LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Chân trời cũ - Chương VII: Thằng cháu đích tôn (Hồ Dzếch)

108 lượt xem

Chỉ mãi cách đây không lâu, sau mười năm từ ngày ba tôi mất đi, tôi mới kịp nhận thấy lòng thương yêu của người trao cho thằng cháu đích tôn là hợp lẽ. Và, càng chân nhận cái giá trị của tấm lòng yêu thương ấy, tôi càng cảm thấy mình là nhỏ nhen, ích kỷ.

Nó lớn hơn tôi năm tuổi, và mồ côi từ ngày mới biết đi. Đó là một tâm hồn rất lạ, tôi có thể nói là lạ hơn mọi tâm hồn tôi gặp từ trước đến nay. Đó là một đứa trẻ sinh ra trong cảnh túng thiếu, gạo ít, khoai nhiều, để rồi lớn lên dưới một trời binh lửa. Trong cặp mắt thâm và sắc của nó, tôi thoáng thấy vẻ cương quyết thầm kín của một tấm lòng phơi ra trước sự tàn ác của số mệnh, thử thách những nỗi khe khắt nhất đời.

Một người khác vào tuổi thằng cháu tôi không thể nào sống hơn những cảnh gian nan như thế: nó đã từng nhịn đói ròng rã trong sáu ngày trời để tránh loạn, và đã từng thăm viếng cảnh mất còn của gia đình sau bao ngày giặc giã.

Cuộc Cách mệnh vĩ đại của đất nước Trung Hoa tôi tin như thế, nếu đã tạo ra những Tôn Dật Tiên, Uông Tinh Vệ, thì nó cũng đã tạo nên thằng cháu tôi, một tâm hồn dạn dầy và đau khổ. Có khác là những bộ mặt trên được sáng ngời qua lịch sử, còn cái dưới thì bị chìm đắm trong tối tăm.

Vậy trải những nỗi gian nan quá lớn lao cho một tâm hồn còn bé bỏng, thằng cháu ấy đã đặt chân lên đất nước Việt Nam của tôi - tôi viết rõ: đất nước Việt Nam của tôi - với cái thân hình thô bỉ, tâm tính cục cằn.

Tôi thì còn đương ở thời kỳ yêu những cái gì mảnh dẻ, bé nhỏ, và những bước chân đầu tiên của thằng cháu tả trên dội xuống thềm gạch nhà tôi, đem lại ngay cho tôi sự khó chịu của một người thốt nhiên thấy mình bị ngáng trên con đường đi. Thủa ấy, tôi sống gần như lơ đãng hẳn, nên tôi chưa từng để ý đến những dòng máu thân thiết đương còn chảy trên một mảnh đất khác đây. Hồn tôi chỉ đầy đủ khi nào nó có lẫn một phần lớn linh hồn Việt Nam. Tôi yêu nhớ nước tôi thật, nhưng tình yêu ấy, trước khi gieo vào tôi, phải được lọc qua mầu cây xanh thắm vây kín lấy những làng mạc thân yêu. Đôi phen lòng tôi se lại, nhưng sự se lòng vì một tình cảm khác lập tức được hòa vào trong âm điệu của một thứ tiếng nói âu yếm, cái tiếng nói của trái tim tôi. Ngày xưa, cho đến bây giờ nữa, hồn tôi nhiều lúc bỏ tôi đi, và áng chừng không tìm thấy phương trời nhất định, lại trở về với tôi, để lại rời xa tôi như thế mãi. Nếu vào những lúc bị phân chia trong cảm tình như thế, có ai hỏi tôi yêu nước Nam hay nước Trung Hoa, thì tôi chỉ còn biết... khóc! Tôi khó mà nói ra đây, cái tâm trạng phức tạp của một người mà huyết quản chứa đựng hai thứ tinh hoa, ngoài sự để cho lòng mình rung động, rung động đến tận cùng vì một tấm tình nghìn đời không có lời phân giải.

Tôi còn nhớ rõ hôm đó, sau buổi học chiều, về nhà, tôi đã thấy cái con người là lạ ấy ngồi xếp bằng tròn lên tấm phản, gần bàn thờ, vây chung quanh là họ hàng, thân thích. Không hiểu sao tôi nghĩ ngay đến một trò lạ mắt, thứ trò vẫn diễu ở ngoài đường của mấy người Tàu mãi võ. Đôi mắt thâm của thằng cháu xa lạ bật lên nhìn tôi, khiến tôi lùi lại. Thấy dáng điệu sợ sệt của tôi, anh tôi cười:

- Ông cháu của chú đấy! Thằng Quắn đấy mà!

Thằng Quắn! Thằng Quắn là thằng nào?

Tôi nhìn anh tôi, ngờ vực:

- Anh đừng nói dối nữa, ai đấy anh?

- Con anh chị ở bên Tàu đấy. Ba yêu nó hơn mày kia!.

Biết không ai nói dối tôi nữa, tôi mới tin. Nhưng lúc tôi tin là lúc tôi ghét. Một sự ghen tuông nổi dậy, xâm chiếm lấy tôi. Tôi vất sách ra giường, làu nhàu:

- Cháu với chả cháu!

Chạy xuống bếp, tôi phụng phịu hỏi mẹ:

- Sao anh Hai lại bảo ba yêu nó hả mẹ?

Mẹ tôi cười:

- Vì nó là cháu!

- Thế mẹ cũng yêu nó à?

Mẹ tôi biết tôi ghen, nên vừa dịu giọng, vừa lấy tay đánh vào má tôi:

- Con chó con của mẹ thì ai mà ghét được!

Vẫn chưa yên lòng, tôi còn hỏi gặng người thêm:

- Mẹ đừng yêu nó nhé, mẹ yêu con kia! Mẹ thề đi!

Mẹ tôi vụt cười, nhưng cũng chiều lòng tôi:

- Nào, thề nào. Đứa nào mà yêu nó hơn con thì đứa ấy... không ăn cơm nữa!

Từ đấy, tôi gieo cái ác cảm vô lý xuống đầu thằng cháu xa lạ. Tôi hạch sách nó, kèn cựa nó, nhưng vẻ mặt thiết bì lạnh lùng kia vẫn không vì thế mà thay đổi. Mỗi lần tôi có làm quá lắm, thì nó chỉ:

- Chú hay ghẹo cháu lắm!

Đến thế mà vẫn cho là ghẹo, thì chỉ có một mình thằng cháu tôi mới nghĩ được sự đó. Đôi khi tôi gắt lên:

- Cút, cút về Tàu đi! ở đây làm hại ông!

Nhưng nó vẫn lầm lì, suốt ngày. Mẹ tôi bảo nó thâm. Ba tôi cho là nó biết nghĩ. Hình như ba tôi có lý hơn. Nó đi thơ thẩn hết trong sân lại ra đường, mồm lẩm nhẩm đọc những gì không rõ. Tôi hỏi mãi nó mới đáp:

- Cháu học bài!

Tôi lườm lườm:

- Mày thì có mà học ăn!

Tôi gắt, nó im lặng. Và sự này càng làm tôi thêm tức. Thậm chí tôi ngờ nó nịnh ba tôi, để người yêu nó. Nhiều lần đi học về, lên gác, tôi thấy nó nằm sóng xoài bên cạnh khay đèn của ba tôi, không để hút mà để trò chuyện. Những lúc ấy, nó tươi cười, vui vẻ, nhưng hễ thoáng thấy tôi, là im bặt.

Ba tôi thường bảo tôi:

- Con làm gì mà xung khắc với nó thế. Chú cháu không biết thì dạy bảo nhau mới phải chứ.

Tôi vâng dạ cho có chuyện. Tôi không dám làm nũng ba tôi nhiều, vì người nghiêm, vì người ít nói. Ba tôi là nước Tàu, nước Tàu bí mật. Lòng mẹ tôi mới thật là cái địa hạt tình cảm của tôi.

Sống với chúng tôi được một năm, khi đã nói hơi thạo tiếng Việt Nam, thằng cháu tôi bắt đầu đi học. ý kiến ấy là của ba tôi. Ba tôi cho rằng nó thông minh, có thể học chữ Pháp được. Hẳn là tôi không thích có người bạn đồng học và đồng hành như thế. Tôi bảo mẹ tôi:

- Nó thì học gì được chữ Tây, mẹ nhỉ?

Mẹ tôi gật đầu đồng ý.

Từ đấy ngày bốn lần, chúng tôi men theo con đường nhỏ hẹp đến nhà trường. Tôi không phải cắp sách nữa. Tôi lấy sự đi tay không là một cái thú của những người trịch thượng và kiêu căng. Thằng cháu tôi không bao giờ biết thẹn. Hắn ứng đáp mạnh bạo những câu hỏi của thầy giáo, giữa bao nhiêu cặp mắt nghịch ngợm mở to ra vì tò mò.

Có nó đi bên cạnh, tôi được cái lợi là thấy lảng ra xa những người bạn trước kia làm tôi kinh hãi nhất.

Tôi ngồi ở lớp ba và cháu tôi, lớp bét. Tôi học hơn nó hai lớp nên tôi nói tiếng Pháp có cơ thạo hơn. Hồi đó, vì chương trình ban sơ học chưa đổi mới như bây giờ, nên một người học trò lớp ba mà biết lõm được mẹo luật chữ Pháp là thường. Nhưng dẫu "tài" đến đâu, tôi bắt buộc phải nhận rằng thằng cháu tôi học tấn tới đến nỗi thầy giáo phải cất nó lên lớp tư cùng trong một năm. Với một khiếu thông minh sắc nhọn, một bản tính ham học và ham biết, nó cơ hồ có thể tiến sát đến bực học vấn của tôi lúc nào không biết.

Tôi đâm ra lo và... ghen. Nhưng thằng cháu, thằng cháu ghê gớm ấy, vẫn tuần tự tiến, vẫn tuần tự đọc rõ từ quyển sách này sang quyển sách khác. Hắn học chữ Pháp theo lối cổ điển Trung Hoa, nghĩa là dịch bừa sang bên cạnh những chữ nào khó nhớ. Thí dụ như "pơ tít tơ" thì nó chua sang chữ Tàu là "pổ tít tố", để dễ nhớ. Không cần tôi dậy, người học trò lòng đầy hoài bão to lớn ấy vẫn xáo trộn cả Đông, Tây dưới ánh đèn hoa kỳ, để nhẫn nại phá thủng bức màn đen vây bọc chân trời văn chương Pháp.

Bắt đầu từ ngày nghe nó chào bạn bằng một câu tiếng Pháp rất oai vệ, tôi không còn dám khinh nhờn người cháu ấy nữa. Tôi ước đoán rằng, chỉ chậm lắm là một năm nữa chúng tôi sẽ được cùng nhau ngồi một lớp, học chung một thầy, để rồi nó lại bỏ tôi mà đi xa hơn.

Giữa năm ấy, ba tôi mất. Trước khi tắt thở, người vẫn nhắc nhở đến đứa cháu yêu và ân cần dặn mẹ tôi phải chăm sóc nó tử tế. Tuy có lời dặn của người đã khuất, cháu tôi từ đấy sống rất bơ vơ, có lẽ vì nó cảm thấy chung quanh mình sự xa vắng, tuy luôn luôn sống giữa gia đình.

Người cháu đau khổ ấy đã thấy chết lần thứ hai niềm thân thiết nhất trong đời.

Cái chết của ba tôi mở đầu một cuộc sống khác giữa chúng tôi, cuộc sống dần dần trở nên êm ái vì thiện cảm, nhưng đúng hơn là vì lòng xót thương. Khi tôi không còn lòng ghen tị đối với người cháu ấy nữa, thì lại chính là lúc những sự uất ức nổi lên trong lòng nó, sự uất ức mà không một lần nào nó thèm thổ lộ ra ngoài.

Như tôi đã có dịp nói trong bài Người chị dâu tôi, nhà tôi hồi ấy, cơm toàn ghế khoai. Riêng phần tôi được một niêu cơm trắng với đĩa cá thu kho; hay giò mặn. Những đĩa đồ ăn ngon lành ấy, mẹ tôi thường có ý đẩy lại trước mặt tôi, vì người chỉ muốn có một mình tôi ăn thôi. Cái sung sướng ích kỷ của tôi được diễn ra trong hơn hai năm, và có thể còn diễn ra được mãi, nếu không có một lần...

Một lần, thằng cháu tôi mua hai xu kẹo trước bữa cơm. Nó nói thầm với người nhà là ăn cho chắc bụng, vì ăn cơm khoai mãi đã chán đi rồi. Nghe chuyện, và từ đấy, tôi xóa cái phần cơm ích kỷ trên kia đi, để chịu chung sự khó nuốt với những người chung quanh.

Ngày tháng lạnh lùng qua...

Nhà quê An Nam như một tấm lòng hiền từ rộng mở, nhà quê An Nam niềm nở, thân thiết tiếp đón chúng tôi, vào lúc mà tương lai chỉ là sự mù mịt, còn dĩ vãng thì lưu lại những dấu vết đau lòng. Chúng tôi sống những ngày tàn ở đấy, như nhà ẩn sĩ vui quên những sự bất đắc chí một thời. Cái cảm xúc lần đầu nhận được ở hoàn cảnh, tôi đem hòa nó vào tình yêu thiên nhiên, và tôi khăng khít giữ lấy từng mẩu kỷ niệm của thiếu thời, do đấy, lòng thương sâu xa đất nước Việt Nam.

Sau ngày ba tôi mất đi, cảnh túng thiếu của gia đình tôi lại càng rõ rệt. Mẹ tôi lo lắng trăm nghìn công việc, đến quên cả chăm nom sự học của chúng tôi.

Không ai bảo ai, thằng cháu kể trên và tôi cùng biết thu ngắn những hàng chữ trước kia hoang toàng trên mặt giấy. Chúng tôi bắt đầu bỏ những cái gạch ở dưới mỗi bài học đi để được lợi thêm một hàng chữ. Không phải vì nhà tôi nghèo đến nỗi không mua cho chúng tôi được một thếp giấy, nhưng vì chúng tôi thấy sự xin tiền mua vở là một điều khó khăn.

Nếu cái gạch trí khôn thường được nẩy ra trong những lúc nguy biến, thì chính trong cảnh nghèo khó, các sáng kiến của người ta mới được dịp đâm chồi. Thằng cháu thân yêu của tôi biết tự may lấy quần áo mặc, bằng cách phá bốn cái quần đùi một lúc để làm thành một cái quần dài. Nó đem những bẹ cau, bẹ dừa, đóng thành dép, thành những đôi giầy Tàu xinh xinh một cách bất ngờ. Nó trau dồi "nghệ thuật", cần mẫn và tinh vi đến nỗi tôi tưởng sau này ra đời, nó sẽ không cần mang một chút ơn nào của nhân loại.

Duy có giấy tây là nó không chế ra được. Một hôm nó bảo tôi:

- Chú có giấy trắng cho cháu mấy tờ.

Tôi hỏi lấy giấy làm gì, thì nó không đáp. Vài ngày sau, giở vở học của cháu, tôi thấy những tờ giấy tôi cho được dán nối sau mấy trang viết đặc chữ, cái mưu mô tuyệt xảo làm dài hạn hết của những quyển vở ở đám học trò nghèo.

Một hôm khác, đương buổi học, tôi được thầy giáo bên lớp ba cho gọi sang. Thầy vừa bảo tôi, vừa chỉ thằng cháu đương quỳ ở cuối lớp:

- Có phải thằng này là cháu anh không? Sao anh không bảo nó mua giấy đóng vở học?

Tôi sợ quá, không biết đáp thế nào thì thầy đã tiếp:

- Tôi bảo nó mua vở tất cả bốn lần, mà vẫn chưa có. Nếu chiều nay không có nữa, thì đừng trách tôi ác nhé! Rõ đồ Tàu!

Câu nói sau cùng vừa hết, tôi thấy nổi dậy trong lòng nỗi công phẫn, cái đau đớn khi có người - dẫu là người trên - chạm đến quốc thể tôi. Tôi nói:

- Thưa thầy, sách vở nó thiếu, để con mua. Nhưng thầy đừng mắng chúng con như thế thì hơn.

Giọng tôi nói hơi bướng làm thầy đỏ mặt. Và, tiếp theo câu mắng: "Đúng là đồ... Tô Định!!" một tờ giấy kê khai rõ tội tôi gửi lên ông đốc trường. Tôi bị phạt về tội hỗn, bị quỳ hơn hai tiếng đồng hồ. Lần đó là lần đầu trong đời học sinh, tôi cảm thấy sự vui vẻ trong lúc chịu phạt.

Chiều về, tôi hỏi cháu:

- Sao cháu không mua vở, để thày giáo phạt cho?

Cháu tôi đáp, lạnh lẽo:

- Nhưng cháu sợ xin tiền bà lắm!

Chỉ một câu trả lời vắn tắt ấy thôi, nhưng nó đã làm tôi cảm động bao nhiêu, vì tấm lòng hy sinh và nhẫn nại của cháu, nếu sự hy sinh và nhẫn nại ở đời này có thể dùng để xứng đáng chỉ những hành vi cao quý, cao quý ở chỗ nó rất đơn giản, tầm thường.

Cách đấy một năm, chúng tôi xa nhau, và cháu tôi đã học đến lớp nhì. Tôi bỏ căn trường nhỏ, bỏ khu làng thân yêu, đi học xa, để trau dồi cái học thức mà càng ngày tôi càng thấy thiếu thốn, nghèo nàn.

Rồi cháu tôi cũng thôi học nốt. Nó xoay ra đi làm, sống cái đời của những người Trung Hoa không nề hà sự khó nhọc, sáng quét hè, chiều lên cửa, không cần biết đến số tiền lương nhiều lắm là ba đồng, khi mới bước chân vào học việc.

Mấy năm sau, cháu tôi đã tậu được một ngồi nhà nhỏ, đã lấy vợ, và sinh con. Cuộc đời khe khắt như lòng người, thô sơ như manh áo vải sọc, đã bị lùi trước sức kiên nhẫn, chịu khó của những người tản mát ở khắp mặt địa cầu, ở bất cứ một nơi nào có khói.

Tôi không thể như các bạn đồng bang, không thể như thằng cháu thân yêu của tôi được. Tôi không muốn để cho kinh nghiệm nắm chặt tay lôi đi trên đường đời. Tôi là một đứa trẻ dại, chạy theo con đường thênh thang của lòng sở thích, ngã nhiều lần, rồi lại gượng đứng dậy, trên mặt đầy nước mắt, trong lòng đầy đau thương. Nhưng tôi cảm thấy thanh thú vô cùng, khi cái gai hoa hồng đâm rách da, khi con bướm thân yêu trên tay tôi tan thành phấn, khi tôi được khóc vì những sự điên dại, ngang trái của đời mình.

Cháu tôi - lúc này đã là cha của hai đứa con - thường bảo tôi:

- Sao chú không chịu gây dựng cuộc đời, cho bà vui lòng? Chú học giỏi, chú có thể đi làm việc nhiều tiền.

Tôi đưa mắt nhìn hai vợ chồng đứa cháu yêu quý, cồng kềnh thêm hai đứa con, rồi trả lời, nhưng hình như trả lời cho chính tôi thì đúng hơn:

- Cháu ạ, gây dựng trong cuộc đời, là điều tốt; nhưng phá hoại vì văn chương, sự ấy cũng không kém vinh hạnh gì. Cả hai cùng chứng rằng ta đã sống.

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư