Băn khoăn - Chương 16 (Khái Hưng)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
04/07/2019 12:41:52 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Băn khoăn - Chương 17 (Khái Hưng) (Văn học trong nước)
- * Băn khoăn - Chương 18 (Khái Hưng) (Văn học trong nước)
- * Băn khoăn - Chương 15 (Khái Hưng) (Văn học trong nước)
- * Băn khoăn - Chương 14 (Khái Hưng) (Văn học trong nước)
Từ đó thường thường Cảnh lại chơi với Hoằng. Và chẳng bao lâu hai người thiếu niên đã trở nên một cặp bạn thân. Hoằng tính tình ngay thẳng, giản dị, dễ tin, không để ý ngờ vực hay đã quên hẳn hành vi và cử chỉ và ngôn ngữ của Cảnh ở trước mặt một cô em họ xinh đẹp. Chàng yên trí rằng Cảnh chỉ vì yêu mến mình mà đến chơi. Cảnh cố làm cho Hoằng tưởng thế. Mỗi lần đến, chàng đi thẳng lên phòng Hoằng; cái thang gác chia nhà ra làm hai phần cách biệt hẳn nhau.
Rồi một hôm không xa, tình cờ Hảo vào phòng Hoằng bắt gặp Cảnh ở đó. Nàng mời Cảnh xuống phòng khách. Bà Án ngồi phá trận trên sập, niềm nở tiếp chàng. Hảo nói với mẹ:
- Mẹ ạ, anh Cảnh lại chơi anh Hoằng luôn mà con không biết.
Bà Án hỏi:
- Ông Cảnh đã làm gì chưa nhỉ?
- Bẩm bà lớn chưa ạ.
- Ngồi rồi cũng buồn. Hay xin đi dạy học với Hoằng cho vui.
- Vâng, để con xem.
Bà Án chợt nhớ lại Cảnh đánh mạt chược bữa nọ và như lo lắng sợ hãi vẩn vơ. Bà liền hỏi:
- Thế nào, bao giờ... ông... cử cưới vợ?
- Bẩm con cũng chưa biết bao giờ.
Dứt lời, ngẫu nhiên chàng quay lại nhìn Hảo, và thấy Hảo mỉm cười, chàng cũng mỉm cười. Chàng cho cái mỉm cười chung ấy ngụ một tư tướng bất chính ở trong. Và chàng thấp thỏm sung sướng.
- Ông cử đánh mạt chược hẳn đã cao rồi chứ?
- Thưa cô cũng khá, cũng tàm tạm được.
Bà Án phỉnh một câu:
- Đến văn chương, luật pháp khó thế nào còn học được nữa là đánh mạt chược.
- Bẩm về môn mạt chược thì không bao giờ con dám quên ơn thầy.
Bà Án ngơ ngác:
- Thầy nào thế?
Cảnh trỏ Hảo:
- Đây ạ, thầy dạy mạt chược của con đấy ạ. Chính con đã được thầy khai tâm cho hôm chủ nhật mười ba tháng một Tây.
Hảo hơi lo lắng về cái giọng có vẻ quá tự do của Cảnh. Nàng thấy Cảnh có thể liều lĩnh được. Nên nàng nghiêm ngay sắc mặt lại, và lạnh lùng nói:
- Mời ông ngồi chơi.
Bà Án thì đã tóm được một chân mạt chược mới. Bà vui mừng, sung sướng không để ý đến một điều gì khác nữa. Bà chỉ nghĩ làm thế nào giữ chặt lấy con người quý hóa ấy để cho khỏi trốn thoát, thế thôi. Từ ngày đến ở Hà Nội bà thường phàn nàn: "Cứ tưởng ở nơi đô thị phồn hoa thì dễ tìm được chân tổ tôm, mạt chược, hơn ở nhà quê và tỉnh nhỏ. Sự thực đã trái ngược hẳn thế".
Bà bảo Hoằng:
- Anh giáo ạ. Hôm nay thứ năm anh nghỉ. Hay mời cậu cử ở đây xơi cơm rồi đánh mạt chược. Cậu cử không bận gì.
Đối với Cảnh cảm tình của bà đã tăng lên, và đã đi từ tiếng ông xa cách tới tiếng cậu thân mật. Cảnh nhận lời.
- Thế thì tốt lắm. Vậy Hảo xuống bảo làm cơm nhé. Đánh hội mạt chược rồi ăn thì vừa vặn. Đánh nhỏ thôi mà, cậu cử ạ, chả ai định bóc lột cậu đâu mà cậu sợ.
Hảo cười nhìn Cảnh:
- Có bóc lột cũng chẳng sao. Không bóc lột con một ông triệu phú thì bóc lột ai?
Cảnh cũng cười đáp lại:
- Nhưng đời thực tế thường luận chứng rằng bóc lột người nghèo rất dễ, còn bóc lột những ông triệu phú và con những ông triệu phú lại là một việc khó khăn và nguy hiểm.
- Được! Rồi sẽ biết.
Hảo định ám chỉ rằng thế nào Cảnh cũng sẽ thua mạt chược thế thôi, nhưng chợt nghĩ lại, nàng thấy câu nói của nàng có một ý nghĩa rộng hơn, và không được đẹp, và nàng nóng bừng cả mặt. Hoằng tính nết thực thà, vội phân trần hộ Cảnh:
- Anh Cảnh nói đúng lắm. Tôi có biết một người, con một nhà cự phú, mà lại một nhà cự phú đã khuất, thế mới đáng ghê. Anh chàng học thức hẹp nhưng chơi rất rộng. Trong đám bạn có nào văn sĩ, họa sĩ, nào bác sĩ, kiến trúc sư. Có mấy người bạn thân thường thường đi lại chơi bời với anh ta. Ai cũng bảo bọn kia lợi dụng tình bè bạn, nhất là người ta lại thấy họ ngồi ô tô kính của ông nhà giàu trẻ tuổi. Ngờ đâu lại chính ông nhà giàu trẻ tuổi lợi dụng bọn họ.
Cảnh tò mò hỏi và nhân thể trêu Hảo vì thấy nàng đưa mắt ra hiệu bảo Hoằng mãi, mà Hoằng vẫn vô tình cứ kể.
- Anh nhà giàu trẻ tuổi lợi dụng bạn bằng cách nào?
- Chẳng hạn xin anh này bức tranh sơn, xin anh kia cái kiểu nhà. Còn các bạn bác sĩ thì chả bao giờ lấy được của hắn một đồng xem mạch cho đơn.
Muốn tránh khỏi ngượng cho Hảo - vì chàng cho Hảo ngượng về nỗi người anh họ đã vô tình đụng tới cái xã hội cự phú của chàng - Cảnh cất tiếng cười rất tự nhiên và bảo Hoằng:
- Có phải không anh, bóc lột một nhà cự phú khó lắm chứ.
Bà Án chấm dứt câu chuyện:
- Thôi! Đi đánh mạt chược chẳng hết cả thời giờ.
Hôm ấy mãi gần tối Cảnh mới về nhà ăn cơm chiều.
Oanh hỏi đi đâu, chàng nói dối rằng ra ngoại ô, đến chơi một nhà người bạn và bạn giữ lại ăn cơm sáng rồi đánh tổ tôm.
Dứt lời, chàng hối hận ngay. Chàng cho không cần phải giấu diếm em, và chàng có thể thuật lại hết những sự đã xảy ra ở nhà bà Án.
Sự thực, cũng chưa có điều gì đáng giấu diếm, ngoài cái dã tâm của chàng. Chàng thấy Hảo vẫn thẳng thắn, vần đường hoàng chững chạc, tuy có cảm tình với chàng hơn trước. Và chàng đoán tình cảm ấy thực ra còn sâu xa hơn, nếu có thể lột được cái mặt nạ xã giao mà không mấy lúc nàng chịu rời bỏ.
Phải, nàng khéo léo và thông minh. Khó lòng mà đoán rõ được thâm tâm của nàng, và Cảnh ghen tuông nghĩ thầm: "Không biết khi tiếp tất cả những bạn bè khác của Hảo hay của Hoằng, Hảo có tỏ cảm tình thân mật như khi tiếp mình không?" Chàng như nghe thấy câu trả lời "có" kèm theo một nhịp cười ròn, nhịp cười của Hảo.
Chàng nghĩ tiếp đến cha, mà từ bữa tiệc ở nhà bà Án chàng vẫn cố quên đi. Nhưng chàng không còn dám tự hỏi câu đã thường làm chàng bán khoăn nữa: "Có thực cha định lấy Hảo làm vợ không?". Bây giờ câu ấy không có nghía gì đối với chàng, hơn thế, nó không bao giờ hiện thành hình ở trong tâm tư chàng. Cha chàng đi vắng xa. Chàng không mấy khi gặp mặt để nhìn thấy cặp mắt mà chàng cho là đã trở nên nghiêm khắc đối với chàng. Như thế đủ cho chàng lắm rồi... Chàng muốn đi thẳng tới đích, để theo đuổi một cái gì đó, và không đưa mắt nhìn sang hai bên. Hình ảnh trừu tượng ấy còn chưa được đúng, chàng như con đà điểu rúc đầu vào cát để khỏi nhìn thấy nguy hiểm xung quanh. Vì động ngửng đầu nhìn lên, nhìn ra xa một chút thôi, chàng đã thấy nguy hiểm vây bọc lấy mình chàng. Đừng vội cho rằng người thiếu nữ chàng đương say mê theo đuổi sẽ có thể trở nên dì ghẻ chàng. Hãy nói ngay Lan Hương, người thiếu nữ mà chàng khổ sở cầu cạnh mãi mới được nàng nhận lời, bây giờ chàng có đủ can đảm bỏ rơi được không? Giọt lệ trắc ẩn chỉ chực ứa ra, và để khỏi cảm động không đâu, chàng phải cố tự trấn tĩnh: "Rồi đâu có đó, và đã xảy ra việc cỏn con gì khiến mình hối hận đâu? Mọi cái cứ để mặc đời trôi đi là hơn hết. Theo cái triết lý huyền bí của anh Hoằng thì việc phải xảy ra như thế nào cũng sẽ xảy ra; như thế, chỉ còn ngồi mà nhìn hay chịu lấy, chứ có tài thánh cũng xoay không ra thế nào được". Tự nhiên chàng đem lòng yêu mến Hoằng hơn nữa. Chàng thấy Hoằng thông minh, học rộng, biết nhiều, thấu đáo hết lẽ sống của loài người và vũ trụ. Loài người cũng như vũ trụ đã có một đời định trước, ăn ngàm ăn đố, từng tí từng ly trong các luật định vật lý bao quát khắp hàng triệu thế gian ở không trung.
Khổ sở nhất cho Cảnh là trong khi hầu như mất hết ý chí, trong khi chàng sống như trôi theo dòng nước, không muốn cưỡng lại, không bó bíu vào một vật gì để đứng lại, thỉnh thoảng chàng lại phải bắt buộc nghĩ tới bổn phận, vì hai ba ngày chàng lại nhận được thư của Lan Hương mà chàng cố trả lời cho thực thân mật, thực âu yếm, thân mật âu yếm hơn cả thời kỳ chàng còn đương say đắm nàng. Mỉa mai hơn nữa, có lần giữa lúc đương moi hết những lời nồng nàn ra phúc đáp vị hôn thê, chàng nhận được mấy chữ của Hoằng mời lại đánh mạt chược, chàng liền bỏ giở thơ đấy, đi ngay.
Đánh mạt chược nay là một lạc thú của chàng hầu thành một thị hiếu. Chàng đã cao hơn trước, đã bớt thua hơn trước. Nhưng thua, được không phải là điều đáng kể. Điều đáng kể là được gần Hảo. Chàng lờ mờ nhận thấy rằng sở dĩ bà Án chóng có cảm tình với chàng là chỉ vì chàng thua hết canh này đến canh khác và thua một cách vui vẻ, hả hê. Vậy sao không cứ thua mãi để được bà cho tìm mãi đến đánh mạt chược? Đã có lần chàng ngẫu nhiên nghĩ tới câu tục ngữ: "Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu". Nhưng chàng lấy làm thẹn ngay về tà tâm của mình.
Dẫu sao, Cảnh cũng đã được lòng tin của bà Án rồi. Và thường thường bà đã mời chàng cùng đi xem chiếu bóng với bà, và Hảo và Hoằng. Lần nào bà cũng dặn Cảnh mời hộ cả Oanh nữa, nhưng Cảnh cố ý quên, hay bịa đặt ra rằng em bận và gửi lời xin lỗi. Cảnh tránh không cùng đến vòng đua ngựa với gia đình bà Án, song, bao giờ Hảo cũng gặp chàng ở đó. Sự ngẫu nhiên ấy thực ra chỉ là một sự tính toán: Cảnh biết rằng cha rất có thể từ đồn điền tới thẳng vòng đua ngựa và họa hoằn cha vẫn về Hà Nội đón gia đình bà Án đi đánh mạt chược vào buổi sáng chủ nhật. Chàng đã bắt đầu ngơm ngớp sợ cha. Xưa nay chàng hầu như một người bạn, luận việc đời với cha mà còn vì cha bài trí nhiều cuộc chơi vui, hoặc ở Hà Nội, hoặc ở đồn điền, hoặc ở một vùng đồi núi nào đó. Trong những nơi hội họp vui ấy ít khi thiếu phụ nữ và đó không phải là một cớ có thể làm mất tự nhiên trong tình phụ tử. Những chỗ quen biết đều cho hai cha con ấy là kỳ dị, là quá nhẹ dạ.
Nhưng lần này tự nhiên đã mất, ngờ vực đã nhóm, một ngày mọt ăn sâu mãi vào hai tâm hồn. Và hai cha con cùng cố ý tránh mặt nhau không những chỉ ở nhà bà Án mà ở ngay chính nhà mình.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!