Tin tức (News)

Nữ sinh Việt đạt điểm tuyệt đối kỳ thi chuẩn hóa SAT

2017-04-01 17:33:38
Trong khoảng 1,7 triệu thí sinh dự kỳ thi chuẩn hóa SAT để ứng tuyển vào đại học Mỹ mỗi năm, chỉ 0,03% đạt điểm tuyệt đối. Ngô Hà Kiều Phương (Hà Nội) là một trong số đó.

Ngô Hà Kiều Phương, nữ sinh lớp 12 Anh2 THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đang là cái tên được nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Tại kỳ thi chuẩn hóa SAT I để ứng tuyển vào đại học Mỹ, Phương đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 (superscore cho 2 lần thi). Kỳ thi gồm 3 phần toán, đọc, viết và bài luận ngắn, đều bằng tiếng Anh. Riêng bài đọc, nội dung thuộc nhiều chủ đề xã hội, khoa học, lịch sử...

Theo đơn vị tổ chức cuộc thi College Board, trong khoảng 1,7 triệu thí sinh thế giới dự thi SAT I mỗi năm, chỉ 0,03% đạt điểm tối đa. Bài thi SAT II kiểm tra trình độ học sinh trong mỗi môn học/lĩnh vực cụ thể, Kiều Phương cũng nằm trong số ít đạt điểm tuyệt đối 800/800 môn Toán, 770/800 môn Lịch sử nước Mỹ.

Ngô Hà Kiều Phương
Ngô Hà Kiều Phương, lớp 12 Anh2 THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi chuẩn hóa SAT. Ảnh: NVCC.

"Kết quả thi SAT của Kiều Phương khiến chúng em ngưỡng mộ. Bạn ấy không mọt sách nhưng thực sự rất quyết tâm với các mục tiêu của bản thân. Nếu chứng kiến quá trình ôn luyện, học không ngừng nghỉ từ nhiều nguồn và tập trung cao độ của Kiều Phương sẽ thấy kết quả 2400/2400 SAT là hoàn toàn xứng đáng với bạn ấy", bạn cùng lớp Hoàng Phan Hà Thu nhận xét.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh2 Nguyễn Thanh Bình cũng dành lời khen nữ sinh "giỏi toàn diện và đặc biệt xuất sắc ở môn tiếng Anh" này. Điểm tổng kết năm lớp 11 và kỳ một lớp 12 của Kiều Phương là 9,3, riêng môn tiếng Anh là 9,8, đứng thứ nhất cả lớp. "Học giỏi, Kiều Phương lại rất khiêm nhường. Điều đặc biệt ở em là luôn tự học", thầy Bình nhận xét.

Chia sẻ về phương pháp luyện thi SAT, nữ sinh Ams cho biết chủ yếu tự học. Việc đến trung tâm khi mới bước vào cấp 3 chỉ để biết SAT là gì, cấu trúc đề ra sao và nắm kỹ năng làm bài cơ bản. Bài thi Toán của SAT tương đối dễ so với mặt bằng kiến thức của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên đề hay gài bẫy nên khi làm phải rất cẩn trọng. Bài đọc của SAT dài và khó. Kiều Phương phải học thuộc hơn 2.000 từ để phục vụ phần thi đọc hiểu kéo dài 25 phút. Trước đó, em đọc rất nhiều bài viết trên báo như New York Times hay những truyện cổ kinh điển. 

"Em đọc lướt toàn bài để nắm nội dung rồi đọc kỹ tìm ý cụ thể. Em luyện cho mình thói quen phải chỉ ra dẫn chứng cho một luận điểm nào đó. Ví dụ, khi nói về cảm xúc của tác giả trong bài viết, em sẽ lấy chính những từ ngữ (thường là tính từ) mà tác giả dùng để minh chứng", Kiều Phương chia sẻ.


Mong muốn được giúp đỡ người nghèo, Ngô Hà Kiều Phương thường xuyên tham gia các hoạt động vì cộng đồng ở trong và ngoài nước. Ảnh: NVCC.

Từng căng thẳng khi thường xuyên thức đến 1-2h sáng để ôn bài đang học trên lớp, luyện thi học kỳ, luyện SAT, làm các dự án cá nhân…, kết quả 2400/2400 điểm khiến nữ sinh 18 tuổi mỉm cười mãn nguyện.

Kiều Phương sau đó được Đại học Vanderbilt (top 15 trường tốt nhất nước Mỹ) nhận học trong lần gửi hồ sơ sớm (chỉ được gửi một trường và phải học ở đây nếu trúng tuyển). Mức hỗ trợ tài chính em nhận được là hơn 50.000 USD một năm cho suốt 4 năm (hơn 4,5 tỷ đồng).

Việc gửi hồ sơ vào Vanderbilt University khiến nhiều người nuối tiếc bởi theo bạn cùng lớp Hà Thu và giáo viên chủ nhiệm Thanh Bình, em có khả năng đỗ trường top đầu thế giới hoặc nhóm Ivy danh giá. Tuy nhiên, nữ sinh cho biết, vẫn sẽ học đại học này nếu được chọn lại. Đây là trường duy nhất có chuyên ngành Human and Organizational Development nghiên cứu về các giải pháp cho vấn đề xã hội, lãnh đạo các tổ chức chính phủ và cá nhân… đúng với đam mê của em. 

Với trái tim đa cảm, từ lớp 10, Kiều Phương đã tham gia nhiều hoạt xã hội vì cộng đồng, như cùng bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dạy kiến thức giới tính cho trẻ em nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên; dạy học cho học sinh mồ côi làng trẻ Đống Đa (Hà Nội); truyền cảm hứng cho trẻ em đường phố Campuchia về giá trị của việc học và những gì đang chờ đón phía trước… 

"Nhìn các số phận ấy, em thấy mình sung sướng quá. Những đứa trẻ em tiếp xúc khát khao trở thành bác sĩ, phi công, được du học… Tuy nhiên, từ khi sinh ra các em đã hiếm có cơ hội hiện thực hóa ước mơ do điều kiện sống khó khăn, định kiến xã hội. Điều đó thật bất công", nữ sinh Ams cho biết. Em quyết định trở thành nhà hoạt động xã hội để giúp cải thiện cuộc sống và gỡ bỏ định kiến cho người nghèo.

Ý tưởng của Kiều Phương bị chê là viển vông, nhưng nữ sinh cho biết muốn theo đuổi đam mê và có niềm tin biến nó thành hiện thực. Em từng thực hiện điều mà mọi người cho là "không tưởng" khi từ một học sinh xếp thứ 49/54 của lớp, bỗng phá kỷ lục điểm số thi Olympic tiếng Anh năm lớp 7 của quận Ba Đình. Những năm học sau đó, em tiếp tục chứng minh học sinh từng "đội sổ" cũng có thể gặt hái thành tích tốt, như đạt giải nhì thi Olympic môn Toán, tiếng Anh của quận và đỗ vào khối chuyên Anh của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Theo Quỳnh Trang/Dantri
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây, xin cảm ơn!
Gửi bình luận:
Nhập nội dung bình luận:

(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k