Ðại nghĩa diệt thân - Chương 15 (Hồ Biểu Chánh)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
07/07/2019 12:07:02 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Ðại nghĩa diệt thân - Chương 16 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Dây oan - Chương 1 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Ðại nghĩa diệt thân - Chương 15 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Ðại nghĩa diệt thân - Chương 14 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Trong lúc ở Tịnh Giang bà Nhiêu với vợ con và em Ðạt đương khóc than thảm thiết về sự Ðạt số vắn mạng chung, thì bên Khánh Hậu ông Nhiêu nằm ngồi không yên, ông lo lắng không biết hồi hôm có nổ súng phía Cổ Chi, mà Chí Linh chỉ huy nghĩa binh, chàng thắng bại lẽ nào, mà ông còn lo lắng không biết chiều hôm qua cụ Thủ Khoa ra sông cái cụ có được đi thông thả hay là bị giặc ngăn cản.
Ông Nhiêu ở nhà Sáu Tại mà ông cứ ra vô ngó chừng bà Ba với ông Bảy, là hai người ông cậy đi dọ dùm tin tức cho ông. Ông trông đến nửa chiều mới thấy dạng bà Ba gánh gánh lơn tơn trở về.Bà Ba vừa bước tới cửa thì ông Nhiêu chận hỏi liền: „Sao Bà Ba? Bà có nghe tin gì hay không?“
Bà quăng gánh ngoài cửa vừa bước vô vừa nói:
- Cha chả! Hồi hôm chắc lớn chuyện lắm ông à!
- Lớn chuyện là sao?
- Khát nước quá, để tôi kiếm một miếng nước tôi uống rồi tôi sẽ nói cho ông với chú Sáu nghe.
Sáu Tại biểu bà ngồi đó mà nghỉ, để chú đi múc nước cho. Bà uống hết tô nước rồi bà mới nói:
- Hồi sớm mơi tôi lên tới đường vô Cổ Chi, tôi thấy đường vắng teo, không có một bóng người ra vô, chớ không phải như hồi trước.Tôi làm gan gánh gánh đi lại. Ði được nửa đường, tôi quay lại phía sau lưng tôi thấy binh lính đi theo tôi đông quá, có Tây mà cũng có Nam nữa. Tôi sợ quýnh, không biết trốn đâu cho được. May quá, tôi thấy phía tay trái có một cụm vài ba cái nhà, tôi quẹo qua đó mà tránh lính. Mấy nhà đó không có đàn ông, chỉ có bà già với con nít thôi. Họ hỏi tôi đi đâu.Tôi nói đi bán khoai với cải. Họ biểu tôi núp cho mau, có lính Tây đi ngoài đường kia kìa, lấp ló chúng bắn chết. Tôi bỏ gánh mà theo họ núp sau mấy bụi chuối. May quá, lính đi luôn vô Cổ Chi, chớ không ghé mà cũng không bắn. Tôi theo một bà già mà vô nhà. Tôi xin cho tôi ẩn núp đỡ, đợi Tây về rồi tôi mới dám đi. Tôi hỏi bà vậy chớ lính Tây đi đâu mà đông dữ vậy. Bà mới nói hôm qua có nghĩa binh tựu hội trong xóm Cổ Chi. Ðến chiều thấy có lính mang súng rình mò ngoài ruộng chung quanh xóm. Tối một lát nghe súng bắn lộp bộp phía đó. Bà sợ đạn nên không dám ra coi. Rồi đó thì êm luôn tới sáng, không có chuyện gì. Hồi sớm mơi có một thằng nhỏ ở một bên bà nó vô Cổ Chi chơi. Nó hào hển chạy về nói xóm Cổ Chi người ta đi đâu mất hết, không còn một người, mà có thây ma nằm uynh tay uynh chưn coi ghê quá. Nghe nói như vậy nên không ai dám léo vô đó nữa, nên không biết có chuyện gì.
Ông nhiêu nói:
- Chắc hồi hôm đụng độ, bên lính tây bắn, nên mới có thây chết chớ gì. Còn người trong xóm thì họ sợ tây trở vô xét nên họ bỏ nhà trốn hết.
Bà ba nói:
- Còn vầy nữa ông à. Một lát có bà ở mé bên đó lại nói hồi khuya con bà về nói lúc đầu hôm mình đánh họ ngã rạp hết, rồi đoạt súng rút qua sông đặng tản mát trong đồng. Nó về cho bà hay đặng nó đi theo người ta. Mấy tiếng súng mình nghe đó là súng của tốp lính tây ở ngoài giồng vô bắn bậy rồi rút về, còn ai ở đó đâu mà bắn.
Ông Nhiêu cười mà nói:
- Nếu vậy thì bên mình thắng rồi. Linh làm được việc quá.
Bà Ba nói tiếp:
- Ba bà con tôi đương nói chuyện kế thấy lính trong Cổ Chi đi ra. Ai nấy đều núp sau mấy bụi chuối mà dòm. Tôi thấy rõ ràng có 4 người lính lấy võng khiêng 2 người đi ra. Cách một chút thì lính Tây với lính nam ra đông. Cũng có hai cái võng đi trước, mỗi võng có một người nằm, nhưng có hai người khiêng mà thôi, mỗi người để 2 đòn lên 2 vai. Kế đó thì lính Tây khiêng tay, 2 người khiêng một người. Tôi đếm hết thảy khiêng tới 17 người như vậy. Họ ra chưa khỏi xóm Cổ Chi, thì trong xóm lửa phát lên cháy dữ quá, cháy một lát thì nhà cửa cây cối đều trụi hết. Tôi đợi họ đi mất dạng thiệt lâu rồi tôi mới gánh gánh mà về đây.
Ông Nhiêu vui vẻ nói:
- Bà đi dọ tin tức được như vậy thì giỏi lắm. Tôi cám ơn bà. Tôi chắc bên mình thắng rồi. Họ võng họ khiêng đó là võng khiêng người của họ. Theo số bà đếm thì võng 4 người khiêng 17 người, cộng là 21 người. Chắc 4 người võng đó bị thương chớ chưa chết; còn 17 người khiêng tay đó chết rồi. Mình không có súng mà hạ được tới 17 mạng thì không phải dở. Thôi bà về nghỉ đi bà ba. Tôi cám ơn lắm nghe hôn.
Bà Ba gánh gánh đi về. Sáu Tại nói:
- Còn ông Bảy đi dễ hơn, mà sao ổng đi tới chừng nầy ổng chưa về vậy kìa. Sợ có chuyện gì hay sao chớ.
Ông Nhiêu nói:
- Chuyện Linh mình nhẹ lo rồi. Bây giờ còn lo cho cụ Thủ khoa. Vái cho cụ đi êm. Cụ là hồn của cuộc kháng chiến, mấy tháng nay cụ bị giam. Dân tâm ngẩn ngơ bỏ xui hết. Vừa nghe cụ về thì ai cũng phấn khởi, nên mới thắng được như vậy đó. Phải có cụ làm đầu cuộc kháng chiến thì mới mong hưng phục nước nhà.
Người nhà dọn bữa cơm chiều. Sáu Tại chưa kịp mời ông Nhiêu, thì thấy ông Bảy chống gậy về tới.
Ông Nhiêu với Sáu Tại đồng hỏi một lượt:
- Sao về trễ vậy?
Ông Bảy dựng cây gậy dựa vách, rồi vừa đi lại ván mà ngồi vừa nói:
- Ra đó đến trưa cậu Linh gặp tôi nói chuyện rồi, cậu cậy tôi đi xuống Tân An. Tại vậy nên về trễ chớ sao. Cha chả, thiệt cụ Thủ Khoa bị hai chiếc tàu Tây đón bắt hồi chiều hôm qua. Sáng nầy họ nhổ neo chở cụ đi mất rồi!
Ông Nhiêu la lớn:
- Trời đất ơi! Nếu vậy thì còn gì đâu mà kể! Ông hay tin sao đâu ông nói lại tôi nghe coi, ông Bảy.
Ông Bảy mới chậm rãi nói:
- Tôi ra tới vàm Rạch Chanh thì trời đã trưa rồi. Tại vàm có nhà bộn mà nhà ở mé bên kia, chớ mé bên mình không có. Tôi thấy phía dưới xa có vài cái nhà; tôi men xuống dưới hỏi thăm coi chiều hôm qua họ có thấy ghe cụ Thủ Khoa ra vàm rồi đi êm hay không. Họ nói họ ở xa vàm nên họ không thấy gì hết. Tôi trở lại vàm coi có ghe qua lại, tôi cậy đưa dùm tôi qua sông đặng hỏi mấy nhà ở mé bên kia. Ðến trưa cậu Linh ở mé bên cậu thấy tôi. Cậu kêu hỏi tôi đi đâu. Tôi nói hai ông sai tôi lên đây có việc. Cậu biểu tôi đứng chờ cậu kiếm xuồng cậu rước. Thiệt cậu vô mấy nhà ở phía trong cậu mượn được chiếc ghe lườn cậu chèo ra cho giáp mặt tôi. Cậu đậu ghe rồi lên bờ hỏi tôi vậy chớ ông Nhiêu đâu mà sai tôi đi đây và đi làm việc chi. Tôi nói hồi sáng ông Nhiêu lại nhà chú Sáu ông nói đêm rồi ông nghe súng nhỏ bắn ở Cổ Chi, rồi lại nghe tiếng súng lớn ở vàm Rạch Chanh nữa. Ông lo ngại nên cậy bà Ba vô Cổ Chi nghe tin tức còn tôi thì ông cậy đi ra đây hỏi thăm coi chiều hôm qua ghe cụ Thủ Khoa ra vàm rồi được đi êm hay không. Cậu Linh nói hồi hôm cậu cũng nghe súng phía nầy nên đợi sáng cậu ra đây hỏi thăm. Mấy nhà ở gần vàm họ đã nói với cậu rằng, xế hôm qua có hai chiếc tàu lại đậu một chiếc gần vàm Rạch Chanh, một chiếc gần vàm Thủ Thừa, đón xét ghe xuồng qua lại. Ðến chiều có chiếc ghe mui lá, 2 chèo, ở trong Rạch Chanh đi ra. Tàu tri ệt chiếc đó lại mà xét hỏi rồi thả dây buộc cặp theo tàu không cho đi. Hồi hôm nghe phía Cổ Chi có súng nổ. Dưới tàu bắn 3 phát súng lớn làm cho trên bờ lo sợ, nhưng lại êm ru, không có gì hết. Ðến sáng người ta thấy hai chiếc tàu kéo neo rồi chạy xuống phía Tân An. Người ta thả chiếc ghe bắt hôm qua, rồi 2 người chèo chiếc ghe đó cũng chèo đi xuống Tân An nữa. Cậu Linh thuật chuyện người ta nói lại với cậu như vậy, cậu nghi cụ Thủ khoa bị bắt rồi, còn chiếc ghe thì họ thả nên hai người bạn chèo trở về trả cho chủ ghe. Nếu cụ không bị bắt thì ghe đi lên Bắc Chiên chớ trở lại Tân An làm chi. Cậu muốn biết chắc việc đó nên cậu mới nói hình dáng chiếc ghe cho tôi nghe, rồi cậu chỉ nhà chủ ghe ở dưới Tân An cho tôi biết. Cậu cậy tôi chịu khó xuống Tân An hỏi thăm chủ ghe với 2 người chèo coi phải cụ Thủ Khoa bị tàu bắt chở đi hay không. Tại tôi phải đi một vòng như vậy nên mới về trễ.
Ông Nhiêu nóng nghe nên hỏi:
- Mà ông đi hỏi rồi họ nói làm sao?
Ông Bảy nói:
- Tôi tìm đến nhà ông chủ ghe. Ông kêu hai người chèo cho tôi hỏi thì quả thiệt như vậy. Tàu bắt ông mướn ghe đi đó, còn ghe thì sáng họ thả nên hai người chèo về.
Ông Nhiêu thất vọng cực điểm nên đứng dậy nói:
- Quả thiệt rồi! Trời khiến cho ta mất nước mà! Ðêm hồi hôm tôi thổn thức ngủ không được, tôi nghi có điềm không lành, bởi vậy tôi nóng nảy trông cho mau sáng đặng qua đây cậy đi hỏi thăm.
Sáu Tại nói:
- Thôi, mời ông ăn cơm kẻo nguội lạnh hết. Ăn cho ông Bảy ăn luôn thể; ổng đi trọn ngày nay chắc ổng đói bụng.
Ông Nhiêu lại mâm cơm ngồi ăn với Sáu Tại và ông Bảy. Ông nói ông nghe cụ Thủ khoa bị bắt ông bủn rủn hết muốn ăn. Ông hỏi ông Bảy:
- Ông trở lên vàm Rạch Chanh nói cho Linh hay rồi chưa?
- Thưa không. Cậu linh dặn tôi đi hỏi rồi về thẳng đây. Tối nay cậu sẽ về đây cậu lấy tin. Cậu còn dặn tôi thưa với ông ở đây chờ. Cậu có việc riêng muốn tỏ với ông. Cậu lại biểu tôi nói trước cho ông hay việc Cổ Chi hồi hôm bên mình thắng toàn diện.
- Việc đó bà Ba về hồi nãy, bà có nói cho tôi nghe rồi. Có việc nầy sao kỳ quái quá. Hễ binh mình thắng thì cụ Thủ khoa bị nguy. Hồi trước trận Bình Cách mình thắng thị cụ Thủ khoa bị bắt. Bây giờ tới Cổ Chi, cụ không có ở đó, mà cụ cũng bị nữa. Tại sao vậy không biết.
Ăn cơm rồi ông Bảy về nhà mà nghỉ, đợi Linh về ông sẽ trở lại mà nói chuyện.
Ông Nhiêu buồn bực quá, hết muốn lo việc gì nữa. Ông nằm xóp ve mà chờ Linh.
Ngoài sân trước trời tối lần lần. gió thổi hàng cây dương cao trồng trước đình thần gần đó, lá dương kêu vo vo làm cho ông càng thêm áo não. Ông nghĩ con người ở đời lo tính quấy phải dại khôn lăng xăng, rốt cuộc nên hư đều do thiên mạng không phải muốn mà được hay tránh mà khỏi. Ông càng thêm chán nản, hết muốn gì nữa, thì ông tính vào rừng thẳm hoặc lên non cao mà ở ẩn một mình, làm bạn với cây cỏ, với gió mây, cho an thân khoẻ trí, khỏi nghe những cuộc thiệt hư, khỏi thấy những thói gian nịnh.
Qua canh một Chí Linh mới về tới. Bước vô chào ông Nhiêu và mừng anh Sáu Tại hỏi ăn cơm chiều rồi hay chưa. Linh nói ăn rồi. Chàng hỏi ông Bảy đã về nói việc cụ Thủ khoa thế nào. Ông Nhiêu nói ông Bảy về hồi chiều, ông cho hay thiệt quả cụ Thủ Khoa bị tàu Tây bắt chở đi hồi sớm mơi rồi. Ông có giáp mặt với hai người chèo ghe họ nói rõ như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa được.
Chí Linh ngồi buồn hiu.
Ông Nhiêu nói.
- Cha nghe như vậy từ hồi chiều tới giờ cha nản chí, hết muốn lo tính gì nữa. Chuyến nầy nó thộp được cụ, mà có thêm việc Cổ Chi nữa, thì nó có thả cụ nữa đâu mà mong.
- Còn con dại quá. Chớ chi chiều hôm qua con rước cụ với cha vô Cổ Chi coi nghĩa binh ta chiến đấu cho mát ruột, rồi con đưa qua phía bên kia rạch mà vô đồng ở đỡ một đêm, đợi êm rồi đi thì xong quá.
- Trận Cổ Chi con đại thắng phải không?
- Con cho mai phục trong ngoài hai lớp, đợi giặc vô giữa rồi hai đầu đánh ép lại, đánh ngã rạp hết. Chúng nó không có thì giờ mà bắn được một phát súng. Con lấy được cả thãy 22 cây súng, lại có đạn nhiều lắm.
- Cha cậy bà Ba đi dọ thám. Hồi chiều bà về nói bà gặp Tây vô đông lắm, kiếm đem thây về. Bà núp bà coi thì thấy họ võng 4 người, còn khiêng tay 17, cộng lại 21 người. Vậy có một người quăng súng chạy khỏi nên mới lượm được tới 22 cây. Cha tưởng 4 người võng đó bị thương chớ chưa chết.
- Chết hết cha à, không thể nào sống nổi. Tàn rồi con có cầm đèn con rọi con coi. Rạp hết, không có một mạng nào cựa quậy. Có một điều làm con hết vui.
- Ðiều gì?
- Ðốc Thành mang lon đội, bị nghĩa binh đâm đổ ruột máu chảy lai láng.
- Ðồ phản bội, chết đáng kiếp. Ham chơi dao phải đứt tay chớ sao.
- Ðốc Thành chết không nói gì, ngặt quá, không dè anh hai Ðạt cũng chết nữa.
- Có thằng Ðạt đi trong đó hay sao?
- Thưa, có. Con có dè đâu. Chiều hôm qua con hỏi cha như gặp anh Ðạt con làm sao. Con hỏi đó là hỏi phòng hờ, con không chắc có ảnh. Chừng rọi coi con mới ngó thấy. Con buồn quá. Con có lật con coi kỹ. Ảnh bị roi chớ không phải bị mác hay chỉa. Lúc hỗn độn ai gặp đâu đánh đó, có biết ai đánh ảnh đâu mà nói.
- Oái! Ai đánh cũng được, biết người đánh làm chi. Phàm đáng giặc hễ gặp thì dâm, thì đánh, nếu mình vị tình giục giặc, thì chúng giết mình còn gì. Nhứt là nó có súng nếu con chậm trễ thì nó bắn chết.
- Thiệt con chỉ huy chớ con không có đánh. Nếu con gặp anh Hai con, thì có lẽ con bắt sống để cứu mạng ảnh. Rủi quá, con không thấy ảnh, nên mới bị người ta hạ.
- Hôm qua con hỏi, cha có nói: “Ðại nghĩa diệt thân”. Làm việc đại nghĩa không nên kể tình thân thích. Cụ Thủ khoa, là bậc đại nho, cụ cũng cho lời cha nói đó là phải. Con không cần hối hận. Thằng Ðạt theo giặc tức thị nó là giặc. Con không nỡ giết nó, chắc gì nó dung con. Huống chi nó là thằng bán nước hại dân. Nó chết sớm chừng nào càng đỡ khổ cho dân cho nước chừng nấy. Muốn cứu dân thì phải giết nó chớ sao.
- Cha giận ảnh không nghe lời cha, ảnh bỏ mà đi đường khác, nên cha nói như vậy. Nhưng bề nào ảnh cũng là máu thịt của cha. Tuy không phải con giết ảnh chết, song con chỉ huy trận đánh tức thị con giết, bởi vậy con thắng mà con không vui.
- Cha đã từ thằng Ðạt rồi. Cha không nhìn nhận nó là con nữa.
- Cha vì đại nghĩa nên dứt tình cha con được. Cha không trách con. Nhưng về ở bên Tịnh Giang xưa rày, con nhận thấy anh hai Ðạt đầu giặc, mẹ không trách ảnh, không trách mà lại yêu ảnh lắm. Chị hai với vợ con vẫn yêu ảnh như thường. Chuyện nầy đổ bể, mẹ cùng vợ con phiền trách con, chắc là con không thể về bển nữa được.
- Con đừng lo. Thằng Ðạt chết, cha lãnh trách nhiệm. Ai có trách thì trách cha đây.
- Còn một việc nầy nữa, từ hồi khuya đến giờ con suy nghĩ hoài, mà tìm không ra manh mối. Hôm ở trên Xóm Dầu, cụ Thủ Khoa định đi Bắc Chiên thì có ông Nhiêu Lạc với cha con mình biết mà thôi. Tại sao Tây hay nên cho 2 chiếc tàu xuống ngăn đón đặng bắt lại. Không lẽ ông Nhiêu Lạc đi tố cáo.
- Không có đâu. Ông Nhiêu Lạc là người có học thức, có lẽ nào ổng làm thói tiểu nhơn như vậy. Cha nghi cụ Thủ Khoa tin bụng ông Phủ vì bão lãnh cụ đó, cụ nói thiệt với ổng, tối ổng mạch cho Tây hay.
- Còn ghé Cổ Chi thì đi rồi cha mới tính với cụ. Việc đó có cụ với cha con mình biết thôi. Tại sao Tây bên Mỹ Tho hay, nên mới xế chiều thì họ đã cho lính Nam lính Tây vô bố trí chung quanh Cổ Chi toan bắt? Ai cho hay lẹ làng như vậy? Ai chỉ rõ chỗ mình hội hiệp cho họ biết đó? Vì chú Tư Ðịnh nóng lạnh nên tới Tân An mình đổi ghe cho chú ấy về nghỉ. Ðến khuya ghe cụ Thủ khoa đi rồi chú Tư định mới về. Nếu chú chèo ghe mà chú lóng nghe mình bàn soạn vô Cổ Chi và nếu chú muốn qua Mỹ mà tố cáo thì chú phải đi luôn mà thông tin lính mới vô kịp. Vậy chừng về bên nhà cha nên chất vấn chú Tư Ðịnh về khoản đó, hỏi coi về Tịnh Giang chú có nói cho ai biết cha với cụ Thủ khoa đi đâu hay không, hoặc chú hay là ai ra Mỹ Tho hồi trưa hôm qua hay không.
- Ðể về bển rồi cha sẽ hỏi việc đó lại. Nếu có gián điệp ở trong xóm trong nhà thì nguy hiểm quá. Nếu chiều qua con không hay chúng bao vây con rước cha với cụ vô đó thì tối chúng ráp lại bắn trước, bắn cho nghĩa binh rạp hết, rồi xung phong lên bắt cha với cụ Thủ Khoa. Thế thì phải đưa tay cho chúng trói, chớ chạy đâu cho khỏi.
- Coi vậy chớ không dễ gì mà trói được. Nếu chúng muốn làm dữ thì con có thế khác mà trừ chớ.
- Còn súng con lấy được đó bây giờ con để đâu?
- Môn đệ của con đem vô trong đồng xa mà giữ. Con tính lập căn cứ trong đồng rồi lần mò con kiếm thêm súng đạn. Chừng con có được một trăm cây súng rồi con sẽ ra mặt cho họ biết. Cha ở bên nầy chơi ít bữa, khoan về bển.
- Ở làm chi? Cha muốn về đặng đi Sài Gòn nghe tin tức cụ Thủ khoa.
- Chắc bên nhà đương làm đám ma cho anh Ðạt. Cha về gấp cha ngó thấy cha buồn, chớ không ích gì.
- Bà Ba nói Tây khiêng đi hết. Chắc họ đem hết về ngoài Mỹ mà chôn, đâu để cho mình lãnh xác về nhà. Lại ở nhà đàn bà có biết làm sao mà xin xác. Mà thiệt về nhà chắc buồn lắm. Thôi để cha ở đây chơi một ngày nữa, rồi sáng mốt cha về đặng sửa soạn đi Sài Gòn.
Không biết chừng chuyến nầy cha đi luôn. Ở chung một nhà mà mỗi người một ý, kẻ trắng người đen, giận hờn thù oán nhau, thì ở làm sao được.
- Cha ở chơi rồi tối mai con sẽ đưa cha về.
Rồi đêm đó cũng như sáng bữa sau ông Nhiêu cứ đàm đạo với Linh và Tại, mà những lời ông nói ra không còn mạnh mẽ kháng chiến đặng cứu dân giúp nước nữa, trái lại lời nào cũng thố lộ ý bực tức, chán thế sự, ghét nhơn tình, nhàm mùi đời, mong ẩn dật.
Xế bữa sau, Chí Linh đương đứng ngoài sân mà nói chuyện với ông Bảy, hỏi thêm việc đi Tân An tìm chủ ghe tình cờ Linh thấy chú Tư Ðịnh xăng xớm đi ngoài rào. Linh kêu hỏi “Chú Tư, đi đâu đó?”
Tư Ðịnh hỏi lại:
- Có ông Nhiêu ở bên nầy hay không?
- Có, chú hỏi chi vậy?
- Kiếm ổng đặng nói chuyện bên nhà. Mà kiếm luôn cậu nữa.
- Vô đây chú tư.
Ông Nhiêu ở trong nhà nghe chộn rộn ông bước ra. thấy Tư Ðịnh bước vô gần tới cửa ông vội vã hỏi:
- Chú kiếm tôi có việc chi không vậy chú Tư?
- Cha chả! Chú Hai Ðạt chết rồi ông à.Tôi đi kiếm ông đặng cho ông hay.
- Tôi hay rồi. Chết thì thôi. Cho tôi hay làm chi. Tôi đã nói trước với nó khi nó toan đầu giặc đặng giết dân bán nước. Tôi nói nó phản bội nó sẽ bị chúng phân thây. Nó cải lời tôi nên nó phải chết. Chơi dao thì phải đứt tay, có lạ gì đâu. Có đem nó về nhà làm đám ma hay sao?
- Không có. Họ đem luôn về ngoài Mỹ họ chôn. Tôi có đi ra đó với thím Hai và con Ba Trâm. Chôn cất xong rồi hồi sớm mơi. Mấy bà con tôi trở về. Tôi tuốt đi kiếm ông với cậu Linh đây. Có một mình thằng Lành bị thương nhẹ, nó về được, nên nó khai cậu Linh chỉ huy cuộc xung đột ở Cổ Chi. Bà Nhiêu hay vậy bà thù cậu Linh lung lắm, thù luôn tới ông nữa. Bà nói ông xúi cậu Linh giết Hai Ðạt. Còn con Ba Trâm Nó cũng giận cậu Linh. Nó nói nó sẽ dắt Tây kiếm bắt Linh đặng nó báo thù cho anh nó.
- Vô đây, vô thuật rõ câu chuyện cho tôi nghe coi.
Tư Ðịnh theo ông Nhiêu vô nhà.
Chí Linh mời chú ngồi rồi hỏi:
- Hồi nãy chú nói có một mình thằng Lành sống sót về được nên nó cáo tôi chỉ huy. Thằng Lành nào ở đâu?
- Con Hai Vàng ở tại chợ Bến Tranh, hồi trước nó theo đoàn nghĩa binh. Chú Hai Ðạt kêu nó ra đi lính Mã tà với chú đó.
- Tôi nhớ rồi! Thằng Lành đó tôi biết. Nó cáo tôi đúng sự thiệt chớ phải cáo gian hay sao mà tôi giận nó. Tôi ước mong gặp nó nữa, đặng tôi khen lòng thành thiệt của nó.
Ông Nhiêu chận hỏi Tư Ðịnh:
- Tại sao ở nhà tôi hay Ðạt chết nên ra ngoài Mỹ mà lo làm đám ma?
- Buổi sớm mơi hôm qua ở Tịnh Giang người ta đồn đêm rồi có cuộc xung đột trong Cổ Chi. Tôi nhớ hồi ở dưới ghe ông với cậu Linh bàn tính đưa cụ Thủ Khoa vô Cổ Chi rồi sẽ đạp đường bộ mà về. Bởi vậy nghe bên Cổ Chi lộn xộn mà ông với cậu chưa về, nên tôi có lòng lo. Tôi qua nhà cho bà Nhiêu hay. Bà cũng lo. Nào dè đến trưa, Thị Dần, là vợ bé của chú Ðạt…
- Ðạt có vợ bé hay sao?
- Có. Vợ bé là em của Quản Tồn ở ngoài Mỹ. Ông không hay sao?
- Không. Có ai nói đâu mà hay.
- Có vợ bé nên mới làm Cai rồi làm Ðội đó chớ.
- À! Tại vậy! Thôi, chú nói tiếp nghe coi. Vợ bé nó nói gì?
- Thị Dần hào hển qua Tịnh Giang khóc kêu nói Hai Ðạt chết rồi, chết hồi hôm bên Cổ Chi với lính Mã tà. Tây vô chở hết thây đem về Mỹ, nàng đi theo nên ghé báo tin cho bà Nhiêu hay. Cả nhà khóc rùm. Tôi hay tôi chạy qua. Rồi đó tôi lấy ghe đi ra Mỹ Tho với mẹ con thím Hai Ðạt, có Trâm với Thị Dần. Bà Nhiêu ở nhà coi nhà. Trời ơi! Ra tới đó thấy hết nói chi nổi! Tôi đếm hết thảy là 21 tử thi. Ðội Ðạt với Ðội Thành để nằm riêng phía trước, còn phía sau 19 người, họ nói hai người chở về dọc đường mới tắt hơi.
- Hai mươi mốt! phải rồi, bà ba đếm đủ hết. Còn tên Lành khỏi chết, cộng vô nữa là đủ số 22.
- Hồi tôi ra tới thì họ chưa liệm vì đông quá nên thiếu hòm, họ còn chờ đi kiếm mua thêm. Nhà binh giao cho Quản Tồn mua vải sồ đồ đạc đặng tẩm liệm và cúng quảy. Họ làm thiệt là tử tế, có rước nhạc với thầy chùa. Viên quan Ba thấy vợ con Ðạt khóc quá, ông có cho 300 bạc của Tây. Vài người lính có vợ thì ổng cho một trăm. Ðội Thành với mấy người khác không có bà con thôi. Ông Quản Tồn lo làm cho quan tài của Ðạt với Thành đúng lắm. Hai vợ với con Ðạt để tang và cúng quảy đủ lễ. Hồi sớm mơi nầy hết thảy lính Tây Nam đều giàn ra đặng khiêng đi chôn một lượt. Họ thổi kèn và đi đưa đông lắm. Vì hồi hôm tôi nghe Quản Ðồn nói với thằng Lành khai cậu Linh chỉ huy nghĩa binh, nên chôn cất xong rồi tôi thôi thúc thím Hai và cô Trâm về liền đặng ở nhà bà khỏi trông. Thị Dần cũng đi theo trở vô Tịnh Giang nữa.Về tới cô Trâm nói cậu Linh cầm đầu cho người ta giết Ðạt đó. Bà Nhiêu hay như vậy bà kêu trời giậm đất nói ông xúi Linh giết con bà. Trâm cũng giận lắm, cô nói cô không nhìn cậu Linh là chồng nữa được. Không thấy ông về, tôi mới qua đây cho ông và cậu Linh hay đặng cậu ẩn mặt ít ngày vì sợ họ qua ruồng phía bên nầy đặng kiếm cậu.
Chí Linh nói:
- Tôi cám ơn chú đã có lòng lo cho tôi. Vậy mà tôi không dè nên tôi tính tối nay tôi đưa cha tôi về bển chớ.
- Tư Ðịnh liền cản:
- Ý! Không được đâu cậu. Cậu nên tránh đi cho xa tốt hơn.
- Chú Tư, khuya hôm qua mình phân rẽ nhau tại Tân An. Chú với ông Sáu chèo ghe về Tịnh Giang. Buổi sớm mơi đó chú có đi ra Mỹ Tho hay không?
- Ra làm chi? Tôi nóng lạnh, về tới nhà tôi nằm liền. Ông Sáu cũng về nghỉ, hai bà con tôi không có đi đâu hết.
Ông Nhiêu mới tiếp hỏi Tư Ðịnh:
- Về tới chú có qua bên nhà tôi hay chớ?
- Không có. Ghe ghé bến tôi. Cô Trâm đang ngồi ở mé sông rửa cá. Cô tưởng ông về cô chạy lại. Cô không thấy ông với cậu Linh cô hỏi. Tôi nói ông với cậu mắc đưa cụ Thủ Khoa qua Cổ Chi hội hiệp gì đó rồi ông với cậu mới đi bộ mà về.
- Hồi chú nói với con Trâm có ai ở đó hay không?
- Không có. Tôi nói rồi cô về. Tôi vô nhà tôi nghỉ.
- Chú nhớ coi bữa đó con Trâm hay là con Ðậu có đi Mỹ Tho không?
- Không có đâu. Ði làm chi? Tôi nghe bày trẻ tôi nói có Ðạt dắt vợ bé về thăm bà Nhiêu, về tới hồi chiều bữa trước, ở chơi tới ghe tôi về tới một lát rồi vợ chồng mới xuống ghe mà về.
- Té ra có Ðạt về đó, ghe chú Tư về tới rồi nó mới về! Chắc Trâm nói tôi với Linh đưa cụ Thủ Khoa lên Cổ Chi. Ðạt nghe nên lật đật về Mỹ mách với Tây rồi đem binh lính vô Cổ Chi vây bắt hết chúng tôi chớ gì! Bây giờ hiểu rồi.
Ông Nhiêu ngó Chí Linh mà nói:
- Nó muốn làm dữ tự nhiên phải gặp dữ.Vậy thì nó chết đáng số, có oan ức gì đâu. Nếu nó không chết thì tôi với cụ Thủ khoa phải chết. Thôi, sẵn có chú Tư qua đây, để tôi theo chú tôi về đặng phân xử việc nhà. Còn Linh, con nên ẩn mặt một thời gian, đợi sóng lặng gió êm rồi con sẽ hoạt động.
Ông Nhiêu sửa soạn về. Linh cũng sửa soạn đi. Lúc cha con sắp phân rẽ, ông Nhiêu nói: “Cha về cha cắt nghĩa cho mẹ con nghe rồi cha đi Sài Gòn. Nếu không có hy vọng cụ Thủ khoa được thả, thì cha đi luôn, không về nữa. Con còn nhỏ, con rán bền chí mà cứu dân cứu nước. Nhưng làm việc gì con cũng phải thận trọng; với đời phản phúc nầy mình tin lấy mình, chớ không nên tin ai hết”.
Chí Linh ứa nước mắt mà nói:
- Con quyết từ đây con sẽ dấn thân vào nước lửa, ẩn đông hiện tây, làm mưa nổi gió cho thiên hạ coi. Con có môn đồ cảm tử, lại có binh khí đủ dùng, con không sợ ai hết. Con sẽ trừ bọn gian hùng để cứu người lương thiện. Vì cha già yếu nên con không dám xin cha đi theo con. Vậy con kính chúc cho cha dầu ở đâu cũng được khoẻ trí an thân, giao cho hạng trai tráng lo cho dân cho nước. Con hứa chắc với cha nếu con làm tướng hay làm hề, bao giờ con cũng không quên non nước không phụ giống nòi, con hiến tất cả xương thịt và tâm hồn của con cho cuộc phục quốc.
Cha con bịn rịn với nhau một hồi, rồi ông Nhiêu theo Tư Ðịnh mà về Tịnh Giang còn Chí Linh băng đồng đi vô hướng Tháp Mười.
Mặt trời chiều nghiêng bóng. Ngọn gió chiều lai rai. Nhành dương trước đình kêu vo vo. Cờ bắp[1] trên giồng phất lố xố.
Lòng ông Nhiêu hiu hắt như cảnh chiều nầy.
[1] bông bắp
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!