LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Đỗ nương nương báo oán - Chương III. NGHĨA-HIỆP ĐỒNG-CHÍ (Hồ Biểu Chánh)

83 lượt xem

Vì Thanh-Nhân có sai gia-dịch đi cậy mượn nên những người trai-tráng trong giồng Thuộc-Nhiêu, từ bữa 12 đã tề-tựu lại nhà Thanh-Nhân đông đến bốn năm mươi, ai cũng vui lòng tiếp giúp sắp đặt đặng chiều rằm đãi tiệc.

Trong nhà có lúa đầy lẫm. Trâu bò heo cũng sẵn có nhiều, khỏi lo đi mua. Người ta bèn phân nhau ra nhiều tốp, mỗi tốp lãnh phận-sự riêng, tốp xay lúa, tốp giã gạo, tốp giã nếp, tốp bửa củi, tốp đặt rượu[1], tốp vô đồng tát đìa chận lung mà bắt cá lớn, tốp ngồi thuyền ra Tiền-Giang lưới tôm cá sông, tốp ở nhà cưa ván đóng bàn ngang bàn dọc tại võ-trường, là chỗ dọn tiệc, vì nhà tuy lớn, song không đủ chỗ mà đãi đến bốn năm trăm khách. Người ta làm rần-rộ trong ba ngày thì đồ ăn uống đã hoàn-bị, cuộc sắp-đặt cũng đã xong-xuôi. Sớm mơi rằm bầu trời thanh-bạch, gió chướng lai-rai, mọi người thơ-thới trong lòng nên lộ ra ngoài mặt hởn-hở. Người ta bắt đầu giết trâu bò heo trước đặng có thịt sẵn cho tốp trong bếp liệu chừng mà xào nấu cho kịp lúc mặt trời xế bóng thì mở tiệc.

Đến trưa, mấy ông có học-thức với các ông Chủ xóm lần-lượt tới trước rồi hạng bình-dân trong ba giồng tốp năm người, tốp 10 người, tiếp-tục kéo tới không ngớt.

Chủ xóm với học-thức chỉ có vài ba chục ông nên Thanh-Nhân tiếp mời vào nhà ngồi uống nước, còn hạng bình-dân thì đông nên ngồi chơi ngoài võ-trường hoặc giụm năm giụm bảy trong vườn mà nói chuyện.

Thanh-Nhân giới-thiệu ông Nhiêu-Giám với ông bạn Lê-Văn-Quân cho mấy chủ xóm và học-thức biết, rồi liền thuật cho mấy ông nghe những tin-tức về cuộc rắc-rối ở đàng ngoài. Ngài nói: “Tôi đi thăm anh em bên Long-Hồ, tôi mới hay một việc quan-hệ lắm. Người ta nói ở Qui-Nhơn có bọn Tây-Sơn dấy loạn, kéo binh trong núi ra đánh lấy thành rồi chiếm hết một vùng từ Bình-Thuận ra Quảng-Ngãi. Đã vậy mà Chúa-Trịnh ngoài Bắc còn đề binh khiển tướng vào đánh Thuận-Hóa nữa. Chúa Nguyễn lưỡng diện thọ địch có lẽ bối-rối nên sai người đệ chiếu vào dạy quan Lưu-Thú Long-Hồ gom binh Gia-Định đem ra Bình-Thuận dẹp loạn Tây-Sơn để cho binh Triều có đủ toàn-lực mà chống với Chúa Trịnh đặng giữ vững Thuận-Hóa. Quan Lưu-Thú Long-Hồ đã đem 5.000 binh Gia-Định ra đàng ngoài mà tiếp viện rồi. Tôi hay tin có bấy nhiêu đó mà tin ấy có lẽ đã cũ lắm. Mấy ông có nghe tin nào khác nữa hay không ?”

Mấy ông khách nhìn nhau ngơ-ngáo vì không có một ông nào hay chuyện rắc-rối đó. Rồi đó mấy ông bàn-luận với nhau tưng-bừng, người đoán Triều-đình chắc phải nguy to, người sợ binh Gia-Định ít quá dẹp loạn Tây-Sơn không nổi, có người lại nói “Lũy Thầy” lập ở Quảng-Bình vững-vàng. Trịnh đánh đã bảy lần rồi không lần nào phá nổi, bây giờ có tài phép gì qua ải đó được mà vào Thuận-Hóa nên phải lo. Thanh-Nhân cứ ngồi nghe mấy ông bàn cãi không nói thêm nữa, không tỏ ý riêng của mình, vì tính khêu-gợi cho lòng nguời náo-nức mà thôi để thủng-thẳng rồi sẽ chỉ chỗ nguy-nan, sẽ nói đường chơn-chánh cho người ta biết sao là phải, sao là quấy đặng người ta oán ghét cái quấy và dám chết với cái phải.

Đến xế anh em mấy giồng đã tựu đến đủ mặt rồi, Thanh-Nhân cậy người đếm thử thì số khách được tới 470.

Thanh-Nhân dạy dọn rượu thịt ra rồi mời khách lớn nhỏ nhập tiệc. Chủ nhà ngồi bàn giữa với ông Nhiêu Giám, anh Lê-Văn-Quân, mấy ông chủ xóm và mấy ông có học-thức, còn bao nhiêu thì ngồi các bàn chung-quanh. Chủ khách ăn uống vui cười.

Vì xưa nay chưa hề có một tiệc nào đông-đảo như vầy, lại hạng bình-dân được mời khoản-đãi bởi vậy ai cũng nghi Thanh-Nhân muốn tính việc gì đây. Người ta có ý trông coi chủ nhà nói làm sao, mà chủ nhà cứ đi mỗi bàn chăm-nom nhắc lấy thêm rượu, ân-cần đãi khách, không chịu nói chi hết.

Mấy ông có học thức, đã biết tâm-chí của Thanh-Nhân, nên định chắc vì có việc giặc-giã ở đàng ngoài mới có tiệc nầy. Muốn ghẹo chủ nhà nên lúc ăn uống mấy ông còn đem việc đó ra mà bàn nữa. Một ông nói lãnh-thổ của quốc-gia chẳng khác nào thân-thể của con người. Trong thân-thể của con người nếu có đau một chỗ nào như nhức đầu hay đau bụng hay gãy tay chẳng hạn thì cả thân-thể đều chịu ảnh-hưởng nên bần-thần bể-nghể chung. Trong nước ta hiện-thời, ở đàng ngoài loạn-ly rối-rấm, nhưng ở đàng trong thì bình-tịnh an-ninh. Tuy vậy mà đất Gia-Định nầy đã bắt đầu chịu ảnh-hưởng rồi.

Quan Lưu-Thú Long-Hồ phải đem binh đàng trong ra ngoài mà tiếp-viện, đó là một bằng-cớ hiển-nhiên, hễ đau răng thì nhức cả đầu, hễ đau bụng thì mặt nhăn-nhó. Hiện giặc-giã đàng ngoài chưa can-hệ đến đàng trong, nhưng ai dám đoán chắc ngày mai đàng trong cũng vẫn được yên tịnh, không xôn-xao biến-động. Người có tâm-chí phải suy nghĩ xa, phải lo-liệu trước, không nên để nước ngập tới trôn rồi mới nhảy, sợ nhảy không kịp sẽ bị nước chụp mà phải chết chìm.

Người ta khiêu-khích tới như vậy mà Thanh-Nhân cũng cứ lặng thinh dường như người ích-kỷ cứ lo cho có tiền đầy rương, có lúa đầy lẫm đặng ăn chơi ngỏa-nguê, không thèm kể việc vua, việc nước.

Mãi đến chiều, Thanh-Nhân dòm thấy khách lớn nhỏ đều ăn uống no đủ rồi, người mới đứng dậy đi lại giữa sân mà la lớn lên: “Có một việc quan-hệ lắm, lẳng lặng nghe tôi nói”.

Ai nấy đều nín hết. Mấy tốp ngồi ngoài xa sợ nghe không rõ, nên kéo nhau lại đứng cho gần, thành thử khách chen-chúc đứng bao quanh Thanh-Nhân, bao cả mấy chục ông tai mắt ngồi bàn giữa.

Thanh-Nhân đợi đâu đó đứng yên-tịnh rồi mới cất tiếng lên nói lớn: “Trước hết tôi muốn cho anh em lớn nhỏ trong đất Ba Giồng nầy hay: nước nhà đang bị một tai họa lớn lắm… Có giặc rồi… Giặc to-tát, giặc thực-sự, chớ không phải giặc chòm, giặc nhóm.”

Nghe nói hai tiếng “có giặc” ai nấy đều xúc-động, nên lẳng-lặng lóng nghe.

Thanh-Nhân thấy cách báo-cáo đột-ngột của mình đã có hiệu-quả, mới chậm-rãi nói tiếp: “Vì hay trong nước có giặc nên mới qui-tụ anh em lớn nhỏ ở đất Ba Giồng mà nói cho anh em hay rồi hỏi coi nước nhà bị họa giặc-giã, chúng ta là con dân của đất nước, chúng ta phải làm sao cho đáng mặt râu mày. Ấy vậy, cuộc tiệc tôi mở ra hôm nay đây không phải là cuộc vui chơi, Ấy là cuộc hội-hiệp để bàn-luận rồi chung lo giữ nhà cứu nước. Tin giặc-giã tôi mới nói cho anh em biết đó là tin chắc-chắn chớ không phải lời đồn huyễn. Tôi qua Long-Hồ tôi nghe rõ-ràng: cách hơn một tháng nay Triều-đình có cho quan Lưu-Thú của ta hay, bọn cường-khấu qui-tụ nhơn-dân tại Tây-Sơn mà luyện tập phân thành đội ngũ rồi kéo ra đánh úp đoạt thành Qui-Nhơn. Quan quân khiếp sợ bỏ chạy hết. Chúng thừa thế mạnh mới tung-hoành chiếm hết đất đai cả một vùng từ Bình-Thuận trở ra Khánh-Hòa, Phú-Yên, Bình-Định, Quảng-Ngãi. Mà đó là tin cũ nghe hôm tháng trước, không biết bữa nay giặc Tây-Sơn đã tràn ra Quảng-Nam hoặc đã tới Thuận-Hóa hay chưa. Lại còn nguy hơn nữa là đồng thời Tây-Sơn hoành-hành ở phía Nam thì chúa Trịnh huy-động binh phía Bắc vào đánh chiếm đất Bố-Chánh, cách kinh-thành Huế không bao xa. Bữa nay chúng đã lấy Huế hay chưa ? … Chưa biết được. Tôi chỉ biết quan Lưu-Thú Long-Hồ đã dem 5.000 binh Gia-Định ra đàng ngoài đặng chống với Tây-Sơn. Chống nổi hay không ? Cũng chưa biết được.... Ví như binh Chúa Trịnh, hoặc binh Tây-Sơn đánh chiếm kinh-thành Huế rồi, Chúa Nguyễn với đình-thần làm sao ?... Thoát khỏi hay là bị giặc bắt ?... Như thoát được thì chạy đi đâu ?... Còn sống hay là chết mất? Còn quan Lưu-Thú Long-Hồ đem binh Gia-Định ra đàng ngoài mà tiếp-ứng, đạo binh có thắng hay là bại ?... Như bại rồi làm sao ?...

Thanh-Nhân liếc thấy mọi người đều hồi-hộp, lơ-lửng, thì ngừng lại để cho người ta suy nghĩ. Cách một chút rồi nói tiếp: “Hồi nãy ăn uống đàm-luận tôi lóng nghe có một ông ngồi chung bàn với tôi nói rằng: lãnh-thổ của quốc-gia chẳng khác nào thân-thể của con người. Về con nguời nếu có một bộ-phận nào bị bịnh thì cả thân-thể đều bể-nghể. Còn về quốc-gia nếu có một vùng nào bị hại thì luôn cả nước đều rúng động. Lời luận đó thiệt là đúng-đắn. Chúng ta tựu-hội nhau đây, từ mấy ông trộng tuổi xuống tới các anh em cường-tráng, chúng ta đồng sanh-trưởng trong vùng Ba Giồng nầy. Thuở nay chúng ta đồng ăn hột gạo Ba Giồng, đồng uống dòng nước Tiền-Giang mà sống. Chúng ta chịu chung một ánh nắng, hấp chung một ngọn gió, bởi vậy tâm-chí của chúng ta như nhau. Thuở nay non nước thăng-bình, chúng ta chung hưởng sung-sướng. Bây giờ quốc gia nguy biến, chúng ta phải hiệp lực chung lo, chúng ta phải liệu lẽ nào cho đáng mặt nam-nhi, rực-rỡ đất Ba Giồng, cho khỏi tan-nát công-nghíệp của ông cha, cho được hãnh-diện với nước non, với nòi giống. Nhưng truớc khi muốn làm ra thứ bánh gì cần phải có bột đường thích-hợp với thứ bánh đó thì ăn mới ngon. Trước khi cất nhà lầu, cần phải có nền cho vững, cột cho lớn, đá gạch cho đủ thì nhà mới chắc. Trước khi muốn lo việc lớn, tôi cần phải biết ruột, gan, đầu óc của người chung lo. Vậy tôi xin mấy anh lớn với mấy em nhỏ để cho tôi hỏi ít câu đặng tôi hiểu tâm-chí của anh em rồi tôi sẽ bày tỏ ý-kiến của tôi về sự thời-cuộc biến chuyển. Tôi xin anh em lớn nhỏ bình-tĩnh lóng nghe. Tôi hỏi câu nào thì suy nghĩ cho kỹ-lưởng rồi trả lời theo câu đó, trả lời cho rõ-ràng, cho thành-thật đừng vị tôi mà cũng đừng sợ ai. Đây tôi xin hỏi anh em: “Ví như đạo binh Gia-Định, quan Lưu-Thú Long-Hồ đem ra đàng ngoài bị binh Tây-Sơn đánh bại phải tiêu tan hết. Anh em nghe sự thất-bại đó anh em buồn hay không ?” Cả thảy bốn phía đồng la lớn: “Buồn lắm ! Buồn lắm !”

Thanh-Nhân gặc đầu và nói: “Tôi xin hỏi liếp: Ví như vua quan hiệu-triệu dân chúng tình-nguyện nhập ngũ đặng lập một đạo binh khác đi đánh giặc mà báo thù cho đạo binh trước, anh em dám chịu ra đi lính hay không ?” Đầu nầy nói: “Dám”. Đầu nọ nói: “Tôi tình-nguyện xin làm lính đặng báo thù cho anh em Gia-Định không cần đợi quan trên kêu gọi.”

Thanh-Nhân nói: “Bây giờ tôi hỏi qua trường-hợp khác. Xin anh em lóng nghe rồi tỏ ý-kiến cho tôi biết: Ví như Chúa Nguyễn với Triều-đình ở Thuận-Hóa bị Tây-Sơn, hoặc bị Chúa Trịnh đánh bại, nên phải phân-tán kiếm đường mà trốn cho khỏi bị giặc bắt, anh em nghe như vậy anh em buồn hay không ?” Phần đông đáp: “Buồn lắm”.

Cũng có nhiều người la lớn: “Buồn mà giận nữa”. Thanh-Nhân hỏi: “Buồn hoặc giận rồi làm sao ?”. Có người đáp: “Phải rủ nhau đi tìm Chúa mà phò !”. Người khác nói tiếp: “Chừng tìm được Chúa thì xin Chúa lập binh đội khác đặng mình chen vào hàng ngũ mà đánh giặc báo thù”. Thanh-Nhân hỏi: “Ví như Chúa bị giặc bắt giết rồi thì làm sao ?”.

Hạng bình-dân ngó nhau sắc mặt bối-rối như bị bít đường không còn ngã mà đi nên lặng thinh không trả lời được.

Ở bàn giữa, một ông trí-thức, tóc bạc hoa râm, đứng dậy mà đáp lớn: “Nếu rủi-ro bị đại họa đến thế thì chúng ta chọn người có tài đức tôn lên làm đầu rồi chúng ta xúm nhau tá-trợ đặng quét sạch quân giặc mà đem an-ninh lại cho dân nước”.

Thanh-Nhân hỏi thêm: “Nếu Tây-Sơn hoặc Chúa Trịnh hãm hại Chúa mình thì mình qui thuận với Tây-Sơn hoặc với Chúa Trịnh đặng thong-thả làm ăn, như vậy không được hay sao?”

Cả thảy la ó vang rân: “Không được ! Không được ! Thà chết chớ không chịu đầu giặc đâu ! Trở mặt đổi lòng xấu lắm ! Vong ân bội nghĩa Trời hại còn gì !”

Một ông nho học đứng lên nói: “Thánh-hiền có dạy: Làm người ở đời phải giữ lòng tín-thành, phải tập tánh trung trực, phải sát thân để thành nhân, phải xả sanh nhi thủ nghĩa. Trước kia ông cha ta nhờ cậy oai quyền của Chúa Nguyễn nên mới được vào đất Gia-Định mà khai cơ lập nghiệp, rồi để lại cho con cháu được no ấm an vui, Chúng ta được an-cư lạc-nghiệp như vầy, chúng ta không phép quên ơn của tổ-tiên, quên nghĩa của Chúa Nguyễn. Tổ-tiên ta mất, ta đặt bàn thờ để tưởng-niệm truy ân. Nếu vua chúa ta thọ hại, có lẽ nào ta đành cúi đầu tùng-phục chủ mới mà quên nghĩa cũ cho được. Ta phải gìn-giữ sự-nghiệp của ông cha, đó là truy ân. Ta phải tưởng niệm hơn nữa, ta phải xem người hại vua chúa ta là kẻ thù chung, đó là đáp nghĩa. Dầu Tây-Sơn hay là Chúa Trịnh ban vàng bạc, hoặc ban tước mà dụ ta thì ta cũng không thèm. Phải làm như vậy mới trúng chánh-đạo”.

Bốn phía đều la lớn: “Làm theo chánh đạo đó ! Làm theo chánh-đạo”.

Thanh-Nhân đứng ngó vòng hết bốn phía, lấy làm toại chí, nên chúm chím cười, rồi đợi bình-tĩnh lại mới nói tiếp: “Thuở nay tôi vẫn biết anh em lớn nhỏ ở đất Ba Giồng nầy thảy đều có tâm-hồn cao quí và có chí khí hào-hiệp. Nhờ có dịp hội hiệp nầy anh em mới biểu-lộ tâm-hồn và chí-khí rõ-ràng. Vậy tôi tỏ lời khen ngợi anh em mà tôi cũng nghiêng mình bái phục tâm-hồn với chí-khí đó nữa. Bây giờ tôi xin nhắc lại cho anh em nhớ những câu tôi đem ra mà hỏi anh em hồi nãy đều là lời ví-dụ, đều là việc tưởng-tượng, tôi hỏi phòng hờ để thăm dọ tình ý anh em mà thôi, chớ chưa phải là việc đã xảy ra rồi. Chúng ta chưa có tin-tức nên không biết đạo binh Gia định của ta ra đàng ngoài thắng bại lẽ nào, cũng không biết Chúa ta có nguy-nan hay không, cũng không hiểu Tây-Sơn với Chúa Trịnh mạnh hay yếu. Nếu binh Gia-Định của ta phía trong và binh Triều-đình phía ngoài, cả hai đều chiến thắng hết, thì đó là sự may-mắn của nước nhà. Ngặt theo tin tức đã chắc-chắn chì Tây-Sơn đã chiếm đất đai ra tới Quảng-Ngãi, còn binh Trịnh thì đi vào đất Bố-Chánh rồi, tức thị thế lực hai đầu đều mạnh-mẽ. Thuận-Hóa ở giữa bị hai đầu dồn ép, tôi coi khó giữ vững lắm. Bởi vậy cho nên lôi sợ cái may ít quá còn cái rủi thì thiệt nhiều, nên tôi lo ngại hết sức. Mà dầu may dầu rủi, hễ giặc-giã thì tai-hại chung cho cả nước. Tuy giặc ở đàng ngoài song nó cũng ảnh-hưởng vô tới đàng trong, đã có ảnh-hưởng rồi, mà không biết chừng nó sẽ tràn lan vô đất Gia-Định của chúng ta nữa. Vậy chúng ta nên tính trước, nên đề phòng, đặng khi hữu-sự thì chúng ta sẵn-sàng mà đối-phó cho khỏi rộn-ràng, khỏi lính-quýnh. Làm việc gì cũng vậy, khó là lúc ban đầu, lúc gầy dựng. Hễ gầy dựng được rồi thì nó sẽ mở rộng mau lẹ, nó sẽ bành-trướng dễ dàng. Ở vùng Ba Giồng của chúng ta đây bực lão-thành đã được mấy chục người còn hạng cường-tráng kể đến gần 500. Nếu các ông lão-thành chịu giúp trí, giúp tinh thần, còn các anh em cường tráng chịu giúp sức giúp hăng-hái, chúng ta lập một hội đồng-chí chuyên lo an dân cứu quốc. Hội mới thành-lập mà có tới năm sáu trăm nhơn-viên không phải là nhỏ. Hội lập rồi những người xa gần hễ họ có tâm-chí thì họ sẽ tìm đến mà xin gia-nhập. Vậy tôi xin hỏi mấy ông lão-thành với các anh em cường-tráng, vậy chớ có sẵn lòng hiệp với tôi mà lập một hội lấy hiệu “Ba Giồng Đồng-Chí Hội” với tôn-chỉ an dân cứu quốc hay không ?”

Từ già chí trẻ thảy đều bằng lòng hết.

Thanh-Nhân nói: “Lập hội như vầy người ta thường đặt hương-án kỉnh cáo Thiên Địa rồi các nhơn-viên đứng mà thề. Tôi đã biết tâm-chí nhiệt thành với tánh-tình nghĩa-hiệp của các anh em nên tôi không cần bày thề-thốt. Bực anh-hùng nghĩa-sĩ một lời hứa đủ làm tin mà chết sống với nhau, không ai chạy chối mà phải thề. Nhưng hội thì phải có một người làm đầu để chỉ-huy, giữ kỷ-luật và thông tin-tức. Vậy xin anh em hãy chọn cử một vị Chánh Hội-Trưởng và cử luôn một vị Phó Hội-Trưởng để thay thế cho Chánh Hội-Truởng khi ông nầy vắng mặt”.

Anh em bàn tính vời nhau rồi đồng cử Đỗ-Thanh-Nhân làm Chánh Hội Trưởng. Thanh-Nhân từ chối không dược nên phải nhận chức. Người nài xin phải cử một người trộng tuổi trong hạng học-thức hoặc chủ xóm làm Phó Hội-Trưởng. Mấy ông khiêm-nhượng không dám lãnh chức đó rồi tiến-dẫn ông Nhiêu Trần-Minh-Giám là Phó Hội-Trưởng. Mấy ông hứa sẽ tận tâm giúp cho hội với chức Hội-viên vậy thôi.

Thanh-Nhân với Minh-Giám tỏ lời cám ơn anh em sẵn lòng tín-nhiệm và hứa sẽ hoạt-động làm cho “Ba Giồng Đồng-Chí Hội” được rạng-rỡ thinh-danh, Thanh-Nhân nói: “Hội của chúng ta lập với tôn-chỉ an dân giúp nước. Hiện nay ở đàng ngoài có giặc-giã làm cho dân xao-xuyến, nước nguy nan. Muốn đạt được mục-đích, hội ta cần phải một mặt bố-đức để an dân và một mặt dụng võ để cứu nước. Bố đức tôi xin giao cho ông Phó Hội-Trưởng lo liệu. Phần tôi thì tôi chuyên lo rèn tập võ-nghệ cho nhơn-viên để phòng khi hữu-sự thì có sẵn tài lực mà nâng đỡ quốc-gia. Hạng nhơn viên cường-tráng từ 20 đến 40 tuổi đều phải tập luyện võ-nghệ, hiểu biết chiến-lược hết thảy. Nhơn-viên thì đông lại ở tới ba cái giồng. Một võ-trường của tôi đây không đủ cho anh em tập luyện. Tôi xin mấy ông chủ xóm kiếm chỗ rộng-rãi bằng thẳng mà mở thêm mỗi giồng cho được đôi ba võ-trường để mỗi ngày anh em đi tập cho gần. Anh bạn của tôi là anh Lê-văn-Quân đây là một võ-sư có danh lớn. Tôi sẽ cậy anh dạy anh em tập. Tôi cũng sẽ giúp với anh mà chỉ cho anh em. Thiệt hai người cũng chưa đủ. Để thủng thẳng rồi tôi kiếm rước thầy võ thêm. Mỗi giồng phải có ba thầy mới đủ mà lập hằng ngày cho nhơn viên được”.

Mấy ông chủ xóm nói lập võ-trường nhỏ nhỏ thì không thiếu gì đất, muốn lập mấy chỗ cũng được. Điều cần yếu là phải có người dạy.

Nhơn-viên trẻ tuổi nghe nói sẽ lập trường đặng tập võ thì ai cũng hăng-hái nói rằng hiện giờ trong mỗi giồng đều có một hai người biết võ-nghệ chút đỉnh. Vậy mấy người ấy bắt đầu tập liền cho nhơn-viên được, tập cho biết tấn thối rồi sẽ cậy thầy hay phân miếng, chỉ thế thêm cho rành.

Lê-Văn-Quân nói tập võ đây là tập võ đặng đánh giặc, chớ không phải tập võ để biểu-diễn chơi. Vậy tập quyền cần phải chăm nom làm cho gân cốt dẻo dai, sức khỏe sung túc. Phải tập chạy mau, tập nhảy cao, tập trở lẹ, đặng khi xáp trận huy-động cho gọn-gàng.

Thanh-Nhân nói tập dùng binh-khí thì nên tập bắn tên, tập phóng lao, tập dùng chĩa ba, đại đao, đoản đao cho thành-thục. Thanh-Nhân hứa sẽ đặt cho thợ rèn, thợ mộc tạo mấy thứ binh-khi ấy cho nhiều để phát cho nhơn-viên các giồng giữ mà tập luyện.

Ông nhiêu Trần-Minh-Giám nói: “Chiến-sĩ cần phải có sức khỏe, phải biết võ-nghệ, phải thông chiến lược phải hiểu binh-pháp. Nhưng can-đảm là bí-quyết của sự chiến-thắng. Vậy cần tập rèn võ-nghệ mà cũng cần huấn-luyện tinh-thần, mười người có tinh-thần mạnh mẽ có tâm-chí cương-quyết có thể đánh bại cả trăm người nhút-nhát. Vậy mấy ông chủ xóm với mấy ông có học-thức nên giúp mà huấn-luyện đầy đủ cả hai mặt võ-nghệ và tinh thần thì có thể dám chiến với 5.000 binh ô-hợp không có huấn-luyện, không biết kỷ-luât”. Trẻ già bàn luận cùng nhau đến tối, trăng rằm đã lên cao rồi mới giải tán mà về.

Sáng bữa sau, Thanh-Nhân cùng với ông Nhiêu Giám và Lê-Văn-Quân đi viếng mấy giồng. Đi tới đâu mấy ông học thức cũng hăng-hái tiếp rước rồi hiệp nhau lựa chỗ làm trường tập võ chọn người huấn-luyện cho nhơn-viên liền. Sự hăng-hái của hai ông Chánh, Phó Hội-Trưởng gây ra một phong-trào háo chiến bồng-bột sôi-nổi ở đất Ba Giồng. Hạng thanh-niên cường-tráng ban ngày thì làm ruộng, làm vườn, mà hễ chiều mát thì rần rộ tựu lại võ-trường tập chạy, tập nhảy.

Cách chẳng bao lâu tôn chỉ của Hội Ba Giồng Đồng-Chí đã đồn ra khắp xóm xa làng gần. Có nhiều trai-tráng ái mộ trí ý của hội nên đến xin ghi tên nhập hộị. Trong ba tháng, số nhơn-viên đã lên gần một ngàn, và trong số đó có nhiều văn-nhơn, cũng có nhiều võ-sĩ ở xa, có người ở Long-Hồ, có người ở tận trên Đồng-Nai và Phan-Trấn cũng tìm tới mà xin gia nhập đặng góp sức.

Bên văn thì được năm người: Phạm-Háo-Nghĩa, Lê-Thứ-Tiên, Dương-Trung-Cự, Huỳnh-Hiên-Hà, Triệu-Bá-Vạn. Còn bên võ thì được tám người: Võ-Nhàn, Nguyễn-Lượng, Trần-Hạo, Cao-Liêm, Lý-Thiện, Phan-Đình-Trụ, Lưu-Bạch-Khuê và Thái-Hồng-Tâm mỗi người đều đủ tài rèn tập võ-nghệ cho nhơn-viên được.

Thanh-Nhân phân phát văn-nhơn và võ-sĩ ở mỗi giồng đôi ba người đặng văn thì huấn-luyện tinh-thần, còn võ thì rèn-tập chiến đấu.

Thanh-Nhân lại cậy ít người trộng tuổi mà lanh-lợi, người qua Long-Hồ, Sa-Đéc, kẻ lên Phan-Trấn, Đồng-Nai thám dọ tình-hình, lóng nghe tin tức đặng về thông báo cho hội biết.

Tuy Thanh-Nhân mừng thấy Hội Ba Giồng Đồng-Chí bành-trướng mạnh-mẽ và mau lẹ khiến cho người phải bận trí cả đêm ngày, song người cũng không quên nhắc-nhở con tập võ học văn, bởi vậy Đỗ-Thanh-Xuân càng luyện càng thêm hay, làm cho mấy võ-sĩ mới thấy nàng tập-dượt ai cũng bái-phục.

Thấy tài-nghệ của con đủ biết tài-nghệ của cha, nhờ vậy mà Thanh-Nhân được tất cả hội viên khâm-phục, người mới cũng như người cũ.

[1] nấu rượu

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư