Ấn Độ là thuộc địa lớn nhất và giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống thuộc địa của thực dân Anh. Về chính trị, Ấn Độ tạo lợi thế cho đế quốc Anh trong so sánh lực lượng với các đế quốc khác. Về kinh tế, thuộc địa rộng mênh mông này cung cấp cho Anh nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào (đặc biệt là bông, sợi), nguồn nhân công rẻ mạt và nguồn lợi nhuận cao. Về quân sự, đây là vị trí chiến lược giúp Anh khống chế và bảo vệ cả vùng Ấn Độ Dương, các thuộc địa ở Đông Nam Á, Trung Đông. Do vậy, thực dân Anh luôn tìm cách duy trì sự thống trị của chúng ở Ấn Độ .
Nền thống trị của Anh ở Ấn Độ, một mặt làm cho đời sống nhân dân ngày càng trở nên bần cùng, song mặt khác, nó đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội Ấn Độ . Kinh tế tư bản chủ nghĩa xâm nhập vào các cộng đồng, liên kết người dân Ấn Độ thành một khối trong ý thức dân tộc, giai cấp tư sản Ấn Độ ngày càng lớn mạnh, vươn lên lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc thông qua chính đảng của nó - Đảng Quốc Đại. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ càng trở nên mạnh mẽ hơn kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Anh đã tìm mọi cách huy động sức người, sức của của Ấn Độ nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc của chúng. Chúng đã cướp đi của nhân dân Ấn Độ 36 triệu tấn trang thiết bị vật tư các loại, 5 triệu tấn lương thực và 1,5 triệu người. Điều này làm cho đời sống người dân càng trở nên cùng cực. Trong những năm 1918 -1919 hơn 12 triệu người Ấn Độ bị chết đói.
Mặt khác, để bòi rút tối đa của cải ở Ấn Độ và giữ Ấn Độ trong trại thái an toàn, thực dân Anh đã đưa ra những nhượng bộ chính trị và kinh tế cho tư sản Ấn Độ. Lợi dụng hoàn cảnh này, tư sản Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh trong những năm chiến tranh. Cùng với quá trình đó số lượng công nhân Ấn Độ cũng tăng lên. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất số lượng công nhân chưa đến 1 triệu người, sau chiến tranh đã tăng lên 2,5 triệu người.
Trong lúc những mâu thuẫn gay gắt của xã hội Ấn Độ đang diễn ra, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra đã làm cho thực dân Anh lo sợ. Một mặt chúng tìm cách trấn áp những người yêu nước bằng cách thông qua đạo luật Râulét vào tháng 3 năm 1919, mặt khác chúng tìm cách thoả hiệp với các giai cấp tư sản và địa chủ Ấn Độ bằng cách đưa ra cải cách Môntagu - Tremmơsphod hòng ổn định cục diện chính trị ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Ấn Độ đã bùng nổ một phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất kể từ sau 1905, dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc Đại, theo đường lối của M.Ganđi.
Mahatma Ganđi (02/06/1869 - 30/01/1948) tên thật là Mohandas Karamchand Ganđi, xuất thân trong một gia đình quan lại xứ Porbanđa, thuộc đẳng cấp Vaxia. Từ năm 1888 đến 1891 ông học luật ở Anh và sau đó hành nghề với tư cách luật sư ở Nam Phi (1893 - 1914). Tại Nam Phi, lần đầu tiên Ganđi họat động chính trị và nhanh chóng trở thành người lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống lại sự phân biệt đối xử ở Nam Phi. Các cuộc đấu tranh do Ganđi lãnh đạo ở Nam Phi đều được tổ chức với ý thức không sử dụng bạo lực. Ông đặt tên cho hình thức đấu tranh này là Satiagraha, tức là "kiên trì chân lý" và nó trở thành hạt nhân học thuyết "Bất bạo lực"- cốt lõi của đường lối đấu tranh do Ganđi đề xướng.
Điều chú ý là Ganđi kiên quyết chống lại việc áp dụng cho thuật ngữ Satiagraha bằng thuật ngữ "phản kháng thụ động", bởi chúng khác nhau "như cực Bắc khác với cực Nam", đó là sự khác nhau giữa một "vũ khí mạnh mẽ nhất" với một vũ khí yếu ớt. Theo Ganđi, người Ấn Độ cần sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo lực, vì: "nếu chúng ta đối xử với người Anh một cách công bằng và hợp lý, thì ngày giải phóng đất nước Ấn Độ chúng ta càng sớm đến. Trái lại, nếu ta coi họ như thù nghịch, thì ngày đó chưa biết đến bao giờ", vả lại "bản ngã của con người là sự ôn hoà, mực thước" và "người Ấn Độ còn nhiều sứ mệnh cao cả phải theo đuổi chứ đâu chỉ có mục đích trừng trị những kẻ độc ác trên trái đất này", hơn nữa "tôn giáo không dạy ta ghét bỏ người ngoại quốc. Tôi còn để lòng nhân lên trên lòng yêu nước của tôi".
Cùng với tư tưởng bất bạo lực, Ganđi đề ra tư tưởng "bất hợp tác" và xem đó là một trong những biện pháp đảm bảo sự thắng lợi của cuộc đấu tranh. Ông nói: "Ai giữ đất Ấn trong tay người Anh? chính là chúng ta vậy, chúng ta thích những sự tiện lợi của nền văn minh máy móc người Anh mang đến. Chúng ta ham lợi mà buôn bán với họ". Theo ông, "Người Ấn không thể chống lại người Anh về phương diện này, mà còn hợp tác với họ về phương diện kia", "Tẩy chay hàng hoá của người Anh chưa đủ, còn phải tẩy chay các học đường, các toà án, các công sở, tư sở, các huy chương khen tặng của người Anh; tóm lại, bất hợp tác trong tất cả mọi ngành”. Bởi vì "phong trào bất hợp tác không có tính cách tranh đấu tích cực như hội họp và kích thích dân chúng công nhiên kháng Anh, nên không thể gây ra đổ máu được".
Để đảm bảo cho công cuộc giải phòng Ấn Độ theo đường lối "bất hợp tác trong bất bạo lực”, Ganđi chủ trương tiến hành đoàn kết các lực lượng dân tộc. Ông luôn đấu tranh cho sự hoà hợp dân tộc, đặc biệt là vấn đề đẳng cấp và tôn giáo.
Học thuyết của Ganđi về bất bạo lực thể hiện tính chất phức tạp và hai mặt trong lập trường của tư sản Ấn Độ. Một mặt tư sản Ấn Độ muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào tư bản Anh nên ban đầu huy động quần chúng đấu tranh, mặt khác tư sản Ấn Độ cũng không muốn quyền lợi của mình bị đe dọa nên họ đã hạn chế cuộc đấu tranh này trong phạm vi bất bạo lực. Tuy nhiên, trong một xã hội mà sự phân chia đẳng cấp và tôn giáo cùng với ách thống trị thực dân đã làm mờ đi những mâu thuẫn về giai cấp thì đường lối của Ganđi đã được chấp nhận. Ông là người đã tiến hành "Tổng kết hệ thống qua điểm triết học và đường lối chính trị, xã hội của tư sản Ấn Độ”(1) và được toàn thể nhân dân Ấn Độ gọi bằng cái tên trìu mến Mahatma (Tâm hồn vĩ đại).