Đố vui tổng hợp Đố vui IQ Đố vui Tư duy Logic Gửi đố vui của bạn

Lũy Thầy ai đắp mà cao, Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu - Là ai?

Biết Tuốt | Chat Online
09/03/2016 14:26:25
18.067 lượt xem
Trả lời (4)
NoName.908
09/03/2016 14:27:52
Đào Duy Từ
Đào Duy Từ (chữ Hán: 陶維慈, ? năm 1572- 17 tháng 10 âm lịch năm 1634) là nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người thầy, bậc khai quốc công thần số một của chín đời chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn.

Đào Duy Từ làm quan với chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ năm 1627 đến năm 1634, trong vòng tám năm (từ năm ông 54 tuổi đến năm 62 tuổi) ông đã kịp làm được năm việc lớn:
1) Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chặn được quân Trịnh ở Đàng Ngoài;
2) Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra;
3) Xây dựng được một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn lưu truyền chín chúa mười ba đời vua;
4) Tác phẩm "Hổ trướng khu cơ"; nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá cùng với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc;
5) Đào Duy Từ là người thầy đức độ, tài năng, bậc kỳ tài muôn thuở, người khai sinh một dòng họ lớn với nhiều hiền tài và di sản.

Năm 1765, Vũ Vương mất, thế tử chết, Trương Phúc Loan chuyên quyền, lòng người li tán, nhà Tây Sơn nổi lên chiếm đất Quy Nhơn, họ Trịnh lấy đất Phú Xuân, thì cơ nghiệp nhà Nguyễn mới bị xiêu đổ.Năm 1801, Nguyễn Phúc Ánh diệt nhà Tây Sơn và khai sinh triều Nguyễn. Năm Gia Long 4 (1805) nhà Nguyễn xét công trạng khai quốc công thần, Đào Duy Từ được xếp hàng đầu, được thờ ở nhà Thái miếu, được cấp 15 mẫu tự điền và sáu người trông coi phần mộ. Đến năm Minh Mệnh 17 (1836), triều đình lại sai dân sở tại sửa chữa lăng mộ cho ông. Năm 1932, vua Bảo Đại sắc phong Đào Duy Từ làm Thần Hoàng làng Lạc Giao, đất "Hoàng triều cương thổ" ở Buôn Ma Thuột, Dăk Lăk.

Thời trẻ
Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa, Đại Việt. Cha ông tên là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều sau bị đuổi về quê làm nghề xướng ca, mất sớm. Mẹ ông là Nguyễn Thị Minh (theo thần phả ở đền thờ tại Ngọc Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định để hiệu đính, có tài liệu nói tên của bà là Vũ Thị Kim Chi, có lẽ giai thoại đã đổi họ do phải che giấu để tránh sự trả thù của chúa Trịnh). Đào Duy Từ thông minh, học rộng biết nhiều, đã đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (l567-1584) khi ông mới 2l tuổi. Ông thi Hội, bài luận rất tốt được quan chánh chủ khảo là thái phó Nguyễn Hữu Liêu cân nhắc nhưng bộ Lễ đã đưa chứng cứ và truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo vì tội đổi họ, man khai lí lịch, con nhà phường chèo, bị gạch tên và tống giam. Mẹ mất. Ông mai danh ẩn tích nhiều năm sau vào Nam theo chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Viễn tổ của Đào Duy Từ là Tiến sĩ (năm 1275) Thượng thư Bộ binh Khai quốc công thần Đào Dương Bật, người sát cánh cùng vua Trần Nhân Tông kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai và ba. Theo gia phả thì Đào Duy Từ thuộc chi thứ 5 tính từ viễn tổ Đào Dương Bật còn chúa Nguyễn Phúc Nguyên thuộc chi thứ 3.

Vào Nam
Đào Duy Từ nói với bạn:
Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền... Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời....

Thuở ấy, Đàng Ngoài họ Trịnh xưng chúa. Năm 1599 đời vua Lê Thế Tông, Trịnh Tùng thông sứ với nhà Minh, nhường đất Cao Bằng cho nhà Mạc, tự xưng là Đô Nguyên súy, Tổng Quốc chính, Thượng phụ Bình An Vương. Họ Trịnh thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh. Đàng Trong, Nguyển Hoàng là Thái úy Đoan Quốc công, ông trấn thủ Thuận Hóa và đã đem binh ra Bắc suốt 8 năm giúp Trịnh Tùng đánh dẹp họ Mạc. Trịnh Tùng chưa dám dứt nhà Lê vì sợ mặt Bắc còn họ Mạc và nhà Minh kiếm cớ gây hấn, mặt Nam con chúa Nguyễn ngoài mặt thần phục nhưng ngấm ngầy tranh quyền với họ Trịnh.

Năm 1600, Nguyễn Hoàng đem bản bộ tướng sĩ về Nam, gả con gái Ngọc Tú cho Trịnh Tráng con Trịnh Tùng và phao tin đi đánh giặc. Lần này cũng như năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa có nhiều người họ hàng ở huyện Tống Sơn và lính Thanh Nghệ đưa cả vợ con đi theo.

Năm 1613, Nguyễn Hoàng trước khi mất đã trao lại nghiệp chúa Nguyễn cho Nguyễn Phúc Nguyên và dặn rằng: "Đất Thuận Quảng này bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bì Sơn thật là một nơi trời để cho bậc anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời."

Năm 1623, Trịnh Tùng mất. Trịnh Tráng nối nghiệp làm Thái úy Thanh Quốc Công. Khi ấy phía bắc nước Tàu đang loạn, họ Mạc về hàng, nhà Thanh thay nhà Minh. Quế Vương dòng dõi nhà Minh phong Lê Thần Tông là An Nam Quốc Vương, Trịnh Tráng là Phó Vương. Trịnh Tráng mới quyết ý đánh dẹp họ Nguyễn ở phương Nam.

Đào Duy Từ trốn vào xứ Đàng Trong khi nào hiện vẫn chưa đủ cứ liệu. Đây là thời gian ngoạ hổ tàng long của bậc kỳ tài để nghiên cứu thời vận và hình thế núi sông, phương lược trị loạn. Đầu tiên ông ở huyện Vũ Xương hơn một tháng để nghe ngóng tình hình. Sau biết khám lý Trần Đức Hòa ở Hoài Nhơn là người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, ông vào Hoài Nhơn, đi ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy Đào Duy Từ học rộng tài cao, biết ông không phải là người thường, liền đem nói với Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa cho gọi Đào Duy Từ đến hỏi chuyện. Thấy mọi chuyện ông đều thông hiểu, liền giữ ông lại và gả con gái cho ông. Khi Trần Đức Hòa xem bài Ngọa Long cương của Đào Duy Từ liền nói rằng: Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng.

Làm quan chúa Nguyễn
Năm Đinh Mão (1627), Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài Ngọa Long cương cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, và nói: Bài này là do thầy đồ của nhà tôi là Đào Duy Từ làm. Đọc bài Ngọa Long cương, chúa Nguyễn biết Đào Duy Từ là người có chí lớn liền cho gọi Duy Từ đến. Mấy hôm sau, Đào Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt Nguyễn Phúc Nguyên. Thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên chỉ mặc áo lụa trắng sơ sài và đứng cửa nách đợi; Duy Từ dừng lại không vào. Thấy vậy, chúa liền vào thay đổi triều phục, áo mũ chỉnh tề rồi mở cửa lớn ra đón Duy Từ vào nói chuyện. Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền sau đó chúa họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính.

Từ đấy Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay. Đào Duy Từ phụ chính cho chúa Nguyễn được 8 năm.

Năm Đinh Mão (1627), chúa Trịnh Tráng sai quan vào Thuận Hóa, giả tiếng nhà vua đòi tiền thuế từ ba năm trước. Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu và lấy 30 con voi cùng 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Chúa Sãi không chịu. Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, đem đại binh, rước vua Lê đi đánh mặt Nam.Chúa Sãi sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ là tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem binh mã ra giữ những nơi hiểm yếu. Quân Trịnh thua to bị chết hại rất nhiều. Đằng Trong lại cho người phao tin ở ngoài bắc có Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp làm loạn. Trịnh Tráng sinh nghi, lo sợ và thấy khó thủ thắng nên rút quân về (chiến tranh Trịnh Nguyễn lần thứ nhất).

Năm Canh Ngọ (1630), chúa Sãi nghe lời Đào Duy Từ đem sắc dụ ra trả vua Lê rồi sai tướng đánh lấy phía nam ngạn sông Linh Giang để chống với quân họ Trịnh. Ông khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ đánh vào xứ Đàng Trong. Tháng 9 năm Canh Ngọ (1630), chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố Chánh và chiếm được châu này. Trịnh Tráng đưa đại quan vào đóng ở cửa Nhật Lệ lâu ngày vây hãm không thành công bị quân Nguyễn xuất kỳ bất ý đổ ra đánh đuổi. Trịnh Tráng thua trận phải rút quân về (chiến tranh Trịnh Nguyễn lần thứ hai).

Năm Tân Mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, chúa Nguyễn lại cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải. Nhờ có hai cái lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được quân Trịnh trong bảy lần giao tranh trong đó có hai lần giao tranh như ở trên và năm lần giao tranh sau khi Đào Duy Từ đã mất..

Đào Duy Từ giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chặn được quân Trịnh nhờ giỏi trọng dụng hiền tài như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến (ông tiến cử Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Sãi và gả con gái cho; Về sau Nguyễn Hữu Tiến cũng trở thành một công thần của chúa Nguyễn như cha vợ mình); khéo huấn luyện quân sĩ, đắp lũy Thầy trường thành trấn quốc, khéo đánh vào lòng người "mưu phạt tâm công".

Đào Duy Từ còn làm được bốn việc đặc sắc khác:  Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra; Xây dựng được một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn lưu truyền chín chúa mười ba đời vua; Tác phẩm "Hổ trướng khu cơ"; Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá cùng với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc; Đào Duy Từ là người Thầy đức độ, tài năng, bậc kỳ tài muôn thuở, người khai sinh một dòng họ lớn với nhiều hiền tài và di sản.

Qua đời
Tháng mười năm Giáp Tuất (1634), Đào Duy Từ lâm bệnh nặng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đích thân đến thăm viếng. Đào Duy Từ khóc rồi thưa: "Thần gặp được thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay bệnh đến thế này còn biết nói chi nữa" rồi Đào Duy Từ qua đời, thọ 63 tuổi. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, cho táng tại Tùng Châu và phong làm "Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu". Đến năm thứ 5 đời vua Gia Long thì tùng tự ở Thái Miếu, đến thời vua Minh Mạng truy phong là Hoàng quốc công. Năm 1836, cho sửa sang mộ phần.

Tác phẩm
"Ngọa Long cương vãn", bài thơ Duy Từ hay ngâm lúc chưa làm quan để ví mình như Gia Cát Lượng.
"Hổ trướng khu cơ", là tác phẩm do Đào Duy Từ soạn ra để dạy các tướng sĩ của xứ Đàng Trong. Đó là một bộ sách về nghệ thuật quân sự duy nhất của người Việt Nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
"Nhã nhạc cung đình Huế", "vũ khúc, tuồng cổ Sơn Hậu" gắn với di sản văn hóa Huế thành di sản văn hóa thế giới; Những giai thoại, ca dao truyền đời trong tâm thức dân tộc của lòng dân mến người có nhân.

Giai thoại
Cha ông mất năm Duy Từ lên 5 tuổi, ông được mẹ là bà Vũ Kim Chi nuôi ăn học. Duy Từ tỏ ra là người thông minh sáng dạ, năm 14 tuổi ông vào học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa nhưng Duy Từ không được thi Hương vì luật lệ của nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi vì tục bấy giờ cho rằng xướng ca vô loài. Do vậy, mẹ Duy Từ phải nhờ viên xã trưởng là Lưu Minh Phương khai đổi họ cho ông từ Đào Duy Từ thành Vũ Duy Từ theo họ mẹ. Viên xã trưởng nhân thế ép mẹ Duy Từ phải cưới mình mới giúp, mẹ Duy Từ bèn lẩn đi bằng cách bảo khi nào Duy Từ thi đậu mới tiến hành cưới xin. Khoa thi Hương năm Quý Tị (1593), Duy Từ thi đậu Á Nguyên; viên xã trưởng Lưu Minh Phương bèn đòi cưới bà Kim Chi nhưng bà viện lý do Duy Từ mới thi đậu mà mẹ đã tái giá thì xấu hổ mà từ chối, rồi bảo Lưu Minh Phương rằng hãy cho con gái lớn về lấy Duy Từ thay thế. Giận dữ, Lưu Minh Phương nộp đơn kiện bà Kim Chi làm lộ việc đổi họ của Duy Từ, viên quan huyện thụ đơn sau đi báo lại cho quan Hiến Sát.

Lúc bấy giờ, Duy Từ đang ở Hội văn trên Thăng Long dự thi. Khi quan thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang phân vân chấm Duy Từ vì một số bài bàn về cải cách chính trị có hơi trái ý chúa Trịnh Tùng thì bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo. Nghe tin này, bà Kim Chi cắt cổ tự vẫn. Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất mẹ nên đau buồn lâm bệnh nặng, nằm lại tại nhà trọ.

Gặp Nguyễn Hoàng
Đoan quận công Nguyễn Hoàng bấy giờ đang trấn Thuận Hóa, được vua Lê Thế Tông triệu về Đông Đô bàn việc. Nhân dịp, Nguyễn Hoàng đến thăm Nguyễn Hữu Liêu; ông Nguyễn Hữu Liêu bèn kể trường hợp của Duy Từ và lấy bài vở của Duy Từ ra cho Nguyễn Hoàng xem. Đọc bài của Duy Từ, Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng cho việc ở Nam phương của mình nên âm thầm đến nhà trọ giúp đỡ tài chính chạy chữa của Duy Từ rồi mời ông vào Nam giúp mình.

Khi Duy Từ vừa bệnh dậy, đích thân Nguyễn Hoàng đến thăm. Nhân trên tường có treo bức tranh anh em Lưu Bị đến Long Trung cầu Gia Cát, Nguyễn Hoàng và Đào Duy Từ bèn ra một bài thơ liên ngâm:

Nguyễn Hoàng đọc:
"Vó ngựa sườn non đá chập chùng"
"Cầu hiền lặn lội biết bao công"

Duy Từ tiếp thơ:
"Đem câu phò Hán ra dò ý"
"Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng"

Nguyễn Hoàng tiếp:
"Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở"
"Biên thùy vạch sẵn một dòng sông"

Duy Từ đóng:
"Ví chăng không có lời Nguyên Trực"
"Thì biết đâu mà đón Ngọa Long."

Nguyễn Hoàng và Duy Từ rất hiểu ý nhau. Nhưng Nguyễn Hoàng không dám đón Duy Từ ngay vì sợ lộ cơ mưu, ông nói với Duy Từ:
"Lão phu về trước, xin đắp sẵn đàn bái tướng chờ đợi tiên sinh. Năm nay lão phu hơn 70 tuổi, nếu có thất lộc cũng xin di ngôn cho con cháu phải đón tiên sinh về dạy bảo".

Duy Từ bái tạ nhận lời rồi hai người chia tay. Sau đó mấy năm, Duy Từ vào Nam.

Vào Nam
Khi mới vào Nam, ông đi tìm chúa Nguyễn nhưng đến nơi thì không gặp do chúa đã đi xa để kinh lý. Hết tiền tiêu, Duy Từ phải tìm đường khác: ông dò được là Khám lý Trần Đức Hòa vốn là một thân tín của chúa Nguyễn nên đi đến Quy Nhơn để kiếm cơ lập thân. Ông đi đến thôn Tùng Châu (nay thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh Long cách nhà Trần Đức Hòa một con sông nhỏ. Tâm ý của Duy Từ là ẩn mình, chờ đợi thờ cơ đồng thời dò xét chính sự Đàng Trong. Con trai của vị phú hộ, tên là Chúc Hữu Minh, mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm thư đồng để phục vụ các bằng hữu văn chương. Có lần khi Duy Từ đánh trâu về, cầm roi đối đáp văn sử xưa nay với các danh sĩ, chứng tỏ mình thông hiểu mọi điều. Phú hộ Chúc Trịnh Long bèn kể chuyện này cho Trần Đức Hòa; ông Trần Đức Hòa bèn tìm tới hỏi chuyện Duy Từ. Thấy Duy Từ có tài học rộng, ông mời về dạy học rồi gả con gái cho. Thời gian này, Duy Từ thường ngâm bài "Ngọa Long cương vãn" bằng quốc âm để tự sánh mình với Gia Cát Lượng khi xưa.

Ta không nhận sắc
Năm 1627, chúa Trịnh Tráng muốn lấn vào Nam bèn sai Nguyễn Khắc Minh đi mang tiếng là phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét, Đào Duy Từ khi này là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Chúa Trịnh cũng đồng thời đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Duy Từ khuyên là không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục để phòng thủ. Chúa Nguyễn nghe theo và thực hiện ngay.

Về sắc phong, vào năm 1630 Duy Từ cho người làm một mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cớ trốn về. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn đi vội sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc trước kèm bài thơ:

Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch!

Cả triều không ai hiểu. Giai thoại kể rằng chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan(1528 -1613, trong khi sự kiện này xảy ra năm 1630 nên không chính xác) đến hỏi thì mới vỡ lẽ, trong chữ Hán, chữ mâu viết không có dấu phết thì thành chữ dư. Chữ mịch mà bỏ chữ kiến là chữ bất. Chữ ái nếu viết thiếu chữ tâm thì ra chữ thụ. Chữ lực để cạnh chữ lai sẽ thành chữ sắc. Thế thì bốn câu trên là: dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc). Chúa Trịnh hiểu ý trả sắc phong, nổi giận cho người đuổi theo sứ đoàn chúa Nguyễn thì cả sứ đoàn đã đi hết.

Ở Nam, để tăng cường phòng thủ, Duy Từ bèn bày cho chúa Nguyễn đánh chiếm phía nam Sông Gianh rồi đắp Lũy Thầy để phòng thủ. Lũy Thầy và Lũy Trường Dục là hai chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước chúa Trịnh.

Thông tin khác
Ông có con rể là Nguyễn Hữu Tiến, danh tướng của chúa Nguyễn.
3 1
no name 1232008
09/07/2017 23:26:59
Đào duy từ
1 1
Quân 5a4
01/05/2019 16:03:22
Đào Duy Từ
1 0
Trần Ngọc Khánh | Chat Online
17/03/2022 16:29:20
Đào Duy Từ
0 0
Gửi câu trả lời của bạn tại đây (*):
Có thể trả lời bằng cách gửi hình ảnh (nếu có)

(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có câu đối vui, hãy gửi cho mọi người cùng xem và giải đáp tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi câu đố vui
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo