Vỡ đê - Phần II - Chương 3 (Vũ Trọng Phụng)

83 lượt xem
Khi Phú mở mắt choàng dậy thì dưới chân chàng, nước mưa đã đọng lại thành một vũng lớn. Chung quanh chàng, dưới cái lều trống trải, bốn chục người nằm co quắp, chồng chất lên nhau mà ngủ, ngổn ngang, lổng chổng, như một lớp cá mè, trên mặt cỏ hai lần giát tre ngăn đón sự ẩm ướt của đất, nó là một thứ đệm gồ ghề chẳng hiền lành cho những cái lưng của bọn người ngủ. Bọn này gối đầu vào ngực, vào lưng, vào đùi, vào cẳng nhau, dùng những cái áo tơi lá gồi phủ một lượt lên trên làm chăn. Họ ngáy o o, mặc lòng gió thổi từng cơn ào ào, mặc lòng khi một người tức ngực, tê đùi, mỏi lưng mà muốn trở mình thì ít nhất cũng phải đẩy một cái đầu, quẳng một cái cánh tay, hất một cái cẳng của vài ba người khác, nghĩa là làm cho cả bọn phải cựa cậy lục đục.

Một lần nữa, những cái thế nằm tuy có đổi mà kỳ chung sự hỗn độn vẫn nguyên là sự hỗn độn, vì những cái đầu này lại chúi vào những cái đít khác, cái chân của người nọ lại đặt lên một cái mặt người kia! Một giấc ngủ, tuy vậy, cũng thần tiên. Một đống người, tóm lại, sung sướng, nếu cái ngủ là phương pháp cuối cùng chống với cái đói.

Lúc ấy, trời đã hửng sáng. Phú đứng lên vươn vai, sau khi đắp lại một cái áo tơi cho ông xã Đấu, người có một cái lưng lực điền mà Phú đã dùng để gối đầu cũng như chàng đã đem cả người chàng để che chở thay cho chăn. Việc thứ nhất của Phú, cũng như của tất cả mọi người lúc trở dậy, là xem lại túi áo hay hầu bao có còn nguyên vẹn cái thẻ thuế thân không. Sau những khi ăn nằm thân mật với nhau, người ta phải đề phòng sự ăn cắp, chứ không tin ai được, mặc lòng chẳng người nào có cái gì đáng cho một kẻ khác lần lưng móc túi. Khi thấy cái thẻ, mấy đồng xu buộc trong một cái khăn tay vẫn nguyên vẹn trong túi áo, Phú bước ra khỏi lều.

Vì không ngủ được, Phú hóa ra trở dậy sớm nhất, tựa hồ một người siêng năng. Nhưng những con chim nhạn lại còn siêng năng hơn Phú. Lần đầu trong đời, Phú được dịp thích mắt khi thấy hàng trăm con chim đen ấy nhoang nhoáng liệng như tên bay trên mặt sông, dốc đê, mặt ruộng, để hớp mồi, hai cánh thả rộng, cái đuôi như chữ V. Phú nhớ đến những chuyện đời xưa mà cổ nhân gán cho loài chim có thi vị ấy những cái trách nhiệm nặng nề...

Nhưng mà, kìa, từ những điếm gạch, một vài bác quyền đã bước ra, cái roi mây đã sẵn sàng ở tay. Một hồi trống. Năm phút im lặng. Lại một hồi trống nữa. Trong khoảnh khắc, mặt đê lúc trước vắng ngắt, nay đã lố nhố mấy trăm con người. Lính tráng, lý dịch, cai cú, đã cắt đặt ỏm tỏi. Trước sự sung sướng chung, người ta hò reo với nhau rằng mực nước đã rút xuống được hai gang tay! Dân phu hộ đê, do thế, ít ra cũng đỡ khổ, dẫu là được một ngày. Vẫn phải làm việc, điều ấy cố nhiên, nhưng sự đốc thúc hẳn không còn gay gắt tàn tệ như ngày hôm trước. Một vài người đã bắt đầu muốn trốn về thăm nhà.

Hồi trống thứ ba đã lại bắt đầu nổi lên. Cái hiệu lệnh cho người nào cũng phải đến chỗ người ấy, phu đào đất xuống thùng đấu, phu đan sọt ra chỗ có những đống tre xanh... Nhưng mà, lần này, dân phu, đáng lẽ tản mát đi mọi nơi, thì lại họp nhau lại cả một chỗ.

Người ta chợt nhớ rằng đã làm việc năm hôm. Theo lệ hộ đê xưa nay, cứ tốp này làm việc năm hôm thì được tha về. Nhà nước lại gọi tốp khác. Người ta nhớ lại quan trên đã nói rằng Nhà nước xử nhân đạo, sẽ trả tiền cho mọi người. Vậy thì phải kêu ca: con không khóc, khi nào mẹ lại cho bú? Cho nên dân phu, người lớn, trẻ con, đàn bà, khi thấy sắp được tha về mà chưa được biết tin tức gì về công xá, đã họp nhau lại để kêu... Một vài cái roi vọt chẳng đủ họ sợ.

- Chúng tôi muốn biết quan trên có tha chúng tôi hôm nay không?

- Để nhờ ông lý nói lên ông chánh tổng hộ!

- Rồi các ông chánh tổng nói lên quan huyện.

- Không phải đánh! Không phải chửi!

- Chúng tôi không làm gì nên tội mà phải đánh chửi như thế!

Thế là xong! Đám dân đã bắt đầu bất trị. Một vài bác lính quay lại sợ hãi cái nhẫn tâm của mình. Bọn lý dịch ngơ ngác gọi nhau, đi tìm một vài ông chánh tổng lúc ấy còn ngồi uống nước, hút thuốc trong điếm. Một bác lý trưởng ra điều giỏi việc quan, gân cổ diễn thuyết:

- Các người làm gì mà nhặng lên thế? Quan trên đã có lệnh gì đâu mà lý dịch biết được! Có tha cho về thì cũng hết hôm nay đã chứ, sao mới bảnh mắt đã đòi về? Thì hãy cứ làm đi đã xem sao nào!

Dân hộ đê chẳng ai dám nói nửa tiếng. Họ thì thào với nhau, xui giục nhau, cãi cọ nhau. Thấy tình hình khốn nạn ấy, Phú chạy lên hàng đầu thay mặt họ:

- Thưa các ông lý dịch! Chỉ có bây giờ chúng tôi mới họp nhau được, chứ nếu chia đi các ngả rồi thì ai cho chúng tôi họp nhau nữa mà kêu! Các ông xét cho! Chúng tôi vất vả năm hôm nay rồi! Chúng tôi còn phải lo sao cho cha mẹ, vợ con ở nhà khỏi chết đói! Nhà nước bảo có trả tiền công mỗi ngày xu năm một người, vậy thì tiền đâu? Có thực mới vực được đạo chứ?

Người cai lục lộ đánh nhau với Phú hôm trước nói leo vào:

- Ấy cái thằng ấy nó chẳng làm được việc gì mà nó kêu la to nhất!

Một người phu hộ đê khác nói bướng:

- Không được ăn thì bố ai làm được! Chúng tôi sợ gì? Chúng tôi chỉ cầu vỡ đường vỡ xá thôi! Có thế may ra nhà nước mới xóa thuế, chứ hoa mầu chúng tôi chẳng có chó gì mà chúng tôi sợ!

Người lý dịch phát cáu:

- Để chờ quan ra đây rồi nói! Ông tóm cổ mày lại để rồi mày nói thế với quan!

Con giun xéo lắm cũng quằn, cái công phẫn của quần chúng đã bị kích thích mạnh. Hốt nhiên có tới ba mươi người xông lên hàng đầu, sừng sộ:

- Có tóm cổ, xin tóm cổ tất cả! Ngần này người tình nguyện sẽ nói thế!

Đâm hoảng, người lý dịch ấp úng:

- Có tha về thì cũng đến tối chứ?

- Chúng tôi kêu ngay bây giờ thì vừa!

Phú xua tay ngăn hai bên, rồi khoan thai:

- Không thể được! Nếu tha về thì các ông nên tha vào lúc xế chiều, vì ở đây có nhiều người ở xa hàng hai mươi cây số! Đến tối thì chúng tôi biết lần đường nào mà về! Vậy tôi xin hỏi rằng các ông lý dịch đã bắt lớp phu khác thay cho chúng tôi chưa?

- Lý dịch khác thì ai biết đâu đấy! Các anh nói ngu lắm! Chúng tôi ở đây là trông nom các anh, mà các anh được về thì chúng tôi cũng được về chứ gì!

Phú chả để mất cơ hội, vội phân bua:

- Ừ! ấy thế! Mà đã thế thì các ông đừng đàn áp dân phu nữa, mà kêu ca hộ dân phu có phải hơn không?

Ông lý trưởng làng của Phú cũng nói với các lý dịch:

- Phải đấy! Anh em ta phải nhân đó mà kêu lên quan, rồi mà cùng về.

Đây kia một ông chánh tổng. Ông đến nói khuấy khóa, giọng lè nhè:

- Chào ôi! Chưa được việc gì cả mà đã om xòm lên. Vẫn biết Nhà nước có giấy sức đi là trả tiền, nhưng chưa đủ giấy má thì chưa có tiền chứ sao? Giấy còn tư về tỉnh, rồi tỉnh mới lại tư về huyện chứ? Phải chờ đợi việc quan là thường chứ? Thôi quan sắp ra rồi! Ai vào phận sự người ấy! Hãy cứ biết hộ đê đi đã, bao giờ có lệnh quan hãy hay! Các người giải tán đi!

Phú nói:

- Xin cụ biết cho rằng mực nước đã xuống! Như vậy dân phu mới dám họp nhau kêu cụ, nhờ cụ kêu lên quan cho! Chúng tôi khổ lắm rồi!

Người chánh tổng lè nhè:

- Tôi lên huyện đây! Để tôi xin kêu! Nhưng mà cứ đi làm việc đã!

Phú quay lại nói với dân phu:

- Ấy đấy! Sự tình là thế đấy, tùy các người xử trí.

Ba trăm người ấy lầu nhầu một hồi dài. Nhưng chưa chi, độ một trăm người đã vội giải tán đi các ngả. Một trăm người khác nữa, chột dạ, cũng giải tán theo. Còn lại một phần ba những kẻ bướng bỉnh nhất thì bị bọn lý dịch, lính tráng bắt giải tán bằng chửi rủa hoặc roi vọt.

Thế là, sau một lúc ỏm tỏi hỗn loạn, đâu lại vào đấy cả.

Phú lẳng lặng xuống thùng đấu với mấy người làng. Chàng lại căm tức dân phu hơn là bọn người có phận sự cai quản họ. Phú cho rằng đối với người trên, cùng dân phải hết sức nỗ lực, hết sức cương quyết, mới mong được việc. Trái hẳn lại, cái hăng hái của dân quê chỉ như lửa rơm, chưa nhóm đã tàn. Như vậy chỉ là trò trẻ, và những nguyện vọng chính đáng đến đâu rồi cũng bị khinh thường. Đã vậy, cái thất bại bây giờ còn đẻ ra bao nhiêu cái thất bại khác về mai sau. Dân quê! Dân quê khổ sở, bị áp chế chỉ vì thất học, mà đã thất học thì lại càng bị áp chế cho không thể học được nữa; như vậy, biết làm thế nào cho họ hành động nổi một việc ý thức được.

Cạnh Phú, anh hai Cò, anh xã Đấu, mấy người đàn bà... lại chăm chỉ làm việc, tựa hồ không có việc gì xảy ra. Phú thở dài, lầm bầm: "Nhẫn nhục ở đâu là một nết tốt, thì ở đây chỉ là một điều tai hại".

Lúc mặt trời đã lên cao quá ngọn tre, bọn phu được nghỉ tay để cơm nước. Lý dịch và tuần tráng xúm xít nhau lại ở cái hàng cơm cạnh điếm của mụ béo có đôi khuyên vàng. Được thả lỏng trong chốc lát, phu phen lại thấy cái cần phải bảo nhau quyết tìm một phương kế đương đầu lại mọi áp bức. Chẳng để lỡ dịp, Phú cầm một nắm cơm ở tay chạy vội đến một thùng đấu khác đông đàn ông nhất, cổ động lên tiếng:

- Tôi nói thật cho các ông biết, chứ dễ thường quan đã phát tiền cho lý dịch rồi mà bọn lý dịch tuần tráng ăn chặn của mình đi cũng nên! Các ông không biết tự cứu lấy thân thì các ông chết!... Phải phản đối kỳ cùng cho lòi những kẻ gian tà ra mới được.

Nói thế xong, Phú lại chạy về chỗ cũ. Từ đấy trở đi, những câu "ăn chặn, gian lận" đã từ miệng kẻ nọ bay đến miệng người kia. Trong chốc lát, mấy trăm người đều công phẫn, xót xa về nỗi bị bóc lột. Họ bảo nhau lại kéo nhau lên đê... Lần này, khôn hơn, họ mang theo liền tay cả xẻng, cả cuốc, hoặc không thì cũng một thanh tre to tướng. Đó không những là một vụ đình công, mà còn là một vụ biểu tình. Và khi dân biểu tình lại có cả "khí giới" trong tay thì ấy là họ dại dột tự đem thân dấn vào chỗ chết.

Sau khi cơm nước, bọn lý dịch và tuần tráng kinh hồn hoảng vía, khi họ quay ra ngoài hàng cơm mà đã thấy dân phu xúm lại rất đông. Người ta hoảng hốt chạy trốn. Một người lính khố xanh cắm cổ phóng xe đạp về huyện. Hai ông chánh tổng chạy đến nỗi khăn khố xổ tung trên vai, lòng thà lòng thòng. Dân biểu tình hò hét om xòm:

- Những đứa nào ăn chặn tiền thì sẽ biết!

- Đồ khốn nạn! Đồ ăn cướp cơm chim!

- Chúng ông cứ moi gan những quân nhũng lạm đã, rồi chúng ông liệu!

- Rồi chúng ông trói mình nộp cửa công một thể!

- Phải làm cho quan tỉnh biết rõ mọi việc!

Phú luống cuống, không biết cách nào ngăn họ lại nữa... Cái đám quần chúng hiền lành bình tĩnh ấy đã muốn sinh sự. Một lần cơn phẫn uất trong đáy lòng của họ bị một lời cổ động nguy hiểm khêu nhóm lên, đánh thức họ tỉnh một giấc ngủ mấy nghìn năm. Đáng lẽ chiến đấu một cách hòa bình, cương quyết và khôn ngoan, thì đó là những cử động mạnh bạo một cách dại dột. Họ không còn biết nghe lời lẽ phải trái gì. Phú thấy bối rối cả tâm trí, khi một tên cai lục lộ và một anh tuần tráng dã man có tiếng, bị phu phen đánh cho một trận nên thân.

Nửa giờ sau thì quan huyện ngồi trên xe nhà, đến với sáu người lính khố xanh. Trông thấy súng ống, dân quê mới kịp hoảng sợ. Đến khi sáu cái súng nổ chỉ thiên thị uy một lúc, cái đám dân phu đáng thương bỏ chạy tan tác, xô đẩy lẫn nhau, giày xéo lên nhau... như một đàn ruồi ở sau mông con bò, khi bị cái đuôi bò đập một cái.

Sau cuộc hỗn loạn, số bị thương vì xẻng của phu là bốn đứa trẻ con, hai người đàn bà. Rồi thì... sau cùng, đâu lại vào đấy.

Trên đê, hai trăm phu khác mới đến, do một bọn lý dịch khác chăn dắt.

Phú bị một người lính khố xanh áp giải về huyện lỵ với cái tội cầm đầu biểu tình.

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×