LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Trống mái - Chương 27 (Khái hưng)

96 lượt xem
Và rồi Lưu về Hà- Nội. Và rồi những người nghỉ mát lần lần rời Sầm Sơn. Mới sang đầu tháng 9, bãi biển đã vắng ngắt...
Năm nay cảnh Sầm Sơn cũng vậy, nào có chi lạ cho Vọi. Nhưng năm nay Vọi mới nhận thức được cái cảnh tiêu điều của một thành phố hầu như không có người ở.
Đã hơn nửa tháng, ngày hai buổi sáng chiều, Vọi vẫn thản nhiên cùng phường bạn ra bãi xóm Sơn, bãi Sầm Sơn đánh rút hay lên mảng đi đánh lõng, đánh khơi. Nhưng cái lòng yêu nghề, cái vui sướng tung lưới ở ngoài biển rộng, cái ham thích phiêu dạt lang thang mấy ngày trời trên làn sóng dữ không còn trong Vọi nữa!
Từ vui vẻ nhanh nhẹn, chàng trở nên buồn tẻ nặng nề. Trước kia chàng hay nói bông đùa với bạn nghề bao nhiêu thì nay chàng bần thần ít lời bấy nhiêu. Ai ai cũng nhận thấy rằng chàng đổi hẳn tính nết.
Một buổi chiều Vọi thoái thác đau bụng trong khi hai em con cậu lên mảng đi thả lưới. Khi mảng đã ra xa, chàng lững thững đi từ đầu nọ đến đầu kia bãi Sầm Sơn.
Trời vùng biển đã xanh trong trông thăm thẳm vòi vọi, không một gợn mây nhỏ làm vẩn đục. Nước biển xanh biếc ở gần bờ, rồi càng xa càng nhạt cho tới khi thành một làn trắng xóa ở nơi chân trời. Trong cái cảnh rực rỡ ánh sáng, Vọi ủ dột như bông hoa tàn héo rũ bên hàng dậu.
Vọi thơ thẩn đi suốt bãi biển không biết bao nhiêu lượt, thỉnh thoảng lại nhìn lên phía đường xem có ai mới ra tắm không. Vì chàng nhớ năm trước cuối tháng 9 vẫn còn lác đác có người ở Hà- Nội vào nghỉ mát.
Khoảng hơn bốn giờ, Vọi thấy một đám người từ trên đường rẽ xuống. Chỉ thoáng phớt qua, chàng cũng nhận ra bà cụ với hai cô cháu bà già. Theo sau là vợ chồng một phú thương đứng tuổi. Họ vận quần áo thường và ra bãi biển ngồi hóng gió, chứ không mấy khi chịu tắm. Đó là một gia đình mà năm nào cũng năm nào, đến Sầm Sơn muộn nhất. Chừng họ chờ ai nấy mới rủ nhau vào cho được yên tĩnh. Hoặc giả họ đi nghỉ nơi khác về hay có nhà ở Sầm Sơn, họ đợi hết hạn cho thuê mới vào vớt vát lấy cái ‘mát thừa’.
Không bao giờ Vọi có những ý nghĩ ấy. Chàng chỉ cho là hai gia đình kia hơi lạ, hơi khác mọi người đi tắm biển thường một chút. Hàng năm, cứ đến khi phố Sầm Sơn trở nên vắng, các hàng giải khát đã dọn đi là tự nhiên Vọi tưởng đến ‘bà cụ’ với vợ chồng ‘thầy phán’.
Hai cô cháu gái mỗi năm Vọi thấy một đổi khác, từ năm 13- 14 tuổi cho tới nay đã suýt soát 20. Nhưng mọi lần, Vọi chỉ thoáng nhìn qua như nhìn những người tắm biển mà thôi. Lần này, chàng có vẻ tò mò hơn. Có lẽ vì chàng quen ngắm nghía Hiền nên cái ý tưởng so sánh về nhan sắc đã lờ mờ nảy ra trong khối óc ‘ngây thơ’ của chàng.
Vọi lại gần những người kia, chắp tay chào. Bà cụ gật đầu đáp lại rồi thản nhiên quay ra tiếp chuyện vợ chồng người phú thương. Còn hai cô thiếu nữ thì không thèm lưu ý đến chàng, chỉ cười nói, giơ tay trỏ ra phía biển.
- Thưa, hai cô mới ra nghỉ mát?
- Phải.
- Hai cô ra muộn quá. Bây giờ là cuối mùa tắm rồi, buồn lắm.
Hai người thiếu nữ lặng thinh, thong thả theo ven làn nước đi ngược lên phía núi. Vọi hiểu ngay rằng không phải cô gái nào cũng dễ dãi như cô Hiền nên buồn rầu lảng ra xa.
Mọt lát sau, trên bãi biển chỉ còn Vọi với cái bóng chàng nằm dài trên cát, với những bóng rung động của hàng cây phi lao tha thướt.
Lơ đãng, Vọi dẫm phải cây cỏ kim nên chau mày đứng lại rút chiếc lá nhọn ra, rồi vừa nặn máu, vừa lẩm bẩm rủa thầm. Bỗng Vọi mỉm cười, chàng nghĩ đến thứ đồ chơi của Hiền: cuộc thi xe cỏ kim. Chàng liền ngắt hai chùm lá thả theo chiều gió rồi đứng ngắm cho tới lúc làn sóng nhấp nhô ‘lè lưỡi trắng’ liếm đi. Có lần chàng thả luôn một lúc sáu, bảy cái. Trên khoảng ánh chiều tà vàng nhạt, chàng thấy những chùm lá lăn chạy giống hệt đàn dã tràng như cô Hiền thường nói.
Vọi giật mình vì vừa tưởng như có tiếng Hiền cười lanh lảnh bên tai... Chàng sung sướng quay lại. Vòi đứng sững nhìn chàng. Vọi cau có nói:
- Mày ra đây làm gì?
Vòi vẫn cười:
- Em đến nhà cậu mượn cái bào khoai... Nhưng... anh không đi nghề ư?
- Không.
- Anh sao vậy?
- Chẳng sao cả. Mày đi đi.
Vòi cười ranh mãnh. Cô bé nhà quê rất tinh quái, thừa biết vì sao độ này anh mình hay buồn rầu gắt gỏng. Nàng vui vẻ bảo Vọi:
- Em thi với anh nào!
- Thi cái gì?
- Thì xem con ngựa của ai chạy nhanh hơn!
- Mày bảo ngựa gì?
- Ngựa cỏ anh vừa thả ấy mà.
Vọi trừng mắt dữ tợn trân trân nhìn em như đoán biết rằng cô em ranh mãnh đang trêu cợt trên sự đau khổ của mình.
- Mày cút đi! Tao không thi gì với mày hết. Tao về đây.
Dứt lời Vọi quay đi và cắm đầu bước thật mau. Vòi đứng nhìn anh lắc đầu thương hại. Nàng coi Vọi không những chỉ là một người anh mà còn như một người bạn rất thân. Ít lâu nay, thấy anh không vui đùa với mình, không chiếu cố đến mình nữa, Vòi đem lòng oán trách ‘cô Hiền’, biết rằng chỉ vì Hiền mà ra hết cả. Không bao giờ Vòi dám hy vọng anh nàng lấy được cô gái giàu có sang trọng ấy. Vòi cho là cô ta chỉ thích nghịch ngợm, thấy anh mình thật thà trêu chơi, cũng như nàng thường trêu những anh trai làng hay tán tỉnh.
- “Nhưng anh Vọi có biết tán tỉnh đâu mà cô Hiền lại trêu ghẹo?”
Thật tình, Vòi không hiểu nổi cái tính nết lạ lùng của cô gái nhà giàu kia...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư