Ốc anh vũ, Chambered Nautilus, là loài hóa thạch sống có tổ tiên cách nay nửa tỷ năm – những ngày đầu phức tạp trên hành tinh, khi mặt đất còn cằn cỗi và biển nóng ấm.
Từ lâu những nhà tự nhiên học đã kinh ngạc về vỏ của nó. Các đường xoắc ốc lô-ga-rít phản ánh lại những cánh tay cong của gió lốc và các hành tinh xa. Ở Florence, người Medicis chuyển những cái vỏ như ngọc trai của chúng thành những chiếc tách và bình trang trí công phu được đính bằng vàng và ruby.
Các nhà khoa học cho rằng con người hiện nay rất mê mẩn ốc anh vũ, khiến sự tồn tại của nó vào vòng nguy hiểm.
“Sự tàn sát khủng khiếp đang diễn ra ở đây”, Peter D. Ward, nhà sinh vật học từ Đại học Washington, đã nói trong cuộc khảo sát mới đây về sinh vật biển ở Philippines. “Chúng gần như bị quét sạch”.
Thủ phạm? Sự gia tăng bán các đồ trang sức và trang trí từ bộ vỏ óng ánh của nó. Để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, các ngư dân đã giết hàng triệu con ốc anh vũ. Hiện nay các nhà sinh học đang đánh giá tình trạng trữ lượng của ốc anh vũ để xem xét có nên đưa loài này vào danh sách các loài nguy cấp để ngăn cản hoạt động mua bán chúng hay không.
Trên eBay và một vài nơi khác, vỏ ốc anh vũ nhỏ được bán làm vòng đeo tai với giá 19,95 USD, và làm mặt dây chuyền với giá 24,95 USD. Loại lớn – tương đương với kích thước của một cái dĩa – có giá 56 USD, thường được cắt đôi để trưng bày các khoang tuyệt đẹp bên trong của nó.
Khi làm đồ trang sức, phần trắng sữa phía bên trong vỏ của chúng – được tiếp thị như một loại ngọc thay thế rẻ hơn loại ngọc trai thật thụ – có thể bán được 80 USD cho loại đeo tai, 225 USD cho vòng đeo tay, và 489 USD cho vòng cổ.
Đánh bắt ốc anh vũ còn rất tự do, không có luật lệ, trong đó, một ngư dân sống ở các vùng nghèo khó ở các nước nam Thái bình dương vui lòng chấp nhận giá mỗi vỏ ốc anh vũ là 1 USD.
Các nhà khoa học lo ngại nhu cầu gia tăng có thể đặt dấu chấm hết cho một loài động vật sống chậm và cần đến 15 năm hoặc hơn để đạt tới giai đoạn thuần thục giới tính – một thời gian dài bất thường đối với loài thân mềm (các loài khác là mực và bạch tuộc).
“Ở một số vùng, nó bị nguy cơ tuyệt chủng”, Neil H. Landman, một nhà sinh vật học và cổ sinh vật học tại Viện bảo tàng lịch sử quốc gia Mỹ và là đồng tổng biên tập của báo cáo ”Ốc anh vũ: sinh học và cổ sinh vật học của loài hóa thạch sống”, một dạng bản tóm tắt của báo cáo khoa học.
Ốc anh vũ sống trên sườn của các rạn san hô sâu của khu vực nước ấm tây nam Thái bình dương. Trong khi bị bắt rất dễ dàng bằng bẫy mồi trong dây dài, độ sâu của nó – tới khoảng 600 mét (2.000 feet), quá mức đạt tới của ánh sáng mặt trời cũng như thợ lặn – làm cho việc nghiên cứu chúng rất khó khăn.
Vì thế, để tìm ra ốc anh vũ đang nguy hiểm ở mức nào, các nhà sinh vật học đang bắt đầu điều tra thống kê thông thường vào mùa hè vừa qua ở ít nhất sáu khu vực được biết là có thu hoạch loài vật nhút nhát này.
Tiến sỹ Landman nói rằng tương đối ít các nhà khoa học nghiên cứu ốc anh vũ phải vượt qua “ sự thiếu kiến thức đáng kể” về tổng thể số lượng và vùng phân bố địa lý.
Trái lại, những người tiêu thụ hiện đại biết quá nhiều, ông nói:” bạn có thể thấy vỏ ốc anh vũ được đánh bóng và bán khắp mọi nơi”.
Ghi nhận hóa thạch đánh dấu tổ tiên của ốc anh vũ vào cuối kỷ Cambri, khoảng 500 triệu năm trước. Một số tiến hóa thành những quái vật biển thực thụ, có vỏ khổng lồ và tua lớn. Qua nhiều niên kỷ, hàng ngàn loài đã giảm còn đếm trên đầu ngón tay.
Từ “nautilus” đến từ tiếng Hy lạp chỉ đến tàu bè. Khi vỏ ốc anh vũ đầu tiên vào Châu Âu thời phục hưng, các nhà sưu tập kinh ngạc: họ thấy một vòng xoắn hoàn hảo như là sự phản chiếu trật tự lớn hơn của vũ trụ.
Lâu sau đó, các gia đình thời Victoria trưng bày chúng như của cải quý hiếm. Trong bài thơ 1858 nổi tiếng “ốc anh vũ”, Oliver Wendell Holmes ngưỡng mộ: “ làm việc nặng nhọc trong im lặng” tạo ra “ đường cong rực rỡ”. Và trong tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, Jules Verne đã sáng tạo ra một tàu ngầm kín có nhiều khoang và đặt tên là “Nautilus”.
Về những khoang này: ốc anh vũ theo chu kỳ dựng lên những rào cản bên trong vỏ khi lớn lên, bỏ lại một loạt các khoảng không gian trống đằng sau. Giống như tàu ngầm, ốc anh vũ thay đổi số lượng hơi trong các khoang trống này để điều chỉnh độ nổi của nó. Nó dùng lực đẩy phản lực để bơi.
Ăn cá và tôm, ốc anh vũ có 90 tua nhỏ – và giống như các loài động vật thân mềm, có bộ não và mắt rất lớn. Vỏ cong của nó có thể phô diễn ánh sáng óng ánh như xà cừ hoặc các dải màu sáng. Ốc anh vũ không thể lặn quá sâu vì e rằng vỏ của nó sẽ lõm vào trong – giống như vỏ của chiếc tàu ngầm.