Mi Nguyen
|
1/ĐỀ :Hóa thân vào nhân vật tấm và nghĩ ra một kết thúc khác 2/ĐỀ :Hóa thân vào cây mai Hi Nguyên | Chat Online Report Đề 1 Sau khi gặp được Tấm ở hàng nước của bà lão, nhà vua vui mừng khôn xiết. Người liền truyền võng mác đưa nàng về cung và hậu tạ bà lão đã chăm sóc Tấm. Phần về hai mẹ con Cám, sau thời gian lúc đốt khung cửi – là Tấm – và rắc ở xa hoàng cung, cứ tưởng Tấm sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, bèn mở cỗ ăn mừng, lấy cớ là mừng Cám thành hoàng hậu chính thức, mời cả làng đến dự. Trong lúc ăn tiệc đột nhiên có tiếng trống, tiếng kèn tiến về phía nhà mẹ con Cám. Mọi người đổ xô ra ngoài sân để xem. Chỉ riêng hai người tham ăn vẫn ngồi trong phòng ăn uống no nê. Bỗng có một tiếng nói vừa lạ vừa quen cất làm mẹ con Cám giật mình, quay lại. Không tin được trước mặt mình là nhà vua cùng…Tấm – có phần lộng lẫy, xinh đẹp hơn trước – đang đứng trước mặt mình. hai mẹ con bèn quì xuống, lạy lấy lạy để, van xin Tấm tha chết cho họ. Tấm kể lại mọi chuyện với nhà vua. Ngài tức giận, sai binh lính bắt chúng đi chém đầu. Tấm bèn ngăn cản, xin phép vua bắt Cám và mẹ Cám đem vào một ngôi làng ven biển cách xa hoàng cung và truyền cho không bao giờ được quay trở về đô nữa. Nhưng Tấm vẫn cử người bí mật dõi theo hai mẹ con. Từ khi vào làng, vì hai mẹ con từ trước tới giờ ăn sung mặc sướng, chưa bao giờ làm việc nặng nhọc, nên không biết lao động như thế nào, người trong làng thương tình, bèn cho vào làm ruộng. Mẹ Cám lười, bèn bảo Cám đi làm thay mình, lấy cớ là tuổi già sức yếu. Cám thương mẹ nên cũng ra đồng làm. Nhưng làm được một thời gian, Cám mệt quá, không chịu nổi nữa, bèn ngồi chỗ khối đá, cảm thấy ân hận nên ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi. Cám thút thít, kể lại sự tình. Bụt bảo với Cám: Nếu như con muốn chuộc lại lỗi lầm của mình, thì con hãy đến một con sông thần cách đây 5 dặm, ở đó, hãy tìm dưới sông một chiếc gương thần, nó sẽ giúp con. Nói đoạn, Bụt biến mất. Cám hớt hả chạy về nhà, kể lại toàn bộ sự việc với mẹ mình. Mẹ Cám nghe thế, liền tất tả chuẩn bị đồ đạc đi cùng với Cám. Hai mẹ con đã phải trèo đèo lội suối, chưa kể những lúc mẹ Cám lười nhác, bắt Cám cõng mình qua con đèo cao ngất hay những lúc bà ta đói bụng, bắt Cám phải kiếm thức ăn cho mình. Cám vẫn âm thầm chịu đựng mẹ mình. Sau nhiều ngày mệt nhọc, vất vả, cuối cùng thì cũng tới được con sông đó. Cám bảo mẹ nằm chờ dưới gốc cây, còn mình thì lặn xuống sông để tìm chiếc gương thần. Nhưng không ai ngờ, là khi mẹ Cám nằm ngủ dưới gốc cây đã bị một con hổ vồ tới và ăn thịt. Khi Cám tìm được chiếc gương và ngoi lên bờ, nhìn thấy đống xương, còn cả cái đầu lâu còn dính máu và thịt của mẹ mình, Cám liền nhặt xương mẹ lại và ôm mặt khóc. Bụt lại hiện lên hỏi. Cám nói với bụt là đã tìm thấy chiếc gương, nhưng niềm vui không được trọn vẹn khi mẹ Cám đã chết. Bụt nói: - Chiếc gương kia chính là điều ước của con, giờ con có hai lựa chọn: một là dùng nó để ước rằng con chưa bao giờ có tội lỗi gì với chị con, hai là dùng nó để ước mẹ con trở về. con sẽ chọn cái nào?Cám suy nghĩ rất lâu, rồi đáp: Thưa bụt, con xin ước để mẹ con trở về bên con. Con cũng không cần sung sướng như lúc trước nữa, con chỉ cần ở bên mẹ con, tròn chữ hiếu với bà ấy là được rồi. Bụt mỉm cười, và đáp ứng điều ước của Cám. Đống xương mà lúc nãy Cám nhặt lại, hiện trở về thành mẹ Cám, nhưng một bên chân phải của bà đã bị con hổ cắn nát, nên mẹ của Cám mất đi một chân. Điều ước mất. Chiếc gương cũng mất. Cám cõng mẹ Cám trở về nhà. Và khi vừa về đến nhà, Cám đã thấy lồng đèn, hoa treo rực rỡ, tiếng kèn tiếng trống vang, và Tấm đã chạy đến ôm lấy Cám, nói rằng: Chị đã biết hết tất cả. Em thật dũng cảm, chị thật khâm phục em khi đã sử dụng điều ước duy nhất để cứu sống dì. Em và dì có bằng lòng dọn vào cung và ở cùng chị và hoàng thượng không ? Cám nghẹn ngào nói không nên lời, bật khóc. Rồi hai người được đưa về hoàng cung. Ít năm sau, Cám được nhà vua ban lệnh cho cưới người em thứ hai của ngài – là một dũng tướng tài ba. Còn mẹ Cám từ đó cũng không còn ác độc như trước nữa, bà cạo tóc đi tu và náu thân nơi cửa phật. Từ đó, họ sống với nhau hạnh phúc và không còn bất cứ thù oán gì với nhau nữa Cứ mỗi độ xuân về, khắp đất trời phương Nam trở nên thật rực rỡ với muôn ngàn sắc hoa. Thế nhưng, loài hoa đặc trưng cho mùa xuân miền Nam chỉ có một. Đó chính là hoa mai. Cây mai vốn là một loại cây rừng. Ngày xưa, khi đi khai khẩn đất phương nam, ông cha ta tìm thấy một loại hoa rừng cũng có năm cánh, cũng nở vào dịp Tết như hoa đào nên đem về nhà chưng để tưởng nhớ về cái Tết nơi quê nhà. Từ đó, chưng hoa mai đã trở thành phong tục ngày Tết của mỗi gia đình miền Nam. Cây mai có rất nhiều loại. Mai vàng là loài thường thấy nhất. Mai vàng thuộc họ hoàng mai. Cành mai có phần uyển chuyển, mềm mại hơn cành đào. Loài cây này thường rụng lá vào mùa đông, đến mùa xuân thì bắt đầu nở hoa. Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào. Khi sắp nở, nụ mai mới phô màu vàng tươi thắm. Hoa mai mang một vẻ đẹp nồng nàn, ấm áp của khí hậu miền Nam. Cánh mai tỏa hương thơm thoang thoảng, kín đáo. Hoa mai mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành. Sau khi nở hoa, cây lại còn cho quả màu đỏ nhạt, bóng như ngọc. Ngoài ra, còn có nhiều loại mai được các gia đình Việt Nam rất ưa chuộng, dùng làm cây kiểng trong vườn. Đầu tiên phải kể đến là loài mai tứ quý có thể ra hoa cả bốn mùa. Điều đặc biệt là hoa mai tứ quý nở lần đầu có năm cánh màu vàng nhưng sau đó, các cánh hoa rơi rụng dần rồi năm đài hoa đổi thành màu đỏ, trông như một bông hoa mai màu đỏ, rất đẹp. Đó là lý do vì sao mai tứ quý còn có tên gọi là nhị độ mai, nghĩa là hoa mai nở hai lần, trước vàng sau đỏ. Còn có loài mai chiếu thủy thân hình bé nhỏ, cho những chùm hoa màu trắng bé xinh xinh, tỏa hương thơm dịu dàng. Chúng thường được người ta trồng trên các hòn non bộ. Dù họ nhà mai đa dạng và phong phú, nhưng hoa mai nào cũng được con người xem như biểu trưng của sự tinh khiết, thanh bạch, của tấm lòng tri ân, tri kỷ. Hơn nữa, hoa mai còn được cho là mang đến sự may mắn nếu cây mai bắt đầu nở hoa vào đúng thời khắc giao thừa. Vào dịp Tết, trong mỗi nhà người dân Nam bộ, cây mai hay cành mai luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Nếu thiếu sắc mai vàng thì có lẽ cái Tết miền Nam sẽ không thể trọn vẹn được. Người ta có thể trồng mai trong bồn, trong chậu hay ngoài vườn đều được. Cây mai rất ưa ánh sáng và đất ẩm. Thế nên, mỗi khi gần đến dịp Tết, chỉ cần khí hậu ấm áp, ẩm ướt là hoa mai nở rộ. Nhưng chưa đến giao thừa mà hoa mai đã nở sớm thì trong ba ngày Tết hoa mai rụng sẽ bị cho là điềm xui và cây mai sẽ trông không đẹp nữa. Vì thế, các nghệ nhân trồng mai trong dịp cận Tết luôn bận rộn chăm sóc cho vườn mai của mình, dùng mọi cách để giữ sao cho hoa mai nở rộ vào đúng ba ngày Tết, mang đến may mắn cho mọi nhà. Ngoài ra, các nghệ nhân còn dùng kỹ thuật ghép để tạo ra những cây mai cho hoa rất nhiều cánh. Thậm chí còn có nhiều hoa mai màu khác nhau nở trên cùng một cây. Quả thật, bàn tay kỳ diệu của con người đã góp phần giúp họ nhà mai thêm đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Mai vàng không những đẹp mà còn tượng trưng cho nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta. Hoa mai đối với miền Nam cũng như hoa đào đối với miền Bắc, đều là những loài hoa gắn liền với truyền thống dân tộc. Có lẽ vì thế, dù đi đến bất cứ phương trời nào, chỉ cần nhìn thấy sắc mai vàng là những người con miền Nam chợt cảm thấy ấm lòng như đang ở chính quê hương của mình. |