LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Con hoang - Chương 29 (Lê Hồng Nguyên)

74 lượt xem
Sáng hôm sau, mẹ một mình xuống viện Điều dưỡng thăm ông Hạnh.
Mẹ chuẩn bị rất nhiều quà, đầy hai cái làn. Nào lọ ruốc, nhãn trong vườn, bó hoa sen trong đầm, chiếc bút máy anh tặng hôm chia tay, cả chiếc áo của ông Hạnh ngày xưa, mẹ cũng mang theo. Mẹ muốn mượn đồ vật gợi lại trong anh những kỷ niệm, như thế tâm thần anh có thể sẽ trở lại bình thường.
Nhưng hôm đó ông Hạnh đang lên cơn kích động tâm thần. Ông bị nhốt riêng trong một căn phòng. Bác sĩ không cho mẹ vào thăm. Bác sĩ bảo, chị không nên gặp anh ấy lúc này. Mẹ bảo, tôi đợi ngày này đã ngót hai mươi năm, xin anh đừng bắt tôi đợi thêm một ngày nào nữa.
Bác sĩ mặc áo bờ lu, gương mặt khôi ngô, nghiêm nghị. Trước khi bước vào phòng giám đốc hội ý, bác sĩ dẫn mẹ ra phòng khách ngồi đợi.
Mẹ ngồi đó, hồi hộp, lo lắng, lòng bồn chồn nóng ran như lửa đốt. Cây phượng vô tâm hoa đỏ rực rỡ chói chang trong sắc nắng.
Tiếng loa trong viện Điều dưỡng vang lên: “Đồng chí Hạnh, mang phù hiệu số… đề nghị ra phòng khách gặp người nhà...” Tên ông Hạnh vang lên, tim mẹ như ngừng thở, chỉ một giây thôi, ngàn vạn mạch máu túa về, thổn thức, trái tim trở nên rộn ràng những nhịp mạnh.
Lần đầu tiên trong đời Hạnh có người nhà đến thăm. Trông anh kìa, chẳng có gì biểu hiện kẻ tâm thần. Cái dáng đi nghênh ngang hãnh diện làm sao, ngực ưỡn thẳng, lắc lư cái đầu, như nghé con mới lớn, bước những bước chân gấp gấp theo đồng chí y tá dẫn đường.
Mẹ đứng dậy đi về phía cửa để được đón anh sớm hơn giây giây phút phút. Nhưng kìa, bỗng dưng anh sững lại, trân trân nhìn mẹ. Bỗng dưng anh cau mày vằn vện, mặt ngầu lên có vẻ như tức giận.
Thất thần hoang dại, Hạnh bỏ chạy, kêu la:
- Anh em ơi, cứu tôi! Cứu tôi!
Tiếng ông Hạnh la làm náo loạn cả bệnh viện. Như một phản ứng dây chuyền, những người thương binh khác cũng lần lượt la hét, hô, gào.
Tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện có mặt buổi sáng hôm đó đều chạy ra khỏi phòng làm việc túa đến với các phòng bệnh trấn an tinh thần thương binh bệnh binh.
Một bác sĩ cùng ba bốn người hộ lý ngay tắp lự tóm lấy ông Hạnh, xích tay ông lại, đưa ông vào phòng giam giữ điều trị.
Họ tiêm thuốc an thần cho ông. Ông khóc nghều ngào như một đứa trẻ:
- Đồng chí ơi, cái Thắm nó bóp dái em, đau lắm các anh ạ.
Giữa thanh thiên bạch nhật, mẹ tôi lại được một trận bẽ bàng. Mẹ tôi tủi hổ đến mức không thể khóc được.
Bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh cho ông Hạnh giải thích với mẹ rằng, Hạnh bị bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh tâm thần phân liệt có rất nhiều dạng. Có dạng người bệnh biểu hiện lầm lì, sợ đông người, cứ ru rú trong buồng tối. Có người thờ ơ, lãnh đạm, không chuyện trò với ai. Trường hợp tâm thần của ông Hạnh là dạng bệnh Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Nguyên nhân là do sức ép ở chiến trường từ tiếng nổ quá lớn của bom tấn, bom tạ chẳng hạn. Hằng ngày, Hạnh bình thường như người khỏe mạnh, không có chút gì biểu hiện của bệnh. Nhưng khi bị ức chế, nhớ về quá khứ, nhớ về kỷ niệm, những điều đó kích động đến tâm lý, tác động đến não khiến Hạnh hoảng loạn và hoang tưởng. Ví dụ như, nghe thấy tiếng động lớn, tiếng nổ, Hạnh lập tức một bàn tay làm súng, một tay kia đỡ súng, lom khom, lom khom hệ trọng bước từng bước, nheo mắt ngắm, bắn phằng, phằng, phằng như bắn súng thật. Trong cơn hoang tưởng, ông không còn là con người nữa, mà là một con thú. Khi ấy ông không làm chủ được mình, mắt hoang dại như con vật. Trong tình trạng đó, nếu chúng ta không biết cách làm dịu thì rất có thể không lường trước được điều gì sẽ xảy ra với những người có mặt lúc ấy. Những điều tương tự như vậy là chuyện thường xuyên xảy ra trong bệnh viện này.
Bác sĩ còn nói rằng, ngay từ những ngày đầu chuyển về đây, trong một lần trốn viện, trên đường đi bộ về nhà, ông Hạnh gặp một người làng, họ đi qua và nhận ra ông ấy. Người làng là một phụ nữ. Chị ta kể hết sự tình về mẹ tôi cho ông Hạnh nghe rằng, mẹ tôi chửa hoang, rằng mẹ tôi đang ở với ông Mã. Câu chuyện đó đã ảnh hưởng lớn tới bệnh tâm thần hoang tưởng của ông Hạnh. Người đàn bà này đã phản bội ta. Thế mà cả quãng đời chinh chiến ta chỉ nghĩ về nàng, nhớ nàng, yêu thương nàng. Ta quyết chiến và ta đã gắng sống để trở về với nàng, bù đắp cho nàng những tháng ngày chia xa. Ta những tưởng nàng đau khổ vì nhớ ta, yêu ta. Sự thật, nàng không như ta nghĩ. Nàng hèn hạ sống với người đàn ông khác không mảy may ý nghĩ đợi ta trở về. Hôm nay, nàng là kẻ thù. Nàng đến để giết ta!
Ý nghĩ mông lung trong đầu khiến bộ não ức chế muốn nổ tung. Căn bệnh tái phát. Ông Hạnh lên cơn, la hét, ông ôm đầu chạy thục mạng về phía trong bệnh viện là vì thế.
Bác sĩ khuyên mẹ tốt nhất là không nên gặp ông Hạnh, đừng để ông ấy xúc động, rất không tốt cho bệnh của ông ấy.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư