Nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam

Trịnh Quang Đức | Chat Online
02/02/2018 15:18:03
836 lượt xem
Hằng năm, Tết cổ truyền là lễ hội truyền thống lớn nhất ở Việt Nam. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với mỗi gia đình nói riêng và cả cộng đồng dân tộc Việt Nam ở khắp mọi nơi.

Nguồn gốc ý nghĩa và những phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam,Tết cổ truyền Việt Nam,Tết Nguyên đán,Những phong tục ngày Tết ở Việt Nam

Ở Việt Nam, có rất nhiều ngày Tết như: Tết đoan ngọ (5/5 âm lịch), Tết trung thu (15/8 âm lịch), Tết thiếu nhi (1/6 dương lịch) hay Tết độc lập (2/9 dương lịch)... nhưng Tết cổ truyền vẫn là cái Tết được mong chờ nhất. Nó là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc, với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh.

1. Nguồn gốc
Tết cổ truyền ở Việt Nam là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết âm lịch Trung Hoa. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết nguyên đán có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuông màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài ngời nên đặt ra các ngày Tết khác nhau.

Đến đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ thứ 3 trước công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (năm 140 trước công nguyên) lại đặt ngày Tết và tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Trước năm 1967, Việt Nam lấy múi giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đổi lịch dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn ở miền Bắc. Vì thế, hai miền Nam - Bắc đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền Bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền Nam là ngày 30 tháng 1). Từ năm 1976, cả hai miền Nam - Bắc mới dùng chung múi giờ GMT+7 và từ đó đón chung Tết cổ truyền.

2. Ý nghĩa
Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch, nên ngày đầu năm của dịp Tết nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/1 và sau ngày 19/2 dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2. Tết Giáp Ngọ 2014 rơi vào ngày 31/1/2014 (tức ngày 1 tết âm lịch). Người Việt ăn mừng Tết cổ truyền với niềm tin thiêng liêng vì Tết là ngày đoàn tụ, ngày làm mới, ngày tạ ơn và hi vọng.

Tết cổ truyền là ngày đoàn tụ
Hàng năm, mỗi dịp tết đến - xuân về, những người con Việt Nam dù đang sinh sống, làm việc, học tập ở bất cứ nơi đâu đều cố gắng sắp xếp công việc để được về đoàn tụ cùng gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Tết ở Việt Nam luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình.

Với những người đã khuất, các gia đình theo Phật pháp thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm Tết với con cháu (hay còn gọi là cúng gia tiên) trước bữa cơm tất niên. Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.

Tết cổ truyền là ngày làm mới
Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc của năm cũ và kế hoạch cho năm mới tràn đầy niềm tin và hy vọng. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa lại nhà cửa. Những gì không dùng đến sẽ được bỏ đi, những bộ bàn ghế, giường tủ được lau chùi sạch bóng, những chậu hoa ngày Tết được trang hoàng lộng lẫy. Vui nhất là đám trẻ con khi được tắm rửa sạch sẽ với nước lá mùi thơm nồng và diện những bộ quần áo mới.

Tết còn là sinh nhật của tất cả mọi người, từ già đến trẻ ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở đầu khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ con và các cụ già để chúc, chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được hưởng ân phúc.

Tết cổ truyền là ngày tạ ơn và hy vọng
Người Việt còn chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà và tổ tiên, nhân viên cám ơn "sếp". Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm mới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan và hy vọng.

3. Những phong tục ngày Tết ở Việt Nam
Tết nguyên đán có rất nhiều phong tục không còn được lưu giữ cho đến ngày nay như:
- Sêu tết: ngày xưa các cặp trai gái đang trong thời kỳ hứa hôn, trước Tết người con rể tương lai phải mang lễ đến biếu bố mẹ vợ.
- Hát sắc bùa: sau giao thừa, trẻ em nhà nghèo tụ thành từng nhóm, đến cửa các nhà vừa hát vừa gõ trống, chủ nhà bao giờ cũng mở cửa ra phát tiền mừng tuổi cho các em để hai bên cùng gặp hên.
- Gánh nước: ngay sau giao thừa hoặc sáng mồng một, người nhà mang thùng ra sông hoặc ra giếng làng gánh nước về đổ đầy chum vại, với hy vọng sang năm mới "của cải như nước non"...

Nhưng cũng có rất nhiều phong tục vẫn được duy trì như:
- Mua và xin câu đối: nhiều người mua một câu đối hay hoặc một vài chữ Nho mang ý nghĩa cầu an, cầu tài lộc cho năm mới.
- Xông nhà: người ta thường nhờ người hợp tuổi, hợp mệnh đến xông nhà, cầu mong sang năm lấy được vía tốt của người xông nhà.
- Chọn hướng xuất hành: Sau giao thừa, có người xuất hành đi du xuân luôn. Họ chọn một hướng tương hợp tương sinh với mình với con giáp của năm để xuất hành cầu tài đón lộc.
- Lễ chùa đầu năm: có người cả năm không đi lễ, nhưng đến Tết nhất thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức cho chùa. Vào ngày đầu năm, tại chốn linh thiêng, người ta tin rằng điều cầu khấn của mình có nhiều khả năng thành hiện thực.
- Khai ấn, khai bút: Đầu xuân, nhằm vào ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước khai ấn (đóng con dấu lần đầu tiên trong năm); học trò, sĩ phu khai bút (viết bài hoặc một đoạn văn, một câu thơ... đầu tiên trong năm); nhà nông khai canh, (cày ruộng, làm đất, trồng, cấy lần đầu tiên trong năm); người buôn bán thì "khai thương", (mở hàng lần đầu tiên trong năm)...
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi ý kiến bình luận tại đây:
Gửi ý kiến bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Gửi bài đăng ký tham gia Cuộc Thi Viết trên Lazi.vn tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi bài đăng ký dự thi
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư