Bình đẳng dân tộc là quyền của mọi dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số trình độ văn hoá cao hay thấp, không phân biệt chủng tộc màu da…quyền bình đẳng giữa các dân tộc bao gồm tất cả các lĩnh vực trong kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội.
Đây cũng là cơ sở pháp lý chung để giải quyết các quan hệ dân tộc trên thế giới trong khu vực hay trong một quốc gia. Bởi điều đó đã được ghi nhận trong công pháp quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia. Bình đẳng dân tộc cũng là kết quả đấu tranh của nhân dân lao động các nước. Ngay từ khi nhà nước Việt Nam non trẻ ra đời sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng “tất cả các công dân Việt nam phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá…” (Điều 6), còn vấn đề hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được xác định tại Hiến pháp “ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, nhưng quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8). Tại Điều 5 Hiếp pháp năm 1992 và sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định “nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc nghiêm cấm mọi hành vi kì thị chia rẽ dân tộc”. Quy định này của Hiến pháp đã đặt nền móng pháp lí cho việc xây dựng và thực thiện nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trong quản lí hành chính nhà nước. Các nguyên tắc về quy định quyền bình đẳng không những được quy định trong Hiến pháp mà còn được cụ thể trong luật và các văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Trong quản lí hành chính nhà nước nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc được biểu hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, là trong công tác lãnh đạo và sử dụng cán bộ
Nhà nước có chính sách ưu tiên con em các dân tộc ít người, giúp đỡ về mặt vật chất, động viên về mặt tinh thần để họ tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nhà nước bao giờ cũng dành tỉ lệ nhất định số cán bộ công chức là người dân tộc trong biên chế của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn miền núi, biên giới hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống và có những chính sách khuyến kích những người đến phục vụ tại những khu vực này.
Chính sách ưu tiên trong công tác cán bộ ở khu vực miền núi, biên giới và hải đảo còn thể hiện ở việc quy định chế độ đãi ngộ về vật chất cũng như tinh thần đối với những cán bộ công chức làm việc ở những khu vực này, với những chính sách đó đã tạo điều kiện để cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình góp phần đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi. “Cán bộ, công chức làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo hoặc làm việc trong các ngành nghề độc hại nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi do Chính phủ quy định”
Thứ hai, là trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế văn hóa xã hội.
Nhà nước luôn quan tâm đưa ra những giải pháp chính sách phù hợp để tạo điều kiện phát triển mọi mặt của đồng bào dân tộc ít người, cụ thể là:
Chú ý tới việc đầu tư xây dựng các công trình quan trọng về kinh tế, quốc phòng ở vùng các dân tộc thiểu số, một mặt khai thác tiềm năng kinh tế mặt khác xoá bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các vùng trong đất nước, đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ít người. Ví dụ: Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: Qua 12 năm (1999-2010) tham gia thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Quân đội đã và đang thực hiện 62 dự án. Trong đó có 25 dự án đã kết thúc. Trồng mới và chăm sóc 34.386 ha, bảo vệ 195.284 lượt ha; khoanh nuôi tái sinh 21.350 lượt ha, xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho trồng và bảo vệ rừng, như: đường lâm sinh, chòi canh lửa, bảng biển báo, nội quy, đường ranh cản lửa…; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho khu vực nông thôn, miền núi (Chỉ thị 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ): Đến nay, cả nước đã có 58% dân cư nông thôn, miền núi được cung cấp nước sạch, 45% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 61/64 tỉnh thành trong cả nước đã có quy hoạch cấp nước, vệ sinh đường làng, ngõ xóm được cải thiện…
Nhà nước có những chính sách đúng đắn đối với những người đi xây dựng vùng kinh tế mới, có kế hoạch và thường xuyên tổ chức điều động và phân bổ lao động tới các vùng dân tộc thiểu số. Việc làm này không chỉ phân bổ lại lao động một cách hợp lí mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc ít người nâng cao trình độ về mọi mặt.“Đơn vị có sử dụng từ 30% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên so với tổng số lao động có mặt làm việc tại doanh nghiệp thì được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”. Trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là những nguyên nhân do lịch sử để lại và điều kiện địa lí tự nhiên khắc nghiệt ở địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số, nên trình độ phát triển kinh tế xã hội của các dân tộc thiểu số không đồng đều, một số dân tộc đã phát triển kinh tế xã hội tương đối cao, nhưng phần lớn các dân tộc thiểu số vẫn còn rất lạc hậu có mức sống thấp tỉ lệ đói nghèo cao chậm phát triển hơn so với dân tộc đa số, các dân tộc này vẫn còn trong tình trạng tự cung tự cấp, du canh du cư. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu vùng xa nhìn chung vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số về trình độ phát triển kinh tế xã hội nhưng mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hoá riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục…tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm đa dạng phong phú nền văn hoá Việt Nam. Trong quá trình giao lưu hội nhập chung của đất nước bản sắc văn hoá của các dân tộc đều được chú trọng bảo tồn và phát triển.
Như vậy, để thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc của Đảng và Nhà nước là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, của tất cả các thành viên trong hệ thống chính trị các cấp ở nước ta chứ không chỉ riêng đồng bào các dân tộc thiểu số hay chỉ một vài ban ngành đơn vị có liên quan.