Nhớ ngày còn nhỏ, khi gia đình tôi mới chuyển về Sài Gòn, bạn bè trong lớp mới cứ ghẹo tôi là con bé nhà quê. Quê cũng phải, nghe cái tên "Mũi Cà Mau" đã thấy quê lắc quê lơ rồi. Vậy mà nếu ai hỏi tôi có biết khi nào là mùa nước rút, khi nào mùa nước nổi, chắc tôi đành cười trừ. Ở Cà Mau, nhưng ở ngay thị xã, nào tôi có khái niệm gì đâu!
Chỉ biết những buổi sáng đứng tựa cửa ngắm người qua kẻ lại, thấy vài chị nông dân vẻ lam lũ, quần ống thấp ống cao, trên đầu đội một thúng bông súng quấn vòng tròn với những nụ hoa e ấp hồng rực kĩu kịt đi ngang là tôi biết, đã đến mùa nước rút.
Mãi đến khi xa quê hương rồi, tôi mới thật thấm thía câu hát ru tôi vẫn thường nghe văng vẳng mỗi trưa hè:
À...ơi
Muốn ăn bông súng mắm kho
Bỏ cha bỏ mẹ xuống đò theo anh...
Bây giờ đang ở tận phương trời băng tuyết, giá như anh nào mà có món bông súng mắm kho này, chắc tôi cũng dám bỏ nhà đi theo một phen chứ chẳng chơi!
Ơi bông súng, hoang dại mà sao chứa đựng một vẻ đẹp đến nao lòng. Cây súng là một loại mọc hoang dưới nước, có quanh năm ở các vùng đồng bằng miền Nam, từ ao hồ, đầm mương đến kênh rạch, láng bàu..., nơi nào cũng có.
Cùng họ với sen nên lá súng cũng giống lá sen, tròn trịa, nổi bồng bềnh trên mặt nước, làm nơi vui chơi cho mấy chú ếch nhái nhảy qua nhạy lại náo nhiệt hoặc mở giàn đồng ca ộp oạp hằng đêm.
Có lần nói chuyện với cô hàng bông súng tôi mới được biết thật ra căn bản có hai loại bông súng. Súng sen được trồng ở ao làng hoặc đầm chùa, hoa màu hồng tím, khá to. Súng dại thì cuống lá nhỏ hơn, hoa màu trắng hoặc tím cũng nhỏ hơn.
Nước rút là thời điểm bông súng nở rộ. Người ta chỉ ăn phần thân, cọng súng màu nâu đỏ, nhưng không hiểu sao vẫn gọi là bông súng. Có lẽ tại vì khi nhổ bông súng, người ta chỉ nhổ những cọng có bông trên đầu, nó ngon hơn những cọng có lá nhiều.
Những cọng bông súng mới nhổ lên còn đẫm nước, nụ hoa cái thì e ấp, cái thì sắp hé nở, vẻ đẹp dịu dàng như cô thôn nữ nhổ hoa. Rồi bông súng được quấn lại từng khoanh tròn 10 cọng hay 20 cọng, xếp gọn trong thúng, theo nhịp xuồng ra chợ thị xã từ sáng sớm, khi sương mù vẫn còn lãng đãng quanh quẩn...
Bông súng mua về tước vỏ, cắt khúc vừa ăn, ngâm nước rửa sạch. Tôi với mấy đứa em vẫn thường xin mẹ mỗi đứa một cọng bông súng lúc mẹ vừa tước vỏ xong, rồi ngậm một đầu, đầu kia ngâm trong ly nước, giả làm ống hút, hút khá tốt. Chơi chán, chúng tôi thổi vào ly cho bóng bóng nước sủi lên lục bục. Cọng bông súng thân xốp, làm ống nước thì tuyệt vời quá còn gì!
Hoa súng không ăn được, mẹ tôi thường vất bỏ. Thế là chúng tôi được một bữa chơi đồ hàng. Cánh hoa hồng hồng tim tím, nhụy hoa vàng rực, chúng tôi xé tơi bời để biến thành "mì xào, cơm chiên" hết cả.
Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi, tại sao hoa súng đẹp như thế, rực rỡ như thế, theo tôi đẹp không thua gì hoa sen, vậy mà phải cam chịu phận hẩm hiu, chẳng bao giờ được người đời nâng niu, tôn trọng giá trị vẻ đẹp của mình. Phải chăng hoa súng không được "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" như hoa sen? Mùi hoa súng nồng nồng, ngai ngái, rõ ràng vẫn phảng phất mùi bùn đất. Nhưng đối với tôi, mùi hương ấy sao mà thân thiết, dễ thương chi lạ!
Những món ăn nhà quê từ bông súng thì ôi thôi, có lẽ khi đi xa rồi mới biết khó có sơn hào hải vị đắt tiền nào bì kịp. Cọng bông súng giòn giòn, vị ngòn ngọt, chan chát là một nguyên liệu rất dễ giao duyên để các bà nội trợ tha hồ chế biến những món như trộn gỏi tôm sú, nấu canh chua điên điển với cá linh. Hoặc bóp muối cho héo, ngâm giấm làm dưa.
Nhưng có lẽ đúng điệu nhất vẫn là bông súng ăn sống chấm lẩu mắm kho. Cụm từ "bông súng, mắm kho" đúng nghĩa nhất vẫn là của mẹ tôi nấu. Sao tôi nhớ đến nao lòng một buổi chiều tỉnh lẻ, mưa rơi lất phất, không khí dường như chùng lại theo nhịp cuộc sống bình thản đang trôi qua thật chậm. Tôi ngồi xổm bên bếp lửa hồng, vừa nhẩn nha tước vỏ bông súng phụ mẹ, vừa hít hít mùi mắm sặt trong nồi nước sôi sùng sục lan tỏa cả gian bếp nhỏ.
Mắm sặt nấu cho tan rồi lọc lấy nước, nêm nếm lại với tí đường, tí nước mắm cho vừa ăn, xong mẹ tôi lại để lửa liu riu nấu tiếp với vài cọng sả đập giập. Trên ông táo ám khói bên cạnh, mẹ lại luôn tay xào chảo thịt ba rọi với sả băm cho đến khi miếng thịt săn lại, hương sả quyện nồng nàn.
Thịt xào xong, mẹ đổ vào nồi mắm tiếp tục ninh trên ngọn lửu liu riu. Thịt mềm mẹ mới cho phép tôi nhẹ nhàng thả vào từng khoanh cà tím cắt dày. Công đoạn chính đến đây coi như gần xong. Tay vẫn còn cầm đôi đũa xào dính vụn sả, mẹ ra đứng tựa cánh cửa bếp bằng gỗ tạp đã nhẵn bóng, gọi với ra sau vườn: Vô ăn cơm!!!
Mẹ thường hay gọi trổng vậy thôi nhưng giọng điệu nghe sao đong đầy, để cho ba tôi hiểu rằng anh ơi, nghỉ tay vô ăn cơm nè. Còn đối với mấy đứa em nghịch phá của tôi thì có nghĩa là mấy đứa kia, có mau rửa ráy tay chân rồi vô ăn cơm không thì bảo!
Đến đây thì tôi tự hiểu là tôi có thể bỏ tiếp vào nồi mắm mớ tôm, mực tươi trong mẹ đã để sẵn trong rổ cho ráo nước. Khi cả nhà tề tựu đông đủ thì cũng đúng lúc các thứ trong nồi mắm vừa chín tới. Mẹ lúc nào cũng đóng vai trò ngồi đầu nồi, tay thoăn thoắt múc từng vá nước lèo nồng nàn mùi mắm sặt, thoang thoảng mùi sả, vá nào cũng có đầy đủ cà tím, thịt ba rọi, tôm, mực... chan vào từng tô bông súng đã được xắt ngắn khoảng lóng tay cho vừa ăn.
Vắt vài giọt chanh, thả vài khoanh ớt, thế là chị em tôi chỉ còn biết xì xụp không ngừng trong bữa cơm chiều nhà quê đầm ấm, dưới ánh mắt ấm áp của ba mẹ. Có nghe được cái vị chan chát, cái tiếng giòn giòn của bông súng trộn lẫn với mùi mắm sặt đặc trưng Nam Bộ tan trên đầu lưỡi mới cảm được hết hương đồng gió nội đong đầy.
Điều mãi mãi hấp dẫn tôi ở đây không chỉ đơn thuần vì món ăn dân dã độc đáo này, mà vì nó còn làm xao xuyến lòng người ở chỗ tình cảm chân chất chan hòa giai điệu phương Nam…