Trần Thủ Độ (1194-1264), sinh tại làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. ông là thái sư đầu triều nhà Trần, có công sáng lập và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng gần 40 năm, từ 1226 đến 1264. Nói về ông, có nhiều luồng dư luận trái chiều, người thì nói ông có công sáng lập nhà Trần, ý kiến khác lại cho rằng ông là người đáng chê trách khi giết hại vua nhà Lý. Thực hư câu chuyện này ra sao?
Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư và gia phả họ Trần, thủy tổ Trần Quốc Kinh dời đến ở hương Tức Mạc (Nam Định - Thái Bình), lấy vợ sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoằng Nghi. Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh còn Trần Hoằng Nghi sinh được ba người con trai: Trần An Quốc, Trần An Bang và Trần Thủ Độ. Như vậy, Trần Thủ Độ là cháu của Trần Lý, em họ của Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Họ Trần bắt đầu tham gia chính sự từ sau loạn Quách Bốc (1209 - 1210) thời Lý Cao Tông vì có công dẹp loạn và tôn phò thái tử Lý Sảm. Lý Sảm lên nối ngôi, tức vua Lý Huệ Tông. Ban đầu, quyền hành của họ Trần nằm trong tay Trần Tự Khánh. Là em họ của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ đồng thời là võ tướng dưới quyền Trần Tự Khánh đánh dẹp các lực lượng nổi dậy cát cứ cuối thời Lý. Sau khi Trần Tự Khánh chết (1223), Trần Thủ Độ là người nắm quyền trong triều. Đối với nhà Lý, ông tỏ ra còn cứng rắn hơn Trần Tự Khánh. Năm 1224, ông được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ. Người được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Thị Dung (chưa rõ năm sinh, mất năm 1259), con gái Trần Lý và là em gái Trần Tự Khánh và Trần Thừa). Bà là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, vợ vua Lý Huệ Tông, mẹ nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam - Lý Chiêu Hoàng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, sau khi Trần Tự Khánh chết, Trần Thủ Độ càng có điều kiện lộng hành, ra vào chốn thâm cung để tằng tịu với Trần Thị Dung, người mà ông có tình cảm ngay từ thời niên thiếu. Trên thực tế, Trần Thủ Độ đã quan hệ với Trần Thị Dung ngay khi bà đang là Hoàng hậu của nhà Lý, tức là vợ của vua Lý Huệ Tông! Cuốn sách trên cũng nói rõ vì thông gian với nhau nên Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã tìm cách đẩy vua Huệ Tông xuất gia, đi tu ở chùa Chân Giáo. Vua Huệ Tông và Trần Thị Dung chỉ có 2 con gái là công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh (sau này là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam). Với quyền lực trong tay, Trần Thủ Độ đã ép Huệ Tông phải lên làm thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi. Khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi, Trần Thị Dung trở thành hoàng thái hậu nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng tại vị chưa được bao lâu thì Trần Thủ Độ đưa con Trần Thừa là Trần Cảnh (sau này là vua Trần Thái Tông), mới 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng. Không lâu sau, Trần Thủ Độ buộc Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng. Ngai vàng chính thức chuyển sang họ Trần vào cuối năm 1225 và nhà Trần thay nhà Lý bởi một tay Trần Thủ Độ. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, vua Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Năm 1236, Trần Thủ Độ liền ép Thái Tông lấy chị dâu là công chúa Thuận Thiên - vợ Trần Liễu, chị ruột của Chiêu Thánh (lúc này công chúa Thuận Thiên đã có mang với Trần Liễu được 3 tháng). Việc này khiến Trần Liễu thù hận cất quân nổi loạn và vua Trần Thái Tông toan bỏ đi tu. Nhưng trước sức ép cứng rắn của Trần Thủ Độ, Thái Tông phải quay trở lại ngôi vua, còn Trần Liễu sau khi thất bại cũng phải hàng phục và được phong làm An Sinh vương ở Kinh Môn (Hải Dương). Tuy nhiên, người con của Trần Liễu mà Trần Thủ Độ sắp đặt để làm con Trần Cảnh là Trần Quốc Khang (sinh năm 1236) cũng không được làm thái tử dù là con trưởng. Năm 1240, Thái Tông sinh được Trần Hoảng, lập làm thái tử và sau trở thành vua Trần Thánh Tông. Dưới triều nhà Trần, Trần Thủ Độ được phong là Thống quốc Thái sư, lo toan mọi việc cho triều đình nhà Trần. Để củng cố quyền lực nhà Trần, ông đánh dẹp các sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bên ngoài, sắp xếp quan lại trong triều. ông còn giết vua Lý Huệ Tông và thủ tiêu nhiều tôn thất nhà Lý, bắt những người sống sót đổi sang họ Nguyễn và một số họ khác để trừ tuyệt hậu họa. Luật nay: Công, tội phân minh Theo sử sách, Trần Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược, thủ đoạn hơn người, không chỉ là quyền thần nhà Lý mà là quyền thần của ngay cả với nhà Trần. Tuy nhiên, công bằng nói, những việc làm của Trần Thủ Độ với nhà Trần chỉ mang lại đau khổ cho chính những người trong thân tộc họ Trần - trong đó có cả người được ông đặt ngồi trên ngai vàng như Trần Cảnh. Đối với toàn cục của quốc gia Đại Việt lúc đó và sau này, việc làm của ông đóng vai trò tích cực: ông giúp nhà Trần dẹp giặc trong nước, làm cho nước Đại Việt bấy giờ được cường thịnh trở lại sau hồi suy yếu cuối thời Lý, và đó chính là cơ sở để đủ sức lực và tinh thần chống cự được với quân Mông Cổ. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng sự thay thế của nhà Trần đối với nhà Lý trong thời điểm đó - mà sự thay thế và xây dựng ban đầu không thể không nói tới Trần Thủ Độ - có vai trò quyết định sự tồn vong của Đại Việt trước nguy cơ ào tới của vó ngựa Mông Cổ mà Trung Hoa lớn mạnh ở phương Bắc cũng không trụ nổi. Sử chép: "Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua.". Tuy nhiên, do Trần Thủ Độ giết vua Lý Huệ Tông rồi lại lấy vợ vua (Trần Thị Dung) nên ông bị các nhà sử học phong kiến chê trách. Thời nay, không ai phủ nhận công lao của Trần Thủ Độ đối với nhà Trần, tuy nhiên cũng không thể vì những công lao ấy mà bỏ qua những hành vi mà ông đã làm. Cụ thể ở đây là việc ông quan hệ với bà Trần Thị Dung trong khi bà này vẫn đang là vợ vua Lý. Nếu xét dưới góc độ pháp luật thời nay, Trần Thủ Độ khó tránh khỏi tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Tuy hành vi chung sống như vợ chồng của Trần Thủ Độ với Trần Thị Dung chưa bị xử phạt hành chính nhưng vẫn có thể xem xét xử lý theo tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng: Hai người có quan hệ với nhau và mưu toan chiếm đoạt ngôi vua của nhà Lý, đẩy vua Huệ Tông vào chỗ phải xuất giá đi tu, sau đó bị chính Trần Thủ Độ giết chết.