Vợ già chồng trẻ - Chương 3 (Hồ Biểu Chánh)

70 lượt xem
Cô Hai Xuyến gốc gác ở trong giới bình dân. Cha cô làm thợ mộc ở vùng Cầu Chông, gần chợ Xóm Chiếu. Cha mẹ sanh có một mình cô mà thôi. Khi cô được mười tuổi thì mẹ cô mất. Cha cô chấp nối với người đàn bà khác có nhà ở Thị Nghè, tính dọn đồ về bển mà ở với người vợ sau, đặng xin vô làm sở Ba Son.

Người dì của cô sợ ở với mẹ ghẻ cực khổ tội nghiệp, mới nói với cha cô mà xin để cô ở với bà, đặng bà nuôi giùm mà dạy cho cô biết nghề sau khỏi bị đói rách. Bà dì không có chồng con. Bà chuyên nghề làm bánh rồi đếm cho trẻ nhỏ lãnh đi bán. Trót mấy năm bà tập cho cô Xuyến biết cái nghề của bà, rồi chừng cô được 16 tuổi, ban ngày bà cho cô đi học chữ rồi học may, ban đêm bà bắt phụ với bà mà chiên bánh cam và gói bánh ú, bánh ếch.

Cô Xuyến có sắc đẹp, nước da trắng, gương mặt vui, nói chuyện có duyên, tướng đi yểu điệu. Khi cô được 20 tuổi thì sắc đẹp nẩy nở hoàn toàn, lại nghề may với nghề làm bánh cô cũng rành lắm nữa. Nếu cô là con nhà khá giả thuộc trong giới trung lưu thì cô làm thơ ký, cô thông, hoặc bà kia bà nọ cũng xứng đáng lắm. Ngặt sanh nhằm đời kim tiền, con nhà nghèo không ai thèm ngó tới, nên bà dì phải gả cho Hai Túc làm nghề thợ máy có tương lai cũng nhiều.

Nếu Túc cư xử đứng đắn, biết đạo làm chồng, anh ta được người vợ có sắc có tài như Xuyến, thì dù không làm giàu, anh ta cũng được hưởng gia đình hạnh phúc ngỏa nguê, đâu đến nỗi ngụp lặn trong nghèo hèn, đen tối.

Ngặt Túc có nghề mà không có giáo dục, tánh khí thô lỗ, ăn nói không chừng, không biết giá người vợ có tài nghề, không biết xây dựng gia đình hạnh phúc, đi làm thì say mê nhậu nhẹt, về nhà thì đánh vợ chửi con, mới làm cho gia đình biến thành địa ngục.

Trót 11 năm trường, cô Xuyến sống trong cảnh đời đau khổ, biết buồn chớ không biết vui là gì, đau khổ về phần xác lẫn phần hồn, đau khổ mà không biết than thở với ai, vì cha với bà dì lần lượt chết hết, còn chòm xóm họ không có tâm hồn như cô, họ có hiểu biết nỗi lòng của cô đâu mà phân trần với họ.

May cô Xuyến còn có được chút con, cô hủ hỉ với con mà khuây lãng phận thiểu phước vô duyên. Cô nhắm mắt bịt tai làm lơ mà nuôi con, thầm tính vui đạo làm mẹ có lẽ sẽ khỏa lấp buồn đạo làm vợ được.

Tình cờ Hai Túc chết, chết một cách thiệt bất ngờ. Từ giờ cô thấy thây chồng nằm chết bên đường cho tới giờ đạo tỳ để quan tài xuống huyệt mà lấp đất, thì cô Xuyến tán loạn tinh thần, cô ví cho nỗi khổ của cô thuở nay không có nghĩa gì, thêm tai họa nầy nữa nỗi khổ mới lên đến cực điểm.

Chôn cất Hai Túc xong rồi, Tư Thìn với Bảy Cao đến tính sổ thì bạc tiền đâu đó đều đủ hết, khỏi thiếu nợ ai, chừng đó cô Xuyến mới tỉnh trí yên lòng, hết lo nữa. Ðêm đó cô nằm với con, mắt ngó ngọn đèn leo lét trên bàn thờ chồng, cô nhớ dĩ vãng, cô nhìn tương lai, cô mới nhận thấy cô đã thoát khỏi cảnh đời cũ vui ít buồn nhiều, mà bước qua cảnh đời mới, tuy chưa biết nó sẽ được sáng suốt, tươi cười hay là nó cũng còn âm u đau khổ, song hiện thời cô thấy cô đã được thân thong thả, trí thảnh thơi thì cô mừng thầm, mừng từ rày mỗi buổi tối hết lo sợ anh chồng say sưa về đánh đập mắng chửi tưng bừng nữa.

Cái mừng nầy cô không phép biểu lộ cho người ta biết được, bởi vì chồng chết mà mừng đó là một điều bất nghĩa, trái với luân lý, nghịch với thế tình. Nhưng ôm ấp trong lòng, cô lại thấy khó chịu. Ðã mấy bữa rồi cô có ý trông gặp người hiểu biết tâm hồn của cô, thuở nay biết thương xót số phận vô phước của cô, đặng cô tỏ bày tâm sự mà trút sạch nỗi khổ chồng chất đã hơn mười năm nay cho nhẹ túi sầu, vui lòng mà bước qua cảnh đời mới.

Kiểm điểm những người quen trong xóm, cô Xuyến nhận thấy duy có một mình Giao thương xót phận cô hơn các người khác. Mỗi lần cô bị chồng đánh chửi thì mau mau nó chạy lại khuyên can, dầu gỡ tai hại cho cô mà nó phải bị đánh, bị chửi luôn nó cũng không nệ. Thái độ đó đủ chứng nó hiểu nỗi khổ của cô, nên cô có thể bày tỏ tâm sự với nó được. Hổm nay nó biệt mất, bữa nay nó mới lại chơi, rủi gặp cô mắc may nó không chịu ngồi lâu, hẹn đêm sau có rảnh rồi nó sẽ lại nữa.

Bữa sau cô Xuyến giao cái áo gấp cho người ta rồi. Cô còn lãnh một cái áo với một cái quần nữa, tuy người ta nói may chừng nào rồi cũng được, song ban ngày lo nấu cơm đặng mẹ con ăn rồi thì cô cặm cụi ngồi may, ráng may ban ngày cho khỏi thâm tới ban đêm đèn dầu leo heo, lại có khách tới thăm nói chuyện không được. Cô cứ ngồi may đến mặt trời gần lặn cô mới chịu dẹp mà đi nấu cơm.

Mẹ con ăn uống dọn rửa xong rồi thì trời đã sẫm tối. Cô Xuyến kể chắc Giao sẽ lại chơi, bởi vì đêm trước cô có biểu, mà Giao cũng có ừ. Cô đốt đèn để trên bàn thờ rồi lên ván nằm chơi với con. Mẹ con rù rì nói chuyện với nhau một hồi rồi con Tý day mặt vô vách mà ngủ. Cô Xuyến nằm buồn, có ý trông Giao lại đặng nói chuyện của cô cho Giao nghe. Tư bề vắng vẻ, trong nhà quạnh hiu. Một lát nghe ghe đi dưới kinh bỏ mái chèo sạt sạt.

Chắc bây giờ Giao ăn cơm đã rồi nên cô ngồi dậy đi ra cửa mà dòm. Thấy nhà Giao dạng dạng[1] mà trong nhà không có đốt đèn. Cô tính Giao ăn cơm rồi mắc nói chuyện với vợ chồng Bảy Cao nên chưa về nhà. Cô khép bớt một cánh cửa, để mở một cánh cho ánh đèn giọi ra ngoài sân rồi cô ra ngồi chỗ khoảng sáng mà ngó mông, ngó ra mé kinh, ngó phía trong, ngó phía ngoài, ngó quanh quất rồi thế nào cũng ngó nhà Giao.

Mà nhà của Giao cứ lờ mờ trong đêm tối, cứ im lặng với canh khuya. Cô Xuyến ngồi trót giờ, bỗng thấy có bóng người ở phía trong đường mòn đi ra. Cô tưởng Giao nhớ lời hứa nên lại thăm cô, té ra bóng người ấy đi tới trước nhà cô rồi vụt hỏi: “Chưa ngủ hay sao mà còn ngồi đó cô Hai?” Cô mới biết bà Hai Liệu ở xóm ngoài đi vô xóm trong hồi gần tối nên bây giờ bà về. Cô Xuyến nói ngồi chơi một chút cho mát rồi cô đứng dậy đi vô nhà.

Thấy con Tý nằm ngoài ván muỗi cắn, Cô Xuyến bồng nó vô buồng để nó vô mùng rồi cô trở ra sân đứng ngó về phía nhà của Giao nữa. Cũng lờ mờ, cũng vắng hoe. Cô thất vọng, trở vô ván kéo gối mà nằm. Chờ gần một giờ nữa không thấy gì hết, cô mới đóng cửa tắt đèn mà vô ngủ với con. Sáng bữa sau, mới bững tưng, cô Xuyến biểu Tý ở nhà chơi mà coi nhà, để cô ra ngả ba bến đò mua gạo với tôm cá đem về ăn, rồi cô xách cái thúng nhỏ ra đi. Cô ghé quán chú Lù mua 5 lít gạo với 5 trứng vịt. Gặp con nhỏ bưng tôm cá chài đi bán, cô mua một chén tép bạc với mươi con cá chốt, vô quán xin giấy nhựt trình[2] gói lại rồi đi về.

Vô khỏi hãng dệt cô gặp Giao cô hỏi có hứa hồi hôm lại nói chuyện chơi, sao cô chờ khuya quá mà không thấy lại. Giao cười mà nói vì anh Bảy Cao cầm ở lại nói chuyện khuya quá rồi buồn ngủ nên về ngủ.

Cô Xuyến lộ vẻ buồn, cô bỏ đi về, không mời nữa. Ðến tối cô tính Giao thấy cô phiền chắc đêm nay chàng sẽ lại chơi. Té ra cô chờ mà không thấy tâm dạng. Qua đêm sau nữa cũng vậy. Chờ đến đêm thứ ba, thấy tối đã lâu rồi mà Giao cũng không lại, cô ra ngoài đứng ngó nhà Giao. Nhà cũng vẫn lờ mờ quang cảnh chung quanh cũng vẫn vắng vẻ. Cô buồn mà lại phiền, buồn phận cô đơn không ai thương tưởng, phiền em út thấy chồng mình chết rồi thì nó dan lơ. Cô muốn đi lại nhà mà trách Giao, rồi cô nghĩ Giao có bà con gì đâu mà mình trách được. Nó làm lơ có lẽ nó sợ mình mượn tiền, mượn bạc, nếu mình còn tới nhà mà cầu lụy thì chi cho khỏi nó càng khinh bỉ thêm. Cô nghĩ như vậy nên cô vô đóng cửa tắt đèn mà đi ngủ.

Cô Xuyến quyết định không thèm chờ Giao nữa. Sáng bữa sau cô thấy nó không lại nói chuyện chơi mà Giao cũng lầm lũi đi luôn, không hỏi thăm chi hết.

Tưởng Giao có thể kết tình chị em thân thiết nên muốn nó tới lui đặng mình tỏ bày tâm sự cho nhẹ bớt nỗi buồn tủi ấm ức thuở nay. Té ra nó cũng lạt lẽo như người khác thì thôi, cần gì mà phải quyến luyến. Cô tính lo may mà vui với con cũng xong. Mấy chục đồng bạc đám ma rồi còn dư thì cô để dành phòng khi đau ốm có sẵn tiền mà rước thầy uống thuốc. Tiền may mướn chắc đủ cho mẹ con sống dễ dàng. Khi nào không có đồ may, trong nhà phải thiếu hụt thì gói bánh ú đem gởi cho mấy quán họ bán, giao 12 bánh cho họ bẻ đầu 2 bánh, tự nhiên họ chịu liền.

Ðã không thèm chờ Giao nữa mà một đêm cô Xuyến ngồi may đặng giải buồn, thấy con Tý nằm chơi một bên nó ngủ khò, cô mới buông đồ may, xốc bồng con đem vô mùng cho khỏi muỗi cắn. Cô tính cô cũng dẹp đồ may rồi đóng cửa đi ngủ với con. Nào dè cô trở ra thì cô thấy Giao đứng chần ngần tại cửa.

Cô Xuyến chào với giọng phiền trách: “Dữ hôn! Bữa nay mới lại.”

Giao vừa bước vô vừa cười mà nói:

- Sợ lại chơi, tôi nói chuyện lộn xộn chị rối trí may không được, nên hôm nay tôi mới lại té ra cũng gặp chị may nữa.

- May là cái nghề của tôi. Phải may mẹ con tôi mới sống được chớ.

- Vậy thì để tôi về cho chị may.

- Không. Bữa nay không có đồ gì gấp. Tôi phải đốt đèn một lát. Thấy đèn cháy mà không làm gì hết, sợ hao dầu vô ích, tôi mới ngồi may bậy mũi nào hay mũi nấy đặng nói chuyện với con Tý cho nó vui. Nó ngủ rồi. Tôi tính ra dẹp mà đi ngủ đây.

- Chị buồn ngủ rồi sao?

- Không. Ngủ nghê gì mới chừng nầy.

- Như chị buồn ngủ thì nói cho tôi biết đặng tôi về cho chị ngủ.

- Không. Chưa buồn ngủ. Em ngồi đó chơi. Ðể tôi dẹp đồ may.

Cô Xuyến ngồi xếp cái áo đặng bỏ vô rổ may. Giao cản: “Chị đừng dẹp, cứ ngồi may tiếp đặng nói chuyện chơi. ”

Giao xách một cái ghế, vói khép bớt cánh cửa lại rồi để ghế bên cái đèn mà ngồi và nói: “Chị may đi đặng tôi ngồi coi chơi. Ðàn bà may cái tay họ dịu nhỉu coi ngộ quá. Ðàn ông không thể nào làm được.”

Cô Xuyến ngồi phành cái áo ra lại và đặt mũi kim vô vừa may, vừa nói: “Ðàn ông sao lại may không đuợc? Mấy ông thợ Huế, thợ Bắc họ may khéo lắm chớ.”

Giao không nói nữa, cứ ngồi ngó tay cô Xuyến may, ngó tay một hồi rồi ngước lên ngó mặt mũi, ngó tóc tai, ngó miệng như cười, ngó má trắng trẻo, ngó tới cổ, tới vai, tới mình mẩy, tới chưn cẳng.

Cô Xuyến liếc thấy, nhưng cô làm lơ, cứ ngồi chăm chú may không nói chi hết.

Cách năm sáu đêm trước cô trông đứng, trông ngồi, trông Giao lại chơi đặng cô tỏ nỗi niềm tâm sự cho Giao nghe. Ðêm nay cô không trông nữa mà Giao lại ngồi trước mặt cô, ngồi im lìm, có lẽ trông cô nói chuyện. Cô muốn nói mà không biết khởi đầu thế nào.

Cô đương tư lự thì Giao vụt hỏi:

- Chị năm nay thiệt chị mấy tuổi vậy chị Hai?

- Ba mươi mốt tuổi rồi; em hỏi chi vậy em?

- Hỏi cho biết, chớ có chi đâu. Anh mất hổm nay, chị ở nhà một mình với con Tý, chị có buồn hay không?

- Chồng chết mà vui sao được em.

- Không còn ai say sưa đánh chửi nữa, vậy không phải hết buồn hay sao?

- Ạ ! Nói gì cái đó...Nạn đó thì tôi thoát khỏi rồi.

Giao ngồi nghĩ thế nào không hiểu mà tình cờ nó lại hỏi:

- Chị tính lấy chồng hay là ở góa nuôi con?

- Chồng ở đâu mà lấy?

- Như chị chịu lấy chồng khác, người nào muốn họ mới dám nói mà cưới chớ.

- Trên ba mươi tuổi rồi, lại có con lòng thòng, ai mà thèm cưới.

- Chị không biết chớ chị còn đẹp lắm, chị Hai à. Ðẹp như gái chưa chồng.

- Thôi mà, ngạo tôi chi vậy hử.

Xuyến vừa nói vừa đưa tay vén mái tóc và ngó Giao mà cười. Giao chồm tới mà nói nhỏ:

- Tôi nói thiệt chớ không phải ngạo đâu. Chị còn đẹp lắm. Trai mới lớn lên cũng phải mê hồn.

- Ồ trai nào ở đâu? Bà già mà mê nỗi gì?

- Còn nheo nhẻo, già đâu mà già. Nếu chị chịu lấy chồng khác thì có người xin cưới liền cho chị coi.

- Tôi ghê chồng rồi. Mới thoát khỏi một ông men rồi, nếu gặp một ông khác nữa thì chắc phải tự vận, chớ sống gì được.

- Không. Nếu chị muốn lấy chồng thì chị lựa người không uống ruợu, không biết hút thuốc, không biết bài bạc. Ai biểu lựa ông say nữa chi mà tự vận.

- Ðời nay đâu có người toàn vẹn, không có tật gì hết. Nếu họ không rượu chè, không hút xách, không bài bạc, thì họ trai gái cái đó cũng khổ cho vợ vậy.

- Nếu vợ chồng thân thiết thương yêu trìu mến nhau thì anh chồng có thèm ngó tới ai nữa đâu mà sợ ảnh đi trai gái.

- Tôi có chồng hơn mười năm, tôi có kinh nghiệm chút đỉnh về thói đời. Ðàn ông có nhiều người kỳ cục lắm. Họ có vợ đẹp đẽ, khôn ngoan, hiền đức ở trong nhà, không biết họ còn thèm nỗi gì mà họ cũng đi kiếm mèo kiếm chuột. Nhiều khi con mèo của họ kém hơn vợ họ đủ mọi phương diện, vậy mà họ mê rồi họ hất hủi vợ nhà mới lạ cho chớ.

- Mấy người đó họ điên, kể làm chi.

- Không phải điên.Tại cái tật ưa trai gái chớ. Như có người họ lấy đày tớ của họ, đày tớ mà hơn vợ sao, thế mà họ cũng lấy.

- Thôi không cần nói dông dài. Tôi hỏi gắt chị, vậy chớ nếu có người không say sưa, không hút xách, không bài bạc, không trai gái, họ xin cưới chị thì ưng hay không?

Cô Xuyến cười ngất, cô buông đồ may vá ngó ngay Giao mà hỏi: “Ai ở đâu vậy? Phải nói cho tôi biết đặng tôi dọ hỏi rồi tôi mới quyết định chớ. Tôi không biết người đó làm sao mà ưng được.”

Giao ngồi ngó Xuyến trân trân rồi tình cờ vụt đi ra cửa, vừa đi vừa nói: “Thôi để tôi về cho chị nghĩ. Bữa khác tôi sẽ trả lời cho chị biết.”

Xuyến ngó theo, rồi bước lại cửa thấy Giao ra đường và xâm xâm đi về nhà. Cô đứng ngó mất dạng trong đêm tối rồi cô trở vô đóng cửa, dẹp đồ may và tắt đèn đi vô buồng.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×