Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo nên một nền nghệ thuật dân gian đặc sắc. Kho tàng nghệ thuật dân gian được lưu giữ trong những mảnh vụn của những di chỉ văn hóa vật thể và phi vật thể rải dọc miền Trung Việt Nam. Đó là những đền đài, tháp cổ, những bức phù điêu, tượng đá, bia ký… với những phong cách nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tuyệt vời, những kho tàng chuyện cổ dân gian, thành ngữ, tục ngữ, những bài dân ca, dân vũ, nhạc lễ, hát cúng quyện với hệ thống nhạc cụ rất phong phú và độc đáo.
Người Chăm có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú như vậy nhưng đã bị lớp bụi thời gian vùi lấp. Cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ kéo dài và ác liệt đã làm ảnh hưởng lớn đến việc sưu tầm, nghiên cứu vốn nghệ thuật truyền thống Chăm. Chỉ đến khi đất nước được giải phóng, với đường lối chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng về văn hóa các dân tộc, văn hóa Chăm bắt đầu được chú trọng đầu tư sưu tầm, nghiên cứu và phát huy. Hệ thống các di tích đền đài, tháp cổ được nghiên cứu, trùng tu.
Đặc biệt, nghệ thuật dân gian Chăm được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Các đội văn nghệ quần chúng được thành lập ở các làng Chăm và được tổ chức hoạt động theo hướng khai thác, bảo lưu và phát huy vốn văn nghệ dân gian của người Chăm xưa. Các Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền trung như Đoàn Ca múa nhạc Ninh Thuận, Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận, Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận, Hải Đăng (Khánh Hòa), Sao Biển (Phú yên), Chim Yến (Quảng Ngãi). Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận và đội văn nghệ Chăm huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận đã không ngừng lớn mạnh dựa trên nền tảng văn hóa dân gian Chăm. Nhà biên đạo Đặng Hùng trở thành Nghệ sĩ Nhân dân nhờ trọn đời gắn bó với múa dân gian Chăm, Ông đã đúc kết tâm huyết của mình trong công trình: “Bước đầu tìm hiểu, phục hồi múa cung đình Chăm”. Những tác phẩm múa như: “Siva”, “Vũ nữ Trà kiệu”, “Khát vọng”; “Ước mơ”; “Múa quạt”; “Đoa phụ”… đã trở thành những tác phẩm múa nổi tiếng trong làng múa Việt Nam. Biên đạo múa, Nghệ sỹ ưu tú Thọ Thái với các tác phẩm “Tượng tháp Siva”, “Apsara – vũ nữ Chăm”, “Gốm thắm tình người”, “Lửa tình yêu”... cũng đã để lại những dấu ấn đặc sắc về sử dụng tư liệu múa dân gian Chăm. Nhạc sĩ Amư Nhân, người con của làng Chăm Phú Nhuận, tỉnh Ninh Thuận với tâm hồn Chăm của mình đã sử dụng những âm hưởng dân gian, nâng cao, làm đẹp thêm những làn điệu dân ca vùng đất tháp để có những tác phẩm có giá trị như “Làng Chăm ơn Bác”, “Apsara – Vũ nữ Chăm”, “Tiếng trống Hội Katê”... Họa sĩ Đàng Năng Thọ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hoá Chăm, chàng trai Chăm sinh ra và lớn lên ở làng nghề gốm Bầu Trúc đã sáng tạo nên biết bao tác phẩm hội họa và điêu khắc nổi tiếng với các đề tài tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa Chăm như tác phẩm “Luân hồi”, “Trầm tư”…
Trong nhiều năm qua, các công trình nghiên cứu về nghệ thuật diễn xướng dân gian Chăm tuy chưa đầy đủ nhưng cũng đã tập hợp được những di sản quan trọng nhất trong kho tàng văn hoá dân gian của người Chăm. PGS.TS. Ngọc Canh với công trình “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm” đã thu thập và hệ thống các tư liệu về nghệ thuật biểu diễn dân gian Chăm. Năm 1995, Sở Văn hoá Ninh Thuận đã cho xuất bản cuốn “Nhạc cụ truyền thống Chăm”, đồng thời tiến hành ghi âm, ghi hình những điệu trống ghi năng, những làn điệu dân ca, kỹ thuật biểu diễn của các nghệ nhân Chăm. Đoàn nghệ thuật Chăm với vở dân ca kịch Chăm “Nàng Mơ Hoa, Chàng Trà Mứ” đã giành giải vàng ở hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đã dựa vào cốt chuyện “Bà ni – Bà Chăm” và các tư liệu văn học dân gian, ca múa nhạc dân gian Chăm.
Tuy chúng ta đã chú trọng vào việc khai thác, nghiên cứu, bảo lưu và ứng dụng văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm vào nền nghệ thuật phục vụ cuộc sống mới hôm nay nhưng mới chỉ là bắt đầu. Những gì chúng ta đã làm còn quá ít so với kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian rất đa dạng, phong phú của người Chăm. Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đã mở ra những hướng đi mới, trong đó có vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật dân gian các dân tộc. Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá văn hoá Chăm. Ngày hội Văn hóa, Du lịch Chăm – Katê lần thứ nhất năm 2000; Những ngày Văn hoá Chăm tại Hà Nội năm 2004 và đặc biệt là Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận - 2012 được tổ chức thành công là cơ hội để giới thiệu vốn văn hóa, nghệ thuật dân gian phong phú, đa dạng của người Chăm. Hy vọng rằng văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm được tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.