Sự hình thành và phát triển của thế giới quan về cơ bản có ba hình thức: thế giới quan huyền thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học.
- Thế giới quan huyền thoại là thế giới quan có nội dung kết hợp một cách tự nhiên (không tự giác) giữa thực và ảo.
Thế giới quan huyền thoại đặc trưng nhận thức về thế giới, đánh giá giá trị của xã hội, được thể hiện thông qua các chuyện thần thoại của công xã nguyên thủy. Thế giới quan huyền thoại chứa đựng sự kết hợp một cách tự nhiên giữa thực và ảo, giữa người và thần. Sự kết hợp này, như Ph. Ăngghen nhận định, là kết quả tất yếu của trình độ nhận thức thấp, khi con người chưa hiểu nguồn gốc, bản chất và qui luật của các sự vật, hiện tượng của thế giới và chính bản thân con người nên họ đã nhân cách hoá các vị thần hoặc bán thần trong thần thoại. Các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, Trung Quốc hoặc Ấn Độ… là kết quả của sự nhân cách hoá đó.
Yếu tố thực và ảo của thế giới quan huyền thoại thoại không chỉ nhân cách hoá thần, với tính cách là các lực lượng siêu nhiên có sức mạnh và quyền năng huyền bí, mà còn thể hiện ý thức về cội nguồn để hình thành lý tưởng xã hội của người nguyên thủy ở trong thần thoại. Đó là các thiên thần thoại anh hùng ca tối cổ đã thể hiện lý tưởng hướng về mẫu người chiến thắng muốn tách mình ra khỏi giới tự nhiên, chinh phục lại tự nhiên. Chẳng hạn, hình mẫu người công dân anh hùng như Hécto, như Axin, vinh quang như thần chiến thắng. Biểu tượng con người giành được ngọn lửa thiêng trong tay thần linh, con người không còn run rẩy trước tự nhiên mà có khả năng chinh phục tự nhiên. Tuy muốn tách mình ra khỏi tự nhiên, người nguyên thủy không muốn đổi lấy sức mạnh của mình với sức mạnh của tự nhiên, mà chỉ đem sức mạnh của mình gia nhập vào tự nhiên.
Tóm lại, thế giới quan huyền thoại nguyên thủy đều giải thích vai trò các lực lượng siêu nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng; và đều truy tìm nguồn gốc thị tộc đã có trước thần thoại do chinh bản thân thị tộc sáng tạo ra với các vị thần và bán thần; cũng đều là cái hiện thực cuộc sống đã qua phản ánh hoang tưởng vào những câu chuyện của người nguyên thủy.
Huyền thoại không do suy luận trừu tượng, cũng không phải là một nhận thức thuần tuý nhưng là một thái độ sống cụ thể, một quan niệm về cuộc đời sống động mà không hề biết có quan niệm đó. Người cổ xưa đồng hoá với những quan niệm về cuộc đời. Và bởi vì cuộc đời thần thoại có tính chất thần linh nên thái độ sống này có tính chất tôn giáo. Người ta sống niềm tin thần thoại và biểu lộ nó bằng một nghi lễ có tính chất tôn giáo.
Cố nhiên, trí tưởng tượng trong thế giới quan huyền thoại, không tách khỏi thần thoại và thông qua thần thoại nó có ý nghĩa đối với quá trình hình thành phong tục tập quán truyền thống văn hoá của các dân tộc.
- Thế giới quan tôn giáo là thế giới quan có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên đối với thế giới, đối với con người, được thể hiện thông qua hoạt động có tổ chức để suy tôn, sùng bái các lực lượng siêu nhiên.
Sự ra đời của thế giới quan tôn giáo có nguồn gốc xã hội và nguồn gốc nhận thức. Nguồn gốc xã hội do sự bất lực của con người trước những lực lượng xã hội gây ra nhiều tai họa cho con người làm nảy sinh ra tín ngưỡng tôn giáo với những ước mơ, khát vọng vào cuộc sống sau khi đã chết. Nguồn gốc về mặt nhận thức, do tuyệt đối hóa vai trò của ý thức, tách ý thức ra khỏi con người, mặt khác còn do sự bất lực của con người trước các hiện tượng tự nhiên dẫn đến thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên, hình thành biểu tượng và tình cảm, niềm tin và lý tưởng tôn giáo. Những hình thức sơ khai của thế giới quan tôn giáo như Bái vật giáo, Tôtem giáo, Ma thuật giáo, Linh vật giáo…
Sự hình thành và phát triển của thế giới quan tôn giáo đều gắn liền với với quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo.
Tôn giáo xuất hiện rất sớm trong xã hội nguyên thủy, lúc đầu nó gắn liền với đạo đức và nghệ thuật, thần thọai và các truyền thuyết… Ở các thời đại về sau, tư tưởng tôn giáo phát triển thành những giáo lý tôn giáo trở thành thế giới quan tôn giáo được thể hiện theo quan điểm của những giai cấp khác nhau. Sự tồn tại và phát triển của tôn giáo tương ứng với những nhu cầu tinh thần của con người. Tuy nhiên, tính khách quan của bản thân nhu cầu đó không có nghĩa là tính chân lý của những phương tiện tôn giáo nhờ đó mà nhu cầu được thỏa mãn. Ph.Ăngghen đã nêu ra một định nghĩa kinh điển về tôn giáo: “tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của người – của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh ở trần thế đã mang hình thức sức mạnh siêu trần thế”.
Đặc trưng chủ yếu của thế giới quan tôn giáo là niềm tin cao hơn lý trí, trong đó niềm tin vào một thế giới “siêu trần thế” hoàn thiện, hoàn mỹ mà con người sau khi chết. Đó cũng là niềm tin về tâm linh, đời sống tâm linh của con người. Cho nên, tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến đối với đời sống xã hội. Sự ảnh hưởng đó là sự phủ nhận khả năng nhận thức và vai trò của con người đối với hiện thực khách quan. Làm cho con người sống theo an phận, thủ tiêu đấu tranh xã hội và nó bị lạm dụng bởi lợi ích của các thế lực phản động và của các giai cấp bóc lột trong lịch sử. Tuy nhiên, mặt khác tôn giáo cũng có khả năng “định hướng” cái thiện và làm việc thiện của con người trong một chừng mực nhất định nào đó khi nó quan hệ với đạo đức, quan hệ giữa cái thiện và cái ác dù là ở trong tư tưởng của tôn giáo. Và hơn thế nữa, thế giới quan tôn giáo là một trong những nguồn gốc hình thành phong tục tập, truyền thống văn hoá của các dân tộc.
- Thế giới quan triết học là hệ thống những quan điểm có tính khái quát về thế giới về vai trò của con người đối với thế giới thông qua hệ thống các khái niệm, phạm trù, qui luật.
Quá trình hình thành và phát triển của thế giới quan triết học gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của triết học.
Phân biệt thế giới quan triết học khác với thế giới quan khác, nhất là thế giới quan tôn giáo, C.Mác viết: “… các vị hướng về tình cảm, triết học hướng về lý trí, các vị nguyền rủa, than vãn, triết học dạy bảo; các vị hứa hẹn thiên đường và toàn bộ thế giới, triết học không hứa hẹn gì cả ngoài chân lý; các vị đòi hỏi tin tưởng tín ngưỡng của các vị, triết học không đòi hỏi tin tưởng vào kết luận của nó, nó đòi hỏi kiểm nghiệm các điều hoài nghi; các vị doạ dẫm, triết học an ủi. Và thật thế, triết học biết cuộc sống khá đầy đủ để rằng những kết luận của nó không bao dung sự khao khát hưởng lạc và lòng vị kỷ - của cả thiên giới lẫn thế giới trần tục”.
Thế giới quan triết học có thể phân chia thành thế giới quan duy vật, duy tâm, thế giới quan khoa học và phản khoa học. Trong đó, thế giới quan khoa học có ý nghĩa định hướng cho hoạt động của con người trên cơ sở tổng kết những thành tựu của quá trình nghiên cứu khoa học, thực nghiệm khoa học và dự báo khoa học.
Triết học là cơ sở lý luận, hạt nhân của thế giới quan. Bởi vì, vấn đề chủ yếu của mọi thế giới quan cũng là vấn đề cơ bản của triết học, đó là giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức dưới các quan điểm, quan niệm khác nhau. Triết học làm cho thế giới quan phát triển như một quá trình tự giác dựa trên sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tri thức do các khoa học đưa lại. Đó là chức năng thế giới quan của triết học. Chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm là cơ sở lý luận của hai thế giới quan triết học đối lập nhau.