TRANH ĐÁNH GHEN” VỚI GIÁ TRỊ CỦA ĐƯỜNG NÉT, HÌNH THỂ ĐƯỢC LỒNG GHÉP TRONG HÌNH KHÁI QUÁT VÀ Ý TƯỞNG VỀ KHÔNG GIAN VÀ CHIỀU SÂU
Tranh dân gian Đông Hồ, cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác của Việt Nam nhằm phản ánh đời sống hiện thực, chủ yếu của người nông dân, và những quan niệm, mơ ước của họ. Sinh ra từ Kinh Bắc, một vùng văn hoá tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội gần như quanh năm, tất cả những tranh dân gian Đông Hồ đều rực rỡ, tươi tắn, mang đậm một cái nhìn lạc quan, trìu mến và tha thiết đối với cuộc sống, ngay cả khi phản ánh những vấn đề gay go nhất như “Đánh ghen”. Dù là vợ cả có cầm kéo rất hùng hổ, nhưng phải chăng, cảm xúc từ những bức tranh không phải là sự kinh dị, sợ hãi mà là hài hước, vui nhộn? Bút pháp tranh Đông Hồ, cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam khác, là bút pháp hiện thực; phần ước lệ tượng trưng chỉ đủ nâng cao ý tưởng nghệ thuật chứ không dẫn đến sự xa lạ hay siêu thực.
Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hoá người Việt. Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn…
Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về hình dạng cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả hình tượng nghệ thuật khái quát, chắt lọc về đường nét, về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.
Tranh “Đánh ghen” được khắc họa một cách chắt lọc về đường nét; tỉ lệ hình ước lệ theo một sự hợp lý của bản năng nghệ thuật và cảm thức trong sáng, hồn hậu, dí dỏm…Những quan niệm, mĩ cảm của người nghệ sĩ- nghệ nhân được thoát thai từ hiện thực cuộc sống được đưa vào tranh một cách tài tình và sâu sắc qua bố cục, đường nét của hình thể được khái quát và điển hình hóa nên cái không gian hiện thực trên tranh. Sự bình phẩm hay sự “đưa ra” những cảnh huống trớ trêu xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội xưa cũng nhẹ nhàng mà thâm thúy kín đáo. Tranh “Đánh ghen” với lời đề “Thôi thôi nuốt giận làm lành. Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”, bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ươc lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong…và hình ảnh người vợ cả dữ tợn, cầm kéo xông vào cô vợ trẻ (đang được người chồng ôm ngực bảo vệ) thách thức chìa tóc ra, vênh váo…khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống “chồng chung vợ chạ” trong thực tế thường xảy ra trong các gia đình giàu có, của ăn của để.
Đặc điểm của tranh dân gian Đông Hồ là rất động và vui. Tranh Đông Hồ thường có nhiều yếu tố biếm họa mà bức “Đánh ghen” là một đỉnh cao. Yếu tố biếm họa thể hiện ở sự cường điệu hóa các hình thể và đường nét trong tranh, tạo nên sự sôi động, nét hài hước, vui nhộn trước một tình huống bi kịch gia đình . Xem “Đánh ghen”, ta thấy yếu tố tĩnh và động được kết hợp hài hòa, dù cái động có phần trội hơn. Những hình ảnh tĩnh trong tranh là hình tượng cây tùng, bức bình phong, tường hoa, cây cảnh…. đối lập là các hình tượng nhân vật rất động với dáng điệu quyết liệt trong sự giằng co của trận đòn ghen bất phân thắng bại giữa hai bà vợ mà hai nhân vật trung gian là ông chồng và đứa con. Nét vẽ trong tranh rất phong phú, những nét thẳng của bình phong, tường hoa làm tôn lên những đường cong của các nhân vật, vốn rất đặc trưng trong cách tạo hình của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Một tổ hợp các đường cong được nối tiếp với nhau tạo nên các nhân vật có dáng điệu rất sinh động trong tranh. Tuy là vật thể tĩnh, nhưng chính đường cong của tấm bình phong cũng tạo nên nhịp điệu trong bố cục của tranh.
Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên, tạo nhịp điệu kết nối trong bố cục, góp phần làm cho không gian của tranh thêm chặt chẽ, hình tượng và sự khái quát về nội dung thêm sức hấp dẫn và đắc địa. cũng như ý nghĩa của việc dùng màu sắc phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh “Đánh ghen” để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình v.v…
Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay – ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng: Bên cạnh các hình thể, trong tranh thường có chữ đề thơ. Đó cũng là một nét độc đáo trong tranh dân gian Đông Hồ nói chung, tranh “Đánh ghen” nói riêng. Mảng chữ là một phần tạo nên sự chặt chẽ và hoàn chỉnh trong bố cục không gian của tranh bên cạnh việc thể hiện rõ ý tưởng về nội dung. Nét chữ cũng là nét vẽ trong tranh, hài hòa, ăn ý với nét vẽ ở các hình thể khác
Không gian nghệ thuật của bức tranh là không gian “tẩu mã” pha một chút “viễn cận”. Hầu như các nhân vật này được bài ra trên một mặt phẳng, vị trí nào cũng quan trọng. Tranh Đông Hồ phần lớn đều “chật chội”, nghĩa là không gian phẳng được sử dụng hết, đó là đặc điểm của loại tranh khắc gỗ: bù lại sự thiếu hụt của không gian sâu có một không gian dài, cao và vòng để thể hiện sự bất tận, và sự tượng trưng này rất có lợi thế để thể hiện ý tưởng của tranh.
Bố cục không gian là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của bức tranh. Cách nhìn quyết định lối vẽ, còn phương pháp tạo hình sẽ liên quan đến hiệu quả nghệ thuật của bức tranh. Nếu phối cảnh không gian xa gần của hội họa phương Tây đã tạo ra lối bố cục tuân thủ quy luật thị giác thì ở tranh Đông Hồ nói chung, tranh “Đánh ghen” nói riêng, các nghệ nhân đã dùng phối cảnh ước lệ Phương Đông làm cơ sở để tạo ra lối bố cục không gian tượng trưng và khái quát. Bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn trong một khuôn khổ nhất định của bức tranh, không có sự thiếu hụt, cắt gọt thô bạo như nhiều tranh hiện đại mà mọi hình thể sự vật trong tranh đều được hiện hữu đầy đủ không chống đỡ, che lấp lẫn nhau, mà hồn nhiên như cách nhìn của con trẻ ngây thơ vậy. Tuy nhiên, bố cục chặt chẽ theo cách nhìn của tranh dân gian Đông Hồ không có nghĩa là lấp đầy khoảng trống mà sự chặt chẽ còn phải bao gồm cả những khoảng trống hợp lý, có nghĩa trong tranh.
Cuộc sống vẫn luôn thay đổi, điều cốt yếu, bản chất nhất vẫn là tài nghệ diễn đạt cuộc sống, quan niệm, tình cảm, tinh thần, tâm hồn của con người dân tộc mình như thế nào bằng đường nét, hình thể, bố cục, màu sắc, kĩ thuật in khắc gỗ…vẫn luôn là điều tiềm ẩn bí mật của tài năng nghệ thuật, khiến cho dòng tranh này không lẫn dòng tranh khác, và nghệ thuật dân tộc này khác biệt với nghệ thuật dân tộc khác.