LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Đỗ nương nương báo oán - Chương X. HÀO-KHÍ RẠNG NON SÔNG (Hồ Biểu Chánh)

93 lượt xem

Hà-Khâm có tịch ngày trước làm phách dọa nạt Thanh-Nhân trước chùa Châu-Thới, bị Thanh-Nhân cho một bài học rồi, bây giờ tới đây càng thêm hổ-thẹn, nên rúc ở trong mui, không chịu ra. Chừng nghe Hồ-Văn-Lân kêu, cực chẳng đã phải bò ra, mà mặt sượng trân. Thanh-Nhân nắm cánh tay ông mà kéo đứng dậy và nói: “Đã tới đây mà còn sợ gì nữa nên không dám ra ngoài. Nãy giờ tôi không thấy ông với ông Trương-Hậu, tôi tưởng hai ông cũng bị giặc khai đao như ông Lê-Đại-Chí rồi chớ”.

Minh-Giám mời Hoàng-Tử vô mui mà ngồi cho thuyền đi thẳng vô trại trung-ương rồi ông cùng với Thanh-Nhân trở về thuyền nhỏ đi trước dẫn đường, thuyền của Hoàng-Tử tiếp đi theo sau. Hai thuyền đi ngang qua mấy đồn, trên đồn hồi trống chào mừng.

Trong lúc thuyền từ-từ đi vô giồng, Hoàng-Tử Ánh ngồi ngó hai bên mé rạch thì thấy dân-cư trù-mật, nhà cửa liên-liếp, vườn tược thạnh-mậu. Một khúc xa xa thì có đóng một cái đồn. Đồn có dịch-lâu để cho quân canh ở trên cao mà thấy đủ bốn phía. Chừng vào nhà, Thanh-Nhân với Minh-Giám cung kỉnh mời Hoàng-Tử ngồi giữa là ghế chủ-tịch. Hoàng-Tử khiêm-nhượng không chịu ngồi, nói rằng ngài xiêu-lạc trong dân-gian, tới đây là người khách mà thôi, nên không dám chủ tọa xin nhường địa-vị vinh-diệu ấy cho Tổng Chỉ-Huy nghĩa-binh Đông-Sơn hoặc Tham-Mưu Trưởng là người lớn tuổi.

Thái-độ khiêm-tốn của Hoàng-Tử Ánh làm cho Thanh-Nhân, luôn tới Minh-Giám, đều cảm-xúc thêm nữa, hết muốn cường-ngạnh đặng tách riêng mà xưng bá tranh ngôi. Bây giờ hai người thành-thiệt thỉnh Hoàng-Tử phải ngồi cái ghế danh-dự nhưng nài-nỉ cách nào Hoàng-Tử cũng không chịu, cứ khuyên tướng-sĩ Đông-Sơn xem ngài như một người bạn đồng-chí trẻ tuổi vậy thôi, chớ đừng kể ngài là kim-chi ngọc-diệp chi hết.

Thanh-Nhân với Minh-Giám yêu-cầu hết sức không được, cùng thế phải để cho Hoàng-Tử tự do muốn ngồi đâu tùy ý. Hai người lo trà rượu mà đãi khách, dặn bắt heo làm thịt dọn tiệc, sai đi các giồng đòi hết các võ-tướng chỉ-huy tề-tựu về mà chúc mừng Hoàng-Tử.

Hoàng-Tử hỏi thăm Đỗ Nương-nương, Thanh-Nhân phải cho kêu con ra ngoài nhà bái-kiến Hoàng-Tử. Hoàng-Tử tỏ lời khen-ngợi tài năng, tặng cho Nương-nương bốn chữ “Nữ-Trung Tuấn-Kiệt”.

Minh-Giám với Thanh-Nhân có ý chờ coi Hoàng-Tử lấy lý gì mà yêu-cầu nghĩa-binh Đông-Sơn tá trợ mà chờ cho đến ăn cơm, Hoàng-Tử hỏi chuyện đủ thứ, nhưng chẳng hề nói chuyện cứu quốc-nạn, phục ngôi vua.

Đến xế, Hoàng-Tử đứng ra ngoài hứng mát. Ngài thấy bên nhà có cái sân rộng lớn, cả ngàn người hội hiệp nơi đó cũng không chật. Ngài kêu Hồ-Văn-Lân với Hà-Khâm rồi cùng nhau đi lại cái sân đó xem chơi. Lúc ấy Thanh-Nhân mắc đi vô trong, còn Minh-Giám cầm khách, ông thấy ba người dắt nhau đi lại võ-trường nhưng ông không đi theo, có ý muốn để cho Hoàng-Tử thong-thả mà bàn tính việc riêng với hai quan Hộ-giá. Thanh-Nhân trở ra không thấy khách, mới hỏi khách đi đâu. Minh-Giám cười mà nói:

- Dắt nhau ra võ-trường đặng tính mưu định kế gì đó không biết.

- Tôi phiền lắm. Nhưng từ hồi sớm mơi gặp Hoàng-Tử, tôi thấy ngài khiêm-cung, nho-nhã, tôi thương quá rồi hết giận.

- Có lẽ ông Hồ-Văn-Lân đã cho ngài hay trước chí-hướng tự-chủ của chúng ta, nên ngài sửa thái-độ không tự-cao, tự-trọng, đặng chúng ta cảm mến mà thần-phục ngài. Ấy vậy chúng ta phải dè dặt chờ xem. Đối với ngài chúng ta phải thủ lễ, việc đó đã đành, nhưng đừng hứa phò-tá chi hết, đợi chừng nào ngài mở đầu mà nói rồi để mặc tôi đối đáp.

- Năm đó ở trên thành Phan-Yên ngài còn nhỏ, không nghe ngài nói chuyện chi hết, tôi tưởng ngài lôi-thôi. Té ra ngài thông-minh quá, lại có cách nói chuyện làm cho người ta phải cảm-mến, không phải nhu-nhược hay lù-mù đâu.

- Mình chia rẽ đã ba năm rồi, bây giờ Hoàng-Tử đã 16-17 tuổi, chớ phải nhỏ hoài sao. Lại bốn quan Hộ-giá, có văn, có võ đủ, họ dạy dỗ hàng ngày, dạy trót mấy năm nay, tự-uhiên phải thông-minh hoạt-bát. Ông Đại-Chí học rộng lắm, chắc Hoàng-Tử nhờ ông Đại-Chí dạy nhiều.

Hai người nói chuyện tới đó thì thấy võ-tướng chỉ-huy giồng Thuộc-Nhiêu bắt đầu tựu về rồi võ-tướng hai giồng kia lần lượt cũng về đủ. Minh-Giám ra võ-trường mời Hoàng-Tử vô nhà đặng các chỉ-huy nghĩa-binh Đông-Sơn bái yết.

Hoàng-Tử cười mà nói: “Tiếp anh-hùng nghĩa-sĩ tôi phải ra ngoài sân mà tiếp, chớ có lẽ nào tôi ngồi yên trong nhà mà gọi người ta vào. Đâu ? Võ-tướng chờ tôi chỗ nào ? Xin ông làm ơn đưa tôi lại đó đặng tôi chào mừng mấy anh là rường cột của nước nhà, là hy-vọng của dân-chúng”.

Minh-Giám đưa Hoàng-Tử với hai quan Hộ-giá trở lại nhà. Hoàng-Tử đứng ngoài dòm vô thấy võ-tướng độ 20 viên đương sắp hai hàng đứng chờ ngài, có Thanh-Nhân đứng giữa.

Hoàng-Tử nói lớn: “Làm tướng mà rúc ở trong nhà đặng nói chuyện rù-rì, coi không được. Vậy tôi xin mời các anh bước ra sân đặng chúng ta hội-ngộ giữa thanh-thiên bạch-nhựt đặng thấy mặt thấy lòng nhau”.

Thanh-Nhân dắt chư tướng ra sân sắp đứng mỗi giồng một hàng cho phân biệt.

Hoàng-Tử biết Võ-Nhàn với Lê-Văn-Quân, vì hai người ấy cầm binh lên Châu-Thới nghinh-giá năm trước, nên ngài bước lại chào hai người, còn mấy người khác thì ngài cậy Thanh-Nhân tiến-dẫn cho ngài biết tên bọ, quê quán mỗi người.

Lễ tiếp kiến xong rồi, Hoàng-Tử đứng giữa mà nói: “Tôi lấy làm vinh-hạnh mà được thân-cận với mấy chục đoá hoa thơm của nghĩa-binh Đông-Sơn. Tôi càng vinh-hạnh hơn nữa, nếu mấy anh vui lòng thâu-nhận tôi làm một tiểu-tốt của nghĩa-binh nầy, đặng tôi theo mấy anh dẹp giặc mà cứu dân giúp nước. Tôi đoán chắc với hùng-dõng, với trí tài, với thiện-chí, với vô-tư của mấy anh, thế nào mấy anh hễ chiến thì thắng hễ làm thì nên, không bao giờ thất-bại”.

Chư-tướng thấy Hoàng-Tử vừa giản-dị, vừa lỗi-lạc thì cả thảy đều cảm mến, quên hết vụ Tân-Chánh Vương khinh bạc năm xưa, thậm chí Thành-Nhân với Minh-Giám là người đã nuôi mầm phân-ly trong lòng, mà cũng thầm tính sẽ bỏ ý định đó để phò-tá Hoàng-Tử là người xứng đáng lên ngai vàng đặng bỉnh-quyền chấp-chánh.

Nhơn dịp chư-tướng hội-hiệp đủ mặt, Thanh-Nhân có sắp-đặt đãi một tiệc tại võ-trường. Có đặt một bàn riêng để cho Hoàng-Tử với hai quan Hộ-giá ngồi. Khi nhập tiệc, Hoàng-Tử không chịu ngồi riêng, ngài chen mà ngồi chung với tướng-sĩ, nói rằng ra trận sống hay chết đều như nhau, bởi vậy ăn uống cũng phải chung với nhau, không được riêng biệt. Hai quan Hộ-giá cũng làm như Hoàng-Tử thành-thử cái bàn đó bỏ trống, không ai chịu ngồi.

Ăn rồi chư-tướng cáo-từ về hết, vì không được bỏ cuộc phòng-thủ lúc ban đêm.

Sáng bữa sau ông Trương-Hậu đi rước Nguyễn-Văn-Hoằng, Tống-Phước-Khuông và Tống-Phước-Lương qua tới, lại có chở theo 100 binh của anh em họ Tống mới chiêu-mộ. Thanh-Nhân hay tin thì ra lịnh cho vào, Hồ-Văn-Lân lãnh ra vàm đón tiếp. Hoàng-Tử niềm-nở tiếp ba vị hảo-hớn mới tới, dùng lời thân-ái mà nung chí và biểu Hồ-Văn-Lân giới-thiệu với lãnh-tụ Đông-Sơn.

Hoàng-Tử lấy làm mừng mà được ba tướng với 100 binh ra phò-tá, nhưng ngài tỏ ý lo ngại vì tấm thân đương phiêu-lưu, không cửa nhà, không lương-thực, không biết làm sao mà nuôi binh tướng được. Minh-Giám thấy chỗ bối-rối đó nhưng không nỡ thừa cơ-hội mà đoạt thế-lực của Hoàng-Tử, ý muốn giúp cho ngài có binh tướng riêng, coi đối với Đông-Sơn ngài tính lẽ nào. Ông mới đề-nghị để cho binh-sĩ mới nầy cất trại tạm tại võ-trường mà ở đỡ và cũng giúp lúa để làm lương-thực. Hoàng-Tử hỏi tại sao không tính cho nhập chung với binh Đông-Sơn, lại để riêng như vậy.

Minh-Giám nhơn dịp muốn bày tỏ ý-chí của nghĩa-binh Đông-Sơn cho Hoàng-Tử biết, coi ngài liệu lẽ nào, nên trước mặt mọi người, ông mới đứng dậy mà nói: “Nghĩa-binh Đông-Sơn của chúng tôi khi mới lập ra thì lớn nhỏ đều thành-tâm thiện-chí quyết tôn vương, cứu quốc, hộ dân. Chúng tôi thệ tâm hy-sinh tất cả để đạt cho được ba mục-đích đó. Tôi xin phép tỏ thiệt với ngài, trước thái-độ của Tân-Chánh Vương năm nọ, nghĩa-binh Đông-Sơn thất-vọng nên chán-nản, mới định bỏ mục-đích thứ nhứt, chỉ lo đuổi theo hai mục-đích sau mà thôi. Sự Tân-Chánh Vương lãnh-đạm với chúng tôi đã gây hậu quả không hay, việc đó ngài đã thấy rõ, nhắc lại thêm buồn, chớ không ích gì. Chúng tôi vẫn biết ngài không can-hệ gì đến sự khinh bạc chúng tôi năm trước. Huống chi ngài lại đây hai bữa rày, từ lời nói đến việc làm của ngài đều gieo rắc cảm tình ái kính tận thâm tâm của anh em lớn nhỏ Đông-Sơn. Có lẽ ngài đã nhận thấy tấm lòng thành-kính của chúng tôi thành-thiệt, chớ không có chút nào gian dối. Bây giờ chúng tôi cũng do tấm lòng thành thiệt đó mà tỏ với ngài: ngài có nghĩa-vụ riêng của Ngài là báo thù cho Hoàng-Tộc và khôi phục ngôi quốc-vương. Anh em Đông-Sơn có nghĩa vụ riêng của chủng tôi là quét sạch non sông và bảo an dân-chúng. Tuy ngài với chúng tôi nhắm một mục-đích chung mà bước tới, song mỗi bên đi riêng một ngã, chúng tôi không thể theo sau lưng ngài, chớ không có ý thù nghịch với ngài. Trái lại nếu có dịp thì chúng tôi sẵn lòng giúp cho ngài được phương tiện mà làm tròn nghĩa-vụ nếu sự giúp đỡ đó không trái với nghĩa-vụ của Đông-Sơn. Tại như vậy nên chúng tôi muốn giúp cho ngài có một binh-đội hùng-hậu riêng, để phò-tá ngài, chớ chúng tôi không nỡ giành mà bành-trướng lực-lượng của Đông-Sơn. Chúng tôi thành-thiệt bày tỏ chí-hướng của nghĩa-binh Đông-Sơn cho khỏi hiểu lầm rồi sanh nghi-kỵ mà hại việc lớn là việc dân, việc nước“.

Hoàng-Tử Ánh ngồi chăm-chỉ nghe lời từ tốn của Minh-Giám thì ngài cảm-động cực-điểm, cảm-động vì chí-hướng tự-cường của Đông-Sơn mà cũng cảm-động vì tư-cách thành-thiệt của người lãnh đạo. Ngài bất mãn về Đông-Sơn tách đi đường riêng, không chịu lấy nghĩa thần dân mà phụng sự vua chúa nữa. Nhưng ngài có bổn-tánh thông-minh, ngài nhận thấy tình-hình hiện-tại, ngài hiểu với nghĩa-sĩ hùng-anh, phải lấy sáng-suốt khôn-ngoan mà đối-đãi, ngài nghĩ cần phải nhượng-bộ, phải mềm dẻo, phải dung-hòa mới thâu-phục được nhơn-tâm, bởi vậy ngài bước lại mắt ngó ngay Minh-Giám, tay vịn vai người mà nói: “Được biết chí hướng của nghĩa-binh Đông-Sơn đã không oán ghét tôi, lại còn thương tưởng tôi, muốn giúp cho tôi là một chi rất yếu ớt trong Hoàng-Tộc, may nhờ Trời mà còn sống sót lại đây. Tôi cũng lấy lời thành-thật mà tỏ với chư vị anh-hùng Đông-Sơn: Hiện thời tôi đương tìm nơi an ổn mà gởi thân, chớ chưa đám nuôi hy vọng trả thù nhà, hay phục ngôi Chúa. Chư-vị anh-hùng cho tôi theo núp dưới bóng cờ nghĩa-dõng, đó là may cho tôi lắm rồi, tôi có tài đức gì mà dám mong-mỏi bực anh-hùng theo tôi đặng phò-tá. Không, tôi không dám vậy đâu. Tôi chỉ muốn được theo làm một tên quân trong đạo-binh Đông-Sơn vậy thôi. Nếu binh Đông-Sơn quét sạch được bọn Tây-Sơn làm cho non-nước thanh-bình, nhơn-dân an-lạc, thì chí tôi thỏa-mãn, tôi sẽ vác búa sắt lên trên sườn núi ca hát mà đốn củi hoặc ngồi ngư-thuyền thả theo dòng nước ngâm nga mà thả câu. Thiệt, được vậy thì tôi vui không biết chừng nào, vui vì thấy người có đức lớn cầm quyền, người có tài cao trị nước”.

Nghe những lời bất ngờ như vậy, Minh-Giám ngơ-ngẩn, ông nhận thấy Hoàng-Tử Ánh thuộc vào hạng tối-cao nhơn-vật, hạng anh hùng, chớ không phải bực tầm-thường. Ông sợ ngay, vì ông biết không dễ gì mà đấu trí, độ lòng người như vậy nổi. Ông ngó Thanh-Nhân, ông biết người bạn của ông thẳng ngay lại táo-bạo, nhưng không đủ sáng suốt mà hiểu biết Hoàng-Tử cho nổi. Ông cần phải nói riêng cho người bạn ông hiểu biết đặng ngó tương lai cho khỏi lầm. Nhưng Minh-Giám không muốn để cho Hoàng-Tử tưởng bọn Đông-Sơn toàn là nhóm vũ-phu mù quáng, nên ông nói: “Nghe lời Hoàng-Tử nói, chúng tôi nhận thấy Hoàng-Tử đủ đức đủ tài ngồi cao hơn thiên-hạ. Mà hiện-thời điều cần-thiết của Hoàng-Tử cũng như của chúng tôi, là phải làm sao có đủ lực lượng mà quét sạch Tây-Sơn. Lo cho xong việc đó cũng đủ già rồi; vậy không nên bỏ mất thì-giờ mà nghĩ đến chuyện xa-xuôi diệu-vợi. Bây giờ phải lo dọn bề ăn ở cho một trăm binh mới đến xin phò-tá Hoàng-Tử đây đã, rồi rảnh rang chúng ta sẽ tính tới việc tấn-công Tây-Sơn, là việc chúng tôi chuẩn-bị mấy tháng nay rồi mà chưa huy-động được”.

Minh-Giám với Thanh-Nhân dắt hết mọi người ra võ-trường kêu Võ-Nhàn mà dạy chọn một góc để cất trại cho binh mới ở đỡ mà luyện tập, chỉ cây lá cho họ đốn mà làm nhà, xúc lúa cho họ mượn làm lương-thực.

Qua bữa sau, những chủ xóm với thân-hào đem rượu thịt đến làm lễ ra mắt Hoàng-Tử Ánh. Chiều lại Đỗ Nương-nương luyện tập nữ-binh cho Hoàng-Tử xem. Hoàng-tử lấy làm hài lòng mà được biết ở đất Ba Giồng già trẻ trai gái đều đoàn-kết, lập thành một khối vững-vàng để đuổi theo một mục-đích cao thượng.

Đêm đó, thừa lúc vắng-vẻ, Minh-Giám mới nói riêng cho Thanh-Nhân biết Hoàng-Tử Ánh là bực siêu-hùng, người thường không thể hiểu tâm-trí của ngài nổi. Vậy nếu muốn gần thì phải thần-phục tận tâm, còn như không chịu uật-hạ với người thì phải dang ra cho xa, chớ nếu lưng-chừng ắt sẽ sanh rắc-rối.

Thanh-Nhân nói: “Mấy năm nay, vì chán-nản nên tôi quyết tự-cường, tự-chủ, không phục-tùng ai hết. Nay gặp Hoàng-Tử Ánh, tôi cảm-phục hoàn-toàn, tôi quyết sẽ tôn ngài làm Chúa đặng tôi phò-tá. Việc đó đã quyết định rồi. Bây giờ xin ông định kế khắc-phục Phan-Yên cho mau đặng rước Hoàng-Tử về đó tôi tôn lên ngôi Chúa rồi chiêu-mộ binh-tướng đem ra đàng ngoài quét sạch Tây-Sơn và nếu Trời giúp vận thì đi luôn ra Bắc-Hà dẹp tới Chúa Trịnh nữa, đặng thống-nhứt sơn-hà từ Nam chí Bắc”.

Minh-Giám thở một hơi dài mà nói:

- Chương-Trình đó tốt đẹp biết chừng nào. Tôi vái Trời cho tôi sống lâu đặng hiệp với ông và Hoàng-Tử mà thực-hiện cho được ý-định đó, chừng chết tôi mới hài lòng phỉ chí.

- Tuy ông quá lục tuần rồi, song sức còn mạnh, ông chưa chết đâu mà lo. Về việc ông tính phò tá Hoàng-Tử Ánh, thì tốt hơn là nay mai nên nói thiệt cho ngài biết đặng thành-thật hiệp-tác với nhau, khỏi sự nghi-kỵ nữa.

- Tôi sẽ nói. Phải nói ngay ra cho ngài biết tôi sẽ cử binh đánh lấy thành Phan-Yên đặng tôn ngài làm Chúa. Rồi đó chia hai phần việc: ngài làm Chúa lo đặt quan cai-trị đặng mộ binh lính và gom lương-thực, tôi làm tướng, tôi tổ-chức binh đội và cầm binh đánh giặc. Nếu ngài cung-cấp binh lương cho tôi đầy đủ thì tôi sẽ dẹp bọn Tây-Sơn ở đàng ngoài, rước ngài về Thuận-Hóa rồi tôi thâu-phục luôn Bắc-Hà mà đem về một mối cho ngài thống-trị.

- Ừ, phải nói cho rành như vậy: Lần nầy tôi để cho ông nói, tôi không chen vô. Tôi khuyên ông một điều nầy là tin mà phải phòng. Đừng dắt Hoàng-Tử đi xem hệ thống phòng-thủ đất Ba Giồng của mình, phải giữ bí-mật, vì Đông-Sơn còn mất là nhờ bí-mật đó, không nên cho người ngoài biết. Dầu Hoàng-Tử có xin đi xem cũng đừng cho.

- Tôi sẽ làm y theo lời dặn.

Thanh-Nhân táo-bạo, nhưng quảng-đại và chơn-chánh. Giận ai thì nói ngay ra, không biết sợ, mà phục ai thì cũng tỏ thiệt liền, không chịu giấu.

Sáng bữa sau, lúc Hoàng-Tử ngồi uống nước trà thì Thanh-Nhân đem ý-định hồi hôm mà nói cho Hoàng-Tử biết, nói trước mặt mọi người. Hoàng-Tử ngạc-nhiên, ngài hỏi tại sao hôm nọ Minh-Giám nói nghĩa-binh Đông-Sơn chán-nản không muốn phò vua chúa nữa, chỉ lo an dân báo quốc mà thôi, mà bây giờ Thanh-Nhân lại nói nghĩa-binh tính khắc-phục Phan-Trấn đặng tôn Hoàng-Tử lên ngôi Chúa mà phò tá.

Thanh-Nhân nói: “Mấy bữa rày tướng lãnh Đông-Sơn được gần ngài, thấy ngài có đủ tài đức đặng cầm quyền chúa-tể trong nước. Vì vậy nên anh em lớn nhỏ thay đổi chí-hướng, quyết khắc-phục thành Phan-Trấn cho mau đặng tôn ngài lên ngôi Chúa cho Đông-Sơn phò-tá. Ngài làm Chúa đặng tổ-chức cai trị, đặt quan khắp nơi để mộ lính và nạp lương. Anh em Đông-Sơn chúng tôi là tướng, là cầm binh đánh giặc. Hễ Chúa cung-cấp binh lương cho chúng tôi đầy đủ thì chúng tôi đánh dẹp hết Tây-Sơn ở đàng ngoài, rước Chúa về Thuận-Hóa rồi đuổi Trịnh, thâu-phục luôn xứ Bắc-Hà đem về một mối cho ngài thống trị”.

Hoàng-Tử Ánh biến sắc, lật-đật đứng dậy nói: “Tôi có tài đức gì đâu, sao lại được các tướng Đông-Sơn kỉnh-ái đến muốn giao cho tôi một trách nhiệm lớn lao cao quí như vậy ?”.

Ngài ngó Minh-Giám mà hỏi:

- Thiệt quả như vậy hay sao ?

- Thiệt quả như vậy. Mấy bữa rày anh em lớn nhỏ bàn tính rồi, nên mới phái Đỗ Chỉ-Huy nói trước cho ngài hay. Chúng tôi đương sắp đặt đặng xuất binh đánh Phan-Trấn.

- Có đủ lực-lượng hay sao ?

- Đánh Phan-Trấn thì có binh đủ, nhưng khắc phục thành rồi phải lập tức chiêu-mộ binh thêm cho nhiều đặng thừa thắng đánh luôn ra Bình-Thuận, Diên-Khánh. Nếu không thi-hành chiến-lược ấy thì Tây-Sơn thong-thả kéo vào đánh lấy Phan-Trấn, té ra mình thắng mà rồi cũng như bại.

- Không biết binh Tây-Sơn bây giờ ở Phan-Trấn được chừng bao nhiêu ?

- Tôi có tin chắc Huệ với Lữ đem đại binh về Qui-Nhơn để lại có 5.000 binh cho Tổng-Đốc Châu thủ đất Gia-Định. Châu sai 1000 binh giữ Biên-Trấn, cho đi tuần các rạch ngòi chừng 5, 700 và để giữ thành Phan-Yên với mấy đồn chung quanh nhiều lắm là 3.500. Để tôi nghiên cứu mà thảo chương-trình tấn binh, trong vài bữa rồi tôi sẽ trình cho ngài với Tổng Chỉ-Huy xem.

- Cha chả ! Bình Tây-Sơn số tới 3.000, lại ở trong thành có thế thủ, khó cho mình thắng lắm.

- Hãm thành thì hao binh. Mình không có binh đông nên không phép thí cho hao hớt. Tôi đương tìm kế chọc cho tướng Tây-Sơn đem binh ra khỏi thành đặng mình đánh cho dễ thắng.

- Mấy ông ráng thắng một trận đặng lấy oai.

- Phải thắng mới được.

Cơm dọn rồi, Võ-Nhàn mời hết đi ăn cơm.

Luôn trong hai ngày, Minh-Giám cứ thơ-thẩn đi khắp giồng mà chơi, không ghé nhà nào, mà cũng không muốn nói chuyện với ai hết.

Một đêm, ông mời Hoàng-Tử vào một cái phòng kín rồi kêu Thanh-Nhân, Võ-Nhàn, Háo-Nghĩa với Hồ-Văn-Lân vào mà nghị-sự. Hồi thế-kỷ 18 mà ông đã có sáng-kiến nhóm hội-nghị quân-sự gồm cả nhân-viên Bộ Chỉ-Huy, Bộ Tham-Mưu với Bộ Hành-Chánh, chẳng khác nào ngài nay các nước Âu Mỹ nhóm hội-nghị quốc-phòng tối cao đặng định kế-hoạch, hoặc phòng-bị, hoặc tấn-công. Có vậy mới thấy từ xưa, trong cuộc chiến-tranh, Việt-Nam đã có nhơn-tài cao-quí phát sanh, đời Trần có Hưng-Đạo-Vương giỏi về chiến-thuật tác-chiến tinh-thần, đời Lê có vua Thái-Tổ giỏi về môn du-kích, rồi đến đây lại có thêm Trần-Minh-Giám bày chiến-lược hễ khắc-phục thành-trì thì phải chiếm-cứ đất-đai rồi dùng cái thuật “tàm thực” là cách “tầm ăn dâu” lần lần đi tới hoài mà chinh-phục tất cả lãnh-thổ.

Minh-Giám mời nghị-sự, đợi ai nấy ngồi yên rồi, ông mới bày tỏ kế-hoạch để đánh thành Phan-Yên. Ông nói muốn đánh bại Tây-Sơn mà mình khỏi hao binh tổn tưởng, thì không nên rần-rộ kéo đến công thành, phải dùng chước phục binh rồi dụ giặc ra ngoài đặng tốp vây đánh, tốp đoạt thành, làm như vậy mới bắt hết binh giặc.

Vậy ông đề-nghị:

- Trước hết phải chở gạo với khô mắm đem lên dự trữ tại Ba-Cụm và Chợ Đệm cho sẵn-sàng đặng khi binh tới khỏi lo thiếu lương hướng;

- Đem binh đi thì không nên dùng thuyền rần rộ. Phải phân ra từng đội rồi âm-thầm cho đi đường bộ, đêm đi ngày nghỉ; nhưng đúng ngày giờ đã định cho biết trước thì mỗi đội phải đến mục-tiêu của mình, đặng mai phục cho sẵn-sàng mà tác-chiến;

- Phân binh mà đánh thì phải áp dụng chiến-thuật phục-kích thình-lình. Phái nhiều đội ẩn núp hai bên đường từ Phan-Yên xuống Chợ Đệm. Nhiều đội binh khác, ít nào cũng phải được một ngàn quân mai-phục dọc theo đường Phan-Yên lên Biên-Trấn. Còn lại bao nhiêu binh thì cho mai-phục chung quanh ba mặt thành, phải bỏ trống cửa hướng về phía Biên-Trấn cho giặc trong thành thong-thả chạy ra phía đó;

- Hễ đặt binh mai-phục đâu đó xong rồi thì cho một ông già vào thành báo tin nói có giặc tụ-tập tại Chợ Đệm đông đến mấy ngàn và xin quan Trấn đem binh đến đánh dẹp mà cứu dân. Nếu Tây-Sơn không dám bỏ thành mà xuất-binh, thì một đội binh Đông-Sơn từ Chợ Đệm phất cờ gióng trống làm rùm beng kéo lên thành mà khiêu chiến. Hễ binh trong thành ra đánh thì đội binh Đông-Sơn vừa đánh vừa lui, dụ cho giặc rượt theo tới chỗ phục binh hai bên mới ó lên vây chặt;

- Binh mai-phục ba phía thành hễ nghe phía Chợ Đệm hỗn chiến thì ó lên một lượt mà hãm thành. Tướng Tây-Sơn nghe binh ra ngoài đã lọt vào ổ phục-kích thì tinh-thần tán loạn rồi, chừng thấy ba mặt thành bị công-hãm nữa thì không còn tinh thần mà chiến-đấu, tự-nhiên phải kiếm đường thoát thân. Chiến-đấu không có tinh thần thì mong gì thắng ai nổi. Dầu 10 người mà khiếp sợ thì một người cương-quyết gặp đánh cũng thắng được. Thấy một mặt thành bỏ trống tự-nhiên kéo nhau ra ngã đó mà chạy lên Biên-Trấn. Bây mới tới phận-sự của mấy đội mai-phục dọc theo đường lên Thủ-Đức. Binh nầy phải chận bắt hết tưởng-sĩ Tây-Sơn chạy đó, rồi liền kéo hết lên vây đánh Biên-Trấn mà chiếm luôn. Mà hễ đại binh đoạt được thành Phan-Yên rồi thì nên cho vài đội rượt theo Tây-Sơn để tiếp với đạo binh núp ở Thủ-Đức mà bắt giặc và đánh Biên-Trấn.

Hoàng-Tử Ánh nghe Minh-Giám trình bày kế-hoạch thì khen ngợi hết sức. Hồ-Văn-Lân cũng bái kế hoạch của Minh-Giám. Ông nói thiệt lâu nay ông tưởng Đông-Sơn nhờ tinh thần, nhờ dũng-cảm mà nổi danh chớ ông không dè có mưu-mô, có thao-lược, tác chiến có quy-củ hơn binh-triều nữa. Ông là một võ-tướng của Triều-đình, nếu ông được chỉ-huy một đội binh Đông-Sơn thì ông lấy làm hãnh-diện lắm.

Thanh-Nhân cũng chấp-thuận kế hoạch, song nói hễ chiếm được đất Phan-Trấn với Biên-Trấn rồi thì liền cho một đạo-binh đi thẳng ra lấy luôn Bình-Thuận để làm căn-cứ đợi tôn Chúa, mộ binh thêm và vận lương rồi thì khởi đánh đàng ngoài.

Minh-Giám phú-thác cho Háo-Nghĩa vận lương trữ sẵn dọc đường để cung-cấp cho quân-đội, còn Thanh-Nhân thì lãnh phần phân-phối tướng-sĩ, sắp đặt người nào chỉ-huy đội nào và mai phục chỗ nào.

Thanh-Nhân mới định: đặt 5 đội mai-phục vùng Thủ-Đức dưới quyền tổng chỉ-huy của Lê-Văn-Quân. Đạo quân này có nhiệm-vụ đón bại binh Tây-Sơn, đánh lấy Biên-Trấn rồi đi luôn ra chiếm Bình-Thuận.

Võ-Nhàn chỉ-huy 5 đội núp dọc đường ra Chợ Đệm lên Phan-Yên. Thanh-Nhân, có Nguyễn-Lượng phụ-trách, lãnh đem binh mai-phục đặng công-thành.

Hoàng-Tử Ánh, có Hồ-Văn-Lân và các quan Hộ-giá, thì đi theo trung-quân của Thanh-Nhân. Ba tướng mới qui-thuận với Hoàng-Tử thì chỉ-huy một trăm binh mới, muốn nhập theo đạo binh nào tùy-ý, nhưng phải xuất trận cho quen. Lại tấn-công phải đem toàn-lực mới đủ xử-dụng, chỉ để 250 quân thủ căn-cứ; 50 giữ Cánh-Én, còn 200 quân giữ hai giồng kia, có Đỗ Nương-nương chăm-nom điều-khiển.

Quyết định xong rồi, Háo-Nghĩa lo kiếm thuyền chở lương đi tới dọc đường, có vài văn-sĩ phụ-giúp. Nguyễn-Văn-Hoằng với anh em họ Tống xin cho theo Nguyễn-Lượng đặng công thành.

Bữa sau, Thanh-Nhân sai người đi mời hết các tướng chỉ-huy về mà lãnh huấn-lịnh.

Trong lúc hội-nghị, Minh-Giám nói xuất-binh phải có Nguyên-Soái chấp-chưởng binh-quyền gìn-giữ kỷ-luật để ghi công phạt tội.

Thanh-Nhân liền đề nghị xin chư tướng công-cử Hoàng-Tử làm Đại Nguyên-Soái. Hoàng-Tử ngạc-nhiên, nói rằng mình chưa từng đánh giặc, nên cố từ không dám lãnh trọng trách, xin cử Thanh-Nhân mới hợp lý. Thanh-Nhân cứ nài ép Hoàng-Tử phải nắm quyền Nguyên-Soái thì binh xuất mới có danh có oai. Minh-Giám cũng tiếp mà yêu-cầu Hoàng-Tử lãnh chức “Đại Nguyên-Soái, Nhiếp Quốc-Chánh” cho binh có danh nghĩa, quân-chúng mới phục-tùng, bá tánh mới an dạ.

Hoàng-Tử tuy mừng thấy tướng lãnh Đông-Sơn đều thành-thiệt phục-tùng, song trong lòng chẳng khỏi ái-ngại, nên dụ-dự không dám nhận chức. Chư tướng cứ yêu-cầu, mà Hồ-Văn-Lân cũng xuôi thuận, cực chẳng đã Hoàng-Tử phải chịu. Nhưng ngài nói nếu buộc ngài lãnh quyền “Đại Nguyên-Soái, Nhiếp Quốc-Chánh” thì ngài dùng quyền Nhiếp Quốc-Chánh mà phong chức-tước lại cho chư vị anh-hùng, ai nấy cũng phải lãnh, chịu như vậy ngài mới bằng lòng. Ai nấy đều chịu.

Hoàng-Tử mới phong cho:

- Đỗ-Thanh-Nhân chức Chưởng Dinh.

- Trần-Minh-Giám chức Trưởng Tham-Mưu.

- Lê-Văn-Quân, Võ-Nhàn và Nguyễn-Lượng chức Phó Tướng.

- Còn các võ tướng khác đồng lãnh chức cai, đội

Cả thảy đều vui lòng, nhứt là Hoàng-Tử Ánh với Hồ-Văn-Lân mừng được toàn đạo nghĩa-binh Đông-Sơn qui-phục, giúp cho có sẵn một lực-lượng hùng-cường, lại khỏi phải lo chia rẻ mà gây thêm một mối thù nghịch khác nữa.

Thanh-Nhân phân binh cắt tướng, Háo-Nghĩa chuyển vận lương-thực, Minh-Giám chọn ngày tốt giờ lành, rồi binh Đông-Sơn từng tốp khởi-hành, tốp nào phải đi xa thì đi trước, rồi tốp đi gần mới theo sau, các tướng lãnh đều có tờ huấn-lịnh tuỳ thân, cứ coi theo đó mà huy-động.

Quân đội đi rồi, Thanh-Nhân với Minh-Giám dặn dò Đỗ Nương-nương ở nhà điều-khiển 250 quân thủ các đồn các trại rồi xuống hai chiếc thuyền nhỏ mà đi với Hoàng-Tử và ba quan Hộ-giá.

Minh-Giám lập kế hoạch đánh giặc chẳng khác nào một người thợ ráp cái máy, bộ-pbận nào đặt nằm chỗ nào, để làm việc. Còn Thanh-Nhân điều binh khiển tướng cũng như một người thợ đứng coi cho máy huy-động. Hễ đến giờ khắc đã định thì máy bắt đầu chạy, rồi các bộ-phận lần lượt chuyển động theo.

Vừa tảng sáng, Tổng-Đốc Châu ở trong thành Phan-Yên được tin có giặc Đông-Sơn, số đông cả ngàn, rần-rộ kéo lên Chợ Đệm phá làng đốt xóm. Ông liền ra lịnh cho hai bộ tướng, mỗi người đem một ngàn binh xuống vây bắt hết bọn phiến-loạn đem về trị tội.

Binh đi được nửa buổi thì quân báo phía Chợ Đệm có tiếng trống vang trời, tiếng người la dậy đất. Cách một hồi nữa, quân về báo, cả hai đạo binh Tây-Sơn lọt vào ổ phục-kích nên bị vây.

Tổng-Đốc Châu nghe như vậy thì cả kinh, liền đem thêm 500 binh, tính bổn thân đi trợ chiến mà cứu hai tướng. Vừa ra tới cửa thành thì nghe chung-quanh tiếng trống đánh tưng-bừng, chỗ nào cũng có giặc rần rộ xông ra. Châu dụ-dự không biết nên tấn tới mà ngăn giặc hay là phải thối vào thủ thành. Tướng-sĩ tán đởm kinh hồn, không còn tinh-thần chiến-đấu nữa, nên bỏ chạy tản tìm đường thoát thân. Châu ngăn cản không được, cùng thế phải lui vào thành, tom góp binh còn lại lối 500 và truyền lịnh phải tận tâm giữ thành.

Giặc ở ngoài hăng-hái, tốp phá cửa, tốp leo tường, tràn vô cả ba mặt. Tổng-Đốc Châu liệu thế không cản nổi, mới nhắm phía không có giặc mở cửa mà chạy.

Thanh-Nhân đốc binh tướng nhập thành, dạy Trần-Hạo đem 500 binh rượt theo bắt Tổng-Đốc Châu rồi đi luôn lên vùng Thủ-Đức tiếp viện với Lê-Văn-Quân đánh chiếm cho được Biên-Trấn.

Minh-Giám cùng ba quan Hộ-giá phò Hoàng-Tử Ánh nhập thành. Thanh-Nhân ra cửa nghinh tiếp và nói: “Nhờ thần oai của Đại Nguyên-Soái, binh Đông-Sơn chiến thắng rỡ ràng. Vậy tôi xin thay mặt cho tướng-sĩ Đông-Sơn cung-hạ. Đại Nguyên-Soái mới xuất một trận đầu đã được thành-công mỹ-mãn”.

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư