Cuộc chinh phục này được bắt đầu bằng sự kiện Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ tộc Mãn Châu, tự xưng là Khả hãn và tuyên bố Thất đại hận (bảy điều hận). Sau khi tuyên bố Thất đại hận, quân Mãn Châu tấn công Phủ Thuận và tiếp nhận sự đầu hàng của tướng nhà Minh giữ thành là Lý Vĩnh Phương (chết năm 1634). Năm sau, nhà Minh đem 10 vạn quân dưới sự giúp đỡ của Triều Tiên và Diệp Hách chia thành bốn đường tấn công Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Kết quả là quân Mãn Châu giành được thắng lợi to lớn trước liên quân Minh-Triều-Diệp Hách tại thị trấn Tát Nhĩ Hử.
Nhà Minh đã quá mệt mỏi với một loạt những xung đột với người Mãn ở biên giới, thêm vào đó bạo loạn xảy ra, kinh tế suy sụp nên thế nước ngày một đi xuống. Cuối cùng, ngày 26 tháng 5 năm 1644, quân khởi nghĩa nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo chiếm được Bắc Kinh, hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh treo cổ tự sát trên một cây hòe trên Môi Sơn ngoài Tử Cấm Thành. Quân Mãn Châu nhờ Ngô Tam Quế dẫn đường tiến vào Bắc Kinh, tiêu diệt chính quyền Đại Thuận của Lý Tự Thành. Nhà Thanh chính thức cai trị Trung Quốc cho đến năm 1911.
Một biểu hiện của sự thống trị người Mãn Châu đối với các dân tộc Trung Hoa đó là tục cạo nửa đầu. Đây là kiểu tóc đặc trưng của những người Mãn Châu, nhưng khi nhà Thanh đô hộ Trung Quốc thì hầu như những nam nhân Trung Quốc đều phải để kiểu tóc này. Có thể tạm chia cuộc chinh phục của người Mãn Châu đối với Trung Hoa (triều Minh) thành các giai đoạn gồm:
Giai đoạn khởi đầu: Bắt đầu bằng việc hưng thịnh và quật khởi của người Mãn Châu ở Đông Bắc thông qua việc thống nhât các bộ tộc nhỏ và hình thành quốc gia riêng của họ, điển hình là trận Sa Nhĩ Hữ đã đánh dấu sự có mặt và can dự của nhà Minh ở các vùng lãnh thổ phía Đông Bắc. Nhà Minh đã mất quyền kiểm soát của họ tại đây, còn người Mãn Châu đã không ngừng lớn mạnh về thanh thế và không ngừng nam tiến bằng những cuộc tấn công có quy mô ngày càng ác liệt. Nhân vật chính yếu của giai đoạn này chính là Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Kết thúc giai đoạn này có vẽ là trận Ninh Viễn lần thứ nhất với cái chết của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Giai đoạn giao tranh quyết liệt: Giai đoạn này có thể được đánh dấu bằng việc bát a ca Hoàng Thái Cực thay cha mình trở thành tộc chủ của người Mãn Châu và kế tục sự nghiệp của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Hoàng Thái Cực đã không ngừng phát động các chiến dịch nam tiến đánh nhà Minh mà còn thực hiện các chiến dịch đánh Mông Cổ, Triều Tiên để làm tiền đề cho cuộc đối đầu với nhà Minh. Rất nhiều chiến dịch, nhiều cuộc chiến đẫm máu giữa nhà Minh và người Mãn Châu diễn ra ở vùng biên thùy phía Bắc với sự tham gia của các dũng sĩ, tướng tá thiện chiến từ hai phía. Nhà Minh cũng đã nhận thấy mối hiểm họa hàng đầu từ phía người Mãn Châu nên đã dốc sức phòng thủ phương Bắc. Nhiều đơn vị quân đội tinh nhuệ và các tướng tá giỏi được điều đến biên cương tạo thành một bức tường sắt ngăn cản quân du mục. Chính vì lẽ đó, chiến trường chính diễn ra ở vùng biên cương mặc dù từng có một lần quân Mãn Châu đã tiến được về Bắc Kinh. Kết thúc gia đoạn này là sự kiện viên tướng rường cột Viên Sùng Hoán bị loại trừ bằng một kế ly gián của Hoàng Thái Cực.
Giai đoạn xâm nhập: Mặc dù có những nỗ lực lớn nhưng người Mãn Châu vẫn chưa thể khoan thủng Sơn Hải Quan để tràn về vùng quan nội, Hoàng Thái Cực đã chết trong khi đại nghiệp vẫn chưa thành. Tuy vậy về phía Nhà Minh lại xảy ra biến động lớn. Do chính sách cai trị hà khắc và sự suy vong khiến nhân dân ai oán. Lý Tự Thành đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa rất lớn, đánh đổ nhà Minh và lập thành triều Đại Thuận nhưng một đại thần của nhà Minh là Ngô Tam Quế vì hận việc Lý Tự Thành cướp vợ của ông này nên đã liên kết với quân Thanh để đánh Lý Tự Thành. Đa Nhĩ Cổn viên tướng chủ chốt của nhà Thanh đã nhân cơ hội này phối hợp cùng Ngô Tam Quế hợp sức đánh bại Lý Tự Thành. Sự kiện quân Thanh vượt qua Sơn Hải Quan đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến. Người Mãn Châu đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Hoa và người Trung Quốc đã không thể kiểm soát tình thế và không thể buộc người Mãn Châu quay trở lại miền quan ngoại được nữa. Ngô Tam Quế trở thành tội đồ của người Trung Quốc và chính ông này cũng bị thanh trừng bằng những chiến dịch bình định sau đó của người Mãn Thanh.
Giai đoạn bình định, hoàn thành đại nghiệp: Sau khi xâm nhập vào quan nội, người Mãn Châu đã tỏa đi khắp Trung Hoa bằng những kế sách và sự phát triển không ngừng của mình. Họ đã chia rẽ chính người dân Trung Hoa để thuận tiện cho việc cai trị mà thế cục Tam phiên là một điển hình. Dần dần từ phía Bắc, người Mãn Châu tràn xuống phương Nam tiêu diệt lần lượt từng phiên và cuối cùng là đánh bại Ngô Tam Quế tại Vân Nam. Vị vua trẻ tuổi Khang Hi là nhân vật tiêu biểu trong giai đoạn này, chính ông đã học hỏi tinh hoa người Hán, tham khảo phương Tây để có những chính sách trị vì hợp lý, dần xoa dịu sự phẫn nộ của người Hán và từng bước xây dựng một triều đình của nhà Thanh trở thành vương triều chính thống của người Hán. Ông cũng mạnh tay dẹp bỏ những phong trào phản Thanh, phục Minh đang bùng phát lúc bấy giờ, đồng thời tiến hành các chiến dịch thu phục đảo Đài Loan, các vùng Tân Cương, Tây Tạng để hình thành nên bản đồ của đế quốc Trung Hoa như cương vực ngày nay.