Moscow là mục tiêu cuối cùng trong chiến dịch đánh chiếm Liên Xô của phát xít Đức. Đầu tháng 10/1941, Moscow bị đe dọa khi quân phát xít với lực lượng tập trung hai triệu binh sĩ, hơn 14.000 súng, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay, áp sát thủ đô, chỉ cách khoảng 20 km. Trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh nhấn chìm thành phố, biến nơi đây thành "một cái hố khổng lồ".
Trước tình thế nguy cấp, các sư đoàn tinh nhuệ được điều về Moscow. Đến giữa tháng 11, trong thành phố và trên các cửa ngõ tiếp giáp đã có trên 600 km công sự, 3.700 ụ hỏa lực, 37.000 hàng rào "lông nhím" chống tăng.
Theo ông Aleksei Syunnenberg, phóng viên đặc biệt của Đài tiếng nói nước Nga, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ 4 ngày, Lữ đoàn Motor Cơ động Đặc nhiệm (OMSBON) được thành lập. Một trong những trung đoàn trực thuộc là đơn vị quốc tế.
Ông Ivan Vinarov, chính ủy của trung đoàn này, viết trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1971 cho biết trong đội ngũ của ông có 6 người Việt Nam. Ngày 7/11/1941, cả trung đoàn đã tham gia vào cuộc diễu binh lịch sử của quân đội Liên Xô trên Quảng trường Đỏ ở Moscow, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười, và từ đó tiến thẳng ra mặt trận nghênh chiến phát xít Đức.
Thông tin về họ ban đầu rất ít ỏi. Mãi đến năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng phát xít, Đài Tiếng nói nước Nga mới công bố danh tính các chiến sĩ Hồng quân Việt từng tham gia cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ.
Những chiến sĩ Việt Nam ấy chính là nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi sang Nga từ Quảng Đông vào năm 1926. Trong số 6 người tham gia OMSBON, Aleksei xác định được danh tính của 4 người gồm: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất.
Vương Thúc Tình, sinh ở làng Kim Liên. Ông gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Ông còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sĩ.
Lý Nam Thanh tên thật là Nguyễn Sinh Thân, sinh năm 1908, tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha ông là Nguyễn Sinh Ly, hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp.
Lý Anh Tạo, tên thật là Hoàng Anh Tô, sinh năm 1912, tại thôn Hoàng Trù, tổng Kim Liên. Cha ông là Hoàng Hinh, đã mất sớm. Hoàng Anh Tô được chú Hoàng Xuân Tống nuôi dạy. Ông làm quen với công tác cách mạng từ năm 12 tuổi.
Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên. Cha ông là Vương Thúc Đàm, huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt giam và tuyên án tù chung thân.
Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 gia đình nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở Nga vì lá thư được gửi đi từ đó.
Ba chiến sĩ Hồng Quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đều hy sinh trong trận đánh chống phát xít tại cửa ngõ thủ đô Moscow. Trong khi đó, theo một số giả thiết, như hàng loạt nhà cách mạng của các nước châu Á khi đó đang bị Nhật chiếm đóng, theo quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân Đức ở ngoại ô Moscow, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao là thúc đẩy phong trào cách mạng ở nước mình nhằm làm suy yếu quân Nhật. Nhưng cuối năm 1942, Vương Thúc Tình bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết trên đường về nước.
Năm 2010, ông Aleksei sang Việt Nam mang theo nhiều tài liệu làm cơ sở để xác định danh tính hai chiến sĩ còn lại từng đứng trong hàng ngũ Hồng quân. Đến tháng 12/2014, nhờ vào thông tin phản hồi từ nhiều phía, ông Aleksei chính thức công bố thêm tên tuổi hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông. Sau khi ba người đồng đội hy sinh, họ tiếp tục cầm súng chiến đấu chống phát xít. Hiện chưa có nhiều tài liệu về hai người này
Âm thầm nơi hậu phương
Một chiến sĩ người Việt khác cũng từng tham gia chiến đấu bảo vệ Moscow nhưng không trong hàng ngũ OMSBON là ông Lý Phú San.
Tên thật của ông là Lê Tư Lạc. Tên gọi Lý Phú San do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt. Ông sinh năm 1900 ở miền bắc Việt Nam. Ông rời quê ra Hà Nội năm 1917 sau đó vào Sài Gòn rồi sang Phnom Pênh.
Ông làm thuê cho một bác sĩ người Pháp và theo chủ sang Paris vào năm 1924. Tại đây, ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và bắt đầu hoạt động cách mạng.
Đầu những năm 1930, ông Lý Phú San được gửi đi học trường Đại học Cộng sản dành cho những người lao động phương Đông ở Moscow. Sau đó, ông trở thành công nhân tại xưởng đầu máy đường sắt ở thành phố Gomel. Năm 1937, Lý Phú San quay về Moscow, làm việc trong một viện quân y thủ đô.
Năm 1941, khi quân phát xít tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin nhập ngũ. Nhưng do tình trạng sức khỏe, ông được cử về hậu phương. Làm công tác chăm sóc thương bệnh binh trong quân y viện, ông Lý Phú San nhiều lần hiến máu cứu người. Ông cũng tham gia xây dựng các hầm hào phòng thủ ở ngoại ô Moscow. Ông cùng các đồng đội hàng đêm luân phiên túc trực ở trạm phòng không, cảnh báo khi máy địch xuất hiện, dập tắt những đám cháy do bom phát xít gây ra.
Nhà nước Liên Xô truy tặng các ông Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến