Các sự vật và hiện tượng không tồn tại độc lập, tách rời nhau: mà giữa chúng có những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau với mức độ và phạm vi khác nhau tùy theo từng đối tượng cụ thể: "Mạ nhờ nước, nước nhờ mạ”, “Hồ cậy rừng, rừng cậy hồ”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Gần lửa rát mặt”, “Cháy thành vạ lây”, “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, “Thớt trên mòn, thớt dưới cũng mòn’, “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”, “Cả nhà làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ”, “Lê tồn Trịnh, tại Lê bại Trịnh vong”…
Mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng được tục ngữ thể hiện khá phong phú và sinh động, tuy không phải dùng đến khái niệm “Chất, lượng, độ, thuộc tính” như triết học. Phân biệt chất khác nhau được tạo nên bởi những thuộc tính khác nhau: “Chẳng chua cũng thể là chanh, chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây”. Chất khác nhau tạo ra những giá trị khác nhau: “Trăng mờ còn tỏ hơn sao, dẫu rằng núi nở còn cao hơn đồi”. Không thể lấy lượng thay chất được dù rằng lượng đó gấp bao nhiêu lần: “Trăm đom đóm không bằng bó đuốc, trăm hòm chỉ chẳng đúc lên chuông”. Chất bao giờ cũng được coi trọng hơn lượng. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “Văn hay chẳng lọ dài dòng”… và rất nhiều câu diễn tả sự thay đổi về lượng khi “vượt độ” sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất: “Quá mù ra mưa”, “Tốt quá hoá lốp”, “Mèo già hoá cáo”, “Góp gió thành bão, góp cây nên rừng”… Đặc biệt có câu thể hiện sự chuyển hoá lẫn nhau giữa khái niệmlượng và khái niệm chất: ”Gò với núi cũng kể loài cao, bể với ao cũng kể loài thấp”.
Mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng được tục ngữ nói đến ở nhiều góc độ và mức độ khác nhau, rất thực tế và linh hoạt. Bản chất bao giờ cũng bộc lộ qua hiện tượng: "Người khôn dồn ra mặt", "Khôn ngoan hiện ra nét mặt, què quặt hiện ra chân tay". Có thể căn cứ vào hiện tượng đề kết luận về thực chất sự vật: "Nứa trôi sông chẳng giập thì gẫy, gái trồng rẫy chẳng chứng nọ cũng tật kia". Hiện lượng khác nhau nhưng bản chất chi là một: “Khác lọ cùng một nước". Cái bề ngoài thì dễ thấy nhưng cái bên trong thì khó mà thấy: "Họa hổ hoạ bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm". Phải cảnh giác với những hiện tượng xuyên tạc bản chất: "Thủ thỉ nhưng mà quỷ ma", "Tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi"...
Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả (gọi tắt là quan hệ nhân quả) cũng được thể hiện trong nhiều câu tục ngữ: "Không có lửa sao có khói", “Gieo gió gặt bão”, “Trèo cao ngã đau”, “Nguồn đục dòng cũng đục”, “Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dừng ai dễ đặt điều cho ai”…
Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong tục ngữ được thể hiện như là sự gắn bó và phân biệt giữa cá thể và và loài trong thế giới sinh vật: “Thân chim cũng như thân cò”, “Lòng vả cũng như lòng sung, một trăm con lợn cũng chung một lòng”, “Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật”…
Quan hệ mâu thuẫn trong tự nhiên và xã hội được trình bày như là “sự trái ngược” đơn thuần: “Được mùa cau, đau màu lúa”, “Được người mua, thua người bán’, “Được lòng ta xót xa lòng người”, “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”…
Bên cạnh những tư tưởng duy vật và tư tưởng biện chứng có tính chất trực quan đó, nhân dân lao động ngày xưa, do thế giới quan không thuần nhất, do trình độ nhận thức còn thấp kém và do bị áp bức nặng nề trong xã hội có giai cấp đối kháng nên không tránh khỏi những tư tưởng duy tâm và mê tín dị đoan. Tuy có nghi ngờ, không tin vào các loại "thầy" cụ thể làm nghề mê tín, nhưng họ lại tin vào thần thánh, vào vận hạn, vào tướng mạo và những dấu vết trên cơ thể con người, vào ngày giờ lành dữ, và nhất lả tin vào số mệnh (những câu tục ngữ nói về "số" cũng nhiều hơn về các thứ mê tín khác): "Đất có thổ công, sông có hà bá," "Trời cho hơn lo làm", "Một khoáy sống lâu, hai khoáy trọc đầu, ba khoáy chóng chết", "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba", "Từ sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên", "Trăm đường tránh chẳng khỏi số", "Tốt số hơn bố giầu', "Số giàu tay trắng cũng giàu, số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo"...
Những tư tưởng duy tâm, mê tín nói trên không những chi phối nặng nề đời sống của nhân dân lao động nước ta trong các xã hội trước đây, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận nhân dân trong xã hội ta ngày nay, đặc biệt là đối với lớp người làm nghề buôn bán và tầng lớp thanh niên gặp nhiều khó khăn, trắc trở về tình duyên, về công việc làm ăn... Đó cũng là điều khó tránh khỏi. Chi có sự phát triển của đời sống xã hội và kinh nghiệm thực tế của mỗi người mới có thể dần dần khắc phục và loại trừ những quan niệm sai lầm trong thế giới quan và nhân sinh quan.
Ý nghĩa triết học của kho tàng tục ngữ Việt Nam rất rộng lớn, phong phú, muôn hình, muôn vẻ. Đó là những di sản quý báu “Những viên ngọc quý” của đời sống tinh thần được coi như một trong những điểm tựa về tư tưởng truyền thống của dân tộc mà chúng ta cần và có thể chọn lọc, kế thừa và sử dụng trong cuộc sống mới hiện nay.