Làng Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Từ làng nhìn qua bên kia sông là khu phố cổ Hội An. Đây là một vị trí thuận lợi vừa không cách xa trung tâm đô thị, vừa dễ dàng trong việc giao thông - vận chuyển vật liệu bằng đường thủy để phát triển ngành nghề.
Tổ tiên nghề mộc Kim Bồng, vốn từ khắp nơi của đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam, đặc biệt là vùng Thanh Nghệ Tĩnh hội tụ vào làm ăn sinh sống từ thế kỷ 15, được bổ sung vào các thế kỷ 16, 17. Họ cũng bắt đầu nghề nghiệp của mình từ những ngôi nhà tranh, tre cổ truyền đến những ngôi nhà khung gỗ thông thường "Tam gian nhị hạ", rồi đến các tiện nghi đồ dùng trong gia đình, phương tiện giao thông (ghe thuyền nan, sen). Nhưng may mắn hơn nghề mộc ở các địa phương khác, cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, Hội An với nhiều yếu tố thuận lợi đã nhanh chóng phát triển thịnh vượng, trở thành một đô thị thương cảng ngoại thương trọng ở Xứ Đàng Trong - Việt Nam (thời các Chúa Nguyễn).
Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến sự phân công và phân vùng lao động tại Hội An. Các nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt đô thị hương cảng. Trong đó đáng kể có nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, nghề yến Thanh Châu . Nghề mộc Kim Bồng đã có cơ may phát triển phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, tôn giáo - tín ngưỡng, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền, trong đó có cứ loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn (ghe bầu). Địa danh Kim Bồng và nghề mộc địa phương đã được Lê Quý Đôn đề cập trong "Phủ biên tạp lục" vào thế kỷ 18. Từ trung tâm đô thị thương cảng ngoại thương này, với sự định cư của nhiều thương nhân nước ngoài đã giúp cho nghề mộc Kim Bồng, trên cơ sở truyền thống của người Việt, có sự kế thừa kỹ thuật đóng thuyền của người Chàm, đã tiếp thu kiến trúc dân dụng - tín ngưỡng và đồ dùng gia đình của người Hoa, Nhật.
Những yếu tố đó được chắt lọc, hòa quyện, nhuần nhuyễn để tạo ra một phong cách, một sắc thái riêng của nghề mộc Kim Bồng Hội An.
Sự đóng góp của nghề mộc Kim Bồng đối với đô thi - thương cảng Hội An rất lớn. Nhiều thế hệ thợ mộc Kim Bồng không những đã để lại dấu vết tài nghệ tuyệt vời của mình ở các di tích Đô Thị cổ Hội An mà còn trong nhiều di tích khác ở Đà Nẵng, Huế và thành phố Sai gon... Sản phẩm dân dụng của nghề mộc Kim Bồng từ xưa đến nay không những có mặt ở nhiều nơi trong nước mà còn vượt đại dương theo thuyền buôn có mặt ở các nước xa xôi. Nhưng trước hết, rõ nhất, đầy đủ nhất khu phố cổ Hội An vẫn là tấm gương soi phản ánh bề dày và chiều sâu của nghề mộc Kim Bồng Hội An. Hiện nay, khu phố cổ Hội An là quần thể kiến trúc cổ mà đơn vị cấu thành là bởi các ngôi nhà cổ có niên đại xây dựng cách đây từ hơn trăm năm đến hơn ba trăm năm. Phố hẹp, ít cây cao rợp bóng, mà chen nhà như sâu nặng nghĩa anh. Sử sách xưa không có những chỉ dẫn để lần về tác giả thi công nó. Mặc dù nhà nước phong kiến xưa kia đã ban tước cửu phẩm, bát phẩm, đội trưởng mộc tượng cho khá nhiều thợ mộc Kim Bồng, nhưng ai ai ở xứ Quảng cũng đều nhắc đến phần đóng góp của các hiệp thợ Kim Bồng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Hội An. Vẻ đẹp cổ kính của phố cổ Hội An là vẻ đẹp kiến trúc. Nhưng trước hết kiến trúc cổ Hội An đẹp vì được đặt trên một nền nghệ thuật trang trí, chạm khắc gỗ hài hòa và điêu luyện. Kiến trúc và nghệ thuật hài hòa như hình với bóng. Cái đẹp giữa kiến trúc điêu khắc cổ Hội An được bảo lưu và giữ gìn bởi quy mô, chất liệu tác thành. Vì kiến trúc nhẹ nên giữ được nghệ thuật bền và bằng những loại gỗ tốt lâu ngày lên nước mầu nâu sẫm như phủ một lớp Pêtin bảo vệ diệu kỳ cho tác phẩm. Nghệ thuật trang trí nội thất đã tổng hợp được giữa điêu khắc, chạm trổ, và kiến trúc một cách nhuần nhuyễn người xem không thể phân định đâu là điêu khắc, đâu là kiến trúc. Vị trí các công trình được đạt đúng chỗ vừa không rườm rà, vừa không gượng ép. Từ đổ ngang, xà dọc, tường giả dầu hồi, vỏ cua, hàng cột đều có những hình chạm trổ tinh vi điêu luyện.
Thời gian đã nhuộm cho chất liệu gỗ một màu nâu óng ả, với nhiều sắc độ, chập chờn trong không gian sáng tối, tạo ra không khí sang trọng mà kỳ diệu, đưa tâm hồn con người về với thế giới nghệ thuật một cách tự nhiên không sắp đặt và giả tạo. Đề tài, nội dung các họa tiết và những tác phẩm nghệ thuật nhìn chung vẫn là những đề tài quen thuộc mà chúng ta thường gặp, đáp ứng nhu cầu tâm lý của một xã hội chịu sự tác động của triết học phương đông cổ như: Bát bửu, bát tiên, tứ quý, tứ linh, tứ bình, tam đa... và những tích cá hóa rồng, lý ngư vọng nguyệt, tam dương khai thái, ngũ phước lâm môn...được thể hiện qua các kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng... Một vấn đề lý thú ở đây là chúng ta bắt gặp sự giao duyên giữa thơ và họa bằng nghệ thuật khảm xà cừ, khảm ốc trên những câu liễn treo ở cột, những bức hoành phi treo ở giữa nhà. Bài thơ là bức họa vô hình và bức họa là bài thơ cụ thể, sắp xếp tạo thành một bố cục hoàn chỉnh được biểu hiện bằng chất liệu xà cừ, vỏ ốc lóng lánh, nhiều mầu trên một nền gỗ bóng loáng. Dụng cụ, tiện nghi sinh hoạt gia đình như tủ chè, sập gụ trường kỷ, bộ đồ trà đến những bức phù điêu tượng gỗ... được tạo dáng và chạm trổ công phu, được sắp xếp, bày biện tạo ra môi trường sống với trình độ, và ý thức thẩm mỹ cao,đậm đà tính dân tộc. Khó có thể nói hết về nghề mộc kiến trúc - chạm khắc gỗ của Kim Bồng với cái riêng, các đặc thù truyền thống. Khó có thể kể hết những gì mà các hiệp thợ Kim Bồng để lại cho địa phương. Nhưng hẳn rằng không ai quên được Kim Bồng bởi còn đó cả một quần thể kiến trúc cùng biết bao tác phẩm chạm khắc, phù điêu, tượng gỗ và các dụng cụ, tiện nghi sinh hoạt gia đình ở khu phố cổ Hội An do những bàn tay tuyệt vời của nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từ bao đời nay tạo tác.
Ngày nay, trên đất Kim bồng đã có danh hiệu nghệ nhân cho một số thợ mộc lành nghề. Trong các xóm ngõ của gần 1000 nóc nhà làng mộc nổi tiếng này vẫn âm thầm diễn ra hoạt động chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà... Đặc biệt ở đây, nghề đóng thuyền đi biển trọng tải 10 tấn đến 20 tấn cho khách hàng từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận khá phát triển. Bên cạnh đó, những hiệp thợ Kim Bồng còn tích cực góp phần trong công cuộc bảo vệ, trùng tu-tôn tạo di tích Đô thị cổ Hội An. Nhìn chung cũng như nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước, làng nghề mộc Kim Bồng còn được bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và tiếp tục sản xuất nhưng vẫn nằm trong tình trạng hoạt động cung cấp sản phẩm trong phạm vi địa phương, chưa tìm lại được thị trường tiêu thụ lớn rộng nên chưa thể khai thác phát huy hết được tiềm năng, vốn quý sẵn có. Hy vọng trong tương lai với chính sách mở cửa và cơ chế thị trường, nghề mộc Kim Bồng sẽ đón nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà doanh nghiệp và trong vòng tay ưu ái của bạn nghề cả nước để làng mộc Kim Bồng ở Hội An sớm được phục hưng và bảo tồn MỘT LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG nổi tiếng ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Nam nói riêng.