Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh được dân gian đặt là Trạng Nguyệt
Nguyễn Quốc Trinh (1625-674) người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, (nay là làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội), một trong 22 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước. Cuộc đời của vị Trạng nguyên này có nhiều điểm đáng chú ý. Trạng nguyên học tập muộn nhất Hoàn cảnh gia đình Nguyễn Quốc Trinh vất vả, khó khăn, ông mồ côi từ nhỏ nên không được đi học; về sau ông cùng em trai phải sang ở nhờ nhà anh rể, đến năm 17 tuổi phẫn chí mới bắt đầu tìm thầy xin học. Bà chị ông thấy em có chí nên cố gắng tần tảo để có tiền, gạo chu cấp cho em. Là người sáng dạ nên ông học nhanh, văn chương rất hay, đêm nào cũng học hết canh 3 mới đi ngủ; ban ngày đi làm nhưng hễ nghỉ tay là lại đọc sách. Xét theo sự nghiệp học tập của các Trạng nguyên trong nước thời đó, Nguyễn Quốc Trinh là người đi học muộn nhất nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, ông đã đạt được học vị cao mà không phải ai cũng có thể đạt được. Người làm nức tiếng thầy Là người chăm học nhưng cũng rất ham chơi, một hôm chị Nguyễn Quốc Trinh đến nhà thầy đồ thăm em, khi đi qua đê thì thấy ông không học mà đang chơi diều giấy ở ngoài đồng. Bà chị liền lôi cậu em vào trình với thầy học. Thầy giáo nhìn và nghiêm nghị nói: “Tội anh đáng phạt đòn. Nhân tiện có chị anh sang đây, ta cũng muốn để gia đình biết được sức học của anh. Nay thầy ra một vế đối, nếu anh đối được thì tha, đối không được ta sẽ đuổi về luôn”. Nói rồi thầy đọc: “Bất học, hiếu du, vi tỉ giáo (Mê chơi, chẳng học, quên lời chị). Nguyễn Quốc Trinh không cần nghĩ ngợi, đối ngay: “Đăng khoa, cập đệ, trọng sư danh (Thi đỗ, cao khoa, nức tiếng thầy)”. Câu đối đó làm cả thầy và chị gái Nguyễn Quốc Trinh hài lòng, vui vẻ. Sau này ông đã thực hiện được đúng lời đối của mình khi đỗ Trạng nguyên. Không xin chữ để đỗ Trạng Khoa thi năm Bính Thân (1656) đời Lê Thần Tông, Nguyễn Quốc Trinh cùng em trai là Nguyễn Đình Trụ về kinh ứng thí, tranh khôi đoạt giáp với mục tiêu đỗ đầu, giành học vị cao nhất. Khi đang làm bài, trong đề mục có một đoạn Nguyễn Quốc Trinh quên mất, không làm được liền ngồi suy nghĩ mãi nhưng vẫn không ra. Em trai ông ở lều thi cạnh đó biết thế định đọc cho ông chép nhưng Nguyễn Quốc Trinh thẳng thừng từ chối: “Từ xưa đến nay chưa có người nào đi xin chữ mà có thể tranh Trạng nguyên. Năm nay đỗ đầu thuộc về em, anh khóa tới nêu tên trên bảng vàng cũng chưa muộn”. Nói xong ông giả vờ bị ốm xin ra khỏi trường khi về nhà học tiếp. Quả nhiên đúng như lời Nguyễn Quốc Trinh nói, khoa thi năm đó lấy đỗ 6 Tiến sĩ, em trai ông đỗ đầu nhận học vị Đình nguyên đồng tiến sĩ. Xuất xứ tên gọi “Trạng Nguyệt” Trở về quê hương ôn luyện thêm kinh sách, đến khoa thi năm Kỷ Hợi (1659) đời Lê Thần Tông, Nguyễn Quốc Trinh lại đề tên ứng thí, lần này ông đỗ Trạng nguyên, đúng như mục tiêu đã đặt ra, năm đó ông 35 tuổi. Do ngôi làng Nguyệt Áng quê ông có tên Nôm là làng Nguyệt nên dân gian gọi Nguyễn Quốc Trinh là Trạng Nguyệt (ông trạng làng Nguyệt). “Thiên hạ là tôi đây” Sau khi đỗ Trạng, Nguyễn Quốc Trinh làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lại, tước Liên Trì tử rồi Bồi tụng (Phó Tể tướng). Mặc dù là người tin cẩn của chúa Trịnh Tạc nhưng vốn tính cương trực, khẳng khái, dám chỉ ra điều phải trái của chúa trước triều thần nên ai cũng kính phục Nguyễn Quốc Trinh. Bấy giờ công việc triều chính vua Lê chỉ là hư vị, thực quyền nằm trong tay chúa Trịnh vì thế một số đời chúa vẫn ngấp nghé cướp ngôi nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa dám thực hiện. Đến đời Tây vương Trịnh Tạc (1657-1682), muốn thử xem lòng người có phục không, chúa sai quân lính đắp một cái đài ở Thăng Long đặt tên là đài Thu Thiên. Đài đã được dựng cột đào móng, hình thành với quy mô rất bề thế. Trịnh Tạc cùng một số đại thần đến tận nơi xem xét, trong số đó có Nguyễn Quốc Trinh. Nhìn quang cảnh nguy nga, chúa quay sang hỏi: “Thế nào, ý ông ra sao?”. Nguyễn Quốc Trinh trả lời: “Khải chúa thượng, việc xây đài dựng cột, làm thế nào chẳng được, nhưng như thế này khiến lòng thiên hạ không vui đâu”. Chúa giận tái mặt hỏi lại: “Thiên hạ trăm nghìn người, mỗi người một ý, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng?”. Nguyễn Quốc Trinh bình thản đáp: “Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ”. Chúa nín lặng, không nói gì lên kiệu về cung. Đến tối hôm ấy, một cơn bão nổi lên, mưa gió dữ dội, sét đánh gãy mấy cây cột dài. Được tin báo, Trịnh Tạc cho đó là điềm trời không thuận nên đành bỏ, không cho dựng tiếp nữa. Vị sứ thần nhanh trí Năm Đinh Mùi (1667) Nguyễn Quốc Trinh được triều đình phong làm Chánh sứ dẫn đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. Biết ông là người giỏi thơ văn, vua Thanh là Khang Hy có lệnh triệu Nguyễn Quốc Trinh vào điện để thử tài. Khi ông đến thì thấy có cả sứ thần Cao Ly ở đấy, vua Thanh sai người mang ra hai chiếc thẻ tre dài chừng hai thước, rộng nửa thước rồi nói: “Hai sứ thần hãy viết tên 100 danh thần của Trung Quốc vào chiếc thẻ, ai viết xong trước sẽ được phong là Lưỡng quốc danh thần (Quan giỏi hai nước), bằng không chỉ là Độn thần (Quan ngu dốt)”. Thấy sứ Cao Ly chăm chú cầm bút, mài mực viết còn Nguyễn Quốc Trinh vẫn ngồi im lặng tỏ vẻ suy nghĩ nhưng mãi không viết được chữ nào, vua quan nhà Thanh rất ngạc nhiên. Một đại thần sốt ruột hối thúc, ông chỉ cười và nói: “Không có gì phải vội cả, tôi chỉ viết một loáng là xong ngay”. Khi thời hạn nộp thẻ sắp hết, sứ thần Cao Ly cũng sắp hoàn thành phần thi của mình, lúc đó Nguyễn Quốc Trinh mới viết hai dòng chữ lên thẻ tre rồi buông bút. Vua quan nhà Thanh tất thảy đều kinh ngạc không rõ ông trổ tài ra sao, bằng cách nào nên khi hai thẻ tre được dâng lên, vua Thanh cầm ngay chiếc thẻ của Nguyễn Quốc Trinh đọc thấy viết rằng: “Khổng môn thất thập nhị hiền/Vân Đài nhị thập bát tướng”. Nghĩa là: “Cửa Khổng có bảy mươi hai người hiền/Vân Đài ghi hai mươi tám tướng giỏi”. Ý nghĩa hai câu trên đều dẫn theo tích của Trung Quốc, theo đó vào thời Xuân Thu trong số các học trò của Khổng Tử nổi tiếng tài giỏi nhất có 72 người. Còn Vân Đài là một đài kỷ niệm được xây dựng thời vua Hán Vũ Đế, trên đó có khắc tên 28 danh tướng dũng lược của triều Hán; do đài xây cao vút như chạm đến trời nên mới có tên là Vân Đài (đài mây). Vậy là đã đủ 100 người tài giỏi của nước Tàu. Đọc xong thẻ tre, vua Thanh tấm tắc khen ngợi tài năng và trí thông minh của Nguyễn Quốc Trinh rồi phán rằng: “Sứ thần nước Nam rất xứng đáng là Lưỡng quốc danh thần”. Sau khi đi sứ trở về, do có công lớn nên triều đình thăng chức cho Nguyễn Quốc Trinh lên làm Tả thị lang bộ Lại, tước Liên Trì tử. Chết vì nạn kiêu binh Cuối thời Lê - Trịnh, quân lính người gốc Thanh Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An), phần lớn là quê ở ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia (nên còn gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh, nhất binh; “được vua chúa tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binh” (Việt sử tân biên). Là người nổi tiếng khẳng khái, cương trực, Nguyễn Quốc Trinh bàn mưu cùng một số đại thần tìm cách kìm hãm kiêu binh nhưng bị chúng biết được đã ra tay giết hại. Sách Việt Nam sử lược cho biết: “Năm Giáp Dần (1674) đời Trịnh Tạc, lính tam phủ tức là lính Thanh, lính Nghệ đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ. Năm Tân Dậu (1741) quân ưu binh lại phá nhà và chực giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh”. Sau Nguyễn Quốc Trinh bị hại, triều đình thương tiếc cho lập đền thờ, phong ông làm Thượng đẳng phúc thần, lại truy tặng chức Binh bộ thượng thư, tước Từ quận công, đặt tên thụy là Cương Trung. Lê Thái Dũng