Mi-ghen Đơ Xéc-van-téc (Miguel de Cervantes, 1547-1616), nhà văn Phục hưng Tây Ban Nha, là tiểu thuyết gia bậc thầy của nhân loại. Ông không chỉ nổi tiếng với tư cách là nhà nhân văn mang tư tưởng tiến bộ hướng về quyền bình đẳng, tự do cho con người mà còn được xem là người khai sinh ra tiểu thuyết hiện đại, đặc biệt là loại tiểu thuyết phiêu lưu. Hình thức tiểu thuyết này được kế thừa bởi nhiều nhà văn thuộc các thế hệ sau như Đi-phô (Anh), Mac Tuên (Mĩ)... Đặc biệt, Xéc-van-téc còn khai sinh ra kiểu nhân vật lưỡng diện, vừa điên rồ vừa sáng suốt, dùng tiếng cười và thủ pháp lạ hóa điêu luyện trong việc bóc trần những thói hư tật xấu của con người và xã hội. Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa của ông trở thành những biểu tượng bất hủ của mọi thời.
Xéc-van-téc sinh năm 1547 tại An-ca-la Đơ Hê-na-rex, gần thủ đô Ma-đrit. Cha ông là một thầy thuốc nghèo đông con. Thuở ấu thơ, Xéc-van-téc chịu nhiều khổ cực, cùng gia đình di chuyển qua nhiều thành phố để kiếm sống. Việc học của ông, vì thế phải chịu nhiều phen gián đoạn. Theo các tài liệu đáng tin cậy, ta biết Xéc-van-téc tốt nghiệp tại Học viện nhân văn (Humanist academy)(có ý kiến khác cho rằng ông tốt nghiệp đại học thần học) ở Ma-đrít. Năm 1569, Xéc-van-téc rời Tây Ban Nha sang I-ta-li-a và một năm sau, ông gia nhập quân đội Tây Ban Nha.
Xéc-van-téc trưởng thành dưới thời vua Phi-lip Đệ nhị (1556–1589). Giai đoạn này Tây Ban Nha là cường quốc số một của Châu Âu. Sau sự kiện Cri-xtốp Cô-lông tìm ra châu Mĩ vào năm 1492, Tây Ban Nha đẩy nhanh quá trình đầu tư và khai thác thuộc địa. Nhờ vào sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân với hạm đội Ác-ma-đa, Tây Ban Nha vừa mở rộng thuộc địa, vừa tăng cường cướp bóc trên biển, nên chẳng mấy chốc đã trở nên giàu có. Tuy nhiên, tiền của lại rơi vào tay quý tộc phong kiến, khoảng cách giữa người giàu người nghèo ngày càng nới rộng hơn. Sự xa xỉ trong cung đình và sự xao lãng trong sản xuất, cùng với mâu thuẫn trong nội bộ giới lãnh đạo đã khiến cho Tây Ban Nha suy thoái kể từ giữa thế kỉ mười sáu. Khi hạm đội Ác-ma-đa bị bão vùi quá nửa lúc đang tiến đánh nước Anh và sau đó là sự bại trận thảm hại đã khiến Tây Ban Nha mất quyền thống trị mặt biển, làm giảm nguồn lợi nhuận đáng kể, khiến đất nước rơi nhanh vào khủng hoảng.
Xéc-van-téc trực tiếp chứng kiến những đổi thay này. Năm 1571, ông tham gia trận thủy chiến Lê-pan-tô chống quân Thổ Nhĩ Kì. Tinh thần quả cảm của ông được ngợi khen nhưng trận chiến ấy đã để lại thương tật vĩnh viễn trên bàn tay trái của ông. Sau đó ông còn tham gia nhiều trận đánh lớn trên biển Địa Trung Hải trước khi quay về Tây Ban Nha từ Na-plơ. Không may cho Xéc-van-téc, ông bị bọn cướp biển Bắc Phi bắt giữ làm tù binh để đòi tiền chuộc. Khoản tiền quá lớn khiến gia đình ông không thể đáp ứng, triều đình thì không hề quan tâm. Do vậy, Xéc-van-téc phải sống trong cảnh mất tự do năm năm ở An-giơ. Thời gian này, ông có điều kiện tiếp xúc với văn hóa Hồi giáo và hiểu biết những xung đột giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo để về sau dùng làm tư liệu cho nhiều trang viết thành công của mình. Chặng đường mười năm luân lạc (1570–1580) đã được Xéc-van-téc hư cấu thành chuyện của một người tù trong Đôn Ki-hô-tê (phần một, chương 39 – 41).
Năm 1580, nhờ khoản tiền chuộc giảm xuống vì những kẻ bắt giữ khâm phục lòng dũng cảm của ông (ông tổ chức vượt biển bốn lần nhưng không thành công và lần nào cũng nhận trách nhiệm về mình), gia đình và bạn bè mới có thể quyên góp để mua lại tự do cho ông. Lúc này Xéc-van-téc đã quá thấm thía về cảnh tù tội, sự vô trách nhiệm của triều đình song bù lại, ông có khoảng thời gian trực tiếp nếm trải và chiêm nghiệm cuộc đời. Đấy là khối tài sản vô giá cho sự nghiệp văn chương ông.
Ở Ma-đrít, Xéc-van-téc bắt đầu con đường sáng tác của mình. Ông làm thơ, nhưng không thành công. Ông viết kịch (khoảng ba mươi vở) song chẳng một vở nào được trình diễn. Ông viết tiểu thuyết đồng quê (pastoral romance), La Ga-la-te-a (1585) nhưng chẳng gây được tiếng vang... Như thế cuộc sống vất vả gian truân của ông lại càng gian truân hơn. Năm 1587, Xéc-van-téc nhận chân ủy viên hội đồng cung ứng lương thực cho Hạm đội Ác-ma-đa (một năm sau, Ác-ma-đa qua thời hoàng kim vì bại trận dưới tay người Anh và trở thành gánh nặng về chi phí đối với đất nước) mà thực chất là đi đốc thuế. Vì công việc mà Xéc-van-téc nhiều lần mâu thuẫn với nhà thờ và giới quý tộc (bởi đó là hai đối tượng chiếm giữ nhiều đất đai và phải nộp thuế nhiều). Bi đát hơn, vào năm 1597, Xéc-van-téc phải ngồi tù vì sự phá sản của ngân hàng Se-vi-li-an nơi ông gửi số tiền thuế để chuyển về nộp tại Ma-đrít. Trong thời gian này ông nảy ý định viết Đôn Ki-hô-tê. Phần một của cuốn tiểu thuyết được hoàn thành vào năm 1605. Ngay lập tức, tên tuổi của ông vang dội khắp Tây Ban Nha và châu Âu. Sách được tái bản và phát hành tới hàng triệu cuốn nhưng Xéc-van-téc nghèo vẫn cứ nghèo vì tiền rơi hết vào tay các nhà xuất bản và lãnh chúa bảo trợ. Cảnh cơ hàn của Xéc-van-téc đã được lưu truyền qua giai thoại sau: năm 1615, nhân chuyến thăm Tây Ban Nha, đoàn sứ giả Pháp đến thăm Xéc-van-téc. Thấy sự nghèo khổ của ông, một người thốt lên, – “Sao ! Một con người như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ cung dưỡng và làm cho giàu có ư !”. Người khác nói thêm một cách ý nhị, “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo khổ như ông làm giàu cho thiên hạ” (Đôn Kihôtê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Trương Đắc Vỵ dịch, Nxb Văn học, H.,1997, tr. 8, tập 1). Năm 1613, Xéc-van-téc hoàn thành tập Truyện nêu gương. Tập truyện ngắn này mang lại cho ông danh tiếng là Bô-ca-xi-ô của Tây Ban Nha. Nhưng vào thời điểm ấy, độc giả chú ý đến tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê nhiều hơn. Trong lúc Xéc-van-téc đang dốc sức hoàn thành phần hai của cuốn tiểu thuyết trứ danh thì có kẻ định cướp công của ông bằng cách tung ra thị trường phần hai của Đôn Ki-hô-tê vào năm 1614. Cuốn này, dĩ nhiên không thể sánh bằng cuốn của Xéc-van-téc. Sự việc ăn cắp trắng trọn này đã được Xéc-van-téc viết rõ trong phần hai Đôn Ki-hô-tê của mình, xuất bản năm 1615.
Về đời tư, kể từ năm 1582, Xéc-van-téc chung sống với A-na Phran-ca Đơ Rô-giax, hai người sinh được cô con gái I-sa-ben. Đến năm 1584, Xéc-van-téc chia tay với A-na để kết hôn với Ca-ta-li-na Đơ Sa-la-da nhưng không có con.
Xéc-van-téc qua đời ngày 22 tháng 4 năm 1616. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản sau khi ông mất là Pơ-xi-lex Xi-gi-xmun-đa (1617)