Trống mái - Chương 9 (Khái hưng)

82 lượt xem
Cũng như mọi buổn sáng, hôm nay Hiền ra bãi biển rất sớm... Ra biển để hóng gió mát và để có cảm tưởng rằng biển là của con nhà nghề, của những người đánh cá bắt ngao kiếm sống chứ không phải của bọn khuê các, công tử thừa tiền, thừa thời giờ ra đó chơi bời thỏa thích.

Thật vậy, vào giờ ấy trên bãi cát rộng chỉ thấy toàn dân chài vận quần áo nâu hay cởi trần đóng khố. Chỗ này mấy người nngồi sửa sang cải mảng hoặc buộc lại những nút lạt mục, hay đóng lại những cái chốt lỏng lẻo. Chỗ kia từng đám sáu, bảy người đứng đánh rút. Họ chia hai tốp cầm kéo hai đầu dây lưới. Vì lưới dài và nặng nên họ hết sức ngả người co mạnh mà vẫn không đi lùi được chút nào tuy hai bàn chân họ luôn luôn dẫm bành bạch như lính tập ‘dậm chân tại chỗ’.

Hiền đi thơ thẩn bên những cảnh tượng quá quen mắt vì sáng nào cũng nhìn thấy. Đã ba hôm nay nàng không thấy bóng Vọi đâu nên nàng hơi băn khoăn, nhớ anh đánh cá và những câu chuyện rất ngớ ngẩn của anh ta. Ngẫu nhiên, nàng nhìn ra biển xa để tâm hồn phiêu phiêu lướt theo những cánh buồm nâu nhấp nhô gợn sóng. Và nàng nghĩ thầm:

- “Có lẽ Vọi đi khơi!”.

Phải, những cuộc đi khơi đầy lạc thú. Vọi thường kể cho nàng nghe. Nàng vẫn mơ ước đi liều một chuyến xem sao... Đi để được nếm những đêm trăng sao ngủ trên chiếc mảng bồng bềnh... Để ‘được’ ăn những bát cơm hẩm chan canh cà luộc với nước biển... Nhất là để được cùng bạn trai trẻ lực lưỡng vừa hát nghêu ngao vừa kéo lưới.

Xưa nay nàng vẫn hay nghĩ đến những sự khác thường, thích làm những việc mà người ta không làm được hay không dám làm. Chẳng thế, một lần trước mặt Hồng nàng đột nhiên hỏi Vọi:

- Giá tôi lấy anh rồi chúng ta làm nhà ở bãi Lãn này cùng nhau chuyên nghề chài lưới thì anh có bằng lòng không?

Cho là một câu bông đùa để trêu ghẹo anh nhà quê hiền lành, Hồng nằm bò ra cười. Còn Vọi thì xấu hổ bẽn lẽn cúi gầm mặt xuống.

Nhưng câu hỏi của Hiền quả là thành thật..., thành thật trong một thời gian ngắn ngủi. Ngồi trước biển rộng bao la sóng gầm đầu mỏm đá thì đối với nghề đánh cá, các nghề khác không còn có nghĩa gì nữa. Rồi trong khối óc ham thể thao, ưa sự sống hoạt động, phiêu lưu vẽ ra những cảnh hùng vĩ của một cuộcc đời hợp lý tưởng, cái lý tưởng viễn vông của ít bạn thanh niên hiện thời. Nàng mơ màng được chung sống với một chàng An Tiêm hay Lỗ Bình Sơn (Robinson Crusoe) ở nơi hoang đảo, tự kiếm lấy cái ăn, tự chế tạo lấy cái mặc và các khi giới để chồng cự các loài thú dữ. Đưa mắt nhìn Vọi lăẫm liệt uy nghi đứng bên, nàng như thấy lờ mờ hiện ra một tương lai sung sướng, đầy đủ cả hai phương diện tinh thần và vật chất.

Rồi một cảnh trái ngược đồng thời cùng hiện ra một cảnh nhỏ nhen, lụi xụi trưởng giả: chồng già đời mài đũng quần trên ghế các công sở... Nào bị người trên quở mắng... Nào phải tự hạ mình nịnh nọt kẻ nõ kẻ kia... Trong khi ấy thì vợ vênh vang xe nhà, ô tô, ra vẻ bà lớn bà bé với những bộ cánh sặc sỡ lòe loẹt. Cho đến những nghề mà người ta gọi là tự do nào đã lấy gì làm tự do? Người theo nghề buôn, nghề thầy lang, thầy kiện cũng phải chiều khách hàng, chiều người bệnh, phỉnh người sính tụng..., có khi phải xoay xở hết lối đủ vành.

Đến như các người theo nghề văn thơ thì lại càng khổ sở hơn nữa. Ở ngoài cảnh sắc tốt tươi mà tự nhốt mình vào trong phòng để tưởng tượng vẽ ra những cảnh sắc ấy..., rồi tưởng tượng mãi, tưởng tượng cho tới khi đôi mắt cận thị phải mòn mỏi... Tấm thân xưa kia nở nang phải khô héo, tâm hồn xưa kia sáng suốt phải mờ tối đi. Họ cắm cúi thêu lời ca tụng cài đẹp, cái tươi của vạn vật muôn năm không già, mà vạn vật thì không bao giờ cần đến họ ca tụng...

Hiền cảm thấy rõ ràng cả một đời nên thơ của kẻ sống trong vạn vật, sống với vạn vật. Mỗi cử chỉ của mình, mỗi câu nói của mình đều liên lạc nhịp nhàng với cỏ cây, với đất nước, với ánh sáng, với không khí bao bọc quanh mình. Một một hành vi của mìnhh có một nghĩa, một triết lý sâu xa. Cái hành vi không gỉa dối vì nó vừa cần phải có để nuôi sống tấm thân, vừa làm cho tấm thân nở nang khỏe mạnh, đẹp đẽ thêm ra.

Hiền vừa đi vừa nghĩ đến buổi sáng ngồi nói chuyện với Hồng và Vọi ở baĩ Lãn. Những ý tưởng quá bạo tuy chỉ nung nấu ngấm ngầm trong tâm trí nàng mà chưa hề dám bày tỏ với bạn hay bất cứ ai, nhưng nàng vẫn suy đi xét lại mà nhận thấy rất hợp lý dù nhận thức có lờ mờ.

- “Ừ, họ cứ nói, cứ bàn suông rằng không nên phân đẳng cấp. Vậy sao ta không thể là vợ anh Vọi đuợc? Anh Vọi và ta đều không thuộc đẳng cấp nào cả vì đã không chia đẳng cấp thì còn làm gì có đẳng cấp. Hay lấy trí thức mà chia đẳng cấp? Nhưng nếu người chồng có trí thức không làm ta sung sướng bằng người chồng kém trí thức?”.

HIền mơ mộng nhìn ra xa rồi nghĩ tiếp:

- “Khônng thế được! Ta yêu ai thì ta quyết lấy người ấy. Ta quyết xin mẹ ta cho phép lấy bẳng được người ấy, dù người ấy là một anh chàng đánh cá chất phác thơ ngây.”.

Rồi nàng mỉm cười kết luận:

- “Nhưng bây giờ thì hình như ta chưa yêu ai, kể cả anh chàng đánh cá chất phác thơ ngây. Vậy hãy xếp câu chuyện triết lý ấy vào một xó.”.

- Chị Hiền!

Hiền nghe có tiếng gọi quay lại. Lưu đầu cải bóng, mặc áo lót hở tay, từ dưới dãy phi lao chạy ra.

- Anhh Lưu dậy sớm nhỉ?

- Ra sau chị mà cònn bảo dậy sớm?

Hiền mỉm cười nhớ lại câu chuyện xảy ra mấy hôm trước. Hôm ấy Hiền cáu kỉnh, thấy Lưu chợt nhả thì sinh ghét tìm cớ để cự tuyệt cho hả lòng tức giận. Nhân Lưu gọi nàng là cô, nàng liền mai mỉa hỏi:

- “Vì lẽ gì tôi gọi anh là anh mà anh gọi tôi là cô? Anh coi tôi như em anh phải không?”.

Thì ra Lưu sợ hãi, vâng lời nàng mà kêu nàng là chị rồi. Hiền sung sướng nghĩ thầm:

- “Đối với bọn họ, mình phải quả quyết đòi đứng ngang hàng thì tự nhiên đươc đứng ngang hàng ngay.”.

Lưu tiến dến gần:

- Chị không tắm sớm?

- Không!

Hiền nhìn vào phía trong hỏi:

- Hôm nay sao anh đi một mình? Còn anh Miện đâu?

- Miện về Hà- Nội rồi.

- Ủa! Về Hà- Nội?

- Vâng, về Hà- Nội hôm qua. Anh ấy gửi lời chào chị.

- Xin cám ơn. Thương hại anh lẻ loi nhỉ! Tưởng hai người không bao giờ chịu rời nhau ra đấy.

- Anh em bạn trai dù thương nhau đến đâu cũng không quyến luyến nhau bằng bạn gái.

Lưu cười rất ‘tình’ rồi nói tiếp:

- Nhất là môt người bạn trai và một người bạn gái, phải không chị?

Hiền nghĩ thầm:

- Anh này khác ca anh Vọi. Một đàng thì tinh quái bóng bẩy, một đàng thì thật thà ngây thơ.”.

Nghĩ đoạn nàng tìm cáchh trêu ghẹo Lưu:

- Tôi cũng chưa ‘thí nghiệm’ anh ạ!

Lưu tủm tỉm cười:

- Chả biết bười nào sẽ có diễm phúc được chị thí nghiệm?

- Anh nói văn hoa lắm nhỉ? Chả bù với anh Vọi thật là trái ngược hẳn!

Lưu vờ không hiểu:

- Anh Vọi nào thế?

- Anh Vọi rất đẹp trai tôi chụp ảnh bữa nọ ấy mà!

Mà như chợt nghĩ ra điều gì nên nói tiếp:

- Ừ phải, tôi thí nghiệm rồi đấy. Anh Vọi đi đâu bặt tin từ ba hôm nay thế mà tôi vẫn không nhớ anh ấy. Đấy anh coi, mộtt người bạn trai và một người bạn gái có thể không quyến luyến nhau được.

Lưu cười ngất, cho đó là một câu bông đùa. Nhưng Hiền nghiêm trang nói tiếp:

- Anh Vọi tốt bụng lắm anh Lưu ạ. Hôm nọ anh ấy dám cho một người đồng nghiệp nghèo ốm những một hào!

Lưu không tin hỏi:

- Ai bảo chị thế?

- Chính mắt tôi trông thấy ở mạn núi gần hòn Trống Mái.

- Trước mặt chị hắn giở ngón đạo đức giả ra đấy!

Hiền cười:

- Anh tưởng ai cũng giả dối được cả sao? Một anh đánh cá có phải là một trang công tử khéo lòe gái đâu?

Lưu không chịu thua, mạnh bạo cãi:

- Nhưng chính giả dối ấy là sự lễ phép để phân biệt người trí thức với kẻ vô học. Một thằng mọi không bao giờ biết lấy lòng một mỹ nhân bằng một sự giả dối vô hại.

Hai người vừa đi theo làn nước vừa nói chuyện, Bỗng Hiền đăm đăm nhìn một bọn người kéo lưới và bảo Lưu:

- Anh Trông, hình như có anh Vọi ở đàng kia.

Rồi nàng chạy lại kêu:

- Ồ đúng rồi. Anh Vọi!

Vọi không ngừng tay kéo lưới vừà giẫm chân theo nhịp với mọi người khác vừa chào:

- Thưa cô đi chơi?

- Mấy hôm nay anh đi đâu biền biệt thế?

- Thưa cô, tôi đi khơi.

Lưu nói kháy, bảo Hiền:

- Kìa, anh Vọi gọi chị bằng cô sao chị để vậy?

Hiền không đáp, thản nhiên hỏi Vọi:

- Đi những ba hôm liền? Chắc là đánh được nhiều cá?

- Vâng, cũng khá. Chúng tôi kéo được một mẻ cá thu, bán được nhiều tiền lắm.

Lưu chêm một câu mai mỉa:

- Để dành tiền mà cưới vợ anh Vọi ạ.

Vọi đỏ mặt vì thấy anh em bạn nghề nhìn mình tủm tỉm cười. Không biết Vọi vẫn có tính nhút nhát bẽn lẽn khi người ta hỏi đến chuyện lấy vợ, Lưu tưởng ngay rằng anh đánh cá có tình ý với Hiền. Trong lòng vừa căm tức vừa khinh bỉ, chàng giục Hiền lêm mỏm đá ngồi chơi. Nhưng nàng không nghe, nhất định giữ Lưu đứng lại xem kéo lưới...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×