Thứ nhất là bão. Hàng năm có khoảng 4 - 6 cơn bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam, và không ít năm chúng ta phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của 10 hoặc trên10 cơn bão đổ bộ, ví dụ như năm 1964 (18 cơn bão), năm 1973 (12 cơn bão), 1978 (12 cơn bão), 1989 (10 cơn bão).
Các tỉnh ven biển Miền Bắc và Miền Trung chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão. Ở Miền Nam, mặc dù bão có tần suất xuất hiện nhỏ, nhưng cũng có thể gây ra những thiệt hại to lớn do tính bất ngờ như cơn bão Linda năm 1997 làm cho khoảng 4 nghìn người chết và mất tích.
Bão thường kèm theo mưa lớn và nước dâng gây ngập úng trên diện rộng, nhiễm mặn đồng ruộng và ngọt hoá các vùng nuôi thuỷ sản mặn lợ. Bão gây sạt lở bờ biển và nhiều khi gây vỡ đê biển, phá huỷ công trình bờ, huỷ hoại cơ sở hạ tầng (đường xá, điện, nước), sập nhà, lật chìm tầu thuyền, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Bão ven bờ Việt Nam là thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản, nhiều khi ở mức khủng khiếp.
Nước dâng trong bão phát sinh chủ yếu do hiện tượng giảm khí áp trong bão, kết hợp với gió thổi dồn và mưa lớn. Nhiều khi, nước dâng do bão kết hợp với triều cường làm dâng cao mực nước bất thường trong bão. Nước dâng do bão xuất hiện với tần xuất cao và biên độ lớn từ Đà Nẵng trở ra phía bắc, đặc biệt nguy hiểm ở ven bờ châu thổ sông Hồng. Theo các số liệu thống kê và tính toán cho thấy khi bão đổ bộ vào dải ven bờ châu thổ sông Hồng mực nước biển dâng cao thường đạt 1,5 m và tối đa là 2,8 m.
Thứ hai, xói lở bờ biển, một hiện tượng phổ biến ở ven bờ cả ba miền của đất nước. Tổng các đoạn bờ xói lở thống kê được là 397 đoạn với tổng chiều dài 920,21km. Tốc độ xói lở trung bình phổ biến 5-10m/năm, nhưng có thể đạt tới 50-100m/năm và hơn thế nữa. Cường độ và tính bất thường xói lở bờ biển tăng lên rõ ràng gần đây và thiệt hại do xói lở gây ra rất lớn.
Xói lở bờ biển gây ra những hậu quả hết sức nặng nề: thiệt hại trực tiếp về sinh mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và đất đai; gây ra các tai biến ven bờ khác, và suy thoái môi trường sinh thái như ngập lụt, ngọt hoá, nhiễm mặn, nhiễm bẩn; tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội kém bền vững, hiệu quả đầu tư thấp, hạn chế khả năng đầu tư lớn và dài hạn, di dân và tâm lý không ổn định trong đời sống, sản xuất.
Hàng năm, một khối lượng lớn công sức, tiền của Nhà nước và nhân dân phải bỏ ra để tu bổ, nâng cấp đê kè nhưng xói lở lâu dài vẫn là một hiểm họa lớn đối với nhiều đoạn bờ.
Thứ ba, sa bồi luồng bến. Đối với ngành giao thông, sa bồi luồng bến đã trở thành hiện tượng phổ biến. Luồng vào cảng Hải Phòng đã từng bị sa bồi nghiêm trọng. Từ năm 1920 đến 1992, độ sâu luồng cảng giảm từ 6m xuống 4m, trong khi lượng nạo vét tăng từ 2 lên 4 triệu tấn mỗi năm. Các cảng khác như Cửa Lò, Sài Gòn, Cần Thơ; Hải Thịnh... đều phải đối mặt với nạn sa bồi. Nhiều cảng nhỏ, bến cá khác bị sa bồi trực tiếp tại bến hoặc cửa luồng. Sa bồi gây bồi lấp cửa sông và cửa biển. Ở nhiều cửa sông và cửa đầm phá Miền Trung, sa bồi gây lấp kín cửa với thời khoảng kéo dài có khi đến trên chục năm.
Thứ tư, xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn do bão làm vỡ đê gậy ngập lụt nước biển trên diện rộng; do thẩm thấu mặn nước dưới đất và xâm nhập mặn ngược sông do áp lực thuỷ triều. Xâm nhập mặn ngược sông có quy mô lớn nhất trên cả nước. Sự kết hợp một số yếu tố như mực biển dâng cao, thời tiết khô hạn, giảm tải lượng sông do xây đập thuỷ điện và sử dụng nước tưới cho nông nghiệp đã dẫn đến xâm nhập mặn tăng lên.
Vấn đề này không chỉ nghiêm trọng đối với nước nông nghiệp, sinh hoạt mà còn đối với một số lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thuỷ sản. Trên hệ thống sông Mê kông, hơn 1,7 triệu ha đồng bằng chịu tác động nhiễm mặn. Diện tích này có thể tăng lên 2,2 triệu ha trong tương lai gần, nếu không có giải pháp quản lý phù hợp.
Thứ năm, tai biến ngọt hoá vùng ven bờ biển, cửa sông và đầm phá, thường gắn liền với tai biến ngập lụt vào những dịp mưa bão lớn và vào các năm La Nina. Thiệt hại do tai biến này chủ yếu đối với ngành nuôi thuỷ sản mặn lợ.
Ngọt hoá kèm đục hoá còn làm suy thoái các hệ sinh thái ven bờ, làm chết san hô, cỏ biển và một số loài sinh vật ưa mặn khác.
Thứ sáu, ngập lụt ven bờ đang tăng lên cả về cường độ và tần xuất xuất hiện do mưa lớn, mực nước biển dâng cao, mất rừng đầu nguồn và lấp kín các cửa sông, cửa lạch biển do sa bồi.
Ngập lụt ven biển đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm khi xuất hiện mưa lớn trùng nước dâng trong bão và triều cường. Vào những năm El Nino khô hạn, các cửa sông, cửa biển thường bị bồi cạn do động lực biển. Nếu ngay sau đó có La Nina, mưa lớn rất dễ sinh ngập lụt ven bờ.
Ngập lụt ven bờ gây ra những hậu quả nặng nề như người chết, hủy hoại lúa và hoa mầu, đắm thuyền, ngập và đổ nhà cửa, thiệt hại gia súc, ngư cụ, phá hủy cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, đê kè, xói lở bờ, đất ô nhiễm môi trường sống và đảo lộn cuộc sống dân cư.
Thứ bảy, cát di động, là một quá trình bồi tụ đặc biệt, gây hậu quả nghiêm trọng - bồi lấp đất canh tác, gây ách tắc dòng chảy và hạn chế khả năng thoát lũ, sa bồi và vô hiệu hóa hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn, bồi lấp ruộng vườn, nhà cửa, thu hẹp đất thổ cư..., gây ảnh hưởng rất lớn tới các điều kiện sinh cư của cộng đồng vùng cát ven biển.