LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Cư Kỉnh - Chương 11 (Hồ Biểu Chánh)

75 lượt xem

Tan hầu đã lâu rồi, mà quan Chủ quận cứ ngồi tại bàn viết cặm cụi viết hoài, bếp hầu không dám đóng cửa nhà hầu, mà bà lớn cũng không dám ra mời quan lớn đi giải khát.

Chủ bếp hầu đang ngồi lim dim ngoài cửa, trông cho mau được về trại ăn cơm, thình lình tên Tú bước vô đưa phong thơ của ông Huyện và mượn trình liền cho quan lớn. Chủ bếp thấy quan lớn đang viết nên lấp ló không dám vô.

Cách một hồi, quan Chủ quận ngước lên thấy chú bếp thì hỏi:

- Muốn chi đó, chú bếp?

- Bẩm quan lớn, có thơ của ông Huyện hàm dặn đưa gấp cho quan lớn.

- Đem vô đây.

Quan Chủ quận lấy thơ mở ra xem, thì thấy thơ như vầy:

"Kính bẩm quan lớn,

Tôi kính bẩm cho quan lớn rõ: tôi mới nghe dường như trong nhà tôi có manh mối xa gần về vụ án mạng mà quan lớn đương tra xét đó. Tiếc vì tôi không có thể hỏi mà phân manh mối ấy được, vậy tôi cúi xin quan lớn vui lòng dời gót đến nhà tôi đặng tra xét tường tất cho ra chơn lý.

Cúi xin quan lớn nhậm lời

Huyện Hàm TÂN

Kính bái thơ"

Quan Chủ quận đọc thơ rồi ngài lắc đầu thở ra, thủng thẳng xếp thơ bỏ vào hộc tủ rồi đứng dậy bước ra cửa mà đi, không nói cho bà lớn hay, mà cũng không dạy bếp hầu đi theo.

Bước vào cửa ngõ của ông Huyện Hàm Tân, quan Chủ quận thấy ông đương thơ thẩn trong vườn hoa, thì đi riết vô. Ông Huyện thấy quan Chủ quận đi một mình thì cũng bươn bả đón rước. Chủ khách chào nhau và dắt nhau đi vô nhà. Ông Huyện thấy một tên bạn làm vườn đang lui cui nhổ cỏ gần đó thì kêu mà biểu nó đi mời Hương quản.

Quan chủ quận thì nghiêm nghị, còn ông Huyện thì tư lự, cử chỉ ấy làm cho cuộc hội diện chiều nay đã không vui vẻ, mà còn có không khí nặng nề khó chịu.

Quan chủ quận vừa ngồi, thì bà Huyện ở trong bước ra chào, nét mặt quyết đoán chớ không có vẻ buồn lo.

Quan Chủ quận không nói tới việc ngài mới đọc trong thơ, có ý nhường cho ông Huyện khởi đầu, đặng dọ coi việc nhà của ông Huyện chuyển biến ra thể nào.

Công việc đến đây, dường như ông Huyện hối ngộ sự ông viết thơ mời quan Chủ quận. Ông ngó bà với cặp mắt buồn hiu và ngồi im lìm không nói chi hết. Biết chủ nhà khó mở miệng, và quyết đem sự tín nhiệm để thay sự ngần ngại ấy, quan Chủ quận mới chẫm rãi hỏi ông Huyện:

- Ông Huyện nghe việc chi mà ông nói vụ án mạng dường như có manh mối ?

Câu hỏi ấy dường như xô đẩy ông Huyện bước tới, lại cũng chặn đường không cho ông thối lui, bởi vậy ông ngó bà rồi thủng thẳng nói :

- Bẩm quan lớn, việc đó như vầy: hồi sớm mơi nầy tôi nghe người ta nói kín cho tôi biết lúc vợ chồng tôi đi Sài Gòn ở trển 10 bữa, thì ở nhà một đêm nọ, lối 10 giờ, có bóng người mặc đồ trắng, không rõ đàn ông hay đàn bà, ở phía sau vườn tôi vạch rào chỗ đám trầu mà qua bên vườn Chí Cao rồi hơn một giờ sau cái bóng ấy trở lại. Đêm sau cũng thấy như vậy nữa, mà lần nầy bên vườn Chí Cao lại có thêm một cái bóng nữa, hai bóng lần lần đi vô nhà Chí Cao, đến gần sáng mới trở ra tới rào, rồi một cái đi qua bên vườn của tôi. Nghe như vậy tôi muốn bẩm liền cho quan lớn hay hồi sớm mơi, mà rồi tôi nghĩ việc người ta thấy thấp thố, chớ không rõ ràng, bởi vậy tôi tính đến hỏi dọ người trong nhà coi có đứa nào hoặc qua hái trộm trái cây bên vườn Chí Cao, hoặc quen với tên bồi của Chí Cao nên qua rủ đi chơi, hoặc có tư tình với nó hay với chủ của nó nên thừa lúc đêm vắng lén qua nói chuyện. Tôi hỏi hết mấy đứa bạn trai bạn gái trong nhà thì chúng nó đều nói chúng nó không hay biết việc đó. Tôi muốn hỏi luôn con và cháu thì đờn bà của tôi không vui mà  để cho tôi làm, nói rằng cháu tôi, là con Huyên, mắc về bên Sa Đéc lúc tôi đi khỏi, nên nó có hiểu việc đó đâu mà hỏi: còn con gái tôi, là con Túy, tuy nó ở nhà làm chủ một mình, song nó nhức đầu chóng mặt ba bốn bữa trước khi vợ chồng tôi về, cứ nằm miết trong phòng cho tới bữa nay bịnh cũng chưa  dứt, nếu tôi hỏi rồi làm rộn trí nó, thì ắt bịnh càng thêm nặng. Vì nghĩa vợ chồng mà tôi phải lỗi đạo công bình chánh trực, không hỏi được con cháu cho rõ ràng. Tuy việc hư thiệt lẽ nào chưa biết chắc được nhưng mà nếu tôi bỏ qua thì lương tâm không an. Vì vậy nên tôi phải dẹp tình thân ái gia đình mà bẩm bạch với quan lớn, là người có đủ quyền mà làm cho rõ công lý. Mối manh vụ án mạng chỉ có bao nhiêu đó. Quan lớn thong thả mà tra xét coi người nào ở bên vườn tôi đi qua vườn Chí Cao luôn hai đêm trong lúc tôi đi Sàn Gòn, hai đêm ấy là hai đêm nào, có ý gì mà đi qua lại bên vườn Chí Cao như vậy, cái bóng qua lại mà người ta thấy đó, đờn ông hay đờn bà, sự qua lại đó có can hệ chi đến sự Chí Cao bị đâm chết cách ít bữa sau hay không.

 Ông Huyện nói vừa dứt lời thì bà Huyện tiếp nói liền:

- Bẩm quan lớn, ông Huyện tôi nghe thấp thố, chớ không có đích xác, mà làm náo động trong nhà. Ông kêu bạn bè lớn nhỏ, trai gái, đủ mặt mà tra hỏi: ông muốn tra hỏi tới cháu tới con nữa. Cháu tôi nó đi Sa Đéc trước khi vợ chồng tôi đi Sài Gòn, chừng vợ chồng tôi về nó mới về, nó biết chi đâu mà hỏi. Còn con tôi thì vợ chồng tôi đi Sài Gòn, ở nhà nó đau lằm liệt giường trong phòng đến bữa nay mà nó dậy cũng chưa nổi, hỏi làm sao được. Mà tra hỏi tới con cháu thì còn gì thể diện của chúng nó, té ra mình coi chúng nó cũng như bạn bè vậy hay sao. Bẩm quan lớn, tại như vậy đó nên tôi không muốn ông Huyện tôi tra hỏi con cháu.

Ông Huyện nói:

- Đau không phải là một cớ làm cho mình có phép trái với pháp luật được; còn mỗi người đều phải giúp với pháp luật mà làm cho tỏ rõ chơn lý, sang hay hèn cũng vậy. Trái với pháp luật mới xấu hổ, chớ giúp cho pháp luật làm tỏ rõ chơn lý thì chẳng xấu hổ chi đâu. Trước mặt quan lớn đây, tôi khuyên bà hãy vô buồng dắt con Túy ra đặng quan lớn muốn hỏi điều chi thì hỏi nó. Hỏi nó rồi thì tới con Huyên, con Ngọ, hỏi hết.

Bà Huyện đáp cứng cỏi:

- Không được, con Túy đang đau, nó đi không được.

- Đi không được thì dắt nó.

Bà Huyện muốn cầu cứu với Chủ quận, nên bà ngó ngài mà nói:

- Bẩm quan lớn, nếu quan lớn nghĩ cũng như ông Huyện  tôi, cần phải hỏi con Túy, thì tôi xin quan lớn làm ơn đình cuộc tra xét lại ít bữa, cho con nhỏ hết chóng mặt, ngồi được, rồi xét hỏi.

Quan chủ quận còn đang suy nghĩ lời khẩn cầu ấy, ngài chưa kịp trả lời, thì ông Huyện chận ngang mà hỏi vợ:

- Tại sao bà nằng nằng không muốn tra hỏi con Túy ?

- Thưa ông, tôi nói nó đau; nó đau nhiều lắm.

- Cử chỉ của bà làm cho tôi phải nghi, mà nghi chuyện không tốt cho con.

Bà Huyện bối rối, nên đứng trơ trơ, không kiếm được lời mà đáp với chồng.

Ông Huyện thủng thẳng nói tiếp :

- Tôi nghi cái bóng trắng người ta thấy đó là con Túy ... Mà tôi còn nghi cái khăn mu xoa lụa xanh cũng của nó nữa.

Bà Huyện biến sắc nói bài hãi:

- Trời ơi ! Ông nói như vậy thì ông giết con còn gì.

- Nếu con nó hư, thì dầu nó chết cũng không đáng tiếc.

- Tội nghiệp con lắm ông ơi! Máu thịt của ông mà ông không thương nó?

- Tôi thương con lắm; song con mà biết nhơn nghĩa, biết làm tốt cho cha mẹ, biết giữ tính cao thượng kìa tôi mới thương chớ, con mà đê tiện làm nhục thân danh nó, làm nhục lây tới cha mẹ nữa, thì thương làm chi.

Bà Huyện ngó quan Chủ quận rồi té ngồi trên ghế và khóc và nói:

- Ông đừng có nghi cho ai hết. Ông nghi cho tôi đây … Tôi đã có tỏ thiệt với quan lớn hồi sớm mơi rồi .

Ông Huyện chau mày hỏi vợ :

- Bà có việc gì đâu mà tôi nghi ?

- Tôi lấy Chí Cao, rồi tôi ăn năn nên tôi giết nó đó.

- Bà nói cái gì vậy?…Bà lấy Chí Cao rồi bà ăn năn bà giết nó !… Trời đất ơi ! có lý nào mà kỳ vậy ?… Bà lấy Chí Cao hồi nào !… Bà đi Sài Gòn với tôi mà…

- Ông khỏi hỏi thất công. Tôi đã có khai thiệt với quan lớn hồi sớm mơi rồi…Tôi cúi xin quan lớn bắt mà bỏ tù tôi đi, đừng tra hỏi làm chi nữa.

Nãy giờ quan Chủ quận ngồi lim dim, song nhờ có ông Huyện bà Huyện cãi nhau nên ngài được thấy việc nhà của ông Huyện bối rối là thế nào và được thấy chỗ nào gian. Bây giờ ngài mới can thiệp, nên chậm rãi nói ;

- Tôi coi việc nhà của ông Huyện bà Huyện rối lắm. Tôi khuyên ông bà bình tĩnh mà xử trí, chẳng nên cãi lẫy quá mà làm mất cái hay, cái quí của niềm phu phụ …

 Quan chủ quận mới nói tới đó, kế cô Túy ở trong của buồng thình lình bước ra, chấp tay mà xá quan Chủ quận rồi a lại ôm mẹ khóc và nói :

- Má ơi, má thương con đến thế nầy, thì con biết làm sao mà đền ơn đáp nghĩa cho vừa! Má thương con đến nỗi má liều cả sanh mạng, má hủy danh dự để che đậy cứu vớt con. Má thương con đến nỗi ra nhận lãnh tội lỗi của con, thế thì thà con chết chớ con nỡ lòng nào để như vậy cho được. Má ơi, con là gái bất hiếu, con là đứa con khốn nạn, đã không biết lo đền ơn sanh thành dưỡng dục, không biết làm vui làm tốt cho cha mẹ, mà lại còn không biết trau dồi đức hạnh nết na, để cho hư hỏng cả thân danh, làm cho cha mẹ phải ưu sầu, làm cho cha mẹ xấu hổ.. Má ơi, con không đáng cho má thương. Con xin má giận con, con xin má giết con, má bỏ phức con đi, đừng thèm kể đến con nữa. Con làm tội lỗi, xin má để cho con đền tội của con, xin má đừng kiếm thế cứu con…

Bà Huyện ôm chặt con vào lòng, dường như sợ người ta dành giựt mà bắt con của bà. Bà chảy nước mắt dầm dề, muốn cản không cho con nói, mà vì bà cảm xúc đau đớn quá, nói không ra lời, chỉ đưa tay toan bụm miệng con mà thôi .

Cái quang cảnh mẹ che đỡ bảo hộ cho con và con tỏ tình hiếu nghĩa với mẹ như vậy đó làm cho ông Huyện và quan Chủ quận đều động lòng nên ngồi mà ngó, chớ không nói được tiếng  chi hết.

Cô Túy gỡ tay mẹ, day mặt lại mà ngó cha, rồi sụm chân ngồi bẹp dưới gạch và lạy cha và khóc và nói :

- Thưa ba, con có tội với ba lớn lắm. Con biết tội lỗi ấy rất nặng nề, nên con không được phép xin ba tha thứ. Con chỉ xin ba từ nay ba quên con đi, kể như con chết từ hồi mới lọt lòng. Còn cái ơn sanh thành với cái ơn dưỡng dục mười mấy năm nay, thì con thề quyết kiếp sau sẽ đền đáp, đền đáp bằng hai đặng chuộc cái tội con làm buồn rầu, làm nhục nhã cho ba trong kiếp nầy. Con xin ba đừng trách má sao không dạy dỗ, sao không coi chừng trước, để con sa ngã rồi lại còn kiếm thế mà che đậy tội lỗi của con. Con sa ngã là tại phong trào tấn hóa về tri thức mà thiếu đức dục của thời đại nó lôi cuốn con, nhứt là tại điệu văn bề ngoài thì mơ mộng du dương mà bề trong thì xô gia đình, phá luân lý, nó làm mê mẩn tâm hồn con, nên con sa ngã, chớ không phải tại má con không dạy dỗ. Còn má kiếm thế má che đậy tội lỗi của con ấy là vì tình mẹ con, thấy con té thì tự nhiên mẹ phải đỡ, chớ má chẳng có ý chi khác.

Nghe con tỏ giọng tha thiết như vậy, bà Huyện khóc mùi mẫn, khóc ra tiếng. Ông Huyện không dằn lòng được  nữa, nên ông cũng khóc.

Cô Túy đứng dậy, cô chùi nước mắt, rồi tỉnh táo mà thưa với quan Chủ quận :

- Bẩm quan lớn, chính tay con đâm Chí Cao, chớ không phải người nào khác. Con đâm một mình không có ai giúp sức, mà cũng  không có ai ngó thấy. Vì tức giận và hổ thẹn; lại cũng vì giữ mình nên con đâm đặng thoát thân, chớ không cố ý đâm chết nó. Sáng bữa sau, con hay nó chết con lo sợ không biết chừng nào lo sợ con bị ắt thì xấu hổ cho ba má con. Đêm trước quan lớn vô thăm ba má con; con ở trong  buồng lóng nghe quan lớn nói quan lớn nghi Chí Cao bị giết vì tình và người giết đó chắc là đàn bà . Nghe như vậy, con biết chắc thế nào quan lớn cũng tìm ra mối, nên con nhứt  định ra thú tội phứt cho rồi, bởi vì con mắc tội thì trước sau gì rồi cũng phải đền tội, sự con làm xấu hổ cho cha mẹ trước sau gì rồi cũng phải phát giác, thà nhận tội liền đặng trí hết lo sợ nữa. Hôm qua con viết một tờ mà tỏ thiệt hết các tội lỗi của con, tính đem nạp cho quan lớn đặng quan lớn định đoạt. Rủi lúc con vừa viết xong thì má con vô thấy. Con phải tỏ thiệt tâm sự cho má con nghe. Vì tình thương con nặng nề, nên má con lấy tờ ấy và ngăn cản không cho con nhận tội. Tờ ấy má con còn cất; xin quan lớn dạy má con trình cho quan lớn xem.

Bà Huyện càng khóc lớn hơn nữa.

Cô Túy day lại nói với cha mẹ :

- Việc đã đến nước nầy, má còn dấu làm chi nữa. Xin má đưa tờ nhận tội của con cho quan lớn xem. Mình lấy lòng thành thiệt mà nhận tội, có lẽ quan trên sẽ thương mà chế giảm cho con.

Nghe nói “chế giảm”, bà Huyện mới thò tay vô túi lấy tờ ra mà đưa cho con. Cô Túy mở ra rồi bước tới trình quan Chủ quận.

Quan Chủ quận cầm tờ nhận tội mà đọc như vầy:

"Bẩm quan lớn,

Tôi tên là Nguyễn Thị Túy, 17 tuổi, con gái của Nguyễn Văn Tân và Lê Thị Hương, ở làng Thới Thạnh quận Ô Môn, kính dâng tờ nầy mà tỏ cho quan lớn rõ các tội lỗi của tôi phạm.

Tôi xin quan lớn cho phép tôi tỏ theo thứ tự: phạm tội bởi cớ nào, và phạm tội rồi hối hận thể nào. Tôi thề có trời đất làm chứng, tôi sẽ khai đúng với sự thiệt, không nói thêm hoặc nói bớt mà chữa mình chút nào hết

Chí Cao là một văn sĩ viết tuyểu thuyết có danh lớn, mua nhà và vườn của xã Nhẫn khít một bên vườn của cha mẹ tôi. Cách hơn một tháng nay, người về đó mà ở một mình với một tên bồi. Ở được vài bữa, một buổi chiều, người đến nhà thăm cha mẹ tôi. Vì cha tôi đi khỏi, nên tôi tiếp rước. Thuở nay tôi ái mộ các tiểu thuyết của Chí Cao; nay thấy người tới nhà thì tôi khấp khởi trong lòng, muốn biết coi người như thế nào mà viết tiểu thuyết hay như vậy. Tôi ngồi một bên má tôi mà nghe người nói chuyện, văn nói của người cũng hay như tiểu thuyết vậy; bởi vậy tôi đã mê tiểu thuyết, mà còn được nghe tác giả nói chuyện, thì tôi lại càng mê nhiều hơn nữa. Người về rồi thì tôi cứ đọc đi đọc lại các tác phẩm của người, những lời người nói cứ vẳng bên tai tôi, hình dạng của người cứ phảng phất trước mắt tôi hoài.

Cách mười mấy bữa rày, cha mẹ tôi đi Sàigòn với em tôi, tôi ở nhà một mình với gia dịch. Chiều lại tôi ra trước vườn hoa mà chơi. Chí Cao đi ngang qua, người thấy tôi chào hỏi đủ lễ. Người biết tôi ái mộ tiểu thuyết của người, nên mượn câu chuyện tiểu thuyết mà nói. Người khoe với tôi rằng người đương viết quyển “Một bầu phong nguyệt”, còn hay hơn quyển “Nhắn bạn Hằng Nga” là tác phẩm tôi  thích hơn hết. Người lại mời tôi qua thơ phòng của người đặng người đọc một vài đoạn cho tôi nghe thử. Người nói cái giọng du dương lãng mạn, còn ý tứ thì khiêu khích ái tình, khiến cho tôi là gái bấy lâu nay đêm ngày đọc tiểu thuyết lãng mạn, hấp thụ cái ý tứ lãng mạn, tôi gây nên tâm hồn cũng lãng mạn như trong tiểu thuyết, tự nhiên tôi phải cảm xúc động tình.

Biết gái đến nhà trai là một sự quấy, nên tôi không chịu hứa lời. Tuy vậy mà chừng tôi trở vô nhà thì tôi không thể quên lời mời được, trong lòng cứ muốn qua nhà Chí Cao mà xem coi thơ phòng của tiểu thuyết gia thế nào và nhứt là qua đặng nghe đọc quyển “Một bầu  phong nguyệt” coi nó hay  làm sao. Muốn thì muốn, mà sợ thiên hạ họ thấy rồi họ dị nghị xấu hổ, nên tôi dằn lòng làm ngơ.

Cách vài đêm sau, sự muốn qua nhà Chí Cao sôi nổi rạo rực trong lòng tôi thái quá không thể dằn được nữa. Lối 10 giờ, thấy gia dịch đều ngủ im lìm, tôi mở cửa sau, đi vòng nhà bếp, băng qua vườn trầu, rồi vẹt rào mà qua nhà Chí Cao. Người thức viết tiểu thuyết, nên nghe tôi gõ cửa thì lật đật ra mở cửa liền. Người tiếp rước tôi rất vui vẻ, nói rằng người biết tôi thế nào cũng qua.

Người lấy tiểu thuyết mà nói chuyện, đọc một đoạn của “Một bầu phong nguyệt” cho tôi nghe, rồi thừa tâm hồn tôi đương mê mẩn bồi hồi, người mới dùng lời du dương khôn khéo mà khêu gợi tình tôi, nói rằng nếu được tôi làm vợ, ngày đêm được thấy tôi, được gần tôi, thì tư tưởng của người càng thêm cao, câu văn của người càng thêm nhã, sự nghiệp văn chương của người càng thêm rực rỡ. Người dùng lời nói mà trưng ra trước mắt tôi cái cảnh gia đình tuyệt đối, vợ xinh đẹp như tiên nga trong động bích, chồng cao thượng như thần thánh trên mây xanh. Lòng nghe lời ấy, tưởng tượng cảnh ấy, tôi không thể không xiêu lòng được. Lúc mơ mộng chỉ biết say sưa với tình, chớ không có nhớ thân danh mà dè dặt. May cái đức dục tôi hấp thu trong gia đình thuở nay còn vẩn vơ trong trí tôi, nên cách chừng một giờ sau tôi sực nhớ tới tiết hạnh mà giựt mình, rồi dứt tình mà về, không dám ở nữa.

Tuy tôi nhứt định không trở qua thơ phòng của Chí Cao nữa, mà qua đêm sau tôi dằn lòng không được, nên lối 10 giờ rồi tôi cũng lén đi. Qua khỏi hàng rào thì thấy Chí Cao đã đứng sẵn mà chờ tôi đặng rước tôi vô nhà. Đêm nay câu chuyện càng thêm mặn nồng, ái tình càng thêm chan chứa. Người lo cho bền vững cuộc trăm năm, nên tính sẽ khẩn cầu cha mẹ tôi mà xin cưới tôi. Bữa nay đã quen, tôi bớt lo ngại, nên ở đến gần sáng tôi mới về, ôm ấp trong lòng một cái hy vọng sẽ có chồng một tiểu thuyết gia trứ danh.

Té ra trưa bữa sau, tôi nghe gia dịch xạo sự nói với nhau rằng có vợ Chí Cao mới xuống, người vợ nầy ở với Chí Cao có một đứa con. Nghe tin ấy tôi bủn rủn tay chơn, tán loạn tâm thần. Tuy vậy mà muốn điều tra cho chắc, nên chiều tôi lại giả đi xem vườn, tôi đi dọc theo ranh đất Chí Cao. Thiệt quả tôi thấy có một người đờn bà vô ra bên nhà Chí Cao, chẳng còn nghi gì nữa. Tôi tức rồi tôi giận, nên tôi bương bả trở vô nhà mà nằm, tức vì mình không biết dè dặt, giận vì người giả dối gạt mình. Sự tức giận ấy nó làm cho tôi phải đau, nên nằm trong buồng hoài, không muốn thấy mặt ai hết.

Cách ba ngày sau, cha mẹ tôi đi Sài Gòn về, vì tâm hồn rối lọan, mà nhứt là vì trinh tiết nhuốt nhơ, tôi lấy làm áo não và hổ người nên tôi giả có bịnh chóng mặt nhức đầu cứ nằm miết trong buồng, không dám ngó mặt cha mẹ. Trưa bữa sau, tôi nghe đứa tớ gái, là con Bảng, nói với mẹ tôi rằng người đờn bà ở bên nhà Chí Cao đã xách giỏ mà đi rồi. Tôi liền nhứt định trong trí sẽ lập kế giáp mặt với người tôi yêu lầm, đặng tỏ cho người biết tôi rất khinh bỉ thói giả dối của người đã có vợ có con mà còn gạt tôi, làm cho sự mơ mộng của tôi vỡ tan, làm cho cái tiết giá của tôi lem luốc.

Đêm ấy vì lòng tức giận tràn trề nên tôi ngủ không được. Lối nửa đêm, nghe trong nhà im lặng, tôi mới lén mở cửa mà đi qua nhà Chí Cao thấy cửa giữa còn mở một cánh, bóng đèn dọi ra ngòai, tôi mới lại đó mà dòm. Chí Cao đương ngồi tại bàn viết, người vừa thấy tôi thì mừng rỡ, đứng dậy chạy a lại, đưa tay muốn ôm tôi. Tôi xô người ra và đi lại bàn viết và nói: “Anh đã có vợ có con rồi, mà sao anh gạt tôi, anh nói thuở nay anh chưa hề có tình với ai hết? Anh là thằng điếm, trau dồi câu văn du dương trau chuốt ngót lời nói lãng mạn, đặng phá hoại đức hạnh của đờn bà con gái phải hôn? Trước kia tôi kính trọng anh bao nhiêu bây giờ tôi khinh rẻ anh bấy nhiêu, tôi nói cho anh biết”.

Tôi giận, tôi ghét lung lắm mà Chí Cao cứ làm ngơ, không cãi với lời mắng nhiếc của tôi mà lại theo mơn trớn, kêu tôi là “em thanh xuân”, cứ theo một bên tôi, cứ hớn hở vui cười, cứ đưa tay toan ôm tôi. Tôi ghê gớm không chịu cho người đụng mình tôi, nên tôi xô người, tôi tránh người. Tôi xô người chừng nào thì người hăng hái muốn ôm tôi chừng nấy. Người dùng sức mạnh mà chặn tôi vô góc bàn viết rồi hai tay ôm chặt ngang mình tôi. Tôi giận run muốn gỡ mà thoát thân, song yếu sức nên gỡ không nổi. Giận quá, gớm quá, ngực tôi hồi hộp, mắt chóa lóa, không còn biết chi nữa, không còn thấy chi nữa, tôi chống tay trên thành bàn thình lình đụng con dao rọc giấy, tôi mới lấy con dao ấy mà đâm một cái, không biết trúng nhằm chỗ nào, mà Chí Cao buông tôi ra rồi té xuống gạch. Tôi còn giận mà bây giờ lại thêm sợ nữa, nên tôi vội vã ra cửa mà chạy ngay về, trong nhà tôi vẫn im lặng, không ai hay tôi đi, tôi về chi hết. Tôi vô buồng mà nằm, trong trí rối loạn, trong lòng lo sợ, nên  ngủ không được, đến sáng tôi mới nghe nói Chí Cao chết, vì con dao đâm ngang ngực có lẽ phủng trái tim, nên quan làng đến tra xét. Nghe Chí Cao chết , thiệt tôi không thương tiếc chút nào hết, vì hạng người như vậy nếu sống lâu thì hại cho luân lý xã hội, chớ không ích gì. Nhưng mà tôi lo sợ cho phận tôi, bởi vì nếu việc tôi làm mà bị phát giác, quan làng đến bắt tôi, chắc cha mẹ tôi buồn lắm. Tôi nhớ lại tôi mất cái khăn mùi xoa lụa xanh, tôi càng lo sợ hơn nữa.

Ba bữa rày tôi cứ giả đau, nên nằm trong phòng hoài. Tôi suy xét lại các tội lỗi của tôi phạm, thì tôi ngó thấy rõ ràng như vầy; tại tôi ái mộ những dâm thơ, mấy năm nay tôi cứ đọc những tiểu thuyết lãng mạn, nên tôi gần cái tâm hồn mơ mộng đa sầu đa cảm, xa lần nền luân lý, ưa thích thói hoang đàng. Tôi đã mang cái tâm hồn như vầy, tự nhiên lúc người ta khêu gợi ái tình của tôi, tôi không có nghị lực đủ mà chống chọi với những câu tha thiết của trai, tôi không có đức hạnh để che chở giữ gìn cho cái tiết trinh của tôi. Nay  tôi sa ngã rồi, tôi mới biết dâm thơ là thứ rất hiểm nghèo, còn luân lý là vật rất cần ích, nhứt là cho đoàn phụ nữ. Tiếc vì tôi biết thì đã trễ rồi !

Tôi sa ngã thì cái đời của tôi còn quí gì nữa ! Cái gương trắng trong nay đã lu lờ thì cái giá cao thượng tự nhiên phải thấp hèn. Cái đời của tôi đã hư hỏng rồi, còn hay ho thú vị gì nữa mà sống !

Bây giờ tôi phải làm thế nào ? phải dấu diếm tội lỗi rồi trốn tránh hình phạt, mà sống với cái đời giả dối, làm cho người ta thương cái thân không đáng thương nầy, làm cho người ta trọng cái phẩm không đáng trọng nầy chăng ? Phải tự vẫn mà chết đặng dấu nhẹm tội lỗi và làm cho cha mẹ khỏi buồn rầu xấu hổ chăng ? Phải chường mặt ra nhận tội đặng đền phứt cho rồi, cho khỏi hổ với lương tâm, khỏi dối với gia đình xã hội chăng? Đó là những câu tôi thầm hỏi tôi mấy bữa rày, hỏi hoài mà không biết câu nào là câu chính đáng.

Hồi hôm quan lớn đến nhà tôi mà nói chuyện về vụ án mạng của tôi gây ra. Nghe quan lớn nói đến vụ án mạng tôi liền nhớ câu "Cư kỉnh nhi hành giãn" của cha tôi chỉ cho quan lớn hôm tháng trước. Chừng nghe quan lớn đoán kẻ sát nhơn là một phụ nữ, thì tôi sợ sớm muộn gì tội lỗi của tôi cũng sẽ phải phát giác. Nhờ vận hội này nên tôi mới nhứt định cái đường tôi phải đi. Tôi phải làm theo ý nghĩa của hai chữ “cư kỉnh” mà cha tôi đã cắt nghĩa hôm tháng trước. Huống chi nếu cho quan lớn tra xét mà tìm ra mối, thì tôi cũng có tội, mà lại còn trái với ý nghĩa hai chữ “Cư kỉnh” nữa.

Vì vậy nên tôi viết tờ nhận tội nầy mà dưng cho quan lớn xem đặng quan lớn hiểu rõ duyên cớ về vụ án mạng và biết kẻ sát nhơn mà định đoạt.

ký tên : NGUYỄN THỊ TÚY ,"

Quan chủ quận đọc tờ nhận tội của cô Túy dứt rồi, ngài liền trao cho ông Huyện xem. Ngài ngó cô Túy thì thấy cô đứng cúi mặt xuống gạch, nét mặt tuy buồn, song bình tĩnh, dường như sự nhận tội nó làm cho trí cô đã được yên .

Ngài nói với cô:

- Từ hồi sớm mơi tôi đã để ý nghi quyết cho cô là kẻ sát nhơn. Cô em có can đảm ra nhận tội như vầy thì đáng thương lắm. Việc cô em làm đó, vậy mà bây giờ cô em có ăn năn hay không ?

- Bẩm, quan lớn muốn hỏi việc gì ?

- Việc đâm Chí Cao chết đó.

- Bẩm quan lớn, con đâm Chí Cao là việc tình cờ con không cố tình trước. Đêm đó con qua nhà nó là qua đặng vạch mà chỉ chỗ tiểu nhơn của nó cho nó biết và mắng nhiếc nó cho bỏ cái thói dã man đi, rồi con dứt tình với nó. Tại nó không biết ăn năn, cứ làm thói đê tiện, mà cũng tại con dao rọc giấy nằm sẵn trên bàn, trong lúc nguy cấp tức giận, con lấy dao mà đâm bậy đặng nó buông con ra, chớ con không cố tình đâm cho nó chết. Tại trời đất định người quấy thì phải chết, nên mới khiến con dao trúng nhằm chỗ nhược cho nó chết đó. Ấy vậy sự Chí Cao chết đó không phải tại con muốn, nên con không ăn năn. Con ăn năn nhiều, là ăn năn về sự con tấn hóa sai đường, tấn hóa về trí não mà không tấn hóa về đức hạnh, nên ngày nay con mới gây họa cho cha mẹ buồn rầu xấu hổ.

- Có tội mà dám nhận tội là can đảm, làm sái rồi biết sái là kiến thức. Biết sợ cha mẹ buồn rầu xấu hổ là hiếu nghĩa. Người trẻ tuổi, lại có thái độ như cô em, mà phạm tội đại hình, thiệt đáng tiếc lắm.

Cô Túy nghe mấy lời bình phẩm như vầy, thì cô ân hận quá, nên nước mắt chảy ròng.

Bà Huyện càng khóc lớn hơn nữa.

Ông Huyện hồi nãy nghe con tha thiết mà  xin lỗi thì không giận mà lại thương con. Bây giờ ông đọc hết cái tờ nhận tội của con rồi thì ông càng thương con nhiều hơn. Ông trả lại cho quan chủ quận và than:

- Vợ chồng tôi chẳng hề có làm điều ác, mà sao trời đất lại khiến trong nhà tôi có cái họa lớn như vầy !

Quan Chủ quận liền đáp với ông Huyện :

- Theo tờ nhận tội của cô em, thì tại cô em đọc dâm thơ nên mới gây ra tai họa lớn trong nhà, chớ không phải tại ông bà làm ác. Ngày tôi mới đến thăm ông Huyện lần đầu, thì tôi đã nói đờn bà con gái không nên đọc những dâm thơ. Ông Huyện còn nhớ hay không ?

- Bẩm tôi nhớ .

- Thôi, ngày nay họa đã đến rồi, tôi khuyên ông Huyện bà Huyện chẳng nên buồn làm chi, hãy lấy can đảm mà lướt họa. Người ngay người phải, trời đất chẳng hề phụ bao giờ.

- Tôi ngao ngán quá, hết muốn việc chi nữa .

- Ông Huyện đừng thối chí chớ. Ông quên câu : "Tri mạng , thuận thời, thính thiên" hay sao ?

Ông Huyện gật đầu rồi suy nghĩ.

Bà huyện vẫn còn muốn cứu con gái nên thưa với quan chủ quận :

- Bẩm quan lớn, quan lớn có thế gì cứu con tôi hay không ?

Quan Chủ quận chưa kịp trả lời, thì ông Huyện rước mà đáp với vợ :

- Sao bà lại cầu cứu nơi quan lớn ? Phạm tội thì phải đền tội. Lẽ trời hay là luật nước cũng đều định như vậy. Con mình là con nít, mà nó còn biết nên chẳng dám thối thác thay. Vậy bà chẳng nên nói quấy .

Bà Huyện không dám nói nữa.

Ông Huyện suy nghĩ một chút, rồi ông đứng dậy, bình tĩnh mà thưa với quan Chủ quận:

- Bẩm quan lớn, vợ chồng tôi ít con, nên thương con lung lắm. Vì quá thương, nên sự dạy dỗ không được nghiêm, để con thong thả nên mới gây họa trong gia đình như vậy. Tôi nghĩ lại con tôi phạm tội ác, làm nhục nhã tông môn, vợ chồng tôi cũng có một phần lỗi trong đó. Ấy vậy vợ chồng tôi, dầu thương con, cũng phải ôm lòng mà chịu, không dám than thở chi hết. Con tôi phạm tội thì nó phải chịu hình phạt theo luật nước. Xin quan lớn cứ thi hành phận sự, đừng ái ngại chi hết.

Quan Chủ quận thấy ông Huyện gặp hoạn họa mà vẫn bền lòng cư kỉnh, thì ngài cảm động, nên ngồi ngẩn ngơ.

Ông Huyện thủng thẳng đi lại cửa mà dòm ra ngoài, thấy Hương quản ngồi tại hàng tư thì kêu mà nói:

- Hương quản, em vô dắt con Túy ra dinh quận đặng cho quan lớn tra hỏi nó theo phép.

Hương quản rón rén bước vô cửa, xá quan Chủ quận với bà Huyện, mà mặt mày buồn hiu.

Ông Huyện nhìn cô Túy, nước mắt cửa ông rưng rưng, song ông gượng mà nói với con:

- Thôi con đi với Hương quản… Ba sẽ ráng mà quên cái lỗi của con đối với  gia tộc.

Bà Huyện chạy lại níu con mà khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Cô Huyên với em Ngọ nãy giờ ra đứng một bên bà Huyện mà khóc, bây giờ thấy quang cảnh như vậy nên càng khóc lớn hơn nữa.

Cô Túy ngồi bẹp mà lạy cha mẹ và nói :

- Ba má thương con, nên không cố chấp cái tội bất hiếu của con, thì con đội ơn nặng lắm. Con xin để kiếp sau rồi sẽ đền ơn cho ba má. Con là đứa làm nhuốc nhơ cho gia tộc, thì con không được phép nói đến gia tộc nữa. Tuy vậy mà trước khi con lìa ba má mà đi đền cái tội ác của con, con xin ba má cho con tỏ ít lời. Thân con đã bỏ rồi, từ rày dầu sống cũng như chết không còn kể chi nữa. May trong nhà còn em Ngọ, nó sẽ thay con mà làm vui lòng cho ba má. Song con xin ba má biểu chị Huyên soạn những dâm thơ trong tủ của con mà đốt hết đi, đừng để rủi em Ngọ nó thấy nó đọc thì hại nữa.

Ông Huyện nói :

- Ba sẽ làm như ý con muốn .

Cô Túy đứng dậy ngó cha mẹ, ngó chị em, rồi cúi đầu từ giã bước ra cửa đi với Hương quản.

Cả nhà ai nấy đều ngó theo, thấy ngoài sân trời đã tối mờ mờ, chẳng khác nào cảnh trời tương lai của cô Túy, thì rất đau lòng xót dạ.

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư