LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Trường THCS Trung Kênh

3.122 lượt xem
​Trường THCS Trung Kênh được thành lập tháng 9 năm 1962. Tiền thân là “Trường Phổ thông nông nghiệp cấp 2 Trung Kênh” theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Hà Bắc(cũ).
Trường THCS Trung Kênh
Địa chỉ: Huyện Lương Tài - Bắc Ninh
Cấp học: Trung học cơ sở
Loại hình đào tạo: Chính quy
Nhóm trường: Công lập
Năm thành lập:
Website: http://thcstrungkenh.bacninh.edu.vn
Email:
Điện thoại:
Số fax:
Facebook:
Hiệu trưởng:
Đóng góp thông tin mới cho trường học
Kết nối trường học
Thành viên
Bạn đã từng là học sinh tại trường Trường THCS Trung Kênh
Hãy tham gia kết nối, gắn kết bạn bè và theo dõi thông tin ngôi trường mến yêu này nhé!
Trường THCS Trung Kênh được thành lập tháng 9 năm 1962. Tiền thân là “Trường Phổ thông nông nghiệp cấp 2 Trung Kênh” theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Hà Bắc(cũ). Nhà trường được xây dựng trong không khí cả nước sục sôi tinh thần đánh Mỹ. Miền Bắc tiếp tục tiến lên xây dựng XHCN, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến Miền Nam đánh giặc. Sự ra đời của trường vào những năm đầy khó khăn, thử thách là quyết tâm của Đảng, nhân dân xã nhà hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ:

“Vì lợi ích mười  năm phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”

Trường THCS Trung Kênh - Lương Tài - Bắc Ninh,Trường THCS Trung Kênh

Nhà trường nằm ở vị trí thuận lợi, giáp phía Tây thôn Cáp Trại, giữa lòng dân Trung Kênh còn nghèo khó nhưng anh hùng, hiếu học. Thời kỳ đầu mới thành lập( 1962-1963), trường gồm có 2 lớp 5, 2 lớp 6 với tổng số 210 học sinh. Các phòng học được thiết kế bằng tường trình, mái tranh. Tổng số giáo viên ngày đó gồm 8 thầy cô(khi ấy, trường không có phó hiệu trưởng, thầy Nguyễn Hữu Sói là Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường. Nhà trường lúc ấy có cơ sở vật chất chung với cấp I). Vượt bao  khó khăn, thử thách, hơn 50 năm qua, các thế hệ thầy cô, học sinh luôn cố gắng phấn đấu đoàn kết, dựng xây để nhà trường ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Trường THCS Trung Kênh - Lương Tài - Bắc Ninh,Trường THCS Trung Kênh

Truyền thống trường THCS Trung kênh gắn liền với những biến cố thăng trầm của quê hương, đất nước. Những ngày đầu thành lập, trường phải đối mặt với sự tàn phá khốc liệt bom đạn giặc Mỹ phá hoại.  Nhưng, những năm tháng khó khăn và thời kinh tế bao cấp vẫn không hề thay đổi, chuyển dời lý tưởng, ý chí của bao thế hệ thầy cô trong sự nghiệp “trồng người”. Lòng mê say nghề nghiệp, nhiệt tâm cống hiến của những “ kỹ sư tâm hồn” nhiều thế hệ  đã góp phần viết lên những trang vẻ vang truyền thống nhà trường phát triển, trưởng thành từ trong gian khó.

Trường THCS Trung Kênh - Lương Tài - Bắc Ninh,Trường THCS Trung Kênh

Năm 1964, trường đổi tên gọi từ trường “Trường Phổ thông nông nghiệp cấp 2 Trung Kênh” thành “ Trường Phổ thông cấp 2 Trung Kênh”. Những năm từ 1963- 1966, trường mở rộng quy mô với 3 khối lớp, có 7 lớp học( 3 lớp 5, 2 lớp 6, 2 lớp 7) với tổng số 354 học sinh. Các lớp học được sơ tán về từng thôn. Đây cũng là thời kỳ với vô vàn khó khăn thử thách. Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá hủy hoại bệnh viện, trường học... Các phòng học  mái tranh tường trình oằn mình trước bom đạn kẻ thù. Các thầy cô, học sinh vừa tham gia công tác giảng dạy, học tập vừa lao động sản xuất xây dựng đất nước và làm  hậu phương vững chắc cho tiền tuyến Miền Nam đánh giặc. Cũng trong thời kỳ này, nhiều thầy giáo và học trò theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc lên đường đánh giặc. Có những người con ưu tú của quê hương ra đi từ mái trường ấy và mãi mãi không về. Gian khổ, đau thương, nhưng, thầy và trò nhà trường đã góp phần viết lên trang sử đáng tự hào của quê hương, đất nước.

Trường THCS Trung Kênh - Lương Tài - Bắc Ninh,Trường THCS Trung Kênh

Thời kì 1966-1972,  đất nước đứng trước vô vàn thử thách, khó khăn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cả nước ra trận hướng về Miền nam ruột thịt. Miền Bắc kiên cường chống chiến tranh phá hoại, leo thang của đế quốc Mỹ. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng và nhân dân Trung Kênh vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng quê hương bằng ý chí, nghị lực vượt khó. Trong đó, nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục lâu dài, bền bỉ. Xác định, tri thức là sức mạnh, là vốn tự cường quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, Đảng và nhân dân Trung Kênh tập trung, đầu tư sức người, sức của để cải thiện ngôi trường  đào tạo nhân cách, tri thức cho con em nhân dân. Số lớp đã được mở rộng (9 lớp với tổng số  470 học sinh). 14 thầy cô giáo của nhà trường ngày ấy như những con ong thợ chăm chỉ, âm thầm mê say cống hiến trên những trang giáo án đầy nhiệt huyết còn in hằn những khó khăn vất vả của cuộc sống đời thường. Ban giám hiệu ( thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Doanh, các thầy hiệu phó Nguyễn Hữu Bốn, Nguyễn Bá Tải) luôn trăn trở cho chất lượng dạy học của thầy và trò những năm tháng chiến tranh. Kết quả, nhiều học sinh thời kỳ này đã trưởng thành bằng con đường học vấn từ mái trường Trung Kênh yêu dấu.

Trường THCS Trung Kênh - Lương Tài - Bắc Ninh,Trường THCS Trung Kênh

Mười năm khó quên trong ký ức của học trò, của nhân dân Trung Kênh là chặng tiếp nối, phát triển để trưởng thành từ năm 1972-1981. Vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, thử thách, ngày 30-4-1975 là mốc son chói lọi lịch sử dân tộc. Đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một dải. Hơn lúc nào hết, lúc này, Đảng, nhân dân Trung Kênh càng ý thức được nhiệm vụ quan trọng sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Chiến lược phát triển con người được chú trọng nhằm tạo nhân tố cho công cuộc xây dựng đất nước. Năm 1976, trường “ cấp 2 Trung Kênh” được đổi tên thành trường PTCS Trung Kênh. Cấp 1 có 5 khối, từ khối 1 đến khối 5. Cấp 2 có 3 khối: từ khối 6 đến khối 8. Tổng số có 10 lớp  học với 450 học sinh. Mạnh dạn trong đổi mới, tiếp cận những nội dung giáo dục thống nhất, BGH(Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Bốn, các thầy cô Hiệu phó Nguyễn Văn Huân, Phạm Thị Bích Lâm, Nguyễn Bá Thiện) chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp. Đặc biệt, BGH tham mưu, vận động xây dựng cơ ngơi trường lớp ổn định,  đẩy mạnh phong trào học tập, áp dụng phát triển công tác đội và xây dựng thư viện đa dạng đầu sách tham khảo nhằm nâng cao ý thức tự bồi dưỡng, tự học cho thầy cô và học trò. Với nỗ lực ấy, năm 1978 các phòng học đã được “ ngói hóa”. Năm 1979,  nhà trường được công nhận phong trào chi đội mạnh cấp Tỉnh và có thư viện cấp Tỉnh. Đồng chí Vũ Thơ, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc cùng đoàn lãnh đạo Huyện Gia Lương về thăm, động viên, ghi nhận thành tích của nhà trường. Cũng năm ấy, trường có một học sinh được đi dự Festival thế giới ở Liên Xô (em Lê Anh Duyên). Nhà trường liên tiếp được công nhận danh hiêu trường tiên tiến cấp Huyện. Cho đến năm học 1981-1982, ngoài danh hiệu trường tiên tiến cấp Huyện, nhà trường có 2 Tổ lao động xã hội chủ nghĩa hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong công tác chuyên môn, công tác giáo dục, xã hội. Vị thế nhà trường được nâng lên. Phong trào giáo dục mạnh, có quy mô thời kỳ này ghi nhận sự đóng góp quan trọng của Đảng, nhân dân Trung Kênh, chi bộ nhà trường. Những cá nhân tích cực ủng hộ cho phong trào giáo dục thời kỳ này phải kể đến: ông Phạm Văn Lược, ông Hàn Quý Ngưỡng....

Trường THCS Trung Kênh - Lương Tài - Bắc Ninh,Trường THCS Trung Kênh

Những năm học từ 1982-1988, mô hình nhà trường được mở rộng. Tổng số lớp học có 12 lớp  ở cả hai cấp học. Có 18 thầy cô trực tiếp giảng dạy được  học chuẩn và đã được đào tạo nâng chuẩn. Nhiều thầy cô có tay nghề Giỏi được PGD chọn lựa giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh Giỏi cấp Tỉnh, thi giáo viên Giỏi cấp Tỉnh. Các phong trào học tập, lao động sôi nổi được triển khai có hiệu quả. Phong trào giáo dục truyền thống, kỹ năng học tập, lao động, phong trào vở sạch chữ đẹp thu hút học sinh rộng khắp. Hội nghị về “ vở sạch chữ đẹp” toàn Tỉnh được mở tại trường để các đơn vị bạn về dự tham quan, học tập. Năm 1984, nhà trường được công nhân điển hình phong trào trồng cây xanh toàn Huyện. Tâm huyết, nhiệt tình với phong trào  phải nhắc tới thầy Chu Hồng Vĩ, thầy Nguyễn Hữu Cao... Những năm liên tiếp trong chặng truyền thống đáng tự hào của nhà trường thời kỳ này (đến năm học 1988-1989), nhà trường được công nhận danh hiệu Tiên tiến cấp Huyện. Hai Tổ Tự nhiên và Tổ Xã hội đạt danh hiệu Tổ lao động Xã Hội chủ nghĩa. Giáo dục xã nhà thời kỳ này ghi nhận sự ủng hộ tâm huyết của nhiều đồng chí cán bộ như các ông:  Nguyễn Văn Lận, Bùi Văn Trác, bà Vũ Thị Sèng...

Trong thời kỳ đổi mới và phát triển, trưởng thành, giai đoạn truyền thống từ 1989-1999 của nhà trường có nhiều dấu ấn quan trọng. Năm học 1990-1991, trường PTCS Trung Kênh tách thành hai trường : trường THCS và trường Tiểu học. Từ đây, trường THCS Trung Kênh hoạt động theo điều lệ, quy định riêng trường THCS. Giai đoạn này nhà trường có tổng số lớp dao động từ 10-12 lớp, có tổng số thầy cô trực tiếp đứng lớp là 15-17 thầy cô. Dù, đứng trước nhiều thử thách của thời kỳ đổi mới, nhưng, với sự sáng tạo, trăn trở của chi bộ, BGH nhà trường và sự nỗ lực và nhiệt huyết của tập thể các thầy cô giáo, từ những năm 1988- 1996, nhà trường liên tiếp đạt danh hiệu Tiên tiến cấp Huyện. Năm 1996- 1997, trường đạt danh hiệu Tiên tiến cấp Tỉnh lần đầu tiên(cùng THCS Thị Trấn Thứa). Đặc biệt phong trào dạy giỏi học giỏi được phát động và nhân rộng khắp. Thời kỳ này, mỗi năm, nhà trường có 6-7 thầy cô đạt giáo viên Giỏi cấp Huyện. Năm nào nhà trường cũng có giáo viên Giỏi cấp Tỉnh. Phong trào dạy học sinh Giỏi nở hoa rực rỡ. Năm học 1996-1997, toàn trường đạt 7 giải đứng thứ 3 Huyện Gia Lương( tỉnh Hà Bắc). Năm học 1997-1998: học sinh Giỏi văn hóa đạt 12 giải đứng thứ 2 Huyện Gia Lương. Năm học 1999-2000, tiếp nối phát triển, số học sinh Giỏi nhà trường đạt được là 13 giải, đứng thứ nhất toàn Huyện. Trường tiếp tục giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp Tỉnh...

Từ những năm 2000- 2004, quy mô giáo dục của nhà trường ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Số lượng lớp học được duy trì từ 16-19 lớp (với 4 khối). Số lượng học sinh được  huy động ra lớp có thời điểm cao nhất 834 em( năm 2000-2001). Nhà trường đã có học sinh giỏi cấp Tỉnh các ở cá môn Văn hóa, TDTT. Học sinh Giỏi cấp Huyện luôn giữ vị trí tốp đầu( Nhất Huyện: 2000-2001, 2001-2002, Nhì Huyện: 2002-2003...). Có nhiều thầy cô đạt danh hiệu giáo viên Giỏi các cấp: Tỉnh, Huyện. Chất lượng đội ngũ được nâng lên rõ rệt. Tay nghề của thầy cô trực tiếp đứng lớp được PGD đánh giá cao. Chất lượng đại trà các môn KHTN vững và ở vị trí tốp đầu  Huyện trong các kỳ khảo sát của PGD... Với bề dày thành tích ấy, năm học 2002-2003, nhà trường được Bộ giáo dục tặng Bằng khen. Năm học 2003-2004, các công trình cải trạo CSVC được Đảng, nhân dân quan tâm tạo điều kiện. Cơ sở vật chất ngày càng được bổ sung, phục vụ tốt  công tác dạy và học của thầy và trò. Khuôn viên nhà trường dược cải tạo. Đường đi được xây mới, Bồn hoa thành hệ thống... tạo mĩ quan môi trường trường Xanh- sạch- Đẹp. Phong trào giáo dục thời kỳ này ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhiều cá nhân, đoàn thể chính quyền, nhân dân, xã hội, như các ông: Nguyễn Văn Trung, Bùi Thanh Xuân. Ông Hoàng Văn Nghị( Thôn Cáp Hạ) ủng hộ một tấn xi măng xây trường học thời kỳ con nhiều khó khăn(1996)....Con thuyền THCS Trung Kênh vững vàng phát huy và khẳng định truyền thống trước những thách thức đổi mới là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Đảng cùng BGH đoàn kết, sáng tạo, với  tập thể cán bộ tâm huyết, tận tụy. Trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của cô giáo, Bí thư chi bộ Phan Thị Nước và người thuyền trưởng nhiệt tâm, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huân.

Từ năm học 2004- 2005 đến nay, trường THCS phát triển ổn định và trưởng thành vững vàng. Hội nhập với khí thế và nhu cầu thời đại “ nền kinh tế tri thức”, Đảng, nhân dân Trung Kênh nắm bắt và tiếp tục mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn lực con người. Sự quan tâm, ủng hộ không nhỏ của Đảng, chính quyền, các ban ngành và nhân dân Trung Kênh đã giúp phong trào giáo dục xã nhà nói chung,  trường THCS trung Kênh có nhiều khởi sắc rực rỡ. Tiếp nối những truyền  thống với kết quả, thành tích đã đạt được của những năm tháng lịch sử  và trưởng thành, BGH cùng  đội ngũ các thầy cô giáo nhiệt huyết với điểm tựa vững chắc là Đảng, chính quyền, nhân dân, các mặt giáo dục toàn diện được giữ vững và nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Năm 2011, trong dự án nông thôn mới, nhà trường được đầu tư với một cơ ngơi khang trang, bề thế. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học được đầu tư từ trên giúp phong trào giáo dục có thêm điều kiện để phát triển. Với điểm tựa và tiền đề đổi mới quan trọng, bằng sự nhạy bén, quan điểm dám nghĩ, dám làm, BGH, với vai trò quan trọng, thầy giáo Vũ Viết Mão, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo và  sát cánh cùng đội ngũ các thầy cô giáo trong công tác giáo dục mọi măt. Kết qủa, từ năm học 2004-2005 đến  nay, trường THCS Trung Kênh luôn giữ vững vị trí trường tốp đầu của Huyện. Liên tiếp các năm học 2007-2008, 2009-2010, 2011-2012, 2012-2013, nhà trường giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc. Đặc biệt, năm học 2011-2012, nhà trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Cũng trong năm này, trường THCS Trung Kênh được vinh dự công nhận là lá cờ đầu của ngành giáo dục Lương Tài. Năm học 2012-2013, trường THCS Trung kênh được công nhận hoàn thành công tác Kiểm định chất lượng với số tiêu chí đạt cao. Phong trào giáo dục thời kỳ này ghi nhận vai trò quan trọng trong công tác định hướng, lãnh, chỉ đạo nhằm phát triển công tác giáo dục xã nhà của các ông:  Nguyễn Văn Loan, Phạm Tuấn Thinh, Hà Văn Thắng...

Trung Kênh là một xã thuần nông nhưng nhân dân có truyền thống hiếu học. Đời sống kinh tế tuy còn nhiều khó khăn, nhưng, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã có nhiều định hướng,  và thật sự quan tâm tới sự nghiệp giáo dục. Chính vì điều ấy, suốt chiều dài truyền thống, trường THCS Trung Kênh luôn giữ vững danh hiệu “Tiên tiến”, “Tiên tiến xuất sắc cấp Huyện”, cấp Tỉnh....đơn vị lá cờ đầu, tiêu biểu cho mọi phong trào thi đua. Nhìn lại chặng đường đã qua, THCS Trung kênh tự hào với những bước phát triển và trưởng thành của mình

Kể từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng, trường THCS Trung Kênh đã vượt qua những thách thức, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ các năm học. Nhiều năm liền, chi bộ Đảng của nhà trường được công nhận chi bộ trong sạch, vững mạnh. Trong hoạt động công tác lãnh chỉ đạo nhà trường của chi bộ phải kể đến vai trò của các thầy cô Bí thư: Nguyễn Hữu Bốn, Chu Hồng Vĩ, Phan Thị Nước, Vũ Viết Mão...

Từ mái trường vẻ vang, nhiều thầy cô giáo đã vinh dự được đứng vào đội ngũ Đảng CSVN, nhiều thầy cô được trao tăng danh hiệu cao quý, “Huy chương kháng chiến”, “ Chiến sĩ thi đua”, giáo viên Giỏi các cấp....như thầy  Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Hữu Bốn, Chu Hồng Vĩ, Lê Văn Tại,  Nguyễn Văn Huân, Nguyễn Bá Thiện, Vũ Viết Mão, Nguyễn Huy Hòe, Đặng Văn Tiến, Nguyễn Hữu Bình, Phạm Huy Cương, Phạm Đình Hân....Từ mái trường của vùng  đất chiêm trũng đói nghèo xám mặt, hàng trăm người con ưu tú của quê hương theo tiếng gọi của non sông lên đường đánh giăc. Nhiều học sinh đã anh dũng hy sinh đóng góp máu xương của mình tô thắm thêm trang sử vẻ vang của  dân tộc  Việt Nam, của quê hương Trung Kênh anh hùng. Trong bảng vàng truyền thống hôm nay của nhà trường, họ tên của các anh được ghi trang trọng, đầu tiên bằng lòng biết ơn vô hạn của bao thế hệ học trò( Tiêu biểu như các anh: Nguyễn Văn Ngạch, Trần Văn Tám, Hàn Văn Ngải, Phan Văn Được, Đỗ Văn Cậy, Bùi Văn Đọ, Vũ Văn Tài, Bùi Văn Nghì, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Hòa....). Các anh là tấm gương truyền thống cho các lớp học sinh hôm qua, hôm nay và mãi mai sau.

Cũng từ mái trường này, có biết bao thế hệ học sinh trưởng thành, vững bước ra cuộc đời, đem tài năng trí tuệ góp phần dựng xây quê hương, đất nước. 124 cựu học sinh của nhà trường trở thành sĩ quan và sĩ quan cao cấp trong quân đội( 01 sĩ quan cấp tướng, 14 sĩ quan cấp tá và 109 sĩ quan cấp úy). Tiêu biểu như các  đồng chí: Ngô Xuân Thứ, Nguyễn Văn Ngạn,  Hoàng Duy Bông, Hoàng Văn Bục, Bùi Văn Tề, Bùi Duy Tư, Lê Văn Việt, Vũ Xuân Năng, Nguyễn Văn Ngạn, Nguyễn Quang Thụ....,

Trong lĩnh vực khoa học, nhiều cựu học sinh thành đạt trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, lãnh đạo, quản lý các cấp, như các ông: Nguyễn Văn Mạn, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Lĩnh, Nguyễn văn Điềm....

Nhiều cựu học sinh thanh đạt tham gia công tác quản lý các cấp như các ông: Bùi Duy Thức, Bùi Văn Trác, Nguyễn Văn Trung, Bùi Thanh Xuân, Đặng Bá Vượng, Phan Văn Suốt, Nguyễn Văn Loan, Phạm Tuấn Thinh....đã và đang tiêp tục cống hiến sức lực, tài năng cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục của Bộ giáo dục và đào tạo, nhà trường đã hưởng ứng và triển khai có hiệu quả các phong trào xây dựng “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các cuộc vận động “ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “hai không” trong giáo dục. Cùng các biện pháp tuyên truyền, nêu gương, nhà trường góp phần khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo trong học tập và lao động cho nhiều thế hệ học sinh trong suốt những năm phát triển và trưởng thành.

Năm học 2013-2014 đánh dấu cho một chặng mới, năm học nối tiếp phát triển và trưởng thành truyền thống hơn 50 năm qua: “TRUYỀN THỐNG THẦY DẠY GIỎI, TRÒ HỌC GIỎI”, Chi bộ, BGH, các đoàn thể và tập thể đội ngũ giáo viên nhà trường đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ các năm học, quyết  tâm phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân Trung Kênh giao phó(giữ vững danh hiệu tập thể cá nhân: Trường Tiên tiến xuất sắc, giữ vững vị trí tốp đầu về công tác dạy – học đặc biệt công tác bồi dưỡng học sinh Giỏi các cấp và chất lượng đại trà...), xứng đáng là điểm đến của của giáo dục xã Trung Kênh anh hùng.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể để lại bình luận ở đây:
4.8
24 sao / 5 đánh giá
5 sao - 4 đánh giá
4 sao - 1 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 4.8 SAO trên tổng số 5 đánh giá
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Giới thiệu trường học của bạn tại đây để mọi người có thể biết đến thông tin trường học của bạn, và kết nối bạn bè, học sinh đã học ngôi trường của bạn: Gửi thông tin trường học của bạn >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư