Tiêu sơn tráng sĩ - hồi 45 (Khái hưng)

100 lượt xem
Hai bên tìm đủ cách để trao đổi thư từ văn thơ với nhau mà Trương công và Trương phu nhân vẫn chưa ngờ vực một tí gì.
Một đôi khi, nhưng hôm mưa gió lớn, sấm chớp đầy trời. Phạm Thái cũng mơ màng tới sự nguy hiểm gian nan của thời oanh liệt, và nhớ tới bọn anh em đồng chí đương mạnh bạo quả quyết theo đuổi việc lớn. Những khi ấy, cái thú ủy mị của tình yêu vị tất đã thắng nổi cái thú xông xáo theo tìm cái chết. Nhưng than ôi, cái chế thì xa mà tình yêu thì ở ngay bên cạnh, nó dỗ dành, nó an ủi, nó dẫn dụ mình vào cõi mộng.
Phạm Thái sợ nhất những lúc nhớ đến Nhị nương vì tình yêu của nàng đối với trần Quang Ngọc. Chàng mỉm cười, nghĩ thầm để chữa thẹn, tự tha thứ: "Người ta làm đảng trưởng có khác! Ta ví sao được?"
Rồi chàng giật mình kinh hãi, nhầm ôn lại những điều lệ nghiêm khắc của đảng Tiêu Sơn đối với các đảng viên, Phải, bị triều đình Tây Sơn truy nã thì còn có thể trốn tránh được, chứ bị đảng Tiêu Sơn kết án thì chỉ có một việc chờ chết.
Hôm nay Phạm Thái càng lo sợ và toan bỏ đi ngay. Chết, chàng không quản. Nhưng vì một người con gái, mà sao nhãng chí lớn, dù sao nhãng trong một thời kỳ ngắn ngủi, chàng lấy thế làm xấu hổ với lương tâm. Song một ý nghĩ còn giữ chàng lại, khác nào mảnh ván trôi sông giữ người đám thuyền lênh đênh trên mặt nước. Chàng tự nhủ thầm: "Ừ, sao ta không dụ Quỳnh Như vào đảng Tiêu Sơn, như ta vẫn định từ trước?"
Những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của Quỳnh Như tỏ ra rằng nàng là một thiếu nữ tài năng phi thường, chẳng kém gì Nhị nương. Chàng còn nhớ tới lời bình phẩm của Nhị nương khi chàng thuật truyện Quỳnh Như cho nghe. Nàng nói: "Đảng ta mà được người ấy thì hay biết bao!" Rồi Nhị nương khuyên chàng nên cám dỗ Quỳnh Như, đưa nàng vào đảng.
Phạm Thái mỉm cười: "Cám dỗ thì ta đã cám dỗ xong rồi. Chỉ còn việc đưa nàng vào đảng. Việc ấy có lẽ khó hơn nhiều. Vì chính ta còn đương mê muội trong vòng tình ái, ta phải làm một bài thơ trường thiên để gửi cho Quỳnh Như mà dụ nàng."
Phạm Thái vui mừng, hăng hái, lấy giấy bút ra viết.
Bọn trò nhỏ kể nghĩa xong đã xuống cả dưới nhà ngang. Chàng rất được bình tĩnh mà nghỉ thơ.
Nhưng chàng vừa mài xong mực, thì đứa thị tỳ lên nhà họ nói mượn cho Quỳnh Như bộ Đường thi. Kỳ thực nó chỉ cốt lên để trao cho Phạm Thái một bức hoa tiên.
Phạm Thái vội vút cả nghiên, cả bút, vội quên cả lời khuyên răn, dỗ dành: chàng chỉ còn trông thấy bức thư và nét bút của Quỳnh Như mà thôi. Chàng đọc đi đọc lại bài thơ viết theo điệu Tây Giang nguyệt rồi tiện bút tiện mực, chàng phúc đáp như sau này:
Ai lên tử các thanh vân,
Hỏi thăm ả Tố, chiều xuân thế nào?
Cầm âm một khúc gởi trao.
Cậy lòng vì gió đưa vào xuân cung,
Oanh yến véo von gọi khách,
Cỏ hoa hớn hở gọi ai,
Gió xuân hay hẩy giục đưa người,
Dễ khiến lòng thơ bối rối.
Thấp thoáng thời oanh dệt liễu,
Thung thăng phấn bướm dồi mài,
Vũ lăng xa diễn biết bao vời!
Khôn hỏi Đào Nguyên đâu cả?
Không hỏi Đào Nguyên đâu cả?
Giòng ngư câu đeo lá tình chi,
May thay một hội tương kỳ,
Đã bên tình phận lại bề phong lưu,
Câu hảo cầu đợi người thục nữ,
Năm mây phong đôi chữ đồng tâm.
Đón xuân nhắn với tri âm,
Tính tình xin tỏ tiếng cầm này cho,
Rắp hẹn hò, ngồi hoa đứng tuyết,
Lòng còn e khôn biết nói năng.
Bây giờ mượn gió cung Đằng,
Vì duyên đua mối xích thằng lại đây.
Thơ rằng:
Từ chốn thềm cung trộm dấu hương,
Dễ xui tao khách mối sầu vương.
Gió thông réo rắt trong đàn oán,
Trăng lạnh chênh vênh rạng bóng dương.
Nếu đã tình duyên vênh rạng bóng dương.
Nếu đã tình duyên dun dủi phận,
Thì xin ân ái vẹn nên đường,
Phong lưu đội lứa đà ai dễ,
Bụi tục chi cho bợn lóa gương?
Tục trần chi để lóa gương?
Tuyết, mai là tiết, liễu, dương, ấy tình,
Khôn hoa vừa mảnh phong thanh,
Nức gương kính các, nổi danh tao đàn,
Trong tình thú hồng nhan dễ mấy!
Chốn phòng trang trộm thấy phong quang.
Xui lòng du tử thêm càng,
Biết bao giờ vẹn lửa hương ước nguyền?
Tâm sự gửi hoa tiên một bức,
Từ chương khôn sánh bực hào hoa,
Những thi ân ái thế,
Tài nương xin hãy xét ta chữ tình,
Bóng quế mờ mờ trước nóc,
Hơi hương hây hẩy bên thềm.
Ngón cầm dìu dặt nhắn thâu đêm,
Văng vẳng khêu sầu dường điểm!
Cành tuyết ngoài rèm mới rớm,
Chồi mai bên cửa vừa cầm,
Vườn đào quạnh quễ mượn ai tầm,
Mấy bức gấm phong im ỉm!
Im ỉm gấm phong mấy bức,
Điểm một ngày dằng dặc dường niên,
Dễ ai đưa đón cung tiên,
Xếp nghề vũ lại, để bên trường tình,
Mâyphủ vóc hình thương cẩu.
Nguyệt mờ ám vẻ ngọc thiềm.
Bóng đèn xanh thắm lọt năm đêm,
Dì dõi khắp sầu khôn điểm.
Mấy tiếng khẽ thêm luống gẩy,
Vài phen ngấm mực còn cầm.
Tuyết lồng thôn hạnh biết đâu tầm?
Chín khúc sầu trường im ỉm.
Im ỉm sầu trường chín khúc,
Mượn tiêu cầm đỡ lúc tương tư,
Cầm sao thấy điệu ngẩn ngơ,
Sầu ai luống để khách thơ thêm càng!
Viết xong, Phạm Thái đọc lại một lượt lấy làm vừa ý lắm. Lúc ấy có lẽ chí lớn đã hoàn toàn biến thành tình yêu.
Rồi chàng ngồi chờ thị tỳ lên để trao thư cho nó đưa xuống phòng thêu. Nhưng chờ mãi đến trưa vẫn không thấy nó lên.
Chàng sốt ruột liền nghĩ ra một cách, tuy hơi nguy hiểm nhưng rất giản dị: là viết phóng son cho hai đứa cháu Quỳnh Như tô. Chàng tự nhủ thầm: "Viết ra hai đoạn như thế, dẫu Trương công có đọc qua cũng chẳng hiểu được." Chàng sung sướng làm theo ý nghĩ rồi chiều hôm ấy, chàng bảo học trò đem phóng xuống cho Quỳnh Như xem.
Quỳnh Như gnồi bên cửa sổ, thêu chiếc riềm màn với chỉ kim tuyến. Đã mấy hôm nay, việc nữ công nàng biếng nhác. Sáng ngày, khung cửi im tiếng, xa không quay, quặng để nhện trăng. Nàng lấy nê mải thêu bức riềm màn tặng cha, nhưng bức riềm màn ấy mới xong được mươi mũi chỉ. Nàng những mải ngắm trời ngắm mây, ngắm hoa, ngắm bướm mà hết thì giờ.
Có khi đương giở mủi kim, nàng ngừng lại, đứng dậy tìm bút mực và giấy hoa tiên, đề một bài thơ. Vì một con chim khuyên ở đầu cành liểu thướt tha trước gió, hay đôi bướm trắng đuổi nhau lượn vòng quanh bộ núi giả vừa gợi ra trong trí nàng một bài thơ tứ tuyệt, nên nàng vội ghi lên giấy những cảm tưởng dịu dàng với những vần êm ái, những điệu du dương.
Quỳnh Như đề xong thơ, mỉm cười lẩm bẩm: "Cũng khá đấy! Rồi ta nhờ Phạm quân nhuận sắc cho".
Tưởng tới Phạm Thái, nàng không khỏi bối rối. Nàng vẫn tự phụ rằng nàng có con mắt tinh đời, đã đoán biết Phạm Thái không phải là một thiền sư ngay từ khi chàng còn mặc áo cà sa và đeo tràng hạt. Nàng sung sướng tự nhủ thầm: "Tài ấy mà gặp buổi thái bình thì chẳng trạng nguyên cũng thám hoa, bảng nhỡn".
Một cảnh rực rỡ tưng bừng hiện ngay trước mắt tưởng tượng của nàng. Một trang phong lưu công tử vừa lĩnh mũ áo trạng nguyên, cưởi ngựa vào cung dự yến. Áo màu lam, ngựa sắc trắng, thấp thoáng dưới lầu hồng, trong đám người xung quanh để xem mặt ông tân khoa. Ngồi trên lầu, nàng gieo xuống một quả cầu thêu chỉ ngũ sắc...
Quỳnh Như giật mình tỉnh mộng, vì nàng vừa ném ra vườn cuộn chỉ thêu đương cầm trong tay. Và nàng buông tiếng thở dài chán ngán, nhớ đến cái thân thế kỳ dị bí mật của người nàng yêu: "Ừ, lạ lùng thật! làm quân sư cho một tướng giặc, rồi đi tu, rồi lập đảng. Đời chàng sao mà nhiều gian nguy đến thế!"
Cái bóng ông trạng nguyên cưỡi ngựa bạch đã biến thành hình ảnh một tráng sĩ múa gươm trên lưng con ngựa nhuốm máu hồng phi nước đại ở giữa dắm can qua, ở giữa tiếng chiêng, tiếng trống rầm trời, bụi bay mù mịt.
Quỳnh Như lo lắng, sợ hãi, tưởng tượng mình đương cùng người yêu đứng trong vòng tên đạn.
Nàng tự thẹn và nhớ lại hôm mới biết Phạm Thái, nàng chỉ mong ước chàng theo đuổi chí lớn, giúp nhà Lê lấy lại giang sơn. Nhưng mấy tháng xa cách Phạm Thái đã làm cho nguội lạnh chí cao xa mà làm bồng bột tình thương nhớ. Bây giờ, nàng chỉ lo có một điều: là phải cùng Phạm Thái biệt ly.
Nàng đương ngồi buồn rầu suy nghĩ thì Trương Đăng Quế, cháu nàng, mang quyển phóng vào khoe:
- Cô ơi! Cô coi chữ cháu tô có tốt không?
Quỳnh Như sung sướng cầm xem, vì nàng vẫn khao khát được ngắm nét bút tươi tắn, mềm mại của Phạm Thái. Nhưng vừa đọc được mấy câu đầu, nàng đã phải mỉm cười:
- Cái anh chàng này mới ngỗ nghĩnh chứ! Dạy trẻ viết chữ nôm, mà còn làm thơ nữa.
Má nàng dần dần nóng bừng. Nàng cất tiếng ngâm nga. Giữa lúc ấy, Trương công ở ngoài vường cảnh đi tới, đưa cho nàng quyển phóng của Ngọc Dung, cháu gái nàng:
- Con tính ông đồ Phạm Lý thế này có dở hơi không? Dễ ông đồ dạy chúng nó làm thơ nôm!
Quỳnh Như mặt tái đi, nhưng ngàng trấn tĩnh ngay được và ôn tồn đáp lại cha:
- Dám bẩm phụ thân, có lẽ chữ nôm cũng cần lắm, Thân phụ không coi mấy khoá trước, triều đình đều dùng chữ nôm để ra thi cống sĩ, bác sĩ. Muốn cháu Quế mai sau trở nên ông Nghè thì phải dạy nó học chữ nôm ngay từ bây giờ.
Kiến Xuyên hầu cười:
- Đành rằng thế, nhưng dạy một thằng bé bảy tuổi tô những câu thơ nôm mà nó không đọc được, thì cũng hơi quá.
Hầu vừa nói, vừa dương mục kính, rồi cầm quyển phóng đọc:
Trong tình thú hồng nhan dễ mấy!
Chốn phòng trong trộm thấy phong quan.
Xui lòng du tử thêm càng,
Biết bao giờ vẹn lửa hương ước nguyền?
Hầu nói tiếp:
- Đấy, con coi, ông đồ họ Phạm, nguyên thiền sư, một là cuồng chữ, hai là...
Quỳnh Như lo lắng đứng đợi thân phụ nói dút câu, nhưng Trương công lảng ngay ra truyện khác và hỏi:
- Con thêu xong cho cha bức riềm màn chưa?
- Bẩm gần xong rồi ạ.
- Con thêu mau cho chóng xong đi, nhé?
Dút lời, Trương công thong thả lên nhà trên, vờ để quên quyển vở của Ngọc Dung lại bên con gái yêu. Quỳnh Như mở vội ra xem thì ra hai đoạn, hai bài viết tập, ăn khớp nhau mà chắp thành một bài thơ, một bức thơ tình.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×