Bình Định - Nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá

Phạm Minh Thắng | Chat Online
25/12/2018 10:30:02
456 lượt xem
Giữa lòng Việt Nam có một vùng đất mang tên Bình Định. Từ trong thế núi hình sông, dường như trời đất hữu tình muốn dành cho Bình Định một dấu ấn riêng, nên đã sắp bày thiên nhiên vô cùng ngoạn mục: núi tiếp núi trong một trận đồ hùng vĩ, những ghềnh thác, sông suối bồi đắp vỗ về làng mạc trước khi hòa vào biển cả. Sông và núi vững bền mang trong nó bao trầm tích lịch sử và văn hóa tạo nên một Bình định - nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá, một Bình Định - Đất thơ, đất tuồng, đất võ…

Bình Định - Nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá

Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu nói phía Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía Nam có nền văn hóa Óc Eo thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa cùng với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.

Tháp Dương Long - xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định
Tháp Dương Long - xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định

Đây là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian cùng những giá trị văn hóa - nghệ thuật đích thực.

Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn Tháp Chămpa ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc cho đến bây giờ cũng còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và đã dung hòa được những phong cách nghệ thuật Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Với 13 ngọn tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta.


Bình Định, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, hơn 200 năm đã trôi qua nhưng dấu ấn về phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn vẫn còn in đậm ở nơi đây với những di tích Điện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng Đế.

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định

Bên cạnh đó, dòng văn hóa phi vật thể ở Bình Định cũng vô cùng phong phú như các lễ hội, nghệ thuật hát bội, nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa hát bá trạo của cư dân miền biển… Những lễ hội mang tính chất truyền thống và dân gian như : Lễ hội chiến thắng Đống Đa, Lễ hội cầu ngư, Lễ Cúng Cá Ông, Lễ Hội Tây Sơn …và những các lễ hội giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số miền núi: Bana, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định đã tạo nên một bản sắc văn hoá của riêng vùng đất này. Đây là những món ăn tinh thần đặc sắc không chỉ đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản để giới thiệu ra ngoài tỉnh và khách quốc tế.

Văn hoá ẩm thực Bình Định với nhiều sản vật ẩm thực nổi tiếng đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc không thể không nhắc đến. Phải kể đến bánh ít lá gai, thứ bánh làm từ bột nếp thơm ngon, giã nhuyễn với đường và nước vắt từ lá gai tươi, giữa có nhân đậu xanh hay sợi dừa trắng tinh, gói như bánh ú, hấp chín bằng thưng. Bánh ít lá gai ăn vừa ngon ngọt, vừa để được vài ba ngày không ôi. Cùng với bánh ít, nem chua Bình Định cũng là món ăn ngon, hấp dẫn được nhiều người biết đến. Nem chua làm bằng thịt nạc giã nhuyễn, ướp với nước mắm ngon gói lá vông ta ở trong, và nhiều lớp lá chuối bên ngoài để vài ngày ăn thơm ngon. Nem không chỉ dùng nhậu trong các tiệc tùng, cưới hỏi, giỗ kỵ mà còn là món ăn thông dụng dân dã. Nem chua thị trấn Bình Định chỉ sánh với rượu ngon của làng Tân Dân, "Nem chua Bình Định, rượu bầu Tân Dân". Có thể nói, mỗi địa phương ở vùng đất này đều có những món ăn đặc sản riêng hợp thành nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực Bình Định đối với người vùng khác.

Bình Định - Đất thơ, đất tuồng, đất võ…

Cũng như Huế có ca múa Cung đình, đồng bằng Bắc bộ có chèo, Nam bộ có cải lương, Tây nguyên có đàn T’rưng …thì Bình Định cũng giữ cho mình một nét văn hoá riêng: Bình Định - đất thơ, đất tuồng, đất võ...

Bình Định - Đất thơ
Gọi Bình Định là mảnh đất của văn chương, thi ca vì nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những tâm hồn thơ, những nhà thơ lớn trong nền văn học sử và trên thi đàn Việt Nam.

Đó là Đào Duy Từ với những dòng thơ mang nỗi trắc ẩn bôn ba của một danh sĩ đội lốt chăn trâu, chí nam nhi thời loạn, sự thức thời trước sứ mạng vua tôi bên cạnh lẽ ứng xử trong bối cảnh một đất nước tồn vong vì họa ngoại bang. Là Đào Tấn, ông Hậu tổ của hát bội, một nhà thơ xuất sắc và nhà từ khúc lỗi lạc, rồi đất Vân Sơn với 5 cha con họ Nguyễn đều giỏi từ phú, thi ca. Là một Mai Xuân Thưởng với tiếng thơ là tiếng thốt tận đáy lòng trước lúc đầu rơi, một Tăng Bạt Hổ bôn ba trùng dương hải ngoại, là Nguyễn Bá Huân ưu thời mẫn thế, là Nguyễn Trọng Trì chí khí lắng sâu đêm nguyệt tận, là Đào Phan Duân tiết tháo, Hồ Sĩ Tạo xả thân dưới cờ nghĩa...


Nhà thơ Chế Lan Viên


Nhà Thơ Xuân Diệu


Nhà Thơ Hàn Mặc Tử


Nhà thơ Yến Lan

Trong phong trào thơ mới, mảnh đất này lại sản sinh ra những thi nhân tài hoa tuyệt vời. Đó là một Xuân Diệu với nỗi cô đơn rợn ngợp trong một biển tình lai láng, Hàn Mặc Tử những bó hoa của miền phiêu linh, Chế Lan Viên với gạch rụng sao rơi vắt ngang những ánh mắt Chiêm Thành. Và còn là thi nhân Quách Tấn với sự trang trọng và đài các của một ngọn gió Đường Thi phả trên bờ giậu lũy tre, suối ngọt mây thơm quê hương Bình Định. Là một Yến Lan cùng những tiếng gọi đò chờn vờn trong trăng lạnh...

Ở nơi đây, dường như thơ ca đã ngấm vào máu thịt, từ những người học cao hiểu rộng cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn. Làm nên một bản sắc riêng Bình Định trong bầu trời thơ ca Việt Nam với con người, non nước và truyền thống rực rỡ của thi ca.

Bình Định - Đất tuồng
Nghệ thuật tuồng, vốn quý của dân tộc, đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định, gắn liền với tên tuổi các nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam. Mặc dù có những biến động lịch sử, trải qua chiến tranh, những người dân Bình Định vẫn giữ môn nghệ thuật đặc sắc của mình và kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài để Bình Định vẫn là điểm hội tụ tài năng của nghệ thuật tuồng.

Hát tuồng Bình Định,Bình Định
Hát tuồng

Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định phát triển gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ (Hiện Nay đền thờ danh nhân Đào Duy Từ ở tại xã Hoài Thanh Tây huyện Hoài Nhơn, cách quốc lộ 1A 2km) và Đào Tấn.

Ðào Duy Từ được gọi là ông tổ hát bội đầu tiên của Bình định. Ông là người tài cả văn lẫn võ, được phong chức Táng tương Quân vụ. Là con của một nữ đào hát nổi tiếng ở kinh thành Thăng long, nên ông cũng là người rất sành về ca nhạc, thi thơ. Học giỏi, tài cao nhưng không được đi thi vì là con của đào hát thuộc tầng lớp "xướng ca vô loại", ông đã bỏ vào Nam thi thố tài năng sở học của mình và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông Ðào DuyTừ đã đặt các tuồng hát bội và tổ chức những đoàn hát. Với các vở tuồng rất hay đến ngày nay vẫn còn lưu truyền: San Hậu (Ông Ðình, Ðổng Kim Lân, Khương Ninh Tá), Sơn Hà Xã Tắc....

Và giữa triều Nguyễn, Bình định lại sản sinh được một kịch tác gia về tuồng hát bội là ông Ðào Tấn ở làng Vinh thạnh xã Phước lộc, huyện Tuy phước. Ông sinh năm 1845, đậu cử nhân khoa Ðinh Mão (1867) tại trường thi Bình định. Ông cũng là một nhà nghệ sĩ tài hoa, rất sành về kỹ thuật hát bội. Ông Đào Tấn đã lập nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định). Do ông Đào Tấn đã tiếp thu được tinh hoa hát bội ở nhiều vùng nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh đã trở thành đỉnh cao nhất trong các lò đào tạo những tài năng hát bội thời ấy. Từ Học Bộ Đình Vinh Thạnh, nhiều tên tuổi lớn trong nghề hát bội ra đời, như Bát Phàn, Cửu Khi, Bầu Thơm, Bầu Chạng… Kéo theo đó, phong trào hát bội đã phát triển rộng khắp trên khắp đất Bình Định và trở thành nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

Các tuồng do ông Ðào Tấn sáng tác gồm có: Tân Dã Ðồn (tác phẩm đầu tay viết năm 1867), Hậu Sanh Ðàn, Trầm Hương Các, Cổ Thành, Ngũ Hổ Bình Tây (sửa lại khúc sau do cụ Tú Nguyễn Diên là thầy cụ Ðào sáng tác). Muốn sửa bổn tuồng Ngũ Hổ này, cụ Ðào Tấn phải đem lễ vật đến cúng trước bàn thờ của thầy và xin phép sửa đoạn từ công chúa Thoại Ba đưa Ðịch Thanh lên đường. Ông mất năm 1907 (Thành Thái năm thứ 19) để lại sự nuối tiếc cho giới khoa cử bạn bè của cụ lúc đó.

Trải qua hàng trăm năm dâu bể, hát bội đã ngày càng cắm rễ trong đời sống tinh thần của người Bình Định. Không những thế, sự giao lưu, kết hợp của nghệ thuật tuồng và võ Bình Định đã đưa tuồng Bình Định lên một tầm cao mới khác lạ hơn so với các đoàn tuồng của các địa phương khác.

Bây giờ ở Bình Định, ngoài nhà hát Tuồng Đào Tấn, còn có hàng chục gánh hát bội tự phát ở các vùng quê, nhất là ở 2 huyện An Nhơn và Phù Cát. Những gánh hát bội nghiệp dư ấy vẫn thường xuyên được mời biểu diễn ở các vùng quê. Diễn viên chỉ là những anh, chị nông dân chân lấm tay bùn, chưa từng qua một lớp đào tạo chính quy nào mà chủ yếu là được cha ông truyền lại và do đam mê nghệ thuật hát bội. Sau những đêm diễn ở đình làng hoặc ngoài gò, những "Quan Công", "Lữ Bố", "Điêu Thuyền"… lại trở về với con trâu, cái cày, với mảnh ruộng vườn rau, nhưng không vì thế mà họ từ bỏ niềm đam mê đối với hát bội.

Bình định - Đất võ
Võ và tinh thần thượng võ đã trở thành truyền thống của người Bình Định, bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Bình Định là "đất võ".

Tượng đài ba anh em nhà Tây Sơn,Bình Định
Tượng đài ba anh em nhà Tây Sơn

Theo truyền thuyết, vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) vương quốc Chămpa có loạn, vua Chămpa nhờ vua Đại Việt giúp và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã tuân mệnh vua sang giúp bạn. Đạo quân tinh nhuệ của nhà Lý đã nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh. Để tưởng nhớ công lao, vua Chămpa đã cho xây đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (di tích này đến nay vẫn còn ở bán đảo Hải Minh - Quy Nhơn), đồng thời nhiều binh sĩ của Đại Việt đã được cử ở lại để làm phên dậu cho vua Chăm. Đến năm 1306, khi nhận 2 châu Ô, châu Rí của vua Chăm là Chế Mân làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa, vua Đại Việt là Trần Anh Tông đã đề phòng việc Chămpa đòi hoặc cướp lại đất nên đã đưa quân tinh nhuệ đến đây trấn thủ. Đó là những tinh binh võ nghệ cao cường, tác chiến giỏi... Những người lính này về sau ở lại lập nghiệp tạo nên vùng đất bình định và họ cũng như con cháu không quên giữ gìn truyền thống thượng võ.

Luyện tập võ ở Bình Định
Luyện tập võ ở Bình Định

Thời 3 anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, võ Bình Định càng phát triển mạnh hơn và tạo ra một diện mạo mới. Thầy giáo Trương Văn Hiến, người dạy võ cho 3 anh em nhà Tây Sơn, là người rất giỏi về công phu nhu nhuyễn và nội công. Khi học ở thầy giáo Hiến, Nguyễn Nhạc chuyên về kiếm, Nguyễn Huệ chuyên về đao và binh pháp, còn Nguyễn Lữ thì do thể chất yếu đuối, nhỏ bé nên chuyên về nội công và miên quyền (công phu mềm dẻo như bông). Thời đó võ Bình Định phát triển cực thịnh nên dù sau này, triều Gia Long cấm võ nhưng những bài quyền và công phu khí công vẫn lưu truyền ở hậu thế.

Đặc biệt, ở vùng Hầm Hô (Tây Sơn, Bình Định) đến nay vẫn còn di tích Thạch đồ luyện võ, tương truyền là nơi để các võ sinh luyện công phu. Giữa một vùng nước cường, có nhiều hố xoáy, không biết do thiên nhiên định sẵn hay do nhân tạo mà có hàng chục tảng đá, tảng thì to, dẹt như cái nong, tảng thì mấp mô như lưng trâu, lại có tảng nằm nghiêng một cách kỳ vĩ. Tất cả những tảng đá ấy đều trơn tuột và rất khó đứng chân chứ chưa kể đến chuyện phải nhảy múa, đi quyền trên đó. Theo truyền thuyết Thạch đồ này được bày ra để các võ sinh luyện tập công phu thượng đẳng miên quyền. Nếu luyện thành công thân thể sẽ nhẹ như bông, bay nhảy rất linh hoạt, sự trơn tuột của rêu cũng như sức cường của nước không hề gây khó khăn cho họ. Khi nhà Tây Sơn mất, Đại tư đồ Võ Văn Dũng đã lui về Hầm Hô để lập căn cứ. Chiều chiều, trong sự hoài niệm và tiếc nuối, ông thường đứng bên ghềnh đá mà thét lớn vì phẫn chí, tiếng thét vang rền cả rừng núi đến nỗi chúa sơn lâm cũng bạt vía bỏ đi nơi khác.

Nếu có dịp về Bình Định, bạn sẽ còn được nghe thêm nhiều giai thoại thật đẹp nữa về truyền thống thượng võ hào hùng, đúng như câu ca dao đã lưu truyền “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định cầm roi,đi quyền”

Bình Định - Mảnh đất địa linh nhân kiệt còn biết bao điều bí ẩn, thắm đượm tình đất tình người mà bạn phải tự mình đến và khám phá thì mới cảm nhận được tất cả những gì đẹp nhất, đáng yêu, trìu mến nhất nơi đây.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
Hình ảnh (nếu có):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Quê hương em có cảnh đẹp, hãy gửi lên Lazi tại đây để bạn bè bốn phương biến đến Gửi thông tin >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k