Ngày nay, toàn cầu hoá mà trước hết là toàn cầu hoá về kinh tế đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến mọi quốc gia, dân tộc. Không một quốc gia, dân tộc nào có thể phát triển được mà lại tách biệt, cô lập với thế giới. Mở cửa, hội nhập, chủ động gia nhập vào quá trình toàn cầu hoá, đó chính là đòi hỏi của toàn cầu hoá, nhưng cũng chính là điều kiện thuận lợi để kết hợp và phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển. Nhận thức sâu sắc tính tất yếu và cơ hội đó, Đảng ta luôn coi việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp là một trong những yêu cầu, một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, một lần nữa, bài học kinh nghiệm này lại được nhấn mạnh: "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế ... phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại".1
Sức mạnh dân tộc hay nội lực của một dân tộc, một quốc gia chính là tổng hợp những lợi thế, những nguồn lực nội sinh của dân tộc, quốc gia đó. Những lợi thế, những nguồn lực này bao hàm trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế chính trị văn hoá, xã hội; chúng là tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người, là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần, truyền thống văn hoá,... Sức mạnh dân tộc, vì thế là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của một dân tộc. Như vậy, sức mạnh dân tộc, nội lực của chúng ta bao gồm cả những nguồn lực, những tiềm lực tự nhiên và xã hội.
Trên bình diện nguồn lực tự nhiên, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lí, giao thông, có bờ biển dài rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển; lâm sản, hải sản, khoáng sản tuy không thật nhiều nhưng khá đa dạng và phong phú. Cố nhiên, những nguồn lực tự nhiên, tự nó, chỉ tồn tại như là tiềm năng. Vấn đề là làm sao khơi dậy, huy động được những nguồn lực, những lợi thế đó trong phát triển. Ngày nay, cơ chế thị trường tỏ ra là cơ chế kinh tế có hiệu quả nhất. Với việc thừa nhận và khuyến khích lợi ích cá nhân (cố nhiên, đó là lợi ích cá nhân chính đáng), cơ chế thị trường đã tạo ra động lực hết sức mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế. Cũng chính trong điều kiện kinh tế thị trường, những nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ được xúc tiến mạnh mẽ. Nhờ thế những nguồn lực tự nhiên được khai thác và huy động tối đa cho phát triển. Tuy nhiên, những nguồn lực tự nhiên không phải là vô tận. Việc khai thác tự nhiên, do vậy, cần đi liền với quá trình bảo vệ tự nhiên, phát triển những nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Chỉ có như vậy, những nguồn lực tự nhiên mới trở thành nguồn nội lực bền vững cho xây dựng và phát triển đất nước...
Trên bình diện nguồn lực xã hội, Việt Nam cũng có những ưu thế về mặt văn hoá và con người. Có thể nói, đó là những nguồn lực nội sinh giữ vị trí trung tâm của phát triển; bởi con người với những sức mạnh về văn hoá, chính là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là chủ thể của sự khai thác, huy động và hợp nhất các lợi thế, các nguồn nội lực khác.
Văn hoá, như chúng ta biết, không chỉ là mục tiêu mà đồng thời còn là động lực của phát triển. Những giá trị văn hoá có khả năng liên kết, cố kết con người thành một cộng đồng thống nhất; đồng thời định hướng họ trong hoạt động sống, trong xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, những giá trị, những tinh hoa văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được hình thành và trở thành truyền thống. "Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lí, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”2. Những giá trị văn hoá truyền thống chính là nguồn lực tinh thần, nền tảng tinh thần để chúng ta xây dựng đất nước trong điều kiện mới. Những giá trị đó khi được phát huy và nội tâm hoá thành sức mạnh tinh thần của mỗi người dân thì nó không chỉ là động lực kích thích họ trong lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ đất nước mà đồng thời, còn góp phần tạo nên bản sắc dân tộc trong điều kiện toàn cầu hoá. Bởi thế, chủ động và tích cực kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong điều kiện hiện nay chính là phát huy một trong những nguồn nội lực quan trọng nhất. Ngày nay, tính tất yếu của việc kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống đã được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là kế thừa như thế nào để các giá trị văn hoá truyền thống có thể thực sự trở thành sức mạnh tinh thần, nội lực của sự phát triển. Trong trường hợp này, chúng tôi muốn nói tới cơ sở, tiêu chí của việc kế thừa. Kế thừa truyền thống không có nghĩa là phục cổ hoặc "lưu giữ giấy lộn”, theo cách nói của V. Lênin, mà là nhằm tạo ra nhân tố mới cho hiện tại và tương lai. Vì thế, cần phải lấy những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay làm cơ sở, tiêu chí cho việc thẩm định, kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới với những đức tính được xác định tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ năm khoá VIII là những yêu cầu, những định hướng lớn của sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đó chính là cơ sở, là những tiêu chí cơ bản cho việc kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống với tư cách là nguồn nội lực tinh thần hiện nay.
Cùng với những giá trị văn hoá, con người là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự phát triển đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người chính là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nguồn lực con người, trên bình diện số lượng, được xác định bởi quy mô dân số, cơ cấu độ tuổi, giới tính, sự phân bố dân cư. Hiện Việt Nam đang có dân số khoảng 86 triệu người, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động. Đó là một lợi thế cần được huy động tối đa. Trên bình diện chất lượng, nguồn lực con người là tổng hợp những sức mạnh về thể chất, tri thức, tay nghề, năng lực quản lí, phẩm chất đạo đức, ... Xét về chất lượng, mặc dù người Việt Nam có một số ưu thế, chẳng hạn, khéo léo, cần cù, ham hiểu biết, có lòng yêu nước, ý chí vượt khó,... nhưng chừng ấy là chưa đủ. Hiện nay, trong cơ cấu lực lượng lao động ở nước ta, nông dân vẫn chiếm tới 70%; công nhân chiếm xấp xỉ 10%; nguồn nhân lực trí thức chỉ chiếm 2,15%3. Thậm chí, lao động đã qua đào tạo vẫn còn bất cập so với yêu cầu một số cơ sở sản xuất sau khi nhận người đã phải đào tạo lại từ 1 đến 2 năm mới sử dụng được. Nhìn chung, lực lượng lao động hiện nay còn nhiều bất cập trước các yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đó là những bất cập về thể lực, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, kỉ luật lao động, khả năng thích ứng với những biến đổi kinh tế - xã hội,... Điểm tính cho năng lực cạnh tranh tổng hợp về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện còn rất thấp, mới chỉ đạt 3,79 điểm theo thang điểm 104. Vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu vừa có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài nhằm tăng cường sức mạnh dân tộc trong điều kiện hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, cần có những đầu tư thích đáng và những đổi mới hơn nữa trong hàng loạt các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển con người, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Cần "đặc biệt coi trọng giáo dục lí tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội"5.
Sức mạnh con người không đơn thuần chỉ biểu hiện ở các cá nhân; nó còn biểu hiện ở sức mạnh tập thể, cộng đồng. Vì thế, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam là nguồn lực nội sinh cực kì quan trọng; nó luôn được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối, chiến lược của Đảng trong chiến tranh cũng như trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy vậy, việc phát huy sức mạnh nội sinh này không phải là một điều đơn giản. Trong điều kiện hiện nay, dưới tác động của những biến đổi về cơ cấu thành phần kinh tế, của sự điều tiết bởi cơ chế thị trường, của mở cửa hội nhập, sự phân hoá các tầng lớp xã hội cũng như sự phân hoá giàu nghèo ngày một gia tăng, xuất hiện nhiều nhóm lợi ích khác biệt nhau, thậm chí đôi khi đối lập nhau, thì vấn đề phát huy sức mạnh dân tộc đang đứng trước những thách thức mới. Có sâu xa của sự đoàn kết xã hội là sự thống nhất về lợi ích. Điều đó có nghĩa là, "Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội"6. Bởi thế, một mặt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần "lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội"7; mặt khác, các chính sách kinh tế, xã hội cần phải được hoạch định và thực thi sao cho sự khác biệt, đặc biệt là sự đối lập lợi ích giữa các nhóm, các tầng lớp xã hội ngày càng giảm thiểu. Có thể nói, đây là một vấn đề nan giải. Sự phát triển kinh tế thị trường luôn giả định phân hóa giàu nghèo; nhưng sự ổn định, sự bền vững lại đòi hỏi giảm thiểu sự phân hóa. Tuy nhiên, vấn đề không phải là không thể giải quyết được. Giữ vững và tăng cường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển kinh tế thị trường không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển mà còn là đảm bảo cho việc giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Chỉ có như thế, sự đồng thuận xã hội mới ngày được gia tăng, khối đại đoàn kết dân tộc mới không ngừng được củng cố và phát triển. Ngoài ra, trong điều kiện mà các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội luôn tìm mọi cách thực hiện diễn biến hoà bình, chia rẽ các tôn giáo, các tầng lớp xã hội thì chính sách kinh tế, xã hội và tôn giáo càng cần phải chú ý hơn đến việc khắc phục những tác động tiêu cực từ những hoạt động đó nhằm tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc với tư cách là sức mạnh nội sinh quyết định thắng lợi của sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.