Những kim tự tháp lớn của Ai Cập rất là độc đáo. Có tác phẩm kỳ diệu nào của quá khứ đã là đề tài của những cuộc tranh cãi. Ai đã xây lên những kim tự tháp, chúng được xây lên như thế nào, và mục đích của chúng là gì? Có phải đó là những công trình của người Ai Cập xưa hay không? Những gì đã xảy ra đối với những kho tàng trong những kim tự tháp? Trong nhiều năm người ta đã khám phá ra nhiều bí mật về kim tự tháp, nhưng vẫn còn rất nhiều bí mật vẫn chưa tìm hiểu được.
Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 2630 BC (trước Thiên Chúa giáng sinh), khi vua Djoser đang cai trị nước Ai Cập bắt đầu xây nơi an táng cho ông ta. Ông muốn rằng nơi nầy phải to lớn hơn những chổ an táng của các vì vua tiền nhiệm. Vua Djoser đã từng đạt nhiều thắng lợi trong chiến tranh, vương quốc của ông bành trướng rất rộng lớn và rất sang giàu để ông có thể xây dựng một nơi an táng vĩ đại. Nhưng thật sự vua Djoser tin rằng là một thánh sống (living god), ông ta phải được cư xử xứng đáng trong đời sống sau. Đối với người Ai Cập cổ, cái chết chỉ là sự bắt đầu của một hành trình vào một thế giới khác, và điều quan trọng là những nhà lãnh tụ của họ phải luôn luôn chuẩn bị ngay khi vừa lên ngôi. Vị tể tướng của vua Djoser, Imhotev, được giao phó trọng trách này. May mắn cho vua Djoser, vị tể tướng này đã trở nên một nhà kiến trúc đại tài và kim tự tháp đầu tiên của thế giới là công trình của ông. Thoạt đầu, ông bắt đầu công trình bình thường như những vì vua khác, nhưng khi công việc phát triển, công trình được bành trướng bằng cách thêm vào những khối đá “mascaba” chồng lên nhau để tạo thành 6 tầng riêng biệt với chiều cao tổng cộng là 200 bộ Anh (feet) - khoảng 60 mét, do đó sau nầy nó được gọi là kim tự tháp tam cấp. Công trình vĩ đại nầy được kiến tạo bởi những khối đá vôi nhỏ và đất cát ở sa mạc. Tẩm cung nơi chôn nhà vua và những nơi tích trữ những vật dụng cho ngài được làm từ đá và đất. Ý định của ông Imhotev là sao chép kiến trúc lâu đài của vua Ai Cập Djoser; ở giữa là nơi an táng thi hài của nhà vua, những phòng chung quanh là nơi tích trữ những tác phẩm mỹ thuật, ví dụ như bàn ghế, đồ trang sức và những kho tàng khác của nhà vua. Trong kế hoạch xây dựng này, nhà kiến trúc sư Imhotev suy nghĩ và quyết định như thế nào thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Có thể ông ta chỉ lợi dụng cơ hội để sử dụng nguồn năng lực to lớn, những vật liệu mới, cùng với những dụng cụ có sẳn trong tay ông. Theo một số chuyên gia thì họ tin rằng ông ta còn có một ý định sâu xa về linh hồn nữa bên cạnh công trình lớn này. Theo các chuyên gia, kim tự tháp tam cấp là một cái thang thật sự, chứ không phải chỉ là biểu tượng hay dấu hiệu, và nhờ vào đó linh hồn của vua Djoser có thể đi lên trời cao và gia nhập vào thế giới của những vị thần bất tử; nói một cách khác, đó là một cầu thang đi đến tiên cảnh.
Vài năm sau đó, vào khoảng năm 2540 BC, một công trình quan trọng khác đã bắt đầu được kiến tạo. Nhà vua Ai Cập Khufu đã cho xây dựng một kim tự tháp lớn nhất từ trước đến nay. Trong lịch sử, kim tự tháp này được gọi là “Pyramid” tức là kim tự tháp vĩ đại, rộng khoảng 754 bộ Anh (feet) vuông tức là 280 mét vuông, và 479 bộ Anh hay là 146 mét. Kim tự tháp này là một trong bảy kỳ quan thế giới từ xưa đến nay. Giống như những vì vua tiền nhiệm, Khufu bắt đầu công việc xây dựng “nhà vĩnh viễn của mình” khi ông ta vừa lên ngôi. Việc đầu tiên là ông phải quyết định xây dựng ở đâu. Ông đã chọn vùng Giga ở trên bờ tây của sông Nile, cách một hoặc hai dặm ở phía bắc kim tự tháp tam cấp tại Saqqara. Nơi chôn cất của các vì vua thường được xây ở bờ tây của sông Nile, vì mặt trời “chết” (lặn) ở hướng tây mỗi đêm. Giga được xem là nơi tiện lợi vì nó ở gần các mỏ đá, một phần lớn 2,300,000 khối đá sẽ được cần đến để xây kim tự tháp này.
Người ta tin rằng phải mất 30 năm mới xây xong một kim tự tháp và đòi hỏi một số nhân lực khổng lồ. Một sử gia Hy Lạp, Herodotus, người đến viếng thăm Ai Cập trong năm 450 BC, đã viết rằng có đến 100,000 nhân công phần lớn là nô lệ đã góp phần xây dựng kim tự tháp này. Tuy nhiên, theo những sử gia Ai Cập, đây không phải những người nô lệ mà là những thợ khéo, và sau này họ trở thành một lực lượng lao động chính của nước Ai Cập; nhiều người đã trở thành quản trị gia đại tài.