Cô giáo Minh - Chương 8: Nỗi lòng (Nguyễn Công Hoan)

51 lượt xem

Minh nằm đắp chăn, thờ thẫn. Nàng buồn vì trong tờ báo "Tuổi trẻ " mới, có bài thơ của Nhã đề là "Khóc bạn".
Nàng dọc đì đọc lại bài "Khóc bạn" có vết bút chì xanh đánh dấu sẵn, rồi gấp tờ báo, để trên đầu giường, nhắm mắt nghĩ lan man.
Hôm ấy là thứ năm, Minh được nghỉ. Đã Iâu lắm, lần này nàng mới lại đi nằm vào lúc buổi trưa. Nàng nhịn ngủ ngày đã quen, nên cố nhắm mắt đến hàng giờ để ngủ cho quên nổi buồn, mà không sao chợp được.
Cảnh cũng buồn tênh. Trời thấp và nặng nề. Phố xá ướt át vì mưa phùn mấy hôm nay, thành người đi sắm tết vắng ngắt.
Minh nhớ lại ngày méới cưới, nàng cứ quen như ở nhà. Theo lệ thường, ăn cơm sáng xong, tất phải ngã lưng một chốc, cho đỡ mệt. Nhưng nàng nhận thấy mỗi khi đi nằm, thì y như Oanh lại mắng mỏ đầy tớ rầm rầm, có khi không có chuyện gì đáng nói to, mà Oanh cũng cứ quát tháo. Trước Minh tưởng em chồng có tính chua ngoa, thì hay soi mói lắm điều, nhưng rồi nàng mới hiểu rằng chính là Oanh cố làm cho nàng không ngủ được, mà một lần, mắng con vú, Oanh đã nói cạnh đến nàng:
- Đừng hợm, nuôi về để hầu hạ, chứ để ngay xương à? Muốn ngay xương thì về nhà mà ngay xương.
Nhưng Minh nhất định để ngoài tai những lời nói xa xôi bóng gió vì nàng muốn trong gia đình, mẹ con, chị em nên thật bụng khuyên bảo nhau thì hơn, cho nên ngày hôm sau, nàng cứ nằm tự nhiên, thì nàng được nghe câu nữa của bà Tuần mắng thằng bếp:
- Tao tưởng mày không đến nỗi ngu như thế, mày muốn người la mắng thẳng vào mặt thì mới hiểu hay sao?
Song, Minh cũng nhất định giả điếc, thì bà Tuần phải gọi Minh dậy mà vờ sai bảo các việc. Rồi tối hôm đó, Sanh khuyên bảo nàng chớ nên ngủ ngày.
Minh lại nghĩ đến bà Tuần, một bà làm cho người ta cười bằng dáng điệu, và người ta khóc bằng lời xóc móc mỉa mai, nàng sực nhớ đến những khi bà đi chơi đâu về, móc túi lấy ra ba bốn chiếc ống vôi, rồi ngồi ngẩn người ra để nghĩ lại xem mình cầm lầm của những ai, và bắt thằng xe đem đi trả. Nhưng nàng còn ghi mãi trong óc cái hôm nàng không về Hà Đông lễ nhà thờ bên quê ngoại mà đến chiều, bà làm như thế nào. Hẳn là bà muốn giảng cho Minh nghe nghĩa đen và nghĩa bóng chữ tam bành, cho nên bà mới dữ dội đến như thế. Nàng nghĩ đến hai con mắt trợn lòng trắng của mẹ chồng lúc nào, nàng lại vừa tởm vừa ghê. Bà ngồi xếp bằng tròn, tròn xoe trên sập, mặt xám lại, mà diếc móc xỉaxói. Nàng không cãi một nửa lời, vì nàng muốn cho bà tự hiểu rằng đối với dâu mới, bà chưa nên tàn nhẫn thế vội.
Nhưng sự im lặng của nàng nó hùng biện không phải chỗ. cho nên nàng thấy những cái gàn dở, hủ bại của mẹ chồng càng ngày càng nhiều, nó như quây kín xung quanh nàng, không cho nàng được trông thấy những điều hay lẽ phải nữa. Rồi dần dà, nàng phải cương quyết với mẹ chồng để bà bớt sự áp thế. Nàng phải cãi lại mẹ chồng lần nào, là nàng ân hận lần ấy, vì thật bản tâm nàng muốn coi mẹ chồng như mẹ đẻ. Song, nàng nhận ra, sau một cuộc xung đột, mà nàng bị lương tâm cắn rứt mãi mãi, thì trái lại bà Tuần không giận dữ, hoặc để bụng chút nào. Hình như bà chỉ thích gây sự để cãi nhau cho đỡ nghiện, mà khi được thắng trận thì bà vênh váo, vui vẻ, rồi sẵn lòng quên ngay tội của người đã dám cãi nhau với bà. Không những bà tầm thường đến như thế, mà một vài khi, bà lại tỏ ra đê tiện nữa. Bà là nhất nhà, song bà cũng cứ gây vây cánh. Chính Minh đã nghe thấy bà xúi giục đầy rớ nó hỗn với nàng.
Bởi vậy, tuy nàng muốn làm dâu hiền của bà mẹ chồng này, mà không thể được. Chính bà đã làm cho nàng thêm nhiều thói xấu. Nàng nhận thấy nàng đã mất hẳn tính vui vẻ, mà bây giờ, nhiều khi nàng đâm ra thẩn thờ, lạt lẽo như người khinh người. Lắm túc, nàng lại dễ phát cáu. Phát cáu cả với Iời nói phải. Cho nên, ở trường thì nàng rất vui vẻ, mà động gần về đến nhà là nàng đâm ra khó chịu rồi. Nhiều Iần, nàng cố vứt cái tư tưởng coi nhà chồng như nhà kẻ thù, để ăn ở hoà hợp, nhưng chỉ được độ một lát mà thôi, rồi hoặc vì khó chịu với mẹ chồng, hoặc vì khó chịu về em chồng mà bao nhiêu mối thù oán chứa chất bấy nay, nó lại đến cả trong óc. Nàng cho là cái này thành thói quen mất rồi, và suy ta ra người, có lẽ bà Tuần và Oanh cũng chung một tâm lý ấy.
Nàng đã tự hỏi nến cứ thế này không biết nàng có ở được trọn đời với Sanh không.
Đối với Sanh, Minh không ác cảm, vì nàng biết rằng chồng chỉ là cái máy cho bà Tuần và Oanh sai khiến. Sanh là người không biết rằng ở đời, có một sự gọi là tự do, nó cần cho sự sống. Có một lần, Minh tò mò hỏi Sanh tại sao lại hỏi nàng làm vợ, thì chàng bảo đó chỉ là theo lời trối lại của cha ngày xưa mà thôi.
Thấy chồng đáp một cách thực thà như vậy, thì nàng đâm buồn. Ra cuộc tơ duyên của Sanh và nàng, nó chẳng có nghĩa lý gì cho cả hai người. Nó không hơn gì đem đồ gạo làm xôi, bóc lạc để luộc, rồi trộn lạc với xôi đơm vào dĩa, và bày lên bàn thờ để cúng, mà không biết có ai tưởng hay không. Vậy thì người ta đã làm một việc vô ý thức. Nàng đã bị người ta coi là một vật vô tri, chỉ có lợi ích cho lời nói phiếm của một người đã khuất. Người ta ra chợ, mua con gà, con vịt, người ta còn nhấc nó lên xem nặng nhẹ ra sao, rồi chọn lọc mãi mới mặc cả. Thế mà nàng đi làm vợ, nàng lại không được người ta xem xét kỹ càng.
Tủi thân bao nhiêu, nàng lại thương hại Sanh bấy nhiêu. Nàng thương hại Sanh, vì Sanh là con trai, về việc hôn nhân, có thể có nhiều quyền hơn bên con gái, mà không biết hưởng. Thật không bao giờ nàng lai ước mong có người chồng lù đù đến như thế. Nàng nào phải hạng gái chỉ muốn có chồng hiền lành để dễ bắt nạt. Nàng ước ao có người chồng thông minh, biết yêu, và hiểu cái nghĩa đời thường, một người chồng thích tự do, và biết trọng tự do của người khác. Nàng yêu chủ nghĩa cá nhân, nàng đã độc lập về kinh tế, nàng muốn độc lập cả về tinh thần nữa. Nàng muốn hoàn toàn theo mới.
Nay nàng vì chữ hiếu mà bị lấy Sanh, nàng muốn yên lặng mà sống một đời vô vị trống không tình ái. Nhưng người ta không để cho nàng được yên lặng, người ta không để cho nàng tự coi nàng như chết, người ta lay dậy bắt hàng ngày nàng chịu những điều khổ nhục đắng cay.
Sanh là ngươi ít nói, lại nhu nhược. Một đôi khi, trông thấy vợ vùi đầu vào đống chăn mà khóc, thì chàng thở dài. Chàng chỉ dám thương vợ một cách giấu giếm. Nhưng không bao giờ chàng an ủi vợ và khuyên mẹ hoặc can em.
Đã có một lần Sanh bị mẹ mắng, vì chàng không lên mách giúp nước bài bà đương phá trận, mà ờ lại trong buồng xem vợ chấm bài. Bà quắc mắt lên mà diếc chồng nàng rằng mê vợ. Vậy nàng thực không rõ bà Tuần cưới nàng cho Sanh để làm gì. Vì thế, đối với mẹ chồng, nàng là cái bồ đựng mắng, mà đối với chống, nàng là cái máy đẻ con.
Chán nản, thất vọng quá. Minh đã từng có tư tưởng muốn xin đổi quách lên mạn ngược, cho xa khuất hẳn gia đình mà nàng coi như bụi chông gai. Nàng cho là thói đời vẫn vậy, khi ở gần nhau thì khinh thường nhau. Xa nhà chồng, nàng sẽ được làm chủ đời nàng.
Sở dĩ lần này Minh đi nằm buổi trưa là vì nàng mới ốm khỏi, còn mệt lắm. Nàng ốm ngay hôm sau đọc thư của Nhã gửi cho Xuân. Bệnh nàng chỉ là bệnh uất, bệnh tương tư, cho nên không ông lang nào bắt mạch trúng. Nhưng cũng may, những chén thuốc cảm hàn mà bà Tuần bắt nàng uống, rồi có công hiệu, vì nó làm cho nàng không dám ốm nữa, sợ nữa vì thuốc mà thành oan gia. Nàng muốn chết, song không muốn chết vì một lẽ đê tiện.
Minh nghĩ miên man rồi thở dài. Nàng lại mở tờ báo ra để nhìn lại từng nét chữ in bài thơ của Nhã. Nàng càng ngẫm hai câu kết càng cảm động, mà rất thích câu thứ nhất là câu của nàng.
Rồi để tờ báo lên ngực, nàng vơ vẩn nhớ đến nét mặt rắn rỏi của Nhã, nét mặt của một người chỉ ưa sự thực tế. Nhã rất ghét thơ, nay vì nàng mà làm nên một bài Đường luật, thì dù không hay nhưng nó đáng quý biết ngần nào.
Bỗng có tiếng guốc. Minh biết là Sanh sắp vào buồng. Nàng bèn nhắm mắt lại giả vờ ngủ.
Sanh mở cửa, nhìn vợ, rồi ngẩng dậy, trông lên bàn, lắc đầu. Cái hình ảnh của Nhã lại hiện lên trong óc nàng. Nhưng ít lâu nay, khi nào nghĩ đến Nhã, là Minh hình dung ngay ra một người ốm yếu, xanh xao, buồn rười rượi. Nàng mong cho Nhã cứ ốm, và nàng cũng cứ ốm. Hai người cùng ốm, rồi ốm thật nặng, rồi cùng chết vào một ngày, một lúc và cùng được chôn vào một nghĩa trang trong hai cái hố sát cạnh nhau.
Nàng càng thương Nhã, nhớ Nhã, yêu Nhã, thì óc nàng không có chỗ để phần ái tình cho Sanh nữa. Thật vậy, đối với chồng, nàng thấy như đối với người dưng. Nàng cho thế là một sự khổ nhất đời một người con gái. Lắm lúc nàng muốn quên Nhã để yêu chồng, nhưng bà Tuần, nhưng Oanh lại là hai trở lực lớn, khiến nàng chợt thấy hai người ấy, là cái lòng muốn yêu tiêu tán ngay. Không những thế, nàng còn nhận rằng mẹ chồng và em chồng thấy vợ chồng nàng như có ý chiều chuộng nhau điều gì, thì tức tối và tìm cách gièm pha. Thôi, nàng về làm dâu nhà này là chỉ để chịu cái cực nhục của đời làm dâu, cho bà Tuần được thoả cái địa vị làm mẹ. Có thế thôi. Vậy ra có mẹ chồng ác nghiệt, thì nàng dâu không phải là người, mà cũng không được bằng con mèo, con chó thỉnh thoảng còn được người ta vuốt ve. Nàng dâu có mẹ chồng ác nghiệt, thì chỉ là một cục thịt để chịu đòn, chịu chửi: mà bước chân đi làm dâu ngày nào, là mang theo cả tổ tiên cha mẹ họ hàng đi ngày ấy, để người ta hơi một tí là nói đến cho bõ đồng tiền phải tiêu.
Minh lại rất ngạc nhiên cho Sanh, là chàng không cho cái nhân duyên hờ hững này là đáng chán bao giờ. Chàng như người chồng không có ái tình, không lấy sự yêu vợ làm vui, thì cố nhiên không cho sự vợ hờ hững làm buồn. Chàng lấy nàng về, không phải để làm vợ cho chàng, mà để làm dâu cho mẹ, làm chị cho em. Thế thì có lẽ khi nàng có mang mà đẻ được một đứa con với chàng, thì chàng lại chỉ coi nàng như mẹ đứa con của chàng mà thôi. Vậy ra nàng chỉ là một nhân vật mà đến cả chồng cũng không nhận là thân, huống chi còn đến mẹ, đến em, đến họ hàng. Họ hàng, thì bà thím, bà cô vì vay mượn không đắt mà đâm ra ác cảm với nàng, cũng xúc xiểm thêm vào cho mẹ chồng ghét hơn nữa. Người ta coi nàng như một người khác máu mủ, mà theo thói quen đời đời, người ta có quyền được uốn nắn theo khuôn mẫu nhà người ta, nếu không thì có lẽ nhà người ta phàì hại gia đạo. Mà nhất là Minh, có tư tưởng cho nàng là trái ngược hẳn về nề nếp nhà người ta; người ta càng cần phải thẳng tay uốn nắn. Song, nói thật ra, nàng là người mới, nàng không sao chịu nổi được cái chế độ gia đình nhà chồng, mà nàng cho là hủ lậu.
Thở dài, chán nản, Minh ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ, những sợi mưa đan lưới lại làm cho nàng chạnh niềm thương nhớ thân thế đã hoàn toàn mất tự do.
Rồi nàng lại cầm tờ báo, đọc lại bài thơ lần nữa:
"Muôn chung nghìn tứ hẹn duyên sau ",
Chửa kịp trao tơ đã ngậm sầu.
Mờ mịt luân hồi, thôi hão quách.
Mênh mông mộng giới, biết tìm đâu!
Ngàn năm hội ngộ bao lần nữa.
Một kiếp vô duyên mấy khúc đau!
Lệ có thấm nơi hồn mệnh bạc,
Suối vàng ai họa thấu tình nhau’’
Minh đặt tờ báo xuống, lại thở dài và nhắm mắt. Bài thơ này, chẳng qua là lời than thở thất vọng của Nhã, nhưng nàng được an ủi, vì Nhã cũng đã hiểu cho nàng và nhận là nàng cũng như người đã chết rồi, mà làm mấy câu để khóc lóc. Thì được mấy giọt lệ của một người yêu nhỏ cho, trước khi xuống suối vàng, nàng thấy thú vị, nồng nàn hàng mấy mươi cỗ lớn mâm đầy của bà Tuần bày đặt ra để đón nàng độ trước.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo