Tây Sơn bi hùng truyện - Chương 8 (Lê Đình Danh)

77 lượt xem
Hôm ấy phố sá trong thành Quy Nhơn nhộn nhịp kỳ lạ. Bá tánh bàn tán xôn xao về yết thị bắt tên cướp Nguyễn Nhạc. Có một người hình vóc cao lớn, vạm vỡ, râu ria từ chân tóc mai đến cằm. Trông thấy yết thị người ấy nói thầm rằng: “Giờ ta đến gặp thầy được rồi đây.” Nói rồi bèn ra khỏi thành tìm đến huyện lỵ Tuy Viễn yết kiến Nguyễn Nhạc.

Nguyễn Nhạc mừng rỡ reo lên:

- Thì ra là Vũ Văn Dũng. Từ ngày chia tay ở Tây Sơn đến nay đã hơn một năm. Ta ngày đêm trông ngóng người hiền ra giúp rập, sao em đi đâu mà biệt tích? Nếu từ lúc khởi binh đến nay mà có em dưới trướng thì quân ta đã lấy được thành Quy Nhơn rồi, chứ đâu phải huyện lỵ Tuy Viễn này thôi.

Vũ Văn Dũng đáp :

- Lúc đại huynh đi nhận chức Biện lại Vân Đồn, thì sư huynh Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dẫn Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân lên Tây Sơn Thượng, thầy mới sai tôi đi vẽ bản đồ của các phủ Quy Nhơn, Quãng Ngãi, Phú Yên. Nay việc đã hoàn tất nên quay về ra mắt Đại huynh, quan trấn thủ phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên cho dán yết thị trọng thưởng cho kẻ nào bắt hoặc giết được đại huynh, đồng thời sai người hội quân hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn định ngày chinh phạt quân ta. Theo tôi lúc này nên đánh lấy thành Quy Nhơn làm bàn đạp tiến quân, không nên chậm trễ.

Dũng quay sang Trương Văn Hiến thưa :

- Đây là bản đồ của ba phủ con đã vẽ xong vô cùng chính xác, xin trình lên thầy duyệt lãm.

Hiến mở bản đồ xem, khen rằng:

- Thật là phương hướng rõ ràng, núi sông thành quách đầy đủ không thiếu chi cả. Lúc sai con đi ta biết ngoài con ra không có ai làm nổi. Ngay sau dùng binh đánh địch tranh thắng bại nơi ngàn dặm cũng không ngoài một thước vải này đây!

Nguyễn Nhạc nói với Hiến:

- Quân sư thật là nhìn xa trông rộng, tôi bái phục vô cùng. Nay tôi thấy đã đến lúc đánh thành Quy Nhơn làm nơi dụng võ, Quân sư có chước gì chăng ? Chứ nếu đem quân công thành mà quân triều canh phòng cẩn mật e rằng không thắng lại còn lại hao binh tổn tướng thì nguy!

Nguyễn Thung nói:

- Tôi có một kế có thể lấy thành Quy Nhơn ít hy sinh anh em nghĩa sĩ.

- Kế thế nào tiên sinh cứ nói xem sao?

Thung đáp:

- Nay Nguyễn Khắc Tuyên niêm yết cáo thị ai bắt được chủ tướng sẽ trọng thưởng. Vậy trại chủ hãy ngồi vào cũi gỗ rồi sai các tướng dũng mãnh đi theo nói rằng bắt được Nguyễn Nhạc, Tuyên ắt mở cổng thành cho vào. Vào đến nơi trại chủ phá cũi rồi cùng các tướng đánh binh triều không cho chúng đóng cổng thành, khi ấy quân ta ở ngoài tràn vào thành, như thế ắt là binh trong thành trở tay không kịp, tất phải bại vong.

Nghe xong Văn Hiến nói :

- Kế này hay nhưng mạo hiểm, các vị nên bàn cặn kẽ xem sao!

Nguyễn Nhạc bàn:

- Nếu tôi cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Vũ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đánh chặn không cho binh triều đóng cổng thành Quy Nhơn để cho quân ta tràn vào, việc này có thể làm được. Nhưng ngộ nhỡ quân trên mặt thành kéo cầu treo lên thì làm thế nào quân ta vượt hào sâu vào thành cho được. Nếu thế e rằng ta đem các tướng nộp trong hang hùm còn gì ?

Thung đáp:

- Vượt hào ta có thể sai quân vác ván làm cầu.

Văn Hiến nói:

- Nếu vác ván làm cầu phải dùng binh bộ không thể dùng binh mã. Mà từ nơi giấu quân đến cổng thành bộ binh chạy phải hơn một khắc. Trong thời gian ấy binh triều kéo đến đông quá, trại chủ cùng các tướng e rằng không chống đỡ được. Nếu dùng kế ấy nhất định phải đánh bằng binh mã mới bảo đảm thắng lợi và bảo vệ an toàn cho các tướng cảm tử, đồng thời phải làm sao ngăn chặn không cho toán quân ở trên mặt thành kéo cầu treo lên thì kỵ binh của ta mới tràn vào thành được.

Nguyễn Thung thất vọng nói:

- Nếu vậy kế này không dùng được rồi.

Bỗng Vũ Văn Dũng mừng rỡ reo lên rằng:

- Kế này dùng được! Nếu ta mời được một người hợp sức thì lo gì chẳng lấy được thành Quy Nhơn.

Mọi người đồng thanh hỏi:

- Người ấy là ai?

Văn Dũng đáp:

- Tôi có một người em họ tên là Võ Đình Tú, người Tây Sơn Hạ. Tú văn võ song toàn thường sử dụng cây côn bằng đồng vào nơi muôn tên ngàn giáo như chỗ không người. Người quanh vùng thường gọi là thiết côn vô địch.

Trương Văn Hiến hỏi:

- Nếu vậy cũng vũ dũng như Huệ, Tuyết, Dũng mà thôi, làm sao lên được mặt thành mà đánh quân kéo cầu treo?

Văn Dũng cười rằng:

- Nếu thế thôi thì tôi nói làm gì! Tú có tài lạ là dậm chân một cái có thể nhảy khỏi nóc nhà cao hơn vài trượng. Mấy chục tên quân giữ cầu treo, Tú chỉ dậm chân hai bước nhảy, vung một đường côn là chúng theo ông bà hết rồi. Lúc ấy kỵ binh của ta tha hồ xông thẳng vào thành.

Trương Văn Hiến vuốt râu bảo:

- Trên đời lại có người tài vậy sao?

Nguyễn Thung nói:

- Ấy là nhờ hồng phúc của trại chủ đó!

Nhạc mừng rỡ bảo:

- Nếu thế là trời giúp ta rồi vậy. Giờ ta sai người lên Tây Sơn Thượng gọi Huệ đem quân về hợp sức. Còn Đình Tú, phiền Văn Dũng đi thuyết phục một phen.

Vũ Văn Dũng tuân lệnh toan đi. Bỗng có tên quân hớt hải chạy vào báo :

- Tâu trại chủ, tướng quân Huyền Khê đã bị bắt!

Nguyễn Nhạc kinh ngạc hỏi :

- Ta sai Huyền Khê đem thóc gạo phát cho dân nghèo ở ấp Tây Sơn Hạ, nơi ấy đều thuộc quyền kiểm soát của quân ta sao lại bị bắt ?

Tên quân kể :

- Lúc chúng tôi đang phát thóc ở sân đình thì có một bô lão đem dâng Huyền tướng quân một vò rượu ngon. Tướng quân liền đem uống tại chỗ, quá chén thành say. Chợt thấy một người con gái đẹp đến nhận thóc, trong cơn say tướng quân quân buông lời ghẹo nguyệt trêu hoa. Người con gái ấy hoảng sợ vùng chạy chẳng may va đầu vào cột đình mà chết.

Nguyễn Thung vỗ đùi than rằng:

- Thôi chết, Huyền đệ đã phạm luật quân, còn gây ra án mạng. Tôi đã bao lần khuyên nhủ mà còn lầm lỡ. Nhưng rồi ai bắt Huyền Khê?

Tên quân đáp:

- Lúc ấy trong dân có một người thanh niên thấy thế nộ khí xung thiên xông vào đánh nhau cùng Huyền tướng quân. Mới ba hiệp Huyền tướng quân bị người ấy bắt trói giữa sân đình.

Nhạc hỏi:

- Còn ba quân các ngươi thì sao?

Tên quân đáp:

- Chúng tôi thấy việc lỡ như vậy, dân chúng mục kích ai nấy đều phẫn nộ nên không dám bênh vực làm càn mới vội chạy về đây báo cùng trại chủ.

Trương Văn Hiến nói:

- Huyền Khê đã làm mang tiếng quân ta, thật là đáng tội. Nhưng trước tiên hãy đến đó xem sao rồi sẽ liệu mà xử sự.

Nói xong Hiến cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Thung, Vũ Văn Dũng phóng ngựa đến ấp Tây Sơn.

Đến nơi thấy Huyền Khê bị trói nằm giữa sân đình, một người thấy bọn Nhạc đến liền cưỡi ngựa bước ra. Người này tuổi còn rất trẻ, mặt như dồi phấn, môi tựa thoa son, mắt phụng mày tầm, dung mạo phương phi, cây côn đồng gác ngang lưng ngựa oai phong lẫm liệt. Người ấy hỏi:

- Các ngươi có phải là đồng đảng của thằng giặc này chăng? Để ta bắt trói cho chúng dân luận tội cho rồi.

Vũ Văn Dũng lướt ngựa lên nói lớn:

- Võ Đình Tú hiền đệ xin hãy bình tâm.

Nghe gọi tên, người ấy giật mình hỏi:

- Ngươi là ai mà gọi ta là hiền đệ?

Văn Dũng đáp :

- Huynh là Vũ Văn Dũng đây, đây hiền đệ đã quên rồi ư ?

Đình Tú lạnh lùng đáp:

- Trong lúc cơn giận chưa nguôi, nhất thời không nhận thấy hiền huynh. Nay hiền huynh theo phường đạo tặc này đánh nhau với tôi chăng?

Văn Dũng xua tay nói:

- Hiền đệ chớ khá hiểu lầm. Tây Sơn trại chủ dấy binh đánh đuổi bọn tham quan ô lại mong cứu nguy trăm họ ra khỏi vòng nước lửa. Tạm thời giả danh làm cướp lấy của bọn cường hào, quan lại phân phát cho dân nghèo. Nay một thủ hạ uống rượu làm càn mắc tội trước chúng dân. Nhưng đừng vì thế mà hiền đệ vội xem bọn ta là phường đạo tặc.

Đình Tú cười rằng:

- Hiền huynh nói thế là ta tin được ư? Việc sờ sờ ra đó thì phải hiểu thế nào đây?

Nguyễn Nhạc bấy giờ tiến lên gọi quân bảo:

- Các ngươi hãy đem thi hài người thiếu nữ về nhà mai táng chu đáo. Nói cùng gia quyến cho ta trị tội Huyền Khê trước bá tánh rồi sẽ đến tư gia xin chịu tội sau.

Đoạn Nguyễn Nhạc quay sang Huyền Khê nói:

- Huyền Khê! Ngươi đã biết tội của mình chưa?

Huyền Khê lúc này đã tỉnh rượu hai tay còn bị trói chặt quỳ xuống khóc rằng:

- Huyền Khê trong một chốc say sưa phạm vào quân lệnh làm điều xằng bậy, chỉ lấy cái chết mới rửa sạch vết nhơ này cho nghĩa quân mà thôi. Xin trại chủ xử theo quân pháp.

Nguyễn Thung xuống ngựa, đỡ Huyền Khê dậy, khóc nói :

- Huyền đệ có biết tội này phải xử thế nào không?

Huyền Khê cúi đầu đáp:

- Phải xử bêu đầu!

Rồi Huyền Khê bước ra trước ba quân nói:

- Tội ta chết thật là đáng lắm, nhưng trước khi chết có đôi lời nói cùng anh em. Hãy lấy đó làm gương. Nên nhớ rằng chỉ một tật nhỏ mà hư đại sự, phải chuốc lấy tiếng nhơ muôn đời. Đam mê trong một lúc mà phải lụy đến thân. Không được chết giữa sa trường thật là ân hận lắm thay, ân hận lắm thay !

Rồi quay sang Nguyễn Nhạc, Huyền Khê nói:

- Tôi đã biết tội. Xin trại chủ cho mở dây trói, tôi xin tự xử lấy mình.

Nguyễn Nhạc gật đầu. Nguyễn Thung mở dây trói cho Huyền Khê. Khê rút dao ngắn cầm tay nói:

- Sau khi tôi chết đi, xin trại chủ hãy gấp đánh thành Quy Nhơn làm bàn đạp, vì chân tướng của quân ta không thể giấu được nữa rồi. Lưỡi dao này xin tạ tội trước chúng dân.

Nói xong đâm cổ mà chết.

Nguyễn Thung ôm thây khóc thảm thiết. Ai trông thấy đều động lòng rơi lệ. Nguyễn Thung xin đem xác Huyền Khê về quê an táng.

Xong việc ấy Nguyễn Nhạc nói với Võ Đình Tú :

- Nhà có đạo nhà, nước có phép nước, xin tráng sĩ đừng lấy việc một người mà kết tội muôn người. Nay tôi muốn thay trời hành đạo đem lại công bằng cho trăm họ. Tráng sĩ có thể vì dân mà giúp một tay chăng?

Đình Tú khẳng khái đáp :

- Nếu là kẻ bất tài thì thôi, ngoài ra ai lại không muốn đem sở học ra làm điều đại nghĩa, vùng vẫy cho thoả chí nam nhi. Mời các vị hãy về chơi tệ xá, ta sẽ bàn đến việc ấy sau.

*

* *

Đến nhà, Tú dắt Nhạc, Hiến, Dũng vào một cái miếu nhỏ ngoài sân. Trong miếu dựng tượng thờ Quan Vân Trường đời Hán, cạnh tường dựng một cây Thanh long đao to lớn khác thường. Đình Tú nói :

- Trong các vị có ai cầm cây đao này múa hết một bài đao, thì tôi xin xách côn theo hầu dưới trướng. Nhược bằng không ai múa nổi thì tôi xin làm kẻ nhà quê đi cày xó núi vậy.

Mọi người ai cũng lấy làm lạ cầm đao múa thử, nhưng mới một đường đã đuối tay bèn lủi thủi ra về. Dọc đường Hiến nói:

- Cây đao này dù Quan Công sống lại cũng không múa nổi. Thu phục người này không có Nguyễn Huệ ắt không xong.

Ngày sau Nguyễn Huệ từ Tây Sơn Thượng về đến, nghe kể lại bèn một mình một ngựa đến nhà Võ Đình Tú. Huệ nói :

- Nghe nói tráng sĩ có cây đao nặng lắm. Huệ tôi xin múa thử vài đường.

Nói xong cầm đao lên múa vùn vụt, ánh thép loang loáng hơi gió lạnh người. Múa xong bài đao mà sắc mặt không hề thay đổi. Đình Tú đứng ngẩn ra nhìn rồi sụp lạy:

- Tướng quân thật là thần nhân. Tôi nguyện đem chút tài mọn cùng tướng quân định quốc an dân.

Huệ lấy làm lạ hỏi:

- Lẽ được thua trong thiên hạ là ở hai chữ Nhân và Trí. Sức mạnh cử đảnh như Hạng Võ ngày xưa sau cùng cũng chết dưới tay Hàn Tín gầy gò yếu đuối. Sao tráng sĩ lại chọn người có sức mạnh để theo phò?

Võ Đình Tú đáp:

- Điều này tôi há chẳng biết hay sao. Nguyên miếu và đao này phụ thân tôi lúc sinh thời lập ra để thờ Quan Vân Trường nhà Hán. Một hôm tôi nằm mộng thấy Quan Thánh hiển linh về báo rằng: Ngày sau nếu có kẻ nào cầm đao này múa nổi một bài đao thì theo giúp rập, lập nên chiến công hiến hách tiếng để ngàn thu. Nay được gặp tướng quân là mộng xưa đã ứng.

Nói xong Võ Đình Tú cầm côn theo Nguyễn Huệ về đầu quân Tây Sơn.

 
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×