Vỡ đê - Phần I - Chương 3 (Vũ Trọng Phụng)

82 lượt xem
Cái sân gạch bát tràng là vật sở hữu hoàn toàn của chín con gà con và con gà mẹ. Với những tiếng kêu cục cục vừa hiền từ vừa nghiêm nghị như những câu ra lệnh cho kẻ dưới, với hai cánh buông sã xuống như tà áo buộc thắt đáy của người đàn bà đảm đang lúc vội việc, con gà mẹ oai nghiêm đi tìm đường đời cho lũ con nhỏ ngây thơ, ríu rít, kêu chiêm chiếp theo sau. Bầu không khí mát mẻ dử một vài con châu chấu dại dột đã bỏ địa phận của chúng để từ nội cỏ tung tăng nhảy vào du lịch sân gạch. Ấy thế là... con gà mẹ nghển cao cổ, lóng lánh hai mắt, quay cổ vài ba lần để soi mắt tìm quanh như những cây hải đăng tự động, rồi thì, sau khi rú lên mấy tiếng ương ước đầy những vẻ khát máu và tàn sát, nó văng mình đuổi theo con bọ, nhanh nhẹn tựa hồ một khối bị ném đi... Đàn gà con còn ngẩn ngơ đứng xúm với nhau thành một tốp, mãi cho đến khi con châu chấu đã bị hành hạ dưới mỏ con gà mẹ thì cái đống nhung nhúc ấy cũng lại bị văng đi như một khối khác nữa, hàng ngũ đều đặn như một đạo binh đã được thao luyện chỉnh tề. Cuối cùng thì một vài con nghển cổ hai ba lần vì nghẹn mồi, và những con khác chiêm chiếp kêu đòi công lý chung quanh, con gà mẹ lúng túng không biết xử trí ra sao...

Cây chuối in bóng vào cây rơm. Cây với bóng cao bằng nhau, vì mặt trời hình như mới mọc từ mặt đất.

Một con chào mào bay đến để điểm thêm, bằng cái đuôi đỏ, một chấm đỏ nữa cho cây lựu. Nó kêu lên như muốn nói: "Thích tình nào!... Thích tình nào!..." vì cây lựu là của nó, cái sân là của nó, - bốn bề là của sự im lặng.

Con gà mẹ chỉ lúng túng có một lát rồi lại nghển cổ đập cánh vài cái, y như bọn người quen lấy cái xoa tay khu xử những việc khó xử. Tức khắc sự khiếu nại của những con gà con không được gì thế là hóa ra sự quên. Mẹ dắt con đi chỗ khác bằng những lời hứa. Và những đứa con phải quên đi vì mối hy vọng mới, cho nên lại sống thuận hòa với nhau ngay.

Phú đã dậy, còn ngồi ở bậu cửa ngắm nghía cái xã hội loài vật ấy. Chàng nghiệm rằng nó là phản ánh của xã hội loài người, nhất là xã hội Việt Nam. Sự nhẫn nhục, những hy vọng luôn luôn kế tiếp nhau, sự chóng quên, sự cầu hòa, tính thủ phận: đó là những điều kiện gây nên hòa bình sau những khi có những sự bất công đáng bất bình. Chàng thấy phải hay công phẫn, hay phản đối, phải hiếu động như người Pháp thì mới nâng được quốc gia lên cái trình độ tiến bộ.

- Cậu Phú đã dậy chưa? Cậu Phú ơi cậu Phú?...

Tiếng gọi réo của ông lý trưởng làm tan hoang mất cả cái thú vị của buổi sáng. Con chim chào mào bay vụt đi. Đàn gà hãi hùng rủ nhau chạy trốn. Phú mất trầm mặc, vùng lên, ra đẩy cái cổng tre đón ông lý vào nhà. Đằng sau ông lý, bảy tám người lạ mặt trông có vẻ lực điền cả mà không vào theo ông lý, khiến Phú nhớ ra ngay cái việc trông đê. Tuy nhiên chàng cũng cứ hỏi:

- Có việc gì mà ông sang sớm thế?

Ông lý đứng dừng lại vì ngạc nhiên. Ông quay lại đưa mắt cho Phú để ý đến những người đứng chờ ở ngoài hàng rào. Rồi ông hỏi:

- Thằng cháu tôi nó không bảo gì cậu? Phú cười, vỗ lưng ông lý, nói:

- Ông hãy cứ vào trong này đã...

- Tôi vội lắm đấy. Còn phải đưa bọn phu này đi ngay cho kịp sáng hôm nay...

Phú cuốn chiếc mành lên, giải chiếc chiếu ra phản, đi kiếm điếu thuốc lào, ấm chén. Lúc ấy, cụ Cử cũng đã bị cái giọng gọi réo của ông lý đánh thức dậy rồi. Cụ còn ngồi lại ở giường vấn lại vành khăn.

- Tất cả làng có hơn một trăm đinh thì hơn một chục ông có chân tư văn, năm bảy người đi làm xa! Đào ngoáy xoay xỏa mãi cũng chưa được ba chục. Thật rõ lôi thôi quá... Tôi mà biết trước những nông nỗi thế này thì tôi không ra hứng lấy việc quan, việc dân... Rõ bực!

- Thế những người lạ mặt vừa rồi?

- Phu đấu làng bên cạnh đấy. Họ ở Hải Dương lên từ tháng trước đắp nền nhà mới cho cụ án. Họ vừa nghỉ việc mấy hôm nay. Cũng may có họ, không, chả mượn người đâu được.

- À, ra những ai không đi thì thuê họ.

- Phải. Mỗi lượt, một đồng một người; năm ngày một lượt; hết lớp ấy tôi lại phải bắt lớp khác.

- Thế không đủ đinh thì ông làm thế nào?

- Tôi hãy cứ đem ba chục phu lên đã. Quan có quở thì tôi hãy cứ khai bướng là tư văn không đi. Rồi có sao sẽ liệu vậy. Thế còn phần cậu thì cậu định liệu thế nào?

- Tôi ấy à?

- Thằng cháu nó có bảo gì cậu không?

- Có. Nhưng mà tôi không có tiền...

- Chết! Cậu phải đi xoay chứ? Cậu phải cố cào cấu cho nó ra tiền chứ? Đi vay mượn chứ!

- Ông bảo vay thì vay ai? Một đồng bạc bây giờ bằng chục bạc lúc khác...

- Ông chánh Mận ấy!

- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến vay tiền ông Mận.

- Cậu khái quá! Cả làng này vay ông ta chứ cứ gì một ai!

- Nhưng mà... tôi thì lại... khác. Nghe đến đấy, ông lý buồn rũ người ra như thấy tin nhân ngãi chết. Chẳng buồn hút thuốc, uống nước, ông để tay chống cằm. Hồi lâu ông thở dài:

- Thế cậu định để chết cho tôi hay sao! Việc là việc hữu ích chung chứ phải tôi tư túi gì? Đấy, cậu xem, vụ thuế vừa rồi tôi đã sạt nghiệp vì cả làng đấy!

Phú cười khanh khách:

- Ông đừng lo! Tôi không để cái chết cho ông đâu.

Ông lý trưởng lại càng lộ vẻ sốt ruột, cáu kỉnh. Ông nói như gắt:

- Thế cậu định thế nào?

Ông lý đứng phắt lên tỏ ý giận dỗi vì không tin, Phú cũng đứng lên lôi hai tay ông ta. Chàng không dám cười nữa, phải nghiêm nghị nói:

- Thưa ông, tôi xin đi phu.

Ông lý hắt tay Phú, nguây nguẩy:

- Tôi không nói đùa! Việc quan không phải chuyện đùa!

Phú làm ra bộ cáu kỉnh:

- Thưa ông, tôi, tôi cũng không nói đùa!

Đến đây, ông lý đứng lặng người ra, ngạc nhiên nhìn. Sau cùng ông cúi mặt, cậy mấy hạt dử mắt. Ông lầu nhầu:

- Quái thật! Quái thật!

Vừa lúc ấy, cụ Cử hầm hầm đi ra, xỉa xói mãi vào mặt Phú:

- Đã biết chưa, hở con? Đã biết chưa? Nhục! Nhục! Bây giờ thì mới biết cái chân tư văn là cần nhé! Xưa kia nói thì cứ cang cảng gân cổ ra mà cãi mãi!

Phú nhớ lại lúc mẹ lấy được một bát họ năm chục bạc để định mua cho chàng cái tư văn, chàng đã phải hết sức phản đối, hết sức công kích... Trong hai mẹ con đã xảy ra một trận bất hòa kịch liệt, chỉ vì thương yêu nhau nhưng mà không hiểu nhau. Phú muốn dùng tiền ấy lợp lại cái nhà mục nát, trát lại mấy bức vách đã long lở, may cho mẹ và cho chị vài cái quần áo, trả những món nợ vặt, mua cho thằng cháu bồ côi một cái vòng bạc... những việc tối cần. Sau những trận cãi nhau khá kịch liệt mà chỉ kết cấu bằng nước mắt, bằng sự hờn, giận, chàng đã phải hết sức cương quyết cho đến kỳ cùng mới chống lại được cái nạn tư văn. Cụ Cử đã phải tấm tức nghe theo để may quần cho mình, cho con gái, lợp lại nhà, trát lại vách - Những việc cụ cho là không cần lắm.

Đến bây giờ...

Nước lên...

Phú định đi làm phu!

Cụ Cử lại xỉa xói hai ba lần nữa vào mặt con:

- Nhục! Giời ơi! Nhục ơi là nhục!...

Phú không kịp nghĩ đến sự thất hiếu với mẹ nữa. Chàng gắt:

- Ô hay! Đẻ làm gì thế? Đi phu thì đã làm sao?

- Nhục! Sức vóc học trò! Rồi ốm! Rồi chết!

Tuy mẹ nói thế nhưng ý nghĩ của con lại trái ngược hẳn. Phú cho việc mình đi hộ đê là một bổn phận phải gánh vác một cách sốt sắng. Dù là học trò, chàng cũng thấy mình đủ sức vóc làm những việc nặng nhọc. Chàng lại muốn dúng tay vào những việc chân lấm tay bùn của đồng bào dân quê để gánh vác đỡ một phần công lao tối tăm không biết đến của họ. Được gần với cái phần tử khốn khổ nhất của xã hội, Phú sẽ được dịp quan sát mọi điều, và mong sẽ nuôi được tấm lòng yêu nước; vì thế chàng đã mơ tưởng đến bao nhiêu cảnh lầm than nó kích thích mạnh vào tâm hồn chàng, nó làm cho chàng biết đến cái gì là cái há sinh. Thành thử Phú chỉ thấy việc đi làm phu là chứa chan thi vị. Chàng cứng cỏi nói bằng giọng một cái chiến thư:

- Ý tôi đã quyết, đẻ đừng nói gì nữa. Tôi ngồi không ở nhà thì cũng chẳng ích gì. Cụ Cử ngồi xuống bậu cửa khóc. Ông lý trưởng ngán ngẩm đứng lên:

- Thôi, cậu đi hay cậu vay tiền để thuê mượn thì tùy cậu đấy. Cứ biết là chốc nữa thì cậu đã phải có mặt tại điếm. Tôi còn sang làng bên giục nó thuê xe đánh tre đi. Xin cậu nhớ cho nếu có tiền thì là một đồng hai hào tiền người và tiền cây tre. Bằng không thì cậu chạy bộ một cây tre rồi đem ra điếm cho tôi. Thôi, xin phép cụ, chào cậu.

Nói rồi ông lý ra hẳn, Phú quay lại hỏi vặn mẹ:

- Đấy đẻ xem! Tôi không đi thì đẻ có chạy được một đồng hai hào cho tôi không? Đẻ lại khóc nữa thì vô lý quá.

Cụ Cử vẫn sì sụt khóc. Phú lấy con dao rựa ra bụi tre, vén tay áo bổ vào một gốc. Cô Tuất cũng ẵm con ra sân:

- Cậu nhất định đi phu thật đấy à?

Phú ngừng tay quay lại phân trần:

- Đấy chị xem! Dù có vay tiền được, tôi cũng không muốn đẻ lại mắc thêm một món nợ. Chứ đừng kể là chẳng ma nào cho mình vay tiền nữa. Mà đi phu thì đã mất danh giá gì? Việc quái gì? Mình là ông gì mà lại từ những việc bổn phận mình phải gánh vác? Chị cứ yên tâm.

- Sức vóc cậu làm thế nào những việc của phu phen được?

- Chị mặc kệ tôi.

- Hay là...

- Sao?

- Nói với ông chánh Mận... Phú bất bình mà rằng:

- Thôi đi! Người ta hỏi chị, chị chưa thuận, tôi là ai mà lại đến đấy vay tiền? Dù người ta đã lấy chị rồi thì tôi cũng không nên nhờ mới phải.

Phú lại quay vào chặt gốc cây tre. Cô Tuất đứng tần ngần hồi lâu... Khiến em phải nghĩ đến việc ông Mận gạn hỏi. Ông Mận say mê cô Tuất ra mặt. Ông nói thế trước mặt cả làng. Phú vẫn sợ, lo rằng chị mình sẽ sa ngã, sẽ... phải lòng người ta chăng. Là vì ái tình nó hút ái tình như điện nam châm hút sắt. Đối với lòng yêu, cái gì lãnh đạm được? Cho nên Phú vẫn lo trước khi chị mình công nhiên nhận lời hoặc trước khi việc thành, Tuất sẽ nhẹ dạ, mà đi trò chuyện gì với người ta chăng. Nhưng không! Tuất là gái có một, trăm phần trăm. Trong hôn sự Tuất không thấy gì là ái tình. Bằng lòng thì sẽ lấy, không thì thôi, chứ Tuất không có cái tính thận trọng sợ người ta khổ vì yêu mình, và do thế, tự mua cho mình một mối tơ vương, nếu mình không lấy người ta vì những lẽ éo le khác. Không, những cái ấy chỉ bọn gái tân thời mới có mà thôi.

Tuất lại nói:

- Tôi thương cậu quá. Đi phu khổ lắm cậu chưa biết...

Phú quay lại nhìn thì thấy ở mắt chị có hai dòng lệ. Chàng bực mình mà rằng:

- Chị tưởng anh Minh ở Côn Đảo sướng lắm đấy hẳn? Tôi đi đắp đê cũng chưa khổ bằng anh ấy đi đập đá! Anh ấy khổ, tôi không cần ngồi khoanh tay sướng lấy một mình!

- Thôi thế để tôi đi thổi cơm rồi nắm cho cậu vậy.

- Phải. Ngày nào cũng thổi cho tôi hai nắm cơm và một ít muối vừng, thế thôi. Liệu mà gửi bà Đám từ sáng sớm, ngày nào cũng vậy.

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×