Đóa hoa tàn - Chương 1 (Hồ Biểu Chánh)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
07/07/2019 12:38:19 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Đóa hoa tàn - Chương 2 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Đóa hoa tàn - Chương 3 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cho tôi một vé đi tuổi thơ (chương 12 - chương cuối) (Nguyễn Nhật Ánh) (Văn học trong nước)
- * Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (chương 11) (Nguyễn Nhật Ánh) (Văn học trong nước)
Nhằm tiết tháng sáu.
Một buổi chiều, bầu trời sơn màu xanh lét, ngọn gió động lá phất phơ, gây ra cái không khí mát mẻ phi thường, làm cho cây cỏ tốt tươi, mà cũng làm cho con người khỏe khoắn.
Trên khúc lộ Vĩnh Long xuống Trà Vinh ngang qua xóm Mê Phốp, là xóm nhà cửa đông đặc, cách chợ Vũng Liêm chừng ba ngàn thước, người đi đường qua lại dập dìu, lại người trong xóm cũng chòm nhom trên lề, kẻ đứng người ngồi mà hứng mát, nên cảnh xem có vẻ náo nhiệt, mà mặt người nào coi cũng có sắc hân hoan.
Cái không khí mát mẻ khỏe khoắn ấy nó làm cho người ta đã vui vẻ mà lại hăng hái về nẻo lợi đường danh, bởi vậy trong nhà thầy Cai tổng Lê Thái Bình, ở dựa lộ, nhằm chánh giữa xóm Mê Phốp, có tiếng nói om sòm xen lộn với tiếng cười inh ỏi.
Nhà nầy cất đã trên mười lăm năm rồi, ngói bị rong rêu đóng nên trỗ màu đen, tường bị nắng mưa táp hoá ra màu xám; nhưng mà nền đúc thật cao, cửa cuốn bán nguyệt, bên tay mặt có cất một cái lẫm[1] lúa rộng lớn, bên tay trái có cất một cái nhà để xe ngựa, phía sau có cất nhà bếp sạch sẽ, phía trước có dọn một cái sân, trong sắp kiểng mấy hàng, ngoài trồng bông đủ thứ, giữa sân lại có trồng một cây huỳnh mai gốc lớn nhánh nhiều, hễ qua tiết xuân nó đơm bông vàng khè, chung quanh cuộc đất[2] lại có trồng dừa bao vòng, làm cho thêm vẻ trù mật, bởi vậy ai đi ngang ngoài lộ dòm thấy cũng biết đó là chỗ ở của một người giàu có.
Thầy Cai tổng Lê Thái Bình mới bốn mươi tám tuổi vóc trung trung, tướng thanh nhã hồi nhỏ thầy cứ học chữ nho, lớn rồi thầy mới học chữ quốc ngữ, còn chữ Pháp thiệt là thầy không biết. Thầy ngồi tại bộ ghế cẩm lai[3] để giữa nhà, thầy cười ngất mà nói lớn rằng: "Hả, hả, con người ta hễ có thời, thì trời khiến gặp cái may như vậy đó. Hôm trước chú Phùng dưới chợ Vũng Liêm chú lên hỏi mà mua lúa của tôi. Chú trả bốn đồng tám cắc một tạ[4]. Tôi nài năm đồng bạc. Chú nói lỗ chú không dám mua. Bữa nay lúa lên giá tới năm đồng rưởi, coi sướng hôn? Phải mà hôm trước tôi bán thì tôi mất tiền nhiều quá".
Hương sư Diệu đi theo xã trưởng Phú đến hầu thầy Cai tổng đặng xin phép xuất công kho tu bổ nhà việc[5] làng, ông ngồi cái ghế trường kỷ để đàng chái, ông nghe thầy Cai tổng nói như vậy, thì ông khen rằng:
- Bẩm thầy, sao thầy biết lúa lên giá, thầy trằn[6] lại, thiệt thầy giỏi quá. Hôm lúa lên bốn đồng tám, nhiều người lật đật bán hết, không dám chờ nữa.
- Không phải giỏi. Làm chủ điền, mình phải biết nhắm thời thế chớ.
- Bẩm thầy, không biết lúa của thầy còn được bao nhiêu?
- Còn nhiều mà. Hôm tháng tư tôi bán đỡ vài ngàn giạ mà đóng thuế, còn bao nhiêu tôi vựa hết lại đó, chưa có bán.
