Tấm lòng vàng - Chương 10: Công việc (Nguyễn Công Hoan)

64 lượt xem
Mấy hôm đầu ở nhà Đức, Phú buồn bã lạ thường. Nhất là những giờ Đức đi làm việc thì Phú càng nhớ đến những buổi chơi bời vui vẻ.
Nhưng Đức định dỗ Phú về nhà, có phải Đức không nghĩ trước đến những điều ấy đâu. Cho nên Đức mượn rất nhiều sách vở về cho Phú đọc.
Đầu tiên, Phú thấy chán nản quá. Động giở quyển nào ra đọc vài tờ, Phú đã thấy bâng khuâng, rồi gấp ngay lại mà ngồi thừ ra, thở dài.
Phú chỉ muốn từ giã Đức, để tìm lối cũ mà đi.
Song, Đức khôn khéo lắm. Những khi rỗi việc, Đức thường cùng Phú, hai người đọc chung một quyển sách, rồi cùng bàn bạc nghĩa lý. Cho nên chẳng bao lâu, Phú rất thích đọc và rồi thành ra mê sách. Đức lại nhân lúc đêm khuya thanh vắng mà giảng giải cho Phú nghe, khiến Phú nhiều phen hối hận, vì mình đã trót dại đột.
Đức lại mượn cho Phú rất nhiều sách về văn học.
Một hôm Đức bảo Phú:
- Ngày trước, học ở trong trường, tôi không để ý đến quốc văn, cho nên bây giờ tôi kém về môn học ấy quá.
Phú cười, Đức nói:
- Thật đó, nhất là khi còn bé bằng ngần này, tôi tưởng quốc văn không cần cho sự sống, nên lại có ý khinh mới điên rồ chứ.
Phú lắc đầu:
- Thế thì không được. Khinh quốc văn, cũng như khinh cái thứ của cha mẹ tổ tiên để lại cho mình, cũng như có nhà có đất mà không chịu sửa sang cho đẹp mắt để ở, cũng như thấy người khác có sẵn nhà cửa đẹp, thì mình cứ sẵn đến ở nhờ. Như vậy nhà mình sẽ bị tiều tụy, đổ nát.
Đức gật gù thở dài:
- Bây giờ tôi mới hiểu thế, cho nên tôi đã cố, đã tập, để nói và viết được dễ dàng hơn trước, khỏi phải chêm tiếng Tây vào câu tiếng ta.
Phú buồn cười, nói:
- Ừ, nói hay viết, mà mình lười, không chịu tìm tiếng thì rồi mình sẽ quên mất tiếng ta đi.
- Vậy thỉnh thoảng rỗi, anh giảng cho tôi về quốc văn nhé.
- Được, cái đó không khó. Anh đã làm ích cho tôi, thì tôi xin hết sức để đáp lại tấm lòng anh.
- Nhưng tôi muốn anh giảng rất có thứ tự, nghĩa là anh nói rất kỹ lưỡng cho tôi từng đời nhà văn sĩ một và từng áng văn của người ấy.
- Được, mà tôi lại nói lần lượt từng người từ khi mới có quốc văn đến nay.
- Phải, thế thì hay quá. Nghĩa là anh làm như anh viết một bộ sử về văn học ấy nhé.
Phú ngẫm nghĩ đáp:
- Tôi rất thích việc này, nhưng ngặt vì chưa có đủ sách để tra.
Đức mừng rỡ, nói:
- Tôi có nhiều anh em quen, họ có thể đi kiếm được sách. Để rồi tôi nhớ mượn cho anh.
Phú nhìn lên trần một lúc rồi nói:
- Tôi định thế này, anh ạ. Việc mà anh bảo tôi làm, cũng rất có ích cho tôi. Nhờ đó, tôi lại được đọc và cần nhớ để nói chuyện cho anh nghe. Âu là muốn sau này tôi không quên, thì tôi viết ngay ra giấy. Tôi viết rất kỹ lưỡng, để lỡ có quên chỗ nào, tôi đỡ phải xem lại.
Đứí vỗ tay, nói:
- Thế thì còn gì hơn!
Từ hôm Phú làm việc quốc văn, thì không muốn rời nhà Đức nữa. Mà Đức càng mượn nhiều sách bao nhiêu, Phú càng ham học bấy nhiêu. Không những Phú làm việc trong khi Đức vắng nhà, có khi Đức ở nhà mà Phú cũng không thiết nói chuyện nữa. Đức mừng thầm đã làm đổi được tính bạn.
Nhiều bận, Phú thấy mê man công việc, thì vui vẻ, bảo Đức:
- Tôi đã sống vô ích mất hơn một năm. Tôi đã ăn hại xã hội, mà không làm được nghề ngỗng gì cả. Mới biết ở đời chỉ có sự làm việc mới cho ta cái vui sướng thật thà. Tôi rất tiếc cái buổi đã ăn không ngồi rồi. Giá tôi để cái thì giờ chơi bời dại dột ấy học hành thêm, có phải không đến nỗi làm phiền lòng cha mẹ không.
Rồi ngậm ngùi, Phú nhớ đến gia đình. Một chốc, bỗng Phú nói:
- À, anh chưa có vợ thực đấy à?
Đức cười gật:
- Phải.
Đắn đo, Phú nói:
- Tôi có câu này, nếu anh nghe được thì rất hay, bằng không nghe thì anh quên đi nhé.
- Cái gì, anh cứ nói.
- Anh đã hỏi vợ chưa?
- Chưa.
Vui vẻ, Phú nói:
- Thế thì hay lắm. Này, anh ạ, chắc anh đã hiểu rõ tôi rồi. Anh ạ, thầy tôi làm giáo học, rất trung hậu; mẹ tôi cũng rất hiền lành.
Đức giấu sự cảm động. Phú nói tiếp:
- Tôi có một người em gái. Hiện nay, em tôi đang học năm thứ tư trường nữ Sư phạm. Em tôi rất ngoan ngoãn. Nó có nhiều đức tính giống thầy me tôi lắm, bởi vậy, tôi muốn rằng giá anh chưa hỏi chỗ nào, mà em gái tôi được kết hôn cùng anh, thì chắc thầy me tôi vui sướng lắm.
Đức vờ lắc đâu:
- Tôi cảm ơn anh, nhưng mà...
Phú sửng sốt:
- Nhưng mà làm sao? Tôi nói, thế nào thầy me tôi cũng bằng lòng, anh ạ.
Đức cười đáp:
- Tôi đã định một nơi rồi.
Phú hỏi dồn:
- Nơi nào? Thế thì tôi không may quá nhỉ!
Đức cảm động:
- Với một người con gái, con thầy học cũ của tôi.
Nói xong, Đức thấy Phú thở dài, ra dáng buồn tiếc lắm. Rồi mỗi người nghĩ một nẻo, không ai nói với ai. Thì Phú có hiểu đâu rằng em gái Phú với con thầy học của Đức vẫn chỉ là cô Mai. Cho nên Phú lừ thừ nhìn Đức, rồi bữa cơm hôm ấy, Phú ăn kém hẳn hai bát.
Nhưng mà Đức chẳng để cho Phú buồn lâu. Đức lại khéo làm cho Phú vui vẻ để theo đuổi công việc.
Độ vào tháng Chạp tây, một hôm Đức đi làm về, thấy Phú tươi cười, đưa một tập giấy dày ra, nói:
- Đây, tôi đã làm xong cả rồi.
Đức cầm tập giấy, giở từng tờ. Đến trang cuối, Đức ngạc nhiên nói:
- Ồ! Anh đã viết kỹ lưỡng thế này à? Ra những bốn trăm trang kia nhỉ?
Phú vui sướng, tủm tỉm gật đầu:
- Tôi viết rất công phu. Anh để tôi nói qua loa cho anh nghe một vài đoạn.
Rồi Phú nói cho Đức nghe. Đức chú ý quá, mà Phú thích nói quá, đến nỗi hai anh em suýt quên cả ăn cơm chiều.
Đức nói:
- Anh để tôi đọc thì tôi mới có thể nhớ kỹ được. Vì sợ nghe nói, có đoạn thoảng qua, tôi quên mất thì hoài. Tôi không ngờ anh là người có tài như thế này.
- Đó là nhờ anh, nên tôi mới làm được việc có ích. Nếu không gặp anh, có lẽ bây giờ tôi vẫn hư đốn như trước.
Đêm hôm ấy, Đức thức đến hai giờ sáng, mà mới đọc được có một phần tư sách. Mà vì ham học quá, nên cả một tuần lễ, hôm nào Đức cũng thức rất khuya để đọc và bàn bạc.
Khi đọc xong, Đức vui vẻ nói với Phú:
- Tôi không ngờ quyển này, anh đã soạn rất có công và xếp đặt rất khéo. Thì ra, không những anh viết riêng cho tôi xem, giá để cho ai xem, người ta cũng phải thích và phục.
Rồi ngẫm nghĩ một lúc, Đức nói:
- Vậy mà nếu một quyển sách có ích thế này, ta chỉ để riêng cho ta xem thôi, thì ta ích kỷ quá. Giá có tiền mà đem in để cho nhiều người đọc thì hay.
Phú bẽn lẽn:
- Tôi viết đã ra gì, mà anh quá khen ngợi thế?
- Không. Anh tưởng vậy đấy. Cuốn sách của anh viết là cuốn Sử ký của Văn học Việt Nam, rất cần cho đời.
Phú nhũn nhặn, đáp:
- Tôi đã dàn xếp theo kiểu quyển Sử ký Văn học nước Pháp.
Ngẫm nghĩ một hồi, Đức nói.
- Anh định để tên quyển này là gì?
- Thì để như anh vừa nói.
- Là Việt Nam Văn học sử nhé.
Phú gật đầu. Đức nói:
- Tôi có một người anh em vẫn chuyên xuất bản sách. Để chủ nhật này, tôi ra Hà Nội, đưa anh ấy in cuốn Việt Nam Văn học sử này.
Phú vui sướng, bằng lòng ngay:
- Nếu vậy thì còn gì danh giá cho tôi bằng. Cuốn sách này là cái dấu nó ghi cái tình bè bạn của chúng ta.
Rồi hai anh em vui vẻ múa may, nhảy nhót như trẻ con, và ăn cơm chiều xong, rủ nhau đi chơi và xem chớp bóng để khao sách.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo