Hỏi đáp tổng hợp Gửi câu hỏi Gửi khảo sát

Tràng hạt có phải là hạt Mân côi không nhỉ?

tần trảm | Chat Online
30/12/2017 10:01:52
3.103 lượt xem
công giáo
Trả lời / Bình luận (1)
Biết Tuốt | Chat Online
30/12/2017 10:12:03
1. Chuỗi tràng hạt (Phật giáo)
Chuỗi tràng hạt là một vật dụng trong việc tụng kinh Phật giáo gồm một vòng xâu hạt. Hạt có thể làm bằng hàng thảo mộc, bằng xương, bằng đá hay bằng plastic. Đôi khi hạt chuỗi làm bằng thủy tinh, ngà voi, san hô, mã não, hổ phách.

Chuỗi tràng hạt loại ngắn.
Chuỗi tràng hạt loại ngắn.

Phật giáo Đại thừa
Phật giáo Đại thừa dùng chuỗi hạt với con số 108 hoặc một ước số của 108. Điển hình là phái Tịnh Độ dùng chuỗi có 27 hạt.

Ở Trung Hoa chuỗi tràng hạt được gọi là shu zhu (数珠: số châu); Fo zhu (佛珠: Phật châu) hoặc nian zhu (念珠: niệm châu).

Nhật Bản thì gọi là juzu (数珠: số châu) và nenju (念珠: niệm châu). Phái Jodo Shu (浄土宗: Tịnh Độ Tông) dùng chuỗi hai vòng; một hạt vòng ngoài dùng để đếm mỗi lần tụng; một hạt vòng trong để đếm khi đã tụng hết một chu kỳ vòng ngoài. Khi tụng đủ hết các hạt vòng trong lẫn ngoài thì tổng số có thể lên đến 60.000 lần. Tuy nhiên người tụng cũng tùy nghi theo khả năng.

Phái Jodo Shinshu (浄土真宗: Tịnh Độ Chân tông) thì không chú trọng đến con số tụng niệm. Tín đồ chỉ dùng chuỗi tràng hạt trong phần lễ nghi với chuỗi hạt quyện vòng cả hai tay chắp. Tay trái tượng trưng cho Saṃsāra (Luân hồi); tay phải là Nirvana (Niết-bàn). Chuỗi hạt thể hiện sự nhất thể của tín đồ và Phật A-di-đà.

Phái Shingon (眞言: Chân ngôn) dùng chuỗi 108 hạt để niệm Phật. Khi làm lễ, tín đồ dùng hai tay xoa vòng chuỗi để biểu hiện xóa tẩy bụi trần.

Phật giáo Nam tông
Phật giáo Nam tông cũng dùng chuỗi tràng hạt như trường hợp ở Myanma.

Phật giáo Tây Tạng
Phật giáo Tây Tạng dùng chuỗi với 108 hạt. Đôi khi chuỗi 21 hay 28 hạt cũng được dùng nhưng loại chuỗi ngắn chủ yếu là để đếm con số lạy rạp người khi lễ Phật.

Biểu tượng của số hạt trong chuỗi
Trong Phật học thì con số 108 tượng trưng cho 108 phiền não (Kleśā) của con người. Lục giác (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, cảm giác, và thức giác) nhân làm ba, tức ba loại phản ứng (lạc, khổ, vô ký) thì ra con số 18. Mười tám nhân hai, tức hai thể (thiện hay bất thiện) thì có con số 36. Ba mươi sáu nhân ba, tức ba thời (quá khứ, hiện tại, và vị lai) thì là con số 108 phiền não.

Phật giáo Việt Nam thì giải thích là khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) không thanh tịnh vì thiếu lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) thì dễ bị dao động bởi lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp). Sáu căn, sáu trần, và sáu thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18). Con số này nhân cho sáu phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thì là số thành 108 (18x6=108).

Chuỗi 108 hạt là biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não.

Chuỗi 54 hạt là biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Tín, Thập Trú, Thập Hạnh. Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Tứ Thiện Căn Nhân Địa.

Chuỗi 42 hạt là biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Trú, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác, Diệu Giác.

Chuỗi 27 hạt là biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu Thừa tu hành Tứ Hướng Quả, tức là 18 bậc Hữu Học của Tứ Hướng Tam Quả trước, với 9 bậc Vô Học của Đệ Tứ Quả A La Hán.

Chuỗi 21 hạt là biểu thị cho 21 vị, tức là Thập Địa, Thập Ba La Mật và quả vị Phật.

Chuỗi 14 hạt là biểu thị cho 14 Pháp Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Chuỗi 1.080 hạt là biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có 108, cho nên cộng thành 1.080.

Ý nghĩa của chuỗi 36 hạt và 18 hạt có nhiều người cho là không biểu trưng cho pháp số nào trong Phật giáo, và cho rằng nó tương đồng với chuỗi 108 hạt. Theo đó, để tiện cho sự mang đeo, bèn chia chuỗi 108 hạt ra thành 3 chuỗi, mỗi chuỗi có 36 hạt, hoặc chia chuỗi 108 hạt ra làm 6 xâu, mỗi xâu có 18 hạt, mà không phải có thâm nghĩa nào cả.

Tuy vậy, chúng ta cần biết rằng, sự khác biệt của số hạt với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau trên đây, là do các vị Bồ tát, hiền thánh tăng, sau khi đức Phật nhập diệt, đã tùy duyên giao phó làm phương tiện giáo hóa, mà không phải bắt nguồn từ văn của Kinh điển gốc đã.

2. Kinh Mân Côi
Kinh Mân Côi là một phương pháp cầu nguyện phổ biến và quan trọng của Giáo hội Công giáo Rôma. Bài kinh này bao gồm một bộ tràng hạt và các câu kinh cầu theo mẫu. Khi thực hành, người Công giáo đọc lên thành tiếng, đọc thầm hay đọc bằng ý nghĩ theo trình tự: một Kinh Lạy Cha (Pater noster), sau đó là mười Kinh Kính Mừng (Ave Maria) và kết thúc bằng một Kinh Sáng Danh (Gloria Patri), mỗi trình tự như thế gọi là một "mầu nhiệm" (suy niệm), được hiểu là một bộ mười kinh. Một "mầu nhiệm" còn được gọi là một "sự" (một "decade"), tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria theo Tân Ước. Cho tới trước thế kỷ 21, Kinh Mân Côi bao gồm 15 mầu nhiệm, được chia làm ba nhóm: Mầu nhiệm năm Sự vui (Mysteria Gaudiosa), Mầu nhiệm năm Sự thương (Mysteria Dolorosa), Mầu nhiệm năm Sự mừng (Mysteria Gloriosa). Tất cả hầu như không có gì thay đổi cho đến năm 2002, Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố thêm năm mầu nhiệm mới, đó là Mầu nhiệm năm Sự sáng (Mysteria Luminosa), như vậy, Kinh Mân Côi ngày nay có 20 mầu nhiệm.

Tràng hạt Mân Côi
Tràng hạt Mân Côi

Tên gọi
Xuất phát từ tiếng Latinh: rosarium, nghĩa là khu vườn hoa hồng. Trong tiếng Việt, Kinh Mân Côi còn được gọi bằng các tên như: Văn Côi, Môi Côi, Môi Khôi, Mai Khôi...

Tràng hạt Mân côi bằng gỗ thế kỷ 16
Tràng hạt Mân côi bằng gỗ thế kỷ 16

Vai trò
Kinh Mân Côi gắn liền với những cách thức tôn kính Mẹ Maria được nhiều Giáo hoàng khuyến khích thực hành, đặc biệt là Giáo hoàng Lêô XIII. Vị giáo hoàng này được mệnh danh là "Giáo hoàng của Kinh Mân Côi" khi ngài ban phép lành và làm lời kinh này trở nên phổ biến với tên gọi Rất thánh Mân Côi. Do hiệu quả của Kinh Mân Côi và sự can thiệp của Mẹ Maria qua lời kinh này, mà Giáo hoàng Piô V đã đưa Lịch phụng vụ Công giáo với danh xưng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, tổ chức vào ngày 7 tháng 10 hằng năm.

Tượng Đức Mẹ Mân Côi bởi Franz Tavella, 1905 tại Tirol
Tượng Đức Mẹ Mân Côi bởi Franz Tavella, 1905 tại Tirol

Lịch sử
Có những chi tiết khác nhau về lịch sử của Kinh Mân Côi. Theo truyền thống, Giáo hội tin rằng Kinh Mân Côi được Mẹ Maria trao cho Thánh Đa Minh vào năm 1214 tại nhà thờ Prouille, gần Toulouse miền nam nước Pháp. Thực tế, việc cầu nguyện với một tràng hạt đã có nguồn gốc rất xa xưa. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm kinh - kinh này là Kinh Lạy Cha. Tùy mức độ sùng đạo, mỗi buổi sáng, họ quyết định số kinh sẽ đọc trong ngày tương ứng với số lượng hạt này rồi cho vào túi, đọc xong một kinh thì họ vứt đi mỗi hạt. Đến thời Trung Cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh Vịnh mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng vụ. Nhưng có nhiều người không biết đọc và viết tiếng Latinh nên họ không hiểu và đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha. Sau này, người ta dùng thêm Kinh Kính Mừng bên cạnh Kinh Lạy Cha. Thế kỷ thứ 7, là thế kỷ khởi sắc của việc sùng kính Maria, giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 Kinh Kính Mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi các này là "sách Thánh Vịnh của Đức Mẹ".

Hình minh họa cho một bộ tràng hạt Mân Côi
Hình minh họa cho một bộ tràng hạt Mân Côi

Thế kỷ 13, thánh Đa Minh được sứ mệnh chống lại sự bành trướng của lạc giáo Albigens. Theo tục truyền, năm 1213, Trinh nữ Maria hiện ra với ông và dạy phải dùng hai phương tiện để chiến thắng là giảng dạy và cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Từ năm 1410 đến 1439, một thầy tu tên là Dominique ở Köln, nước Đức đề nghị đọc theo một hình thức mới, chỉ có 50 kinh Kính Mừng, trước mỗi kinh có phần suy niệm một đoạn Phúc Âm. Ý tưởng này phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16 đến tận đầu thế kỷ 20, cấu trúc của Kinh Mân Côi cơ bản vẫn không thay đổi, gồm 15 "mầu nhiệm" chia làm ba nhóm. Trong thế kỷ 20, người ta còn phổ biến kinh cầu Fatima vào đoạn sau của mỗi "mầu nhiệm". Đến năm 2002, Giáo hoàng Gioan Phaolô II mới thêm vào Mầu nhiệm năm Sự sáng - đây là sự thay đổi lớn của kinh này sau năm thế kỷ.

Cấu trúc
Cấu trúc của Kinh Mân Côi thường theo trình tự sau:

Tượng Thánh giá: Dấu Thánh Giá và Kinh Tin Kính theo các Tông đồ
Hạt lớn đầu tiên: Kinh Lạy Cha
Ba hạt nhỏ tiếp đó, với ý xin củng cố ba nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy và đức mến): mỗi hạt đọc một Kinh Kính Mừng
Hạt lớn tiếp theo: Kinh Sáng Danh
Tiếp đến, đọc mầu nhiệm đầu tiên
Hạt lớn: Kinh Lạy Cha
Mười hạt nhỏ liền kề: tương ứng với 10 Kinh Kính Mừng, đồng thời suy niệm mầu nhiệm
Kinh Sáng Danh
Lời nguyện Fatima:"Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn."
Sang mầu nhiệm tiếp theo, tiến hành tương tự, cho tới khi hoàn thành hết cả năm mầu nhiệm.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Nữ Vương và Dấu Thánh giá.

Các mầu nhiệm
Năm sự Vui
Thứ nhất thì ngắm (ngẫm): Thiên thần truyền tin cho Ðức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Thứ hai thì ngắm: Ðức Bà đi viếng bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ ba thì ngắm: Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ bốn thì ngắm: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
Thứ năm thì ngắm: Ðức Bà tìm được Ðức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.
Năm sự Sáng
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hợp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
Năm sự Thương
Thứ nhất thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Thứ bốn thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin được vác Thánh giá theo chân Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.
Năm sự Mừng
Thứ nhất thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Thứ hai thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
Thứ ba thì ngắm: Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Ðức Chúa Thánh Thần.
Thứ bốn thì ngắm: Ðức Chúa Trời cho Ðức Mẹ lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Ðức Mẹ.
Thứ năm thì ngắm: Ðức Chúa Trời thưởng Ðức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Ðức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Ðức Mẹ trên nước Thiên đàng.
Ngày đọc
Chủ nhật: Năm Sự Mừng
Thứ Hai: Năm Sự Vui
Thứ Ba: Năm Sự Thương
Thứ Tư: Năm Sự Mừng
Thứ Năm: Năm Sự Sáng
Thứ Sáu: Năm Sự Thương
Thứ Bảy: Năm Sự Vui.
3 0
Gửi câu trả lời / bình luận của bạn tại đây (*):
Hình ảnh (nếu có):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có câu hỏi cần giải đáp, hãy gửi cho mọi người cùng xem và giải đáp tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi câu hỏi
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k