Cay đắng mùi đời - Chương 6 (Hồ Biểu Chánh)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
04/07/2019 12:43:52 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Cay đắng mùi đời - Chương 7 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cay đắng mùi đời - Chương 8 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cay đắng mùi đời - Chương 5 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cay đắng mùi đời - Chương 4 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Thầy Ðàng dắt thằng Ðược lên chợ Mỹ Tho rồi tìm đến nhà quen mà tá túc. Thầy bị trong chốn lao tù trót một tháng trường ăn uống thất thường nên thầy thấy trong mình không được mạnh; mà vừa ra khỏi khám liền phải ngồi xe hơi lên Vĩnh Long rồi đi tàu mà xuống Mỹ Tho nữa, bởi vậy thầy mệt đuối. Ðêm ấy thầy ngủ đậu tại nhà thầy Sung làm việc Trạng sư, thì thầy nóng lạnh nằm mê man không biết chi hết, còn thằng Ðược một là nhớ con Liên, hai là tiếc không được theo bà Hội đồng nên nằm trăn trở hoài không ngủ được.
Rạng ngày thầy Ðàng ráng đi ra chợ kiếm tiệm thuốc của khách trú vô mà cầu thầy xem mạch hốt thuốc đem về sắc uống. Lúc thầy ra đi thì thằng Ðược lén chạy xuống dưới đầu câu quây dòm coi ghe bà Hội đồng còn đậu đó hay không. Nó thấy không có ghe đậu đó nữa mới lần bước trở về, ngoài mặt buồn xo trong lòng như dao cắt.
Thầy Ðàng uống bốn năm thang thuốc thì hết nóng lạnh, nhưng mà trong mình còn mệt mỏi, tay chơn bải hoải, lại ăn cơm không biết ngon. Thầy muốn ở đậu ít ngày đặng dưỡng bịnh, song thấy vợ thầy Sung không được vui, chồng có ở nhà thì bình an, hễ chồng xách dù đi làm việc thì mắng chửi chó mèo, la rầy tôi tớ om sòm, thầy nằm nghỉ không được, nên thầy từ giã rồi dắt thằng Ðược ra đi, tính lên Sài Gòn kiếm thầy giáo Hai, là bạn thiết của mình ngày xưa, đặng gởi thằng Ðược cho nó đi học, còn mình thì dạy đờn kiếm tiền may áo quần mua sách vở cho nó. Ra đến nhà giấy xe lửa thầy nhớ sực thầy có quen với một thầy Hội đồng ở Bến Lức, khi trước có hứa giúp vốn cho thầy làm ăn, mà từ ấy đến nay thầy không nghe tin tức, nên tính ghé lại đó trước viếng thăm sau ở đậu ít ngày mà dưỡng bịnh, chớ trong mình chưa thiệt mạnh, nếu lên Sài Gòn thì ở đậu nhà nào cũng chật hẹp, không thong thả được. Thầy tính như vậy nên mua giấy đi Bến Lức.
Xe lửa lên tới Bến Lức đã hơn ba giờ chiều. Thầy với thằng Ðược xách đồ vô nhà thầy hội đồng. Bước vô nhà thấy có bàn thờ tang thì trong lòng thầy đã nghi rồi; chừng vợ thầy Hội đồng ra chào hỏi rồi nói chồng đã tỵ trần cách ba tháng trước thì thầy chưng hửng. Thầy hỏi thăm rồi nằm nghỉ; đến chiều vợ thầy Hội đồng dọn cơm cho thầy ăn, rồi thầy nghĩ nhà người ta góa chồng, mình quen là quen với chồng chớ không quen với vợ, nếu ở đây thì chẳng tiện, nên thầy tính đón chuyến xe lửa chót mà lên Sài Gòn. Thầy tử giã ra đi, đi gần tới nhà giấy thì nghe xe lửa xúp-lê rồi chạy rầm rầm. Thầy với thằng Ðược lật đật chạy, mà chạy không kịp, ra tới nhà giấy thì xe đã chạy mất.
Thầy Ðàng để va-li xuống đất đứng mà suy nghĩ, nếu trở lại xin ở đậu một đêm thì chẳng tiện, mà nếu đi bộ thì đường thiệt xa. Thầy nhớ đêm ấy là đêm mười bốn có trăng, mà thầy xem trời thì trời trong mát mẻ lắm nên thầy mới nhứt định xách đồ đi bộ lên Chợ Lớn. Lên tới Gò Ðen thì trời đã tối, phía trời đông trăng mọc đỏ lòm, nơi xóm bắc đèn chong leo lét. Thằng Ðược đi trước thầy đi theo sau, hai bên đường nghe uệt oạc tiếng ếch kêu, thầy sợ thằng Ðược buồn, thầy mới kiếm những chuyện khôn dại ở đời mà dạy bảo.
Ði gần hết canh hai lên mới tới An Lạc. Trên trời mây đen vần vũ che án mặt trăng hết tỏ như hồi đầu hôm. Thầy Ðàng bèn nói rằng: "Ði riết đi con, trời chuyển mưa, đi riết lên Chợ Gạo như có mưa thì mình kiếm chỗ mà đụt". Thầy trò đi còn hơn ba ngàn thước nữa mới tới Chợ Gạo thình lình trời dông mưa gấp tới, đi không kịp. Rủi khúc đường ấy lại không có nhà ai hết nên phải dầm mưa mà đi. Thầy Ðàng xăn áo quần rồi giương dù biểu thằng Ðược đi sát một bên thầy mà núp mưa. Trời đã mưa mà lại dông lớn nên tạt ướt hết, thằng Ðược nghĩ núp dù không ích gì, nên liều mình dầm mưa để cho thầy dùng trọn cây dù hoặc may thầy khỏi ướt.
Lên tới nhà giấy xe lửa Chợ Gạo, thầy trò lạnh quíu tay chân, nên dắt nhau vô nhà giấy vắt sơ áo quần rồi ngồi dựa vách tường mà nghỉ. Trời cũng còn mưa lớn ào ào như cầm tỉn mà đổ, đã vậy mà lại sấm chớp vang tai, gió dông lạnh muốn đứt ruột. Thằng Ðược ngồi run tay chân lập cập, miệng đánh bò cạp, lặng thinh một hồi rồi tâm thần bất định, nằm ngoẻo đầu mà ngủ, không biết việc chi nữa hết. Nó không biết ngủ được bao lâu, song chừng tỉnh giấc mở mắt ra thì thấy mình nằm trên một cái giường nhỏ bằng sắt, chung quanh có hơn hai chục cái giường nữa, mỗi cái đều có một ngươi nằm và ngưòi nào cũng đều mặc quần áo trắng hết thảy. Nó chống tay ngóc đầu ngồi dậy ngó quanh quất thì ai nấy đều nằm ngủ hết, một lát nghe đầu này ho sò sò, rồi một lát nghe đầu nọ rên hì hì. Nó không biết vì cớ nào mà nó lại lọt vào một chỗ dị kỳ lắm vậy, ngó tứ hướng thì thấy bốn tấm vách tường trắng toát, hai đầu lại có treo hai ngọn đèn sáng trưng. Trong bụng nó hồi hộp, mình nó nóng hổi, mà đầu nó nặng trìu trĩu. Nó khát nước hết sức, song không biết nước đâu là uống.
Thằng Ðược ngó giáo giác một hồi rồi phát sợ nên lật đật nằm xuống. Nó nhớ lại thì là nó đi với thầy nó, giữa đường gặp mưa lạnh quíu, vào nhà giấy xe lửa mà đụt, mà sao thầy nó đâu mất đi, còn sao nó lại lọt vào chỗ nào như vầy. Nó nằm suy nghĩ hoài cho đến sáng; mấy người nằm gần nó thức dậy kẻ hút thuốc, người nói chuyện.
Nó muốn ngồi dậy đi kiếm nước mà uống, song tay chân rũ riệt chổi dậy không nổi. Người ngồi trên giường dựa bên giường nó đó thấy vậy bèn nói rằng:
- Hứ! Thằng nhỏ này bữa nay coi bộ khá rồi nên muốn ngồi dậy đây. Sao em? Trong mình em khá hay không?
- Tôi khát nước quá. Chú làm ơn cho tôi xin một miếng nước uống.
- Ờ, thôi nằm đó, để qua trót nước giùm cho.
Người ấy nói rồi liền đi trót một chén nước đem cho nó uống. Thằng Ðược uống hết một chén nước mà chưa đã khát, còn muốn uống nữa, song sợ nhọc lòng người ta nên không dám mượn Nó nằm nghỉ một hồi rồi hỏi người ấy rằng:
- Chỗ nầy là chỗ gì vậy chú há?
- Ủa, thiệt em không biết hay sao?
- Thưa, không biết.
- Ờ phải, hôm qua họ bồng em đem vô đây em nóng mê man, quan thầy sợ cứu em không đặng nên làm sao mà em biết đặng. Ðây là nhà thương Chợ Rẫy đó em.
- Chú có biết thầy tôi đi đâu hay không?
- Thầy em là ai?
- Thầy tôi là thầy Ðàng.
- Qua không blết. Qua thấy hôm qua lối mười giờ có hai người bồng em vô để nằm đó rồi quan thầy với mấy thầy phạm-nhê[1] cho em uống thuốc từ hôm qua cho đến bữa nay đó thôi, không thấy ai thăm viếng chi hết. Thầy Ðàng người bao lớn, già hay trẻ, mặc quần áo ra làm sao?
- Thầy tôi già trên năm mươi tuổi, râu bạc hoa râm, mặc áo dài, đi giày hàm ếch.
- Không có. Từ hôm qua đến bữa nay qua không thấy người nào như vậy.
- Vậy chớ thầy tôi đi đâu kìa.
Thằng Ðược hỏi thăm rồi nằm suy nghĩ không biết thầy nó đi đâu. Cách một hồi lâu có một quan thầy Việt Nam đi với hai ba thầy phạm-nhê vô thấy nó thì cười, lấy tay rờ đầu nó rồi nói rằng: "Thằng nầy bữa nay tỉnh rồi. Em ráng uống thuốc vài tuần nữa em mạnh, không sao đâu mà sợ". Nói rồi bèn day lại nói với mấy thầy phạm-nhê rằng: "Một lát nữa cho nó uống sữa nghe hôn, cho nó uống sữa ít bữa, cho nó dứt nóng lạnh rồi sẽ cho ăn cơm ăn cháo". Thằng Ðược vừa muốn hỏi thăm thầy nó, thì quan thầy bỏ đi qua khám bịnh cho người khác nên hỏi không được.
Buổi chiều thằng Ðược bớt nóng, nhưng mà nó cũng chưa ngồi dậy nổi. Có một thầy phạm-nhê cầm một cây viết chì vô hỏi tên họ quê quán nó đặng ghi vào sổ. Nó nói thiệt rằng nó tên Ðược, mà không biết họ gì, nó không có cha mẹ, đi theo thầy Ðàng, mà thầy đi xứ nầy qua xứ kia đặng dạy đờn nên không biết quê quán là đâu mà nói. Thầy phạm-nhê biên rồi cười gằn mà nói rằng: "Té ra mấy là con nhà hoang mà? Ðã không có cha mẹ mà lại không biết xứ sở, như vầy ai biết đâu mà đòi tiền nhà thương. Tao chắc chừng mấy mạnh nhà nước sẽ gởi mấy lên Ông Yệm[2].
Thầy phạm- nhê xây lưng bước ra thì thằng Ðược nước mắt tuôn dầm dề vì mấy tiếng "con nhà hoang" làm cho nó bầm gan nát ruột, Nó nằm mà tủi thầm thân phận, rồi nhớ mấy lời hăm sẽ gởi lên Ông Yệm, nó lại sợ không biết ÔngYệm là chỗ nào. Nó hỏi thăm người bịnh nằm một bên, họ nói Ông Yệm là chỗ đẩy mấy đứa ngỗ nghịch, hoang đàng, không bà không con, ăn cắp ăn trộm, thì nó càng sợ hơn nữa, nên nằm mà khóc tức tưởi.
Lối sáu giờ rưỡi tối đèn khí đốt sáng trưng, người bịnh lộn xộn, kẻ sửa soạn ngủ, người ngồi nói chuyện. Thình lình có một người thầy mặc đồ tây màu vàng, đầu đội nón nỉ xám ở ngoài xâm xâm vào phòng bịnh với một thầy phạm-nhê. Thằng Ðược tưởng là quan thầy nên lau nước mắt rồi nằm im lìm. Khi hai người đi lại gần chỗ nó nằm thầy phạm-nhê chỉ nó mà nói: "Nó đó", rồi bỏ đi ra. Người mặc đồ tây vàng ấy giơ tay rờ đầu nó rồi nói rằng: "Bữa nay bớt nóng rồi. Hôm qua nóng quá tưởng đã không xong rồi chớ".
Thằng Ðược nhướng mắt ngó thầy ấy trân trân không biết là ai. Thầy thấy vậy mới nói với nó rằng: "Em ráng uống thuốc cho mau mạnh nhé. Tía em thì làng họ đã chôn hồi chiều hôm qua rồi. Ðồ đạc qua lãnh mà giữ tại nhà qua, chừng em mạnh ra nhà thương rồi thì ghé đó mà lấy, không mất đâu mà sợ".
Thằng Ðược nghe nói chưng hửng liền hỏi: "Thầy là ai? Tía tôi là ai đâu mà thầy nói làng đã chôn rồi? Thế khi thầy tôi đã chết rồi sao? Trời ôi!".
Thầy ấy thấy bộ nó rất bi thảm nên động lòng thương, bèn ngồi dựa mé giường rồi lấy lời nhỏ nhẹ mà nói rằng: "Chắc là đêm hôm qua em mắc nóng lạnh mê man nên em không hay, vậy để qua tỏ hết mọi việc cho em rõ… Em nín đừng khóc nữa. Qua đây là xếp ga Phú Lâm. Hồi sáng hôm qua lúc xe lửa ở Sài Gòn gần xuống qua mới thức dậy mở cửa mà bán giấy. Qua thấy ở ngoài có một ông già với một đứa nhỏ đương nằm khoanh dưới gạch mà ngủ, qua chạy ra kêu thức dậy, chẳng dè ông già chết đã bao giờ mà mình mẩy còn ướt mèm, còn đứa nhỏ là em đây, tuy còn thở hoi hóp mà qua rờ trán thì nóng vùi. Qua lật đật tri hô lên cho lính làng chạy đến khám nghiệm. Qua hối làng kêu xe rồi chở em đem vô nhà thương cho mau, còn ông già thì làng xét trong mình chẳng có vít tích chi, làng mới chạy tờ cho quan rồi mua hòm mà chôn hồi chiều hôm qua".
Thằng Ðược nghe nói thì khóc than nghe rất thảm thiết. Thầy xếp ga an ủi nó một hồi, chừng nó nín rồi mới nói tiếp rằng: "Ông già chết có để lại một cây đờn cò, một cây đờn kìm với một cái va-li và một cây dù. Hồi làng họ liệm qua muốn bẻ khóa va-li coi ổng còn áo quần chi hay không đặng đem theo cho ổng, mà bị làng họ cản nên qua không dám. Bây giờ đồ dạc qua giữ tại nhà qua. À, qua thấy ổng có đeo một cái đồng hồ bạc, qua có lấy lại và lấy luôn cái bóp trong ấy có một đồng rưỡi với một cái bài thuế thân đề tên là Trần Cao Ðàng, qua còn giữ đủ hết, chừng em ra thì ghé lại qua sẽ giao hết cho em. Em còn bà con là ai ở đâu, em nói cho qua biết đặng qua gởi thơ giùm cho".
Thằng Ðược nghe thầy chết một cách rất thảm thiết thì khóc muồi, chừng nghe hỏi đến bà con thì tủi phận nên lại khóc rống lên nữa. Thầy xếp ga theo an ủi hoài. Nó nín khóc nằm suy nghĩ, nhớ lời thầy dặn dầu thầy có chết cũng đừng cho vợ chồng Phan Hảo Tâm là em rể hay; nếu bây giờ nói thiệt ra thì phụ ý thầy mà nếu nói giấu thì sợ nhà nước nói nó là nhà hoang gởi nó lên Ông Yệm. Nó muốn cậy viết thơ cho Ba Thời, mà nó sợ nhà nước đòi tiền nhà thương Ba Thời không có mà đóng lại càng khổ nữa. Nó suy đi nghĩ lại một hồi rồi mới nói rằng: "Thầy có lòng thương thầy tôi và thương tôi nên thầy lo chôn cất thầy tôi rồi vô đây mà thăm tôi, thiệt tôi cảm đức của thầy vô cùng. Chẳng giấu chi thầy, tôi chẳng có cha mẹ bà con chi hết, tôi theo thầy tôi là ông Ðàng đó mà học đờn. Thầy tôi đã có bịnh sẵn mà rủi giữa đường lại mắc một đám mưa dông không có chỗ đụt nên lạnh quíu mà chết; tôi cũng vì đám mưa đó mà nóng lạnh mê man khiến cho thầy tôi chết, tôi không thấy mặt, tôi nghĩ thiệt tôi tủi trong lòng không biết chừng nào. Hồi chiều này tôi lại nghe nói, nếu tôi không có cha mẹ bà con thì nhà nước sẽ gởi tôi lên Ông Yệm. Vậy tôi xin thầy làm ơn nhận giùm tôi đặng lãnh tôi ra, chớ nếu để gởi tôi đi Ông Yệm thì tội nghiệp tôi quá".
Thầy xếp ga nghe nói tức cười mà đáp rằng: "Họ nói gạt em đa, không có đâu, đừng có lo. Nhà thương hễ người nghèo thì nằm thí chớ tiền gạo gì. Còn em có tội tình gì mà gởi lên Ông Yệm. Họ nói bậy đa, em đừng có tin. Mà thôi, để bữa em mạnh qua sẽ vô mà lãnh giùm em ra". Thầy xếp ga nói rồi bèn từ giã ra về. Thằng Ðược ngó theo cảm tình thầy chẳng xiết.
Ðêm ấy nó nằm nhớ thầy Ðàng hoài ngủ không được nhớ từ tướng đi bộ đứng, từ tiếng nói giọng cười, nhớ ngón đờn giéo giắt tiu tao, nhớ lời dạy thâm trầm chánh trực. Nó nhớ rồi nó lại nghĩ không biết vì cớ nào người tài tình dường ấy, của phi nghĩa dầu mấy muôn cũng không ham, gặp ngang tàng dầu nát thân cũng gánh vác, mà sao trời chẳng cho giàu sang sung sướng, lại đày tấm thân đến chết bụi chết bờ. Hay là phải nhuốc nhơ mới đặng giàu, phải lòn cúi mới đặng sang? Nếu sang giàu mà phải như vậy thì thà chết phứt theo thầy đặng xa lánh trước cho xong chớ sống rồi ngày sau mà phải chìm nổi chốn dương trần, phải dày bừa thân nam tử thì lại càng khổ não hơn nữa. Thằng Ðược nhớ thầy rồi nghĩ đến cuộc đời thì khóc muồi. Những người bịnh nằm gần ai thấy cũng đều cảm động.
Thằng Ðược trong mình có bịnh mà trong trí lại còn buồn rầu nữa, nên sáng bữa sau bịnh nó trở nặng lại, làm cho nó nằm mê man hai ba ngày. Quan thầy hết sức điều trị mà gần hai mươi ngày nó mới thiệt mạnh. Mỗi buổi tối chúa nhựt thầy xếp ga Phú Lâm đi Chợ Lớn chơi đều có ghé nhà thương mà thăm nó. Ðến ngày nó thiệt mạnh quan thầy kêu nó rồi vỗ đầu biểu nó về, không đòi bạc tiền chi hết. Nó mừng quýnh nên xá quan thầy rồi lật đật đi ra; ra khỏi cửa nó hỏi thăm đường đi chợ gạo rồi lầm lũi đi riết. Nó thấy đã khỏi bị giải đi Ông Yệm, mà lại cũng khỏi đóng tiền nhà thương, thì trong bụng nó mừng nên quên phứt sự từ nay bơ vơ một mình, đã không còn thầy mà nương nhờ, mà cũng không còn em mà hủ hỉ.
Chừng nó xuống Chợ Gạo, bước vô nhà giấy xe lửa, thầy xếp ga chào mừng rồi lấy cái va-li, cây dù với hai cây đờn mà đưa cho nó, thì nó nhớ tới thầy nó, chừng đó nó mới khóc dầm dề. Thầy xếp ga dọn cơm cho nó ăn rồi mới mượn con thầy dắt chỉ giùm mả của thầy Ðàng cho nó thăm. Nó ra tới mà lạy bốn lạy rồi ngồi ôm núm mà khóc nghe rất thảm thiết. Nó khóc một hồi rồi đứng dậy, lau nước mắt, chắp tay đứng trước đầu mả mà vái lớn lên rằng: "Thưa thầy, con nhờ ơn thầy dạy bảo mấy năm nay nên ngày nay con mới biết đường ngay nẻo dại, con mới hiểu thế thái nhơn tình. Nay trời khiến giữa đường thầy trò ta phải xa nhau, con chẳng biết lấy chi mà tỏ lòng kính mến thầy. Vậy con xin lạy thầy bốn lạy mà tạ ơn. Con đứng giữa chốn này, trên có trời, dưới có đất, con nguyền lập chí như thầy, gặp việc phải làm dầu nát thân con, con cũng làm, gặp chuyện chẳng nên làm dầu làm được bạc ức bạc muôn con cũng chẳng thèm".
Thằng Ðược vái van xong rồi mới trở về nhà thầy xếp ga. Thầy hỏi nó vậy chớ bây giờ tính đi đâu. Nó suy nghĩ một hồi rồi thưa với thầy rằng: "Thưa thầy em chẳng có bà con chi hết, song em có một người mẹ nuôi ở dưới Xóm Tre. Lại thầy em hồi trước nuôi em với một đứa con gái tên là con Liên, khi tới Mỹ Tho thầy em cho con Liên cho bà Hội đồng Cần Thơ nuôi. Bà Hội đồng dắt nó đi Sài Gòn, vậy em tính lên Sài Gòn đặng kiếm coi gặp nó hay không".
Thầy xếp ga cầm nó lại một đêm. Nó đờn ca cho vợ chồng thầy nghe chơi rồi sáng mới giao đồ đạc rồi giao luôn cái đồng hồ bằng bạc với cái bóp của ông Ðàng cho nó nữa. Nó bỏ cái đồng hồ vào túi rồi dở bóp ra coi thì còn một đồng rưỡi. Nó móc trong túi nó ra mà đếm thì tiền riêng của nó còn được tám cắc bạc. Nó bỏ chung vô bóp, rồi đứng ngẫm nghĩ rằng: "Mình lên Sài Gòn không quen với ai, không biết cơm đâu mà ăn, chỗ đâu mà ngủ". Nghĩ như vậy nó mới móc bóp ra tám cắc bạc của nó mà lận lưng, rồi mở va-li bỏ cái bóp của thầy vô đặng gởi va-li với cây dù lại cho thầy xếp ga, tính xách hai cây đờn mà đi thôi. Thầy xếp ga cho nó một giấy xe lửa với một đồng bạc. Nó từ chối hoài không chịu lấy bạc. Vợ thầy theo ép quá túng thế nó phải lấy, song trong bụng tính thầm hễ chừng làm có tiền trở lại lấy đồ rồi trả đồng bạc cho thầy. Xe lửa dưới Mỹ Tho lên gần tới thổi xúp-lê nghe vang rân. Nó tử giã vợ chồng thầy xếp ga rồi vác hai cây đờn ra đứng chực mà lên xe.
Ai có đến kinh thành Sài Gòn cũng đều biết sở vườn Bồ Rô[3]. Mà có biết thì là biết sở vườn ấy rộng lớn, cây cao, cỏ tốt, ở phía sau dinh quan Toàn quyền đó mà thôi, chớ không rõ vườn ấy có phép mầu nhiệm là thế nào. Vườn Bồ Rô chẳng phải ban ngày mát mẻ, ban đêm thanh tịnh như mấy sở vườn khác mà thôi đâu nó lại còn có một tánh chất riêng nữa, là cũng đường sá quanh co đó, cũng cỏ cây thạnh mậu đó, mà người bận việc đi ngang qua thì nó chẳng hề chịu tỏ dấu chi làm cho người phải trìu mến rồi dừng bước mà ngắm cảnh động tình, nó đợi cho có người thung dung nhàn lạc vô đó ngói chơi nó mới chịu làm cho cảm hứng say mê, rồi khiến cho phải nấn ná dần dà ngồi hoài không muốn đi, mà chừng đi ra cặp mắt vẫn còn ngó lộn lại. Mà nó làm cho người thung dung khoan khoái bao nhiêu thì nó lại cũng có thể làm cho người sầu não càng buồn bã bấy nhiêu; ai trong lòng có việc buồn hễ vô tới đó thì cũng phải ngẩn ngơ, nên khó dở bước mà lui ra cho khỏi.
Thằng Ðược cách biệt Ba Thời đã bốn năm năm, trong lòng nó thương nhớ, nên khi nó nghe thầy Ðàng chết rồi thì trước hết nó tính trở về Mỹ Lợi đặng viếng thăm. Song nó tính như vậy rồi nó nhớ tới tên Hữu thì trong bụng nó lại buồn thầm, nghĩ vì về đó nó cực thân đã đành rồi, mà sợ má nó càng thêm nhớ tiếc thì càng tội nghiệp cho má nó nữa. Bới nghĩ như vậy nên nó mới quyết lên Sài Gòn mà tìm con Liên, bởi vì khi gặp bà Hội đồng thì bà có nói bà chở thằng con bà lên Sài Gòn đặng cầu danh y cho nó uống thuốc, vậy, nếu lên Sài Gòn mà tìm thì chắc là gặp Ðược.
Chẳng dè thằng Ðược lên tới Sài Gòn đi rảo khắp bờ sông thì không thấy ghe của bà Hội đồng; nó hỏi thăm nhà mấy danh y rồi đến chực trước cửa đón hoài mà cũng chẳng gặp. Nó kiếm ba bốn bữa, ăn xài đã gần hết tiền rồi, ban ngày thơ thẩn ngoài đường, ban đêm thì vô vườn thú hoặc vườn Bồ Rô mà ngủ. Bóng trăng chói mấy ngọn cây sáng rỡ, tiếng dế kêu trong đám cỏ rủ rỉ; gió lao rao mát mẻ vô cùng, vườn rậm rạp im lìm vắng vẻ. Nó nằm nhớ mẹ nuôi, thương thầy dạy, rồi lại nhớ tới con Liên, thì ứa nước mắt, lạnh trong lòng. Nó nhớ đủ hết rồi lại nghĩ tới thân phận của nó bây giờ trong lưng còn có vài cắc bạc mà lưu linh ở đất kinh thành Sài Gòn là chỗ không quen với ai, thoảng như hết tiền rồi mới liệu thế nào. Nó đương suy nghĩ bỗng nghe đồng hồ nhà thờ đổ mười giờ, nó lật đật móc túi lấy cái đồng hồ của thầy di tích mà xem có đúng hay không. Nó thấy đồng hồ của nó đã mười giờ năm phút. Nó vừa muốn vặn cây kìm trở lại cho đúng mười giờ, rồi nó lại nghĩ rằng: "Ủa, mà không chừng hay đồng hồ ở nhà thờ đi trễ. Có cái chi làm chứng rằng cái đồng hỗ treo trên một tòa nhà lớn đó đi đúng còn cái đồng hồ nhỏ ở trong túi nhà nghèo nầy đi sai đâu". Nghĩ như vậy rồi bỏ đồng hồ vào túi mà nằm, không muốn chịu sửa theo đồng hồ lớn.
Thằng Ðược vừa mới nằm một lát thì lại nghe có tiếng kèn thổi nho nhỏ phía trước đầu nó. Nó lồm cồm ngồi dậy ngó coi thì thấy có một đứa con trai mặc quần đen đương ngồi trên một cái băng gần đó lấy tay bụm miệng mà sao lại nghe ra tiếng kèn thổi. Nó lấy làm kỳ bèn ngồi mà nghe một hồi thì tiếng kèn lảnh lót mà nhịp nhàng lại chắc lắm. Nó bèn xách hai cây đờn đi lại cái băng đó đứng mà nghe cho tường tận. Nó thấy thằng con trai ấy vóc giạc to lớn, tay cầm một lá cây mà thổi chớ không phải là kèn. Nó để hai cây đờn dưới đất rồi ngồi mà nghe, tính làm quen đặng hỏi thử coi vì phép nào có một lá cây mà thổi ra hơi kèn được. Thằng con trai ấy cứ ngồi thổi hoài không thèm nói tới nó. Nó tức giận mà cũng muốn khoe nghề nên lấy cây kìm mà đờn theo, rồi hai đứa hòa với nhau luôn cho hết hai bản mới chịu nghỉ. Có hai thầy thông ngồi hai cái xe kéo chạy ngang thấy hai đứa hòa với nhau thì thích ý lắm nên ngừng lại mà nghe, chừng chúng nó dứt rồi hai thầy mới khen chúng nó và cho mỗi đứa một cắc bạc.
Thằng Ðược mới làm quen với thằng nọ, hỏi cách thế làm sao mà thổi lá cây ra tiếng kèn được, lần lần rồi mới hỏi tới tên họ nhà cửa. Thằng nọ thì nói ngọng nên nói khó nghe một chút, song nó cũng ráng cắt nghĩa cách thổi kèn cho thằng Ðược nghe. Nó lại nói nó tên Bĩ, mười sáu tuổi, gốc ở Bình Ðịnh. Khi nó vừa được mười tuổi thì cha mẹ chết hết, chú nó mới đem nó về nhà mà nuôi. Ở gần nhà chú nó có một người đờn hay thấy nó nói ngọng thì thương nên ra công dạy nó học đờn. Chừng nó được mười hai tuổi nó biết cây đờn cò rồi chú nó mới chở hết vợ con đem vào Sài Gòn mà làm mướn. Mấy đứa con của chú đều khôn lớn hết mà không có chút lòng nào yêu thương nó nên cứ theo xéo xắc giọt đầu bạt tai nó hoài. Nó tưởng vào Sài Gòn làm ăn nghề gì, chẳng dè chúng nó tới Sài Gòn mướn một căn phố lá ở phía trong cầu Rạch Bần mà ở rồi dạy mấy đứa con và dạy nó cách móc túi thiên hạ mà lấy tiền. Mỗi ngày nó phải đi với mấy đứa con của chú nó ra chợ Bến Thành rồi xẩn bẩn trong chợ hoặc mấy nhà giấy xe lửa rình mà móc túi. Nó có tánh nhát, sợ móc túi họ bắt được họ đánh rồi họ đem đến bót phải ở tù, nên bữa nào nó đi tay không về cũng tay không hoài. Chú nó đánh khảo và bỏ đói nó mà nó cũng không chịu làm cái nghề hiểm nghèo và nhơ nhuốc ấy. Nhưng vậy mà nó cũng muốn làm cho vừa lòng chú nó nên bữa nọ nó ra nhà giấy xe lửa Mỹ Tho nó thấy có một cái gói với một đờn cò để dựng vách tường mà không có ai coi chừng hết; nó cà rà một hồi rồi lén núm cây đờn cò mà đi. Nó nhờ cây đờn ấy và nhờ biết thổi kèn lá, nên nó kéo đờn thổi kèn cho họ nghe mà xin tiền. Mỗi ngày nó kiếm được đôi ba cắc đem về cho chú nó thì khỏi bị đòn, còn bữa nào năm bảy xu thì phải bị ít cũng vài bạt tai. Cách ba bữa trước, lúc tám giờ tối, nó mắc đi ra cầu Rạch Bần ngồi chơi, ở nhà lính kín đến vây nhà rồi bắt chú thím nó và mấy đứa con dắt hết đi xuống bót. Chừng nó trở về thấy đương lụi hụi trước nhà nó sợ bị bắt luôn nên ẩn mặt. Hồi chiều nó đi hỏi thăm thì họ nói tòa đã giam hết hai vợ chồng và mấy đứa con đợi tra xét xong xuôi rồi sẽ xử tội. Hổm nay nó lưu linh chớ không dám léo về nhà, nó bỏ cây đờn cò trong nhà mà cũng không dám trở về mà lấy.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!