Sống mãi với thủ đô - Chương 14 (Nguyễn Huy Tưởng)

88 lượt xem
Sinh vui một cách lạ, đầu choáng váng như say. Trời rét và gió bấc, sương mù lất phất như mưa. Nhưng Sinh thấy nóng ran trong người, máu rậm rật như trong ngày xuân ấm. Anh vừa mới ở trong thành ra, thì được Quốc Vinh gọi đến. Anh đã tìm được hai ống hơi khinh khí còn rất tốt và bàn xong với anh em công nhân cách bố trí phá cái xưởng sửa chữa võ khí của quân đội Pháp. Quốc Vinh vội đi họp, những cũng ngồi lắng nghe anh báo cáo một cách rất chăm chú. Trước khi chia tay, người cán bộ tặng anh một khẩu súng lục Đức, điều mà Sinh mơ ước từ lâu. Thấy nhiều anh em tự vệ đeo súng, anh rất thèm, có lúc anh lại buồn cho một số người, sắm súng trường, súng ngắn, nhưng rồi bỏ về quê! Chốc chốc, Sinh lại thò tay vào túi quần nắm lấy khẩu súng của anh. Anh có cái hí hửng của một người được của.

Sinh mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Mười ba, mười bốn đã phải đi làm. Sinh học được nghề thợ nguội. Hơn mười năm trời, khi làm với ông chủ to, khi làm với ông chủ nhỏ, khi làm với nhà binh Pháp, chẳng bao giờ Sinh được đủ ăn. Sau ngày Nhật đảo chính, Sinh làm cho một xưởng tư chữa ô tô. Có người bạn đến tuyên truyền cách mạng. Anh được học mục đích, tôn chỉ của Việt Minh. Sinh đi rải truyền đơn hô hào đánh Nhật cứu nước. Sinh nhét đầy truyền đơn vào bàn giấy ông chủ. Sinh bị nghi và bị đuổi. Sau cách mạng, mấy anh em bạn của Sinh rủ nhau, kẻ góp tiền, người góp dụng cụ, mở một cửa hiệu sửa chữa máy móc. Sinh thấy tự do, thoải mái, và bấy giờ mới may được bộ quần áo xanh công nhân. Nhưng không đầy hai tháng, cửa hiệu phải đóng cửa vì tình hình trở nên khó khăn. Mấy người bạn tản cư, chỉ có Sinh ở lại. Trước Sinh đã vào công đoàn khu Đồng Xuân. Ngày Quốc khánh vừa rồi, công đoàn tổ chức liên hoan, mọi người đóng tiền, nhưng đến bữa tiệc thì chỉ có cán bộ dự, ăn uống linh đình trên gác. Còn anh em công nhân thì phải họp suông dưới nhà. Sinh ức vì cách đối xử không bình đẳng ấy, cùng với số anh em chất vấn anh cán bộ phụ trách. Từ đấy, Sinh bị thành kiến, và đâm ra buồn nản. Mãi gần đây, gặp được Quốc Vinh, Sinh mới trở lại cái hăng hái ngày trước. Hiện nay anh làm trưởng một trung đội tự vệ.

Đường phố Hàng Ngang vắng tanh, nhưng không đến nỗi rờn rợn như lúc nãy anh đi qua con đường Cửa Đông. Phố của người mình ở vẫn có một cái gì ấm áp, hiền lành. Đã mười giờ, khác với mọi đêm, nhà bánh khảo Ngọc Anh vẫn còn mở cửa, đèn nê-ông toả ánh sáng xanh. Tự vệ tấp nập kéo đến để mua những bánh lương khô Nhật mà nhà này tích trữ được nhiều. Mấy anh cười nói với hai cô con gái nhà Ngọc Anh cũng đã xung vào một tổ cứu thương. Nhưng một đám thì đang cãi nhau với chủ:

- Sao mỗi lúc một tăng giá lên thế này?

Ông chủ nói:

- Thứ này khác thì giá cũng phải khác anh ạ.

- Khác đâu mà khác. Tôi đã mua sáng ngày, tôi về tôi lấy cho ông xem.

- Khổ lắm. Anh làm như chúng tôi đầu cơ không bằng.

Có tiếng nói bên ngoài:

- Thì đúng thế còn gì nữa. Con buôn ghê lắm. Chẹt được là chẹt.

Người ta đổ xô vào chất vấn ông chủ.

Phố Hàng Mã, đầu bên kia đã rào kín bằng những súc gỗ lớn chưa xẻ, đầu nhọn vươn lên như những mũi đạn khổng lồ. Đầu bên này, anh em đang đào hào chống xe tăng. Các chị lúi húi xúc đất, vật lên bờ hào. Một chị dáng người đi ở, hất đất lên vừa lúc Sinh đi qua, nói lễ phép: “Cháu xin lỗi cậu!” Sinh quay lại, cười; anh không quen người ta gọi mình bằng cậu bao giờ. Trong phố, người ta chạy đi chạy lại tới tấp. Mấy chị phụ nữ, dáng học sinh, người xách ấm, người bưng khay chén, người cầm đĩa bánh trái, hoa quả, đến mời anh em giải khát. Quang cảnh thật là vui và đoàn kết. Sinh nghĩ buồn cho cái phố Hàng Khoai của mình, mấy người nghèo xơ xác làm gì được hưởng những sự đối đãi sang trọng như thế kia. Nhưng anh chợt nhớ ra. Ở đường bờ sông có mấy cái xác ô tô. Anh sẽ về vận động anh em kích nó vào làm vật chướng ngại lấp kín con đường vào phố của anh. Cái ý nghĩ ấy làm cho Sinh nôn nóng.

Sinh đã về đến phố chợ. Nhiều đêm, Sinh cũng đã đi qua, nhưng chưa bao giờ anh thấy nó rộng như lúc này. Không có một bóng người qua lại. Gió đánh bay những bụi vôi xoáy lại, giạt ra như vờn trên con đường đầy gạch vụn và rác rưỡi, lỗ chỗ những lỗ chôn mìn, như những lỗ giun sau cơn mưa. Con đường mới sửa, nhựa mới được rải chưa đầy một tháng. Sinh thấy tiếc tiếc. Những ngày tưng bừng của phố xá hiện lên trong trí nhớ của anh, như những con chim kinh động vụt ra từ một khóm bụi vắng. Sinh nhớ ngày cách mạng năm ngoái. Trong cuộc thách nhau giữa các phố làm những cổng chào to nhất, đẹp nhất, anh và các bạn anh đã tham gia xây dựng cái cổng chào của chợ Đồng Xuân đồ sộ như một cổng thành. Đứng ở trên nhìn suốt được xuống Hàng Đào, đến Bờ Hồ, một con đường đầy những cổng chào, rợp bóng cờ đỏ. Đêm đêm, sau bao nhiều đêm âm thầm với đèn phòng thủ thụ động – các phố rực sáng như sao sa. Người đi như nước, ngửa mặt lên ngắm cờ, ngắm đèn. Suốt đêm ngày say sưa với nền độc lập. Sinh nắm khẩu súng trong túi áo. Anh nghĩ bụng: “Đánh cho nó phải hàng. Ta lại mở những ngày hội to gấp vạn!”

Một tiếng huýt sáo bên kia phố. Sinh nhìn thì là Phúc. Hai người chạy lại gặp nhau. Sau khi từ biệt Oanh, Phúc đến lớp bổ túc bình dân học vụ ở chùa Cầu Đông mà anh phụ trách. Lớp học toàn phụ nữ, phần lớn là những người đi ở. Có lệnh mới của Uỷ ban cho lớp học phải cấp tốc bế mạc trước ngày chính thức mãn khoá. Phúc không ngờ lớp của anh đông thế, gần như đủ mặt những người học trò nghèo khổ của anh. Họ hỏi anh nếu kháng chiến thì đi đâu, anh nói: “Tôi ở lại”. Tức thì cả lớp đứng lên nói: “Anh ở lại thì chúng em cũng ở lại”. Họ quyến luyến không nỡ rời nhau. Phúc đã mấy lần đi, nhưng đều phải trở lại, vì họ khóc quá và chính anh cũng khóc. Mãi đến khi một tổ cứu thương đến đặt trạm cấp cứu ở chùa, họ mới chịu giải tán, nhưng với biết bao nhiêu bịn rịn.

Phúc còn như đang sống cái phút cảm động nhất trong đời hoạt động xã hội của anh. Anh kể lại chuyên ấy cho Sinh nghe và nói:

- Tôi không biết rồi họ sẽ đi đâu. Tiếc nhất là họ mới học được một tháng, học được ít nào lại quên hết mất thôi.

Phúc chỉ mặc chiếc va-rơ cũ, đầu đội bê-rê. Anh cố ý ăn mặc cho vẻ lăn lộn như mọi người. Cái bao súng lục anh đeo bên như không hợp với dáng học trò yếu đuối của anh. Sinh bùi ngùi cho bạn. Không những có cảm tình, anh còn thấy mến Phúc. Họ không đến nỗi tồi hết cả, những con nhà giàu. Sinh nói:

- Tôi thấy chỉ có cách đánh thằng Tây mạnh vào thôi, cậu ạ.

Hình như cái tiếng “cậu” không làm cho Phúc thoải mái lắm. Sinh cũng thấy ân hận. Anh hỏi Phúc:

- Tôi thấy ít có những người như anh. Chúng tôi nghèo làm những việc ấy đã đành, nhưng anh, sao anh cũng chịu khó như vậy?

Họ sánh vai nhau đi. Gần đến nhà Cự Lâm, Phúc bỗng dừng lại. Anh đặt tay lên vai Sinh rồi lại rụt ngay, thấy cử chỉ của mình quá thân mật đối với một người chưa quen lắm. Anh nói:

- Tôi thích làm những việc ấy lắm. Tôi không giấu gì anh cả. Nhà tôi rất giàu, nhưng cũng rất buồn. Người nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, mặt lúc nào cũng cau cau có có, khổ lắm chứ không sướng đâu. Buồn nhất là cậu mợ tôi, cô tôi không thật, lúc nào cũng mưu cơ, tính toán những việc ăn người. Tôi rất thèm một cuộc sống rộng rãi, như các anh. Các anh thiếu thốn nhiều, nhưng trên nét mặt, tôi thấy nó tự nhiên, sáng sủa, thật thà. Có những buổi, tôi ra bến phà, thấy người ta khuân vác vất vả, mà vẫn cứ vui, cứ hát. Nhưng ở nhà tôi thì không bao giờ vui, không bao giờ hát cả, suốt ngày im ỉm trong bốn bức tường. Những người đi học cái lớp của tôi cũng rất hồn nhiên, vui vẻ. Tôi đã sống cách biệt quá với mọi người, bây giờ tôi muốn gần gũi mọi người. Cho nên dạy cho họ biết thêm một chút tôi thấy gần được họ thêm một bước. Họ rất mến tôi. Cuộc đời như thế vui hơn là lúc nào cũng nghĩ những mưu này kế nọ. Mặt cứ xấu đi, lòng dạ cứ khô đi. Buồn hết sức.

Sinh chăm chú nghe Phúc, đến đây anh bỗng chìa tay nắm lấy tay người bạn mới. Cái bàn tay đầy chai của anh như nuốt lấy cái bàn tay ẻo lả của anh sinh viên. Đây là lần đầu tiên Sinh chìa tay ra với Phúc. Họ đứng rất lâu dưới ánh sáng lạnh ngắt của ngọn đèn trước cửa nhà Cự Lâm, sáng nhất phố, vừa kiêu ngạo vừa cô đơn. Cái phố chợ hoang vắng này sau một ngày kinh khủng, như còn mỏi mệt, rã rời, và như đang thấp thỏm chờ những ngày nguy khốn hơn nhiều. Đôi tay nắm chặt. Gió rét thổi vù vù. Sinh nói:

- Không có những ngày như thế này, có lẽ chúng ta chẳng bao giờ bắt tay nhau cả.

Một nụ cười nở trên môi làm sáng cái mặt xương xương của anh thợ nguội. Phúc nói:

- Vào chơi anh. Bây giờ thì các anh vào chơi được. Khổ lắm, trước kia chẳng dám mời các anh.

Xa-lông nhà Phúc ríu rít những tiếng nói thanh thanh của phụ nữ. Ngọn đèn giữa trong một cái lồng tròn, to như quả bóng, trắng như băng phiến, do ba cái thao chạm trổ mạ vàng ôm lấy, toả một ánh sáng êm ả xuống những màu áo đỏ, xanh, tím, hồng của Lan và một số phụ nữ khác. Người khâu túi, người khâu băng hồng thập tự, người thêu chữ trên một là cờ nhỏ. Những ngón tay thon và mịn thoăn thoắt đưa kim múa lượn trên vải. Phảng phất những cảnh phụ nữ thủ đô tấp nập may cờ những đêm đầu cách mạng. Khi Phúc và Sinh vào, họ giật mình như một đàn bướm. Sinh nhác thấy trên tay Lan lá cờ đỏ đuôi nheo trên đã thêu hai tiếng “Sống chết”. Anh gai gai người. Lan đứng dậy. Trông thấy anh về có khách, chị khẽ cúi đầu chào, đôi mắt nhỏ lim dim nhìn xuống.

Phòng khách choáng lộn những hoành phi, câu đối, những bức trướng thêu, những bồn sứ Giang Tây trồng cây cảnh. Tấm gương to bằng nửa gian nhà, khung vàng lóng lánh như kim nhũ, phản chiếu bộ quần áo tím cũ của Sinh bóng như mài. Sinh thấy mình bệ rạc, không dám nhìn vào cái gương nhạo báng. Đôi giày da thuộc của anh, bết đất, vấp phải một góc cái thảm lớn rất dày, trông như gấm vóc. Chỉ có một cái lỗ đục thông sang nhà bên, do một bức tường che chưa hết – là còn thấy bóng dáng của thời cuộc. Các cô đã chạy sang ngồi trên những cái kỷ kê sát tường. Phúc mời Sinh ngồi vào xa-lông, nhưng vẫn đứng hỏi Lan:

- Sao thức khuya thế? Hại sức khỏe.

Lan nói:

- Thưa anh, em sợ không dám lên gác. May có các chị ấy đến.

- Sao không dám lên…

- Hương nó chưa về. Đi qua chỗ ông…

Phúc gạt đi. Anh không muốn để cho Sinh biết cái chuyện rất đáng trách của bố mẹ và cô, mặc ông nội già yếu và bán thân bất toại ở lại Hà Nội.

- Thừa nó đâu?

- Thưa anh, nó xin tiền đi tìm vợ nó, con Tuyết…

Lan rùng mình không dám nói hai tiếng nhà thổ. Phúc biết ý lại gạt đi. Thừa gọi ông Cự Lâm là cậu ruột, ở nhà quê ra ăn giỗ, nhưng chủ ý là xin ông tiền để đón người vợ đã bỏ đi ba năm, nay mới được tin. Cự Lâm dỗ Thừa ở lại trông nom cho ông cụ cố, vì trước đây đã có một lần Thừa làm cái việc ấy rất chu đáo… Ông hứa sẽ cho tiền mẹ Thừa ở nhà quê.

Phúc bảo Lan:

- Bảo nó pha nước, em nhé.

Sinh cười nói với các cô:

- Các… chị làm việc vui nhỉ. Cứ làm đi. Lúc nãy bộ đội vào có vui không?

Tiếng ríu rít như chim:

- Vui lắm.

Phúc quay lại cười với Sinh, nhưng anh bỗng thở dài. Sinh thấy Phúc không được vui như lúc nãy, không hiểu sao. Chắc trong gia đình họ có chuyện gì. Sinh tự trách mình đã vào đây, bây giờ ra không tiện. Anh đang nóng ruột về thăm bà Ngọ và nóng ruột muốn tháo khẩu súng ra xem và lau. Sinh đã ngồi lại đứng dậy, nói:

- Khuya rồi, anh đừng cho pha nước nữa. Tôi cũng về đây. Thăm để biết nhà … anh. Đẹp quá.

Phúc nhếch mép cười một cách chua chát:

- Thế mà cũng nhiều lúc buồn lắm, anh ạ. Nếu kháng chiến thì những đồ này vất đi hết chứ dùng làm gì? Anh ngồi chơi đã, anh Sinh.

- Để các… chị làm việc, anh nhỉ.

Tay cầm cát két, Sinh định ra. Anh không dám nhìn một người phụ nữ nào, chỉ thoang thoáng như Lan đang nhìn ra. Mà đúng như vậy. Đứng ở cái cửa thông vào nhà trong, thỉnh thoảng Lan cũng liếc nhìn Sinh, cái liếc trộm của một người con gái lớn chưa chồng bị kìm hãm mạnh, khi trông thấy bất cứ người đàn ông nào.

Vừa lúc ấy thì có tiếng động ở tường. Một cái đầu luồn vào, mắt thao láo, rồi một thanh niên vén trướng chui ra. Mặc cho bọn phụ nữ sợ hãi, chạy ríu lại với nhau, anh ta cúi xuống cái lỗ, gọi:

- Đây còn có người. Chui cả lên đây, vui lắm.

Ba thanh niên, học sinh cả, tươi cười bắt tay Phúc và Sinh. Họ cũng là tự vệ. Phúc hỏi họ đi đâu, một anh nói:

- Đục tường xong, chả biết làm gì, thì đi dạo các nhà chơi. Trước dạo phố, bây giờ dạo nhà. Nếu có đánh nhau thì cứ như thế này mãi chứ gì. Có bao giờ chạy ra đường chơi được không, ông Sinh.

Thấy có anh em vào, Sinh đỡ ngượng. Anh nói:

- Chả nhẽ lúc nào cũng ở trong nhà ư? Buồn chết.

Họ ngồi cả xuống ghế, người nào cũng đeo vài quả lựu đạn. Một anh đeo cả kiếm Nhật dài lê thê, tay nắm đốc kiếm, một chân ghếch lên cái tay tì của ghế xa-lông. Anh châm thuốc là hút, đôi ủng đá lên cái sập gụ cùng màu. Anh hỏi đùa Lan:

- Nếu tôi đánh nhau bị thương thì đã có chị Lan băng bó nhỉ.

Lan chưa quen nói đùa. Mặt đỏ ửng, chị đỡ cái vẻ lạnh lùng mà con trai trong phố vẫn cho là hợm của khinh người. Lan chạy vào trong nhà. Anh kiếm Nhật mỉm cười hóm hỉnh. Anh nói chuyện với Lan, nhưng thực ra anh đang tìm xem Hương có nhà không. Anh hỏi Sinh một cách đột ngột.

- Bao giờ thì đánh nhau?

Sinh cười để không