá mười hai giờ khuya rồi mới ngủ.
Thầy và nói và đi lần lại bàn giữa lấy một điếu thuốc đốt mà hút. Còn cô Như Hoa thì ngồi ghế xích đu để gần trước bàn thờ.
Thầy liếc ngó cô thì thấy cô đã bới tóc láng nhuốt, chớ không phải để đầu bùi nhùi như hồi mới vô vậy nữa. Thầy ngó kỹ lại thấy cổ cô đeo một sợi dây chuyền nhỏ, mà tai có đeo một đôi bông hột xoàn lớn, tay cô đeo ba chiếc cà-rá, cũng nhận hột xoàn; tuy miệng rộng môi mỏng, trán thấp, mắt lươn, song tướng mạo dong dải, tay chơn dịu dàng, coi phải điệu con gái nhà giàu lắm.
Thầy đương liếc cô, thình lình cô day ra ngó thầy mà hỏi rằng:
- Thầy ở dưới Long-xuyên phải hôn?
- Phải, tôi làm thông ngôn tòa bố dưới Long-xuyên.
- Thầy đi lên trên nầy chơi hay có việc chi?
- Ông Hội đồng mời hoài nên tôi lên thăm ông chơi chớ có việc chi đâu.
- Ừ! Phải rồi. Tôi nghe cậu Hội đồng tôi có khẩn dất ở dưới Long-xuyên, có lẽ khi cậu xuống dưới thường nên quen với thầy phải hôn?
- Phải.
- Đất ở dưới tốt hay không vậy thầy?
- Chắc là không bằng đất trên nầy. Không biết ông Cai ở nhà đây mỗi năm góp lúa chừng bao nhiêu vậy cô?
- Phần của ba tôi góp chừng năm sáu chục ngàn giạ. Còn đất của anh hai tôi ở bên Hồng-ngự ảnh góp hai ba chục ngàn gì đó không biết.
- Giàu lớn dữ há! Ông Cai có mấy người con?
- Có hai người con, anh hai tôi với tôi đây mà thôi.
Hai người nói chuyện tới đó, bỗng đâu ông Hội đồng trở mình và tằng hắng, làm cho hai người lặng thinh không nói nữa. Thầy thông đứng dậy lại cửa sổ mà ngó ra vườn. Cô Như Hoa đi ra nhà sau, rồi nghe có tiếng cô khoát nạt tôi tớ om sòm.
Cách chẳng bao lâu ông Hội đồng thức dậy, rửa mặt rồi kế ghe của vợ chồng ông Cai Tổng về tới.
Ông Cai Tổng tuổi chừng năm mươi, mà vì ông có bịnh hút nên ông ốm, coi bộ ông già. Ông không có râu mà tóc đã điểm bạc hoa râm. Ông ít nói mà hễ nói thì chậm rãi, dường như đếm từng tiếng, cân từng lời. Còn bà Cai Tổng thì mập mạp, phục phịch, đã hay nói hay rầy, mà tiếng nói lại rổn rảng, nên từ tôi tớ trong nhà đến làng dân trong tổng ai cũng kiêng sợ bà.
Hai vợ chồng ông Cai Tổng về tới bến, thấy ghe của ông Hội đồng Quản hạt đậu đó thì lật đật đi riết vô nhà; anh em gặp nhau chào hỏi coi bộ vui vẻ lắm. Ông hội đồng tiến dẫn thầy thông Phong thì vợ chồng ông Cai Tổng cũng chào hỏi niềm nở tử tế.
Ăn cơm rồi, ông Cai Tổng biểu gia dịch dọn mâm hút lại bộ ván lớn phía bên tay mặt rồi mời khách lại nằm hút với ông đặng nói chuyện chơi. Ông Hội đồng nằm ngang với ông Cai Tổng lâu lâu hút một điếu, còn thầy thông thì thú thiệt rằng thầy không biết hút, nên thầy nhắc ghế ngồi gần đó mà coi và nói chuyện chơi.
Hai ông nói chuyện với nhau, Chẳng hề nghe luận việc chi ích nước lợi dân, hoặc tính việc chi có nhơn có nghĩa, chỉ lo mưu mà mua đất cho rẻ, hoặc lập thế giựt đất của dân mà thôi. Nói một hồi rồi ông Cai Tổng hỏi thăm thầy thông coi ở dưới Long-xuyên còn sở đất nào trống hay không, đặng ông gởi đơn xin khẩn.
Thầy thông thấy ông giàu lớn ỷ mạnh, trong ý muốn làm ơn cho ông, nên tuy không thạo việc khẩn đất cho lắm, song cũng hứa bướng rằng để về ông hỏi dọ cho chắc rồi sẽ viết thơ cho ông biết.
Bà Cai Tổng ngồi bộ ván phía bên kia, bà cũng xen vô mà nói chuyện vang rân. Cô Như Hoa ngồi một bên bà, cô cũng nói thong thả chẳng ké né[6] chút nào hết.
Chừng thầy thông bước lại bàn giữa rót nước uống, bà Cai Tổng mới hỏi thăm thầy mấy tuổi, có vợ hay chưa, gốc ở đâu, cha mẹ còn đủ hay không. Bà hỏi đâu thì thầy nói đó, cứ tỏ thiệt không giấu chi hết. Lúc thầy nói thì cô Như Hoa ngó thầy trân trân, nhưng vì đứng trước mặt bà Cai Tổng không dám liếc, nên thầy không thấy sự ấy.
Lối mười giờ, cô Như Hoa lên lầu mà ngủ. Thầy thông mới lại ván mà nằm; vì đêm trước thầy thức khuya lại trưa thầy không nghỉ, nên mệt mỏi nằm nghe nói chuyện một hồi rồi thầy ngủ quên.
Sáng hôm sau ông Hội đồng với thầy thông Phong xuống ghe mà về. Hai vợ chồng ông cai Tổng với cô Như Hoa đều đưa tới cầu mát. Ghe đã dang ra rồi mà ông Cai Tổng còn kêu vói thầy thông mà dặn kiếm dùm đất ở dưới Long-xuyên đặng cho ông xin khẩn.
Về dọc đường ông Hội đồng nói chuyện với thầy thông thì cứ khen ông Cai Tổng Luông giàu lớn, khen ông trị dân khôn khéo, khen ông bụng dạ rộng rãi. Chừng ghe về tới nhà, hai người sửa soạn bước lên, ông Hội đồng lại vỗ vai thầy thông mà nói rằng:
- Nầy, tôi mới nghĩ một việc ngộ lắm. Thầy muốn vợ hôn?
Thầy thông chưng hửng, nên mắt ngó ông Hội đồng trân trân, không biết trả lời thế nào.
Ông Hội đồng cười mà nói tiếp rằng:
- Tôi hỏi thiệt chớ không phải giả bộ đâu. Nếu thầy muốn kiếm vợ thì tôi nói với anh Tổng tôi đặng ảnh gả con cháu tôi cho thầy. Từ hôm qua đến nay thầy qua nhà chơi, thầy thấy con cháu tôi rõ ràng, nó dễ coi, chớ không lịch sự cho lắm, mà cưới vợ kiếm gái xinh đẹp làm chi, vợ xấu là vợ của mình. Nó có học trên Nữ học đường ba bốn năm, nó nói tiếng tây khá quá. Tôi mới quen biết thầy mấy tháng nay, mà tôi thấy tánh nết thầy tôi thương, nên tôi tính như vậy đặng gần gũi nhau chơi. Thầy nghĩ thử coi được thì tôi làm mai giùm cho.
Thầy thông Phong tuy trong trí thường mơ ước cưới vợ giàu, theo như lời cha mẹ dạy, song vô đến nhà Cai Tổng Luông, thầy thấy nhà cửa kinh dinh[7] thầy choá mắt, thầy thấy cô Như Hoa đeo hột xoàn thầy kinh tâm, thầy nghe chủ nhà giàu, số huê lợi mỗi năm đến năm bảy chục ngàn thầy khiếp sợ, nên thầy chẳng hề dám ước cho được vào làm rể một nhà như vậy bao giờ. Nay thình lình nghe mấy lời của ông Hội đồng chẳng khác nào nằm chiêm bao, bởi vậy thầy biến sắc rồi ú ớ rằng:
- Ông thương tôi cám ơn ông quá...Nếu được như vậy thì tôi cám ơn ông lắm..Mà tôi sợ...không biết con ông Tổng có ưng tôi hay không?
Ông Hội đồng kéo tay biểu thầy bước lên trước, rồi ông theo sau mà nói rằng:
- Không hại gì đâu, để tôi tính cho. Thầy đừng lo.
Ngày ấy thầy thông Phong cứ nằm mà tính hoài, nửa mừng nửa lo, không muốn nói chuyện, mà cũng không chịu đi chơi. Tối lại, lối mười giờ thầy từ ông Hội đồng xuống tàu mà về. Ông Hội đồng đưa ra tới cầu tàu. Lúc tàu gần mở dây, ông nói với thầy rằng:
- Chuyện đó để tôi nói lại với anh Tổng và chị Tổng tôi rồi tôi gởi thơ cho thầy hay. Còn thầy hỏi dọ dùm tôi có miếng đất nào trống thì thầy cho tôi hay liền nhé.
Thầy thông dạ rồi kế tàu súp-lê[8] chạy tuốt.
[1] Người Trung hoa sống ở Việt Nam
[2] loại cây chanh, còn được gọi là cam quất.
[3] loại kiểng lá tròn quãng đầu ngón tay, trái chín có vị ngọt
[4] (sapotier), loại cây ăn trái du nhập từ Java
[5] (anquette), điều tra
[6] rụt rè
[7] rộng rãi, ngăn nắp
[8] (souffler), thổi gió như thụt ông bễ của thợ rèn)
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!