- Nếu vậy thì gặp giá nầy thầy có lợi nhiều lắm.
Bà Cai tổng, tên là Lý Thị Ngọc, trạc chừng bốn mươi lăm tuổi, tánh nết ôn hòa, sắc mặt hiền hậu, bà đương ngồi ăn trầu nơi bộ ván phía bên kia, bà xen vô mà nói rằng: "hôm tháng tư thầy nó lật đật bán hai ngàn giạ lúa, giá có bốn đồng bạc, thiệt uổng quá. Theo giá bây giờ, mất lợi gần một ngàn đồng bạc ".
Thầy Cai tổng cười ngất mà đáp rằng:
- Bà nó tiếc làm chi. Mình làm lớn, mình phải làm gương cho dân sự trong tổng bắt chước chớ. Mình lỗ một hai ngàn đồng mình cũng phải bóp bụng mà chịu, chớ mình trằn lại, mình không đóng, điền chủ khác họ phân bì họ không đóng, rồi cái làng có thuế đâu mà đăng kho.
- Từ ngày thầy nó ra làm quan tới giờ, tôi coi việc nào cũng bị thiệt hại hết thảy. Chớ chi thầy nó đừng có làm tổng thì bây giờ làm giàu biết bao nhiêu.
- Nói như bà nó vậy sao được. Ở đời phải có chút công danh với người ta chớ. Giàu mà đi đến đâu thiên hạ họ khinh khi, thì giàu làm gì.
- Tôi tưởng ở đời hễ vô sự thì vô lự, tranh đua lắm càng mệt trí, chớ không ích gì.
- Ở thế gian, ai cũng vậy, không ham danh thì cũng ham lợi; nếu không ham thứ nào hết, thôi thì đi tu cho rồi, chớ ở thế gian sao được.
- Danh lợi ai mà không ham, tiếc vì cầu danh mà phải tốn hao nhiều quá, tôi mới nói chớ.
- Muốn có danh với người ta thì phải tốn hao chút đỉnh chớ sao.
- Danh cũng có nhiều thứ. Có thứ danh khỏi phải tốn hao gì hết.
- Danh gì vậy? Phải danh hà tiện hay không?
- Mình lấy nhơn nghĩa mình đối đãi với mọi người, tự nhiên thiên hạ họ kính trọng mình, cần gì phải cầu cái danh nào khác.
- Nhơn nghĩa thì tự nhiên mình phải làm chớ sao. Mà mình làm nhơn nghĩa thì bất quá người ta khen mình là người tử tế, chớ có ai kính phục. Làm người phải có phẩm cao tước lớn mới có danh chớ.
- Tại thầy nó hiểu cái danh như vậy đó nên thuở nay mới tốn hao không biết mấy muôn mà kể! Thiên hạ họ bẩm dạ mà có ích gì? Họ làm bộ trước mặt, rồi sau lưng họ khinh khi mình có hay đâu. Theo ý tôi cái danh người biết nhơn nghĩa đó là quí rồi, đòi danh cao chức lớn hao tốn quá chẳng ích gì.
Hương sư Diêu thấy vợ chồng thầy Cai tổng không đồng ý kiến, sợ để hai ông bà cãi lẽ dài rồi sanh mích lòng, nên ông xen vô mà hỏi rằng:
- Bẩm thầy, bữa nay lúa lên giá như vậy đó, không biết thầy nhứt định bán hay chưa?
- Để rồi tính lại coi. Nếu bán, sợ trong vài bữa giá lên cao hơn nữa, thì tức.
- Bẩm, giá năm đồng rưởi cũng là cao quá rồi.
Thầy Cai tổng ngồi suy nghĩ một hồi rồi day qua hỏi vợ rằng:
- Bà nó muốn bán hay chưa? Như muốn bán thì biểu bày trẻ đạp xe máy xuống chành[7] Vũng Liêm kêu nó lên mà tính giá cả.
- Thầy nó nhứt định lấy chớ?
- Bà nó tính coi lúa mình còn được hết thảy là bao nhiêu hay không?
- Con Ba nó có biên sổ, để hỏi nó coi, chớ tôi có nhớ đâu. Ba à, con ra đây cho thầy con hỏi một chút, con.
Nghe có tiếng dạ rất dịu dàng ở phía trong, rồi một người mỹ nữ, chừng mười tám mười chín tuổi, thủng thẳng bước ra, mình mặc một bộ đồ lụa trắng, chơn mang một đôi dép da đen, môi đỏ như thoa son, da trắng như giồi phấn, mặt sáng rỡ như hoa nở, tóc láng mướt như huyền giồi[8]. Ấy là cô Túy Nga, con gái của thầy Cai tổng Bình.
Cô Túy Nga chúm chím cười, miệng lại càng có duyên, mặt lại càng tốt tươi thêm nữa. Cô thấy có khách nên cúi đầu mà chào, rồi hỏi bà Cai tổng rằng: "thưa, má kêu con có chuyện chi?"
Bà Cai tổng đáp rằng: "thầy con hỏi lúa trong lẫm bây giờ còn hết thảy là bao nhiêu. Con biết hay không?"
Cô Túy Nga đương tươi cười, mà nghe hỏi như vậy, thì cô liền nghiêm sắc mặt, coi ra cô có vẻ tề chỉnh hòa hưỡn[9] vô cùng. Cô thủng thẳng đáp rằng:
- Con nhớ còn mười bốn ngàn mấy trăm giạ, số lẽ con không nhớ. Sổ lúa con đưa cho anh Hai con cất. Để con vô hỏi anh Hai con coi.
- Anh Hai con làm giống gì ở trỏng?
- Anh Hai con nằm trên võng giỡn chơi với cháu Càng, chớ có làm chi đâu.
- Con biểu nó đưa sổ lúa coi. Cô Túy Nga trở vô buồng, tướng đi coi rất dịu dàng thanh nhã.
Hương sư Diêu hỏi thầy Cai tổng rằng:
- Bẩm thầy, cô Ba thi đậu bằng cấp rồi, thầy không tính cho cô học thêm nữa sao?
- Thôi, con gái học cho biết lễ nghĩa ở đời vậy thôi. Nó cũng lớn rồi, nên mẹ nó không cho nó học nữa.
- Bẩm thầy có tính làm sui chỗ nào chưa?
- Có ông bá hộ Thiện trên Vĩnh Long gấm ghé xưa rày, ông nói chuyện muốn làm sui với tôi hai ba lần rồi, mà tôi nghe cậu nhỏ đó xài tiền dữ lắm, nên tôi còn dục dặc. Để thủng thẳng coi, không gấp gì.
- Bẩm, thầy làm sui với ông bá hộ trên châu thành[10] thì xứng lắm.
- Ai cũng nói như vậy hết, mà bà nó ý không muốn.
Một người trai trạc chừng hai mươi lăm tuổi, ở trong buồng bước ra, sau lưng có cô Túy Nga đi theo, cô bồng đứa cháu trai mới hai tuổi. Người trai ấy tên là Lê Thái Hòa, con trưởng nam của thầy Cai tổng, có vợ rồi và có một đứa con trai mới biết đi lững chững đặt tên là Càng.
Cô Túy Nga bồng cháu Càng lại ngồi trên bộ ván với bà Cai tổng, còn cậu Thái Hòa thì thẳng lại bàn viết, lấy một cuốn sổ giở ra coi rồi nói rằng: "Thưa, lúa mình thâu góp cộng chung hết thảy là mười sáu ngàn bốn trăm năm mươi ba giạ. Hôm tháng tư bán hết hai ngàn giạ, thì còn lại trong lẫm mười bốn ngàn bốn trăm năm mươi ba giạ".
Hương sư Diêu nói rằng: "Lúa của thầy còn nhiều quá. Theo giá nầy bán có hai mươi mấy ngàn đồng bạc".
Thầy Cai tổng cười và đáp rằng: "Nhờ bà nó mua lúa chịu, nên góp mới tới số đó, chớ lúa ruộng đâu có nhiều dữ vậy. Mà còn có mười bốn ngàn giạ, có phải là nhiều đâu. Bề nào cũng phải để nhịn lại vài ngàn giạ cho tá điền ăn. Còn trong số bán thì cũng có việc xài, chớ để dành sao được..."
Thầy nói tới đó, kế dòm ra ngoài cửa ngõ thấy có người biện của thầy, là Nguyễn Hải Yến, đương xâm xâm đi vô với người con trai, là Nguyễn Hải Đường, hai mươi mốt tuổi, học trên Sài Gòn, mới thi đậu bằng Tú tài khoa nầy. Thầy Cai tổng bèn cười mà nói rằng: "Chú biện Yến đi rước con chú về kia. Con chú thi đậu tú tài kỳ nhì, chú mừng quá, nên lên Vĩnh Long đón rước, không đợi nó về. Con nhà nghèo mà nó học thành danh như vậy thiệt là đáng khen lắm chớ".
Cả nhà ai nấy đều ngó ra sân. Cô Túy Nga ngồi trên ván, tay vịn cháu, mà cô cũng ngóng dòm.
Cha con biện Yến bước vô cửa và cúi đầu chào vợ chồng thầy Cai tổng.
Thầy Cai tổng vụt nói: "Thầy mừng cho cháu... Giỏi đa".
Biện Yến chận mà nói lớn rằng: "Bẩm thầy, thầy được thăng chức rồi. Có giấy của quan trên lại tới hồi sớm mơi".
Thầy Cai tổng chưng hửng, nửa mừng nửa nghi, thầy đứng dậy ngó sửng biện Yến mà hỏi rằng:
- Sao chú biết, ai nói với chú?
- Bẩm, hồi sớm mới lên tới Vĩnh Long tôi đi thẳng vô toà bố. Tôi gặp thầy năm thầy cho tôi hay. Thầy nói giấy mới lại tới hồi chiều hôm qua. Sớm mơi nầy quan lớn dạy gởi giấy xuống cho quan Chủ quận. Có lẽ sáng mai mình được trát.
- Thiệt như vậy sao?
- Bẩm thiệt. Tôi nghe thầy năm nói tôi mừng quýnh. Tôi ra bến xe đón thằng nhỏ tôi rồi tôi đi riết về đây cho thầy hay, tôi chưa kịp về nhà.
- Kỳ hầu lệ tháng trước quan lớn hứa xin thăng chức cho tôi. Tôi tưởng ngài lôi thôi, té ra có thật chớ.
Hương sư Diêu với xã trưởng Phú bước lại chúc mừng thầy. Hương sư Diêu nói: "Thầy lãnh chức Cai tổng mấy năm nay thiệt cực nhọc hết sức. Quan trên thăng thưởng thì xứng đáng không biết chừng nào. Hai bà con tôi nghe tin thiệt là mừng quá, mà hương chức mấy làng họ hay đây chắc ai cũng vui mừng hết thảy".
Ông Cai tổng mới chúm chím cười và nói rằng: "Tôi làm tổng mới có chín năm, mà năm ngoái lên hạng nhứt, hôm Tết được mề đay[11], rồi bây giờ được thăng chức nữa. Được như vậy thiệt tôi cũng vui lòng, bởi vì có nhiều ông Tổng khác, người thì hai mươi tám năm công nghiệp, người thì hai mươi lăm năm, mà họ Tổng cũng còn tổng hoài, coi buồn quá. Ở đời ai có số mạng nấy, nên tôi đi mới mau như vậy"
Biện Yến đi lại bàn đứng rót nước trà mà uống, còn Tú tài Hải Đường thì lại gần bàn viết ngồi nói chuyện với cậu hai Thái Hòa.
Biện Yến vừa bưng chén nước và nói rằng:
- Bẩm, thầy làm trong ít năm nữa đây rồi sẽ được ban khen nữa.
- Thôi, có chút đỉnh với người ta thì đủ rồi, trông mong cao quá làm chi.
- Bẩm, được chớ. Có nhiều ông Cai tổng lên tới chức cao lận chớ.
- Chú khéo bày chuyện cho bà nó thêm ghét. Tôi làm Cai tổng mà bà nó còn cằn nhằn hoài. Tôi thăng chức đây chắc là không vui rồi.
Bà Bình mới ngồi ăn trầu xỉa thuốc, bà nghe chồng nói tới bà thì bà cười mà đáp rằng:
- Nói chuyện lợi hại mà nghe, chớ cằn nhằn giống gì. Còn ông nó được lên chức, sao tôi lại không vui. Tôi than thở, là vì tôi lo hễ cao sang chừng nào càng tốn hao chừng nấy. Tôi lo là lo chỗ đó chớ.
- Ở đời nếu mình muốn có chút danh vọng với người ta, thì tự nhiên phải tốn hao chút đỉnh chớ sao.
- Sợ tốn nhiều, chớ chút đỉnh mà nói làm chi.
- Bà nó đừng có lo mà.
- Không lo sao được. Có khách mà đem chuyện nhà ra nói, thì coi cũng kỳ. Song ông Hương sư với chú biện đây cũng như bà con trong nhà, để tôi nói hết cho mà nghe. Hồi trước ông nó ra tranh chức Cai tổng, tôi can gián hết sức không được. Ông nó tranh được chức Cai tổng rồi phải đền ơn đầu nầy, phải đáp nghĩa đầu kia, phải làm tiệc ăn mừng, phải đãi đằng hương chức, tôi tính ra tốn hao hết thảy trên ba chục ngàn đồng bạc, chớ phải ít ỏi gì sao. Nợ tới bây giờ mà trả cũng chưa dứt. Nếu hồi trước đừng thèm tranh chức Cai tổng thì mấy năm nay khỏe biết chừng nào. Bây giờ còn bày lên chức, đố khỏi mắc nợ lại nữa cho mà coi.
- Bà nó đừng có lo. Lúa có giá mà sợ nỗi gì. Nếu muốn cho người ta kêu bằng "ông", thì phải vậy chớ sao.
- "Ông" rồi chém giết gì ai hay sao mà ham. Tôi tưởng ở đời mình có đủ tiền xài, khỏi mắc nợ mắc nần, khỏi cực lòng cực trí, thấy việc quấy mình tránh, gặp việc phải mình làm, được như vậy thì sung sướng hơn ông gì hết thảy.
Hương sư Diêu cười mà nói rằng: "Bẩm bà, bà không chịu se sua nên bà nói như vậy, chớ thiên hạ ai cũng muốn chức phận hết, dầu tốn mấy muôn họ cũng chịu, mà họ muốn không được, chớ phải chơi sao. Thầy được như vầy thì là có phước hết sức, dầu tốn hao chút đỉnh có hại gì".
Ông Lê Thái Bình nói rằng: "Tốn thì tốn chớ sợ gì. Để tôi xuống cám ơn quan Chủ quận và cậy ngài dắt lên cám ơn quan lớn Chánh. Sẵn dịp đi Vũng Liêm tôi hỏi dọ giá lúa luôn thể"
Biện Yến chen vô nói rằng: "Thế nào thầy cũng phải làm một tiệc cho long trọng coi mới được".
Ông Bình gật đầu đáp rằng:
- Chớ sao. Tự nhiên mình phải làm tiệc long trọng cho xứng đáng mới được chớ. Phải mời các quan Tây quan Nam trong tỉnh cho đủ, mời hết các Cai, Phó tổng, Ban biện, Hội đồng, Thông ngôn, Ký lục, thầy giáo, điền chủ.
- Bẩm, có lẽ cũng phải mời Hương chức các làng phần tổng mình nữa chớ.
- Ừ, phải mời đủ các làng chớ. Tiệc đãi sợ tới ba bốn trăm người. Có lẽ phải chia mà đãi hai ba ngày mới tiện.
Cậu hai Thái Hòa hỏi:
- Bẩm thầy, thầy tính đãi tiệc mà đặt cho khách trú[12] nấu, hay để ở nhà làm?
- Úy! Tiệc lớn mà ở nhà nấu sao đựơc. Mà đặt cho khách trú nấu cũng không ra gì. Hễ làm thì phải làm cho hẳn hòi, chớ làm quẹt lọ sao được. Hồi ông Kim ăn tiệc mừng ổng đặt cho nhà hàng trên Sài Gòn nấu đồ Tây mà đãi. Mình cũng phải làm như vậy, nếu không hơn thì cũng phải làm cho bằng ổng, chớ lẽ nào mình lại thua ổng.
- Đặt cho nhà hàng Sài Gòn nấu sợ tốn hao nhiều lắm.
- Nghe nói mỗi người ăn, giá chừng mười lăm đồng bạc, có rẻ lắm cũng phải mười hai đồng bạc.
- Cha chả! Nếu vậy thì đãi bốn trăm người, phải tốn tới năm sáu ngàn đồng bạc!
- Chớ sao, con! Tốn thì tốn, mình phải làm cho đúng coi mới được chớ.
Bà nói rằng: “Nếu đãi đồ Tây giá mắc như vậy, thôi thì mình chia ra đãi hai cách. Khách thường như hương chức với điền chủ nhỏ nhỏ thì mình đãi đồ Nam, hoặc đồ Quảng Đông, còn khách quí thì mình đãi đồ Tây, đuợc hôn?"
Ông Bình trề môi lắc đầu đáp rằng: "Ông Kim ổng làm như vậy đó, coi không được. Làm như vậy thành ra kẻ khinh người trọng. Phải đãi đồ Tây hết thảy, tốn bao nhiêu thì tốn chớ. Làm cho đúng lấy tiếng chơi. Chừng đó tôi sẽ đặt cho thợ trên Vĩnh Long làm năm trăm đồng bạc pháo bông đặng đốt cho thiên hạ xem; có lẽ tôi biểu rước hát Tiều hoặc hát bộ nó hát ít đêm cho dân sự coi chơi nữa".
Bà ngồi buồn hiu.
Ông Bình tiếp rằng: "Đây rồi còn phải mua một cái xe hơi, chớ còn đi xe đò nữa thì coi sao đuợc. Có lẽ qua sang năm cũng phải cất nhà lại nữa chớ".
Bà cũng ngồi lặng thinh hoài.
Biện Yến nói rằng: "Tôi mừng quá nên lật đật ghé báo tin cho ông hay, tôi chưa về nhà. Xin phép ông bà đặng dắt thằng nhỏ tôi về cho mẹ nó mừng".
Ông Bình gật đầu nói: "Ừ, thôi về đi kẻo thím biện thím trông. Còn Tú tài, thầy khen cháu lung lắm đa. Thôi, ở nhà nghỉ ít ngày rồi kiếm việc mà làm đặng giúp đỡ cho cha mẹ. Cháu ở nhà có buồn thì lại đàng nầy nói chuyện chơi".
Hải Đường dạ rồi cúi đầu từ giã mỗi người. Khi chàng lại mà từ giã bà Bình thì bà ngó chàng trân trân. Cô Túy Nga ngồi một bên bà, cô cũng ngó mà miệng lại cười chúm chím.
Chừng cha con biện Yến ra khỏi cửa, bà nói rằng: "Vợ chồng chú biện Yến nghèo mà có một đứa con đáng quá. Tướng Tú tài đó có thế nào mà hư được. Vậy đó là có phước".
Hương sư Diêu với xã trưởng Phú cũng từ giã mà về. Hai người vừa ra tới sân thì thấy có một cái xe hơi ngừng ngoài lộ. Ông Bình ngó ra và nói rằng: "Xe của quan chủ Quận. Có bà đi với ông nữa. Chắc ngài được giấy rồi, nên hai ông bà lên mừng mình chớ gì".
Thiệt quả quan chủ Quận với bà xuống xe rồi dắt nhau vô cửa ngõ.
Vợ chồng ông Bình không dám sái lễ tôn ty, nên ra sân mà tiếp rước.
Quan chủ Quận vừa thấy ông Bình thì ngài nói rằng: "Mừng ông! Tôi mới tiếp được giấy của quan lớn Chánh cho hay ông được thăng chức, nên lật đật chạy lên mừng cho ông".
Ông Bình vừa cười vừa nói: "Cám ơn ông, biện của tôi đi Vĩnh Long, nó nghe nói, nó mới ghé cho tôi hay đây. Tôi tính để tối sẽ xuống tạ ơn ông, tôi chưa đi, mà ông lên trước, thiệt tôi lỗi quá".
Bà Bình tiếp mời bà Quận vô nhà.
Quan chủ Quận vịn vai ông Bình mà bước lên thềm, vừa cười và nói rằng: "Tôi làm gắt lắm, nên mới được đó. Ông khoái chí chưa?"
Ông Bình cười và đáp rằng: "Cám ơn ngài lung quá".
[1] kho chứa lúa
[2] khu đất
[3] loại gỗ quý
[4] 100 cân ta = 60 kg
[5] cơ quan hành chánh
[6] giữ
[7] kho lúa
[8] trau giồi cho đen, chãi tóc công phu
[9] chậm rải và khoan thai
[10] thành phố lớn
[11] (medaille), huy chương
[12] người Tàu ở Việt Nam. Còn gọi là «Các chú »
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!