Tố tâm - Giới thiệu (Hoàng Ngọc Phách)
Phương Như | Chat Online | |
08/07/2019 13:12:56 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Tố tâm - Chương 1 (Hoàng Ngọc Phách) (Văn học trong nước)
- * Tố tâm - Chương 2 (Hoàng Ngọc Phách) (Văn học trong nước)
- * Này chú vẹt kia (Văn học trong nước)
- * BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ (Văn học trong nước)
Quyển tiều thuyết TỐ TÂM ra đời cũng là một việc ngẫu nhiên nghĩa là chưa đinh thời kỳ xuất bản mà xuất bản. Nguyên lúc ông Song An còn ở trường Cao Đẳng Sư phạm, ông thường cùng tôi đàm luận về luân lý giáo dục theo tân học ngày nay. Ông hay đưa tôi xem những điều ông đã sao tập được lúc ông viết quyển tiểu thuyết TỐ TÂM này đưa tôi đọc, tôi cũng phục cái tài trước thuật của ông và biểu đồng tình một vài vấn đề ông phân giải. Tôi khuyên ông đưa đăng vào tập ký yếu của hội Cao đẳng Ái hữu để các bạn cùng bình phẩm, vì trước khi đem in đã nhiều người xem và cũng đồng ý như tôi vậy. Nhưng tác giả vẫn có ý ngần ngại, một là ông không muốn xuất bản tiểu thuyết như ta thường thấy hằng ngày, hai là ông cho rằng quyển TỐ TÂM ra đời khi sớm quá, lại viết theo một lối mới, ta chưa từng xem quen, tất có người hiểu nhầm thì cái hay chưa thấy đâu đã thấy cái dở. Ông xưa nay viết văn thường hay cẩn thận về những điều đó. Về sau bởi những lời quả quyết của các bạn mà ông thuận đem đăng, nhưng tập ký yếu mấy lâu nay vì có một lẽ riêng mà không xuất bản, thành tiểu thuyết đăng dở dang nên phải in thành sách, sợ độc giả đợi chờ, và những tiểu thuyết về tâm lý như quyển TỐ TÂM này không nên để dở chừng câu chuyện.
Ấy thế là TỐ TÂM ra đời. TỐ TÂM ra đời chắc có độc giả tự hỏi rằng người ta viết một quyển tiểu thuyết tất phải có một chút mục đích gì về luân lý vậy thì tâm lý tiểu thuyết có liên lạc gì vời đạo xử thế, cách làm người và câu chuyện là chuyện thuộc về ái tình, biết đã bổ ích gì cho giáo dục, đang lúc này bạn thiếu niên ta cần đem hết tâm hồn thờ một chủ nghĩa thiêng liêng về tương lai chủng tộc ?... Ấy đó là điều cần phải giải tỏ cùng độc giả trước khi xem đến quyển TỐ TÂM này:
Học thuyết ngày nay không phải là học thuyết tín ngưỡng cho những lý thuyết lập sẵn từ mấy muôn đời để lại cho kẻ hậu sinh, không ai dám xét đến, mà cũng không ai cần xét đến. Học thuyết ấy ông Descartes đã đánh đổ đi từ hơn ba trăm năm nay rồi. Học thuyết bây giờ bất cứ về môn nào cũng phải tìm đến nguyên ủy; phải dùng câu TẠI LÀM SAO, VĨ NHẼ GÌ để khảo sát lại những điều mà tự xưa ta vẫn công nhận là "bất dịch". Vậy thì luân lý học phải cần đến tâm lý học để xét những điều hành động, những trạng thái trong tâm trí loài người liên tiếp với nhau có mạch lạc, có luật pháp để cho nhà luân lý xét theo đó mà định phương châm, mà đặt những luật chung cho nhân đạo cũng như nhà giải phẫu tách bạch, những cơ quan của thân thể người để cho các y gia biết những bộ máy lưu hành mà chữa bệnh. Cho nên xét luân lý mà không biết tâm lý thì cũng như chữa bệnh mà không biết phủ tạng ở đâu.
Vậy thì viết tâm lý tiểu thuyết tức là giải phẫu một câu chuyện đời khuất khúc éo le theo nguồn các luật của tâm lý để độc giả xem đến tự ngẫm nghĩ vào mình. Đại khái như nguyên nhân kia thì phải có kết quả nọ; tính tình ấy thì phải có hành động này v.v... Cho nên xem tâm lý tiểu thuyết phải nhận kỹ những điều phát động đó, phải trông rõ cái dở lẫn với cái hay, tức là những tính tình tương phản xô xát với nhau trong tâm trí con người ta một cách éo le phiền phức. Nếu xem chỉ xem cho biết chuyện thì không bổ ích gì mà có khi thủ hại, vì không phải là lối tiều thuyết chỉ rõ cái hay cái dở ra một cách nhất thiết, nghiễm nhiên là một ông thầy truyền phải làm điều này, phải tránh điều kia, mà nhiều khi không nói rõ tại sao mà làm, tại sao mà tránh. Tâm lý tiểu thuyết không phải là lối chuyện chỉ kết cấu ở cái hy vọng báo ứng, ở điều thưởng phạt huyền vi, để dạy người đời bằng cái họa phúc về việc lành, hay việc ác. Cho nên các độc giả không có lòng tín ngưỡng ấy không lấy làm thỏa óc, mà nhiều khi thủ ích gì. Những tiểu thuyết kết cấu như vậy không phải là không hay, xưa nay biết bao nhiêu quyển đã cảm hóa được lòng người nhờ những tấm gương sáng láng trong chuyện, nhưng ta cứ theo mãi một lối, tưởng cũng thành sáo cũ lắm rồi, mà lối dạy điều dở điều hay bằng cách "truyền lệnh" chỉ mới là một phương diện luân lý giáo dục mà thôi.
° ° °
Độc giả xem quyển TỐ TÂM xin nhớ là một quyển tâm lý tiểu thuyết, không phải là một tấm gương đúc sẵn cho người ta theo. Quyển TỐ TÂM chỉ tách bạch ra những điều éo le phiền phức của một thứ ái tình, ái tình viển vông khuất khúc, làm cho đôi lứa thiếu niên kia phải nhầm lỗi, nhầm lỗi mà không tự biết, để đến lụy mình mà phiền cho gia đình xã hội. Nhầm lỗi những gì cái nguyên nhân, năng lực kết qua ra làm sao ? Tác giả bày tỏ ra rất rõ. Tác giả đã chịu khó thăm dò ở đáy con sông tình kia mà cắm biển, nhắn cùng những bạn thiếu niên đương lảng vảng trên bờ sông, trong khi cần phải để tâm vào những chủ nghĩa cao xa khác, mấy chữ rằng: ĐÂY À GHỀNH CAO, VỰC THẨM ! Ấy đó là công tác giả chép lại chuyện, mà chính đó là nơi độc giả phải lưu tâm.
Còn về phần văn chương tư tưởng trong quyển TỐ TÂM này thì cái văn nghiệp của mấy lâu nay tác giả là ông Song An đã đủ giới thiệu cho ông rồi, tôi không phải bình phẩm.
Sầm sơn Juillet 1922
LÊ HỮU PHÚC
MẤY LỜI CỦA NGƯỜI CHÉP CHUYỆNNhiều khi anh em ngồi đàm luận ve tân học ngày nay, ký giả thường nghe nói đến một bậc thanh niên tân tiến có tính tình, văn chương, tư tưởng, thường hay lạm dụng những tài liệu đó đem ra làm việc cho ái tình, ghẹo lòng người nhi nữ, vội thi hành những ý tưởng trong sách hay, những cảnh mình tưởng tượng ra. Có lúc cố ý mà làm, cũng nhiều khi làm mà không tự biết, miễn là tìm được nơi thí nghiệm ý tưởng của mình và lấy được lòng yêu của người mà thôi, nên xảy ra lắm tấn bi kịch, thiệt cho mình mà khổ cho người, quấy rầy đến gia đình, xã hội.
Nguyên do những bực có văn chương tư tưởng như vậy, bên cái hy vọng to lớn về việc công ích, thường vẫn hay mơ màng những cảnh tuyệt vời của ái tình, cố tìm cho được một người cùng mình mà đi tới những cảnh mơ màng ấy, không nghĩ cho rằng phàm những cảnh viển vông phảng phất tự ta mơ tưởng mà vẽ ra trên đường đời cũng như giọt sương buổi sáng lóng lánh trên ngọn cây, như ánh sáng buổi chiều thướt tha trên đỉnh núi, xa trông thì đẹp lạ thường, nhưng tìm đến tận nơi thì tan đi hết, không còn thấy gì là đẹp nữa. Cho nên lúc hai người nam nữ rủ nhau mơ màng đi tìm những cảnh ấy chợt gặp một quãng gai góc đầy đường, rẽ nhau lạc lối; hoặc vì lứa đôi trắc trở với người biết trước, hoặc vì duyên nài phận ép với người đến sau, mà diễn nên bi kịch, bởi một nỗi tính tình không hợp với người đến sau đó, hay lòng đã đem gởi đi cho người biết trước kia rồi, không lấy lại được nữa, nên thất vọng, ngã lòng, điều đau đớn đưa ngay đến. Thường cứ bảo tại tạo hóa không cho hưởng hết những cuộc đặt ra để giữ người nhưng lấy lẽ phải mà xét thì phàm việc gì không thường tất không vững.
Nếu người cùng mình đi thi hành điều mơ tưởng đó là một bậc thiếu nữ tầm thường, tính tình thấp hẹp, ý tưởng nhỏ nhen, để vào đâu cũng được gặp cảnh nào cũng xong, thì cái hại không là mấy, nhưng gặp một hạng thiếu nữ cũng thích văn chương, cũng có tư tưởng, đã xem được vài chục bộ tiểu thuyết tây đã viết được ít nhiều văn quốc ngữ, tính tình lại rất là đằm thắm, mà thường hay mơ màng những chuyện đâu đâu, ít khi nghĩ đến thực tình thế sự thì thật là bi một "mũi tên tình ái sát nhân" vì bao nhiêu tinh thần đã bị thu hết, bị thứ văn chương hay, tả những tính tình lai láng, bị những ý tưởng lạ bày ra lắm cảnh tuyệt vời, khéo lựa chiều mà dần dần gieo trong lòng người thiếu nữ một thứ tình mài rũa riêng vào một khuôn khổ.
Ta nên biết, khi hai người nam nữ yêu nhau, đem đánh vào tinh thần vẫn đau lâu hơn đánh vào thể chất, vì lấy thể chất mà khiến thì cực nồng nàn, nhưng lại chóng tan, mà có thể lấy thể chất nọ thay thể chất kia được, vì thể chất thường giống nhau; tinh thần thì không thể ảnh hưởng tinh thần hành động chậm, nhưng ở lâu, dần dần mà thấm vào gan óc khó gỡ ra được, dù có được cũng để vết về sau, suốt đời cứ vơ vẩn bên mình mãi.
Mới đây, ký giả nghe được câu chuyện riêng của bạn vừa kể lại mà bạn là vai chính trong chuyện này, chuyện rất hợp với điều quan sát kể trên kia, nên ký giả chép ra đây, có ý muốn bày ra trước mặt bạn thiếu nên một việc hiển nhiên của tâm tình, liên lạc với nhau, có nguyên nhân, có kết quả. Chuyện tức là một cuộc hành động của các nguồn tâm lý của ái tình, phát hiện ra ngoài rất hợp với nội dung người trong chuyện, vì lúc xét một việc e vế tâm lý phát hiện phải xét đến cả điều liên lạc chung quanh, đại khái như giáo dục ấy, tính chất ấy, tinh thần ấy v.v... Hành động đã hợp với nguyên nhân thỉ tất là phải theo vào một luật, mà việc bày ra không thể là việc lạ thường chỉ là một mối riêng trong một mối khác của tâm lý mà thôi, nên ký giả chép ra đây để các bạn thiếu niên xét đoán, có lẽ cũng bổ ích cho những lúc bạn thiếu niên tự xét đoán đến tính tình mình, tư tưởng mình.
Sau nữa, ký giả chép lại chuyện gọi tỏ lòng thương đôi lứa thiếu mến xô nhau vào bể ái, lôi kéo nhau đến nỗi kẻ bị trọng thương, người không cần sống, để đời thiệt mất một người thiếu nữ chung tình. Phàm một người thiếu nữ đã có tính tình đằm thắm biết chịu thiệt mình để khỏi lụy đến người yêu, lại biết thương một bạn gái khác chính là người "kình địch vô tội" của mình là một hạng người ít có, thật đáng quý mà cũng đáng thương. Tính tình ấy dùng vào đâu cũng là bậc trên cả, đem dùng với nhà thì thành con hiếu, đem dùng với nước thì thành tôi ngay, đem dùng vào cảnh vợ chồng đẹp đôi thì thành vợ thuận, vợ thuận tức là mẹ hiền. Nhưng tiếc thay ! Chỉ vì quá mơ màng những ngoài vòng đời, lỡ lầm vào một cuộc tình ái, nên việc đời chếch lệch mà thành như mây tan, như khói tỏa, rút lại không được ích gì, cảnh huống ấy bọn thiếu niên nên lưu ý.
Ký giả không có gì thoa vẽ, mà cũng không quen đem đạo đức bình luận ái tình, ký giả xét là xét cái tình trạng của lòng người, chép là chép cái hành động của tâm lý, còn lý luận luân lý phẩm bình xin để phần dư luận.
Ký giả chưa đến tuổi biết sáng tạo ra người trong truyện thì chỉ chép lại chuyện là hơn; nếu có bạn nào quá nghiêm mà trách ký giả sao tuổi còn non, người còn trẻ đã vội đem tách bạch những nỗi éo le bí mật của ái tình mà bày cả ra đây thì ký giả xin thưa rằng: nếu những điều quan sát và lý luận kể trên kia là đúng thì lời trách ấy quá nghiêm, nếu mà sai, thì xin biết cho rằng ký giả vì những điều quan sát đó mà chép.
Aout 1922
HOÀNG NGỌC PHÁCH
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!