Nước Việt Nam ta, đến thế kỷ XI dưới triều nhà Lý, đã chính thức mở các khoa thi, để chọn những người giỏi chữ nghĩa, đỗ đạt, bổ dụng vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước phong kiến thời bấy giờ. Thí sinh trúng tuyển được xếp theo thứ bậc “Tam giáp”, tương ứng với các khoa thi hương thi hội, thi đình thời sau. Đặc biệt, dưới thời vua Trần Thái Tông (1218-1277), đến khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình (1247), lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta, đã đặt ra danh hiệu “Tam khôi”, để chọn những thí sinh đỗ cao nhất, theo ba bậc là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Khoa thi năm Đinh Mùi này đã xảy ra hiện tượng rất lạ, không gặp lại ở tất cả các khoa thi sau. Đó là cả 3 học trò chiếm bảng Tam khôi đều có độ tuổi thiếu niên. Đặng Ma La đỗ Thám hoa mới 14 tuổi, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn 17 tuổi. Đặc biệt, người đỗ Trạng nguyên, đứng nhất tam giáp là một cậu bé mới có 12 tuổi, tên là Nguyễn Hiền (1235-1255), người thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày nay. Sử còn cho biết, đề thi khoa này như sau: “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú”. Nghĩa là: “ Bài phú vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ”. . Ngày nay đọc đề thi trên, chắc trong chúng ta nhiều người cũng cảm thấy khó! Nó đòi hỏi phải nắm vững các loại thể văn đương thời để diễn đạt sao cho đúng thể phú, vừa phải có kiến thức sách vở, kiến thức cuộc sống, óc tư duy sáng tạo, hiểu đúng đề ra và lập luận sao cho chặt chẽ, hợp lý. Thế mà ở tuổi 12, Nguyễn Hiền đã làm được một bài thi rất xuất sắc, được đánh giá hay nhất so với tất cả các bài làm của thí sinh nhiều tuổi hơn trong khoa thi này. Sử sách hiện còn, không thấy chép nội dung bài thi trạng nguyên của Nguyễn Hiền. Song mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy ở đền thờ ông tại thôn Dương A có lưu giữ một bài phú bằng chữ Hán, tương truyền là bài thi của Nguyễn Hiền. Tuy chưa thể khẳng định được chắc chắn đây là nội dung luận văn Trạng nguyên, nhưng cũng xin nêu ra để tham khảo. Nội dung bài "vịt con giã mẹ gà..." Mở đầu bài thi, thông qua việc mô tả cảnh vật, Nguyễn Hiền cho biết mùa xuân đã trôi qua, vịt con đến tuổi khôn lớn, không còn phụ thuộc hẳn vào mẹ gà nữa: ...” Én không hót trong nhà Chim không kêu nơi rừng Dòng xanh sóng biếc Nước ánh sáng hồng Vịt con lông mượt dỡn nước Dáng vẻ như chim âu đang đứng Trời phú cùng họ vũ với gà Vịt con từ giã mẹ dạo chơi hồ” Tiếp theo tác giả phác họa mối quan hệ giữa vịt con và mẹ gà. “ Trứng nguyên là vịt sinh ra Ổ vẫn nhờ gà ấp đỡ Đủ ba tuần thì nứt vỏ Thân thể hoàn hảo như muôn loài” Theo lễ giáo phong kiến thì con bắt buộc phải luôn ở bên mẹ, không được rong chơi xa. Nhưng để lý giải chủ đề nói trên, Nguyễn Hiền đã lập luận trong trường hợp này vịt con có thể từ giã mẹ đi chơi, bởi lẽ mẹ gà là khác giống, nên có thể châm chước. Vả lại có rời khỏi mẹ thì vịt mới hòa nhập vào đàn và mới trưởng thành được. Đó cũng là nhu cầu tất yếu do trời đất sinh ra đối với vịt con. Tác giả đã sử dụng văn bút tài hoa của mình để mô tả nỗi lòng vịt con qua cảnh vui chơi hết sức vui vẻ, tự do và sung sướng. Chẳng hạn: “... Có lúc vịt bơi dập dềnh trên sông Bến xa sóng lặng Đậu nơi thảm cỏ, mắt lim dim dưới ánh sáng mặt trời Ngủ nơi gió mát trời che Mặc đời không hề lo lắng!” Hoặc: “ Có lúc vịt làm rối tung đám cỏ xanh Xua tan tác những cụm bèo Trốn thuyền cá mà làm bạn với cò Khi chơi ở bãi âu, khi tắm ở vũng hạc Gần nhau ríu rít, líu lo bên sông Lúc bay lúc dừng như đôi chim câu Từng cặp từng đôi tựa anh em nhạn” Nguyễn Hiền chốt lại ý vịt con từ giã mẹ gà như thế là hợp lý bởi: “...Để được tự do bay nhảy theo lẽ tự nhiên Mẹ vịt con gà là không thuận lý Thì làm sao cắt đứt được nỗi nhớ của giống chim ưng xưa?” Điều đáng nói là tuy tuổi còn nhỏ, song Nguyễn Hiền đã nhận thức được chủ ý của đề ra, muốn hỏi về chữ hiếu của con đối với cha mẹ. Vì thế trong phần kết tác giả đã lập luận: “...Người ta thờ cha mẹ bất kính thì sinh ra hỗn loạn Không lấy kính làm phụng dưỡng cha mẹ thì khác gì loài cầm thú. Nếu như điều kính mà con cái không làm được Thì lấy gì để phân biệt chúng với loài gà vịt. Huống hồ đạo của người con phải thờ cha mẹ Cha mẹ còn thì không được đi chơi xa Nếu có đi phải phũng dưỡng hết lòng Như thế mới có thể bàn luận vịt con từ giã mẹ gà vậy!” Một giai thoại về Trạng nguyên để chỏm Giai đoạn dân gian cho biết thêm, khi biết thí sinh đỗ Tam khôi là một cậu bé tóc còn để chỏm, vua Trần Thái Tông rất lấy làm lạ, bèn cho đòi Trạng vào bệ kiến. Nhà vua hỏi Trạng học với ai mà giỏi giang thông minh trước tuổi vậy. Nguyễn Hiền đang tuổi trẻ con, đã thành thực trả lời: - Thần tự học lấy, nhưng có một đôi chữ không hiểu thì phải hỏi sư ông ở chùa làng! Vua Trần nghe Trạng nguyên nói năng tự nhiên chưa hiểu phép tắc, lễ giáo vua tôi, lại nói học giỏi, đỗ cao là do tự học, thì cho rằng kiêu căng, thì lệnh cho Trạng về nhà học thêm ba năm sau khôn lớn mới bố dụng làm quan. Nhưng chỉ ít lâu sau đó sứ Nguyên sang bài thơ thách đố triều đình ta: “ Lưỡng nhật bình đầu nhật Tứ sơn điên đảo sơn Nhị vương tranh nhất quốc Tứ khẩu tung hoành giang” Dịch là: “ Hai mặt trời, mặt trời bằng đầu Bốn trái núi, trái núi điên đảo Hai ông vua tranh nhau một nước Bốn cái miệng trong khoảng dọc ngang” Đây là lối chiết tự thời xưa hay dùng để thử thách tài năng. Triều đình ta bấy giờ không ai hiểu. Nhà vua sực nhớ tời Nguyễn Hiền bèn sai sứ đến triệu Trạng tới kinh để giải nghĩa. Trạng vừa nhìn thấy đã đoán ra ngay đó là chứ “ Điền”. Vì chữ “ Điền” có hình dáng giống như hai chữ “Nhật” là mặt trời bằng đầu để sóng hàng, giống hai chữ “Sơn” là núi xáo trộn đầu đuôi, cũng giống hai chữ “Vương” là vua tranh nhau một nước, hoặc 4 chữ “ Khẩu” là bốn cái miệng liền nhau ghép dọc ngang. Bấy giờ nhà vua không còn xem thường Trạng trẻ con nữa, bèn giao cho Trạng một chức quan trọng tại triều. Bài thơ ngũ ngôn “Thánh đê” này, hiện còn thấy đóng khung treo trong nhà thờ Trạng Hiền, cùng với bức hoành phi đề 4 chữ “Khai nguyên quốc Trạng” (Trạng nguyên đầu tiên của nước ta). Khoa thi năm Đinh Mùi dưới triều Trần này, lần đầu tiên đặt ra hiệu Tam khôi, mà Nguyễn Hiền, một cậu bé dưới 12 tuổi đỗ Trạng nguyên nhất bảng. Nhưng tiếc rằng Trạng mất quá sớm, có tài liệu nói rằng mới 21 tuổi, nên chưa có nhiều thời gian đem tài năng thi thố với đời, cống hiến cho đất nước. Còn người đỗ thứ hai là bảng nhãn Lê Văn Hưu, thì may mắn thọ đến 93 tuổi và là người chấp bút bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Thật là một kỳ thi tài đặc biệt, báo hiệu đất nước Nam có những thần đồng tuổi còn rất trẻ song tài cao, học rộng đủ sức đua tranh cùng thiên hạ! (Theo Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở VN)