Hàn the hay còn gọi là Borax có tên hóa học sodium borate decahydrate. Borax trong thiên nhiên thường được tìm thấy ở đáy hồ nước mặn sau khi các hồ này cạn. Tên gọi theo Hán-Việt là Băng Sa, bồng sa, nguyên thạch... Tên hóa học đầy đủ là Natri tetraborate ngậm 10 phân tử nước Na2B4O7. 10H2O
Trong công nghiệp nguyên tố B và hàn the dùng để sản xuất một số hợp kim, thép chịu mài mòn, sản xuất thủy tinh, men sứ các loại. Borax có mặt trong 1 số chất diệt kiến, bảo quản gỗ.
Borax không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Borax có tính sát khuẩn nhẹ , làm sản phẩm bột, cá thịt..trở nên dai nên một số nhà sản xuất ở Việt Nam cho vào thực phẩm để sản phẩm dai, giòn và kéo dài thời gian bảo quản, giữ màu tươi của thịt, cá.
Độc tính của hàn the:
- Hàn the có thể gây ngộ cấp tính, dẫn đến tử vong.
- Dùng với liều lượng thấp kéo dài có thể gây ngộ độc mạn: các nghiên cứu độc học đã chỉ ra rằng hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương gan và thoái hóa cơ quan sinh dục. Hàn the còn gây tổn thương ruột, não và thận và ảnh hưởng tới đường tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
- Nếu phụ nữ có thai, hàn the còn được đào thải qua sữa và rau thai, gây độc hại cho thai nhi. Với trẻ em dùng thực phẩm có Hàn the lâu ngày, tác hại này sẽ tăng dần, làm ảnh hưởng đến sự phát triển , đặc biệt đối với trẻ em trong tuổi trưởng thành.
Các nguy cơ gây ngộ độc hàn the như sau:
- Để lẫn hàn the với các phụ gia và gia vị thực phẩm, dễ gây nhiễm chéo hoặc dùng nhầm như là 1 gia vị, muối, mì chính, bột canh.
- Hàn the được cho vào các thực phẩm truyền thống như giò, chả, bánh phu thê, bún, bánh phở...để tăng độ giòn dai và giúp bảo quản lâu.
- Sử dụng hàn the trong bảo quản thực phẩm: như bảo quản thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản.
Xác đinh ngộ độc hàn the
Dựa vào triệu chứng lâm sàng
Dấu hiệu lâm sàng ngộ độc cấp: xảy ra 6-8 giờ sau ăn, uống hàn the
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, ỉa chảy. Có thể chảy máu đường tieu hóa.
- Da niêm mạc: xuất hiện ban đỏ trên da, da bong vảy, thường nặng nhất sau 3-5 ngày, có thể có ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, miệng họng đỏ. Tổn thương da có thể xuất hiện ở bệnh nhân ngộ độc qua đường uống hoặc tiếp xúc qua da.
- Thần kinh: kích thích hoặc lờ đờ, đau đầu, hôn mê, co giật.
- Tim mạch: xuất hiện mạch nhanh, những trường hợp ngộ độc nặng gây tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc.
- Triệu chứng khác: biểu hiện mất nước, suy thận cấp, toan chuyển hóa, tổn thương đường hô hấp dưới, tổn thương gan, hạ thân nhiệt.
- Tổn thương thần kinh và suy thận có thể xuất hiện sau nhiều ngày.
- Ngộ độc nặng có thể gây tử vong: với liều 2-5g axit boric hoặc 15-30g Borax , nạn nhân có thể chết sau 36 giờ
Triệu chứng lâm sàng ngộ độc mạn tính:
Do khả năng tích lũy trong cơ thể của Hàn the, gay ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ, quá trình chuyển hóa và chức phận, biểu hiện rằng:
- Mất cảm giác ăn ngon, giảm cân
- Nôn, tiêu chảy nhẹ
- Mẩn đỏ da, cùng với tróc da
- Rụng tóc
- Suy thận
- Cơn động kinh co giật, da xanh xao, suy nhược không hồi phục được
Một số tác giả còn gọi là bệnh Borism. Ngoài ra, axit boric còn có tác dụng ức chế thực bào, do đó làm giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Dựa vào yếu tố dịch tễ liên quan
Thông thường có tiền sử ăn uống một loại thực phẩm nào đó liên quan đến việc sử dụng hàn the như bún, bánh phở, giò chả...và có nhiều người liên quan đến bữa ăn đó và có dấu hiệu tương tự.
Dựa vào xét nghiệm
- Xét nghiệm độc chất: định lượng borax trong máu
- Các xét nghiệm thông thường cần làm giúp chẩn đoán, điều trị và theo dõi: chức năng thận, tình trạng tim mạch, nước - điện giải, toan kiềm.
Biện pháp phòng chống
Điều trị ca bệnh
- Cấp cứu ban đầu:
+ Đặt nằm nghiêng đầu sang 1 bên và nằm ngửa cằm nếu có rối loạn ý thức
+ Gọi nhân viên y tế gần nhất và người khác hỗ trợ, sau đó đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
+ Gây nôn: nếu mới ăn, uống xong trong vòng 1 giờ, còn tỉnh, hợp tác. Không gây nôn nếu sau hơn 1 giờ, không tỉnh, khó thở, co giật hoặc mệt nhiều.
+ Uống than hoạt: liều 1g/kg cân nặng, nếu có than hoạt dạng nhũ thì rất thuận tiện
+ Đem mẫu hóa chất bệnh nhân ăn uống đến bệnh viện để giúp chẩn đoán.
- Tại bệnh viện:
+ Đảm bảo các chức năng sống ổn định : Đặc biệt về hô hấp, tuần hoàn ( co giật, suy hô hấp, loạn nhịp tim, tụt huyết áp ) trước khi áp dụng các biện pháp khác.
+ Các biện pháp loại bỏ chất độc qua đường tiêu hóa:
Rửa dạ dày: tiến hành khi bệnh nhân ngộ độc trong vòng 6 giờ.
Nếu bệnh nhân có co giật, suy hô hấp, rối loạn ý thức phải đặt nội khí quản và bơm bóng chèn trước rửa da dày.
Than hoạt: dùng sau khi rửa dạ dày hoặc bệnh nhân đến muộn. Liều dùng 1g/kg cân nặng chia làm 2 lần cách nhau 2 giờ. Nhuận tràng bằng sorbitol liều gấp đôi, cho cùng than hoạt.
- Điều trị triệu chứng:
Biện pháp điều trị hỗ trợ là quan trọng, không có thuốc giải độc đặc hiệu.
+ Chống co giật:
Bệnh nhân có tăng phản xạ gân xương: Diazepam tiêm bắp, theo dõi nếu phản gân xương tăng trở lại, tiêm nhắc lại
Bệnh nhân đang co giật: dùng thuốc đường tĩnh mạch, đồng thời kết hợp đảm bảo hô hấp, huyết áp của bệnh nhân khi tiêm.
Diazepam: 5-10 mg/ lần tiêm tĩnh mạch, nếu sau 5-10 phút vẫn còn có giật tiêm nhắc lại tĩnh mạch, có thể tiêm tới 30 mg.
Hoặc dùng Phenobarbital: dùng khi diazepam không cắt được cơn co giật.
Hoặc dùng Thiopental: khi diazepam và phenobarbital không cắt được co giật. Tiêm tĩnh mạch 2mg/kg, duy trì truyền tĩnh mạch tùy theo tình trạng co giật. Kết hợp bóp bóng mask và oxi 100%, đặt nội khí quản, sau đó bóp bóng hoặc thở máy.
+ Chống hô hấp:
Khi bệnh nhân bị co giật: đảm bảo đường thở thông thoáng ( ngửa đầu, nhấc cằm, hút đờm rãi ), thở oxi, nếu cần bóp bóng qua mask với oxi 100%
Khi có suy hô hấp: đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo.
+ Chống tụt huyết áp:
Truyền dịch: NaCl 0,9 %, tốt nhất là đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và truyền dịch theo áp lực tĩnh mạch trung tâm.
Dùng vận mạch nếu truyền đủ dịch mà không nâng được huyết áp: Dopamin 5 - 20 mcg/ kg/ phút, Noradrenalin 0,5 - 1 mcg/phút, hoặc Dobutamin.
+ Điều trị khác:
Theo dõi chức năng thận, gan. Nếu co giật nhiều, lượng nước tiểu ít dần, trở nên sẫm màu hoặc màu đỏ, CK> 1000UI/lit, truyền dịch, và dùng thuốc lợi tiểu đảm bảo bệnh nhân đái nhiều, tránh suy thận
Theo dõi chức năng gan
Chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh
Biện pháp phòng chống ngộ độc
- Không sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm. tăng cường công tác tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh hiểu về độc hại của Hàn the để tự nguyện tự giác không dùng hàn the trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
- Hiện này, các nhà khoa học của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã sản xuất được 1 loại phụ gia thực phẩm, là 1 polymer sinh học ( PDP), từ nguyên liệu tự nhiên như vỏ tôm, cua, mai, mực, có thể thay thế hàn the trong sản xuất chế biến.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện việc sử dụng Hàn the trong thực phẩm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Có biện pháp kiểm soát nhập lậu qua biên giới và buôn bán ở các chợ.
- Tiếp tục nghiên cứu về độc hại của Hàn the và các chất thay thế hàn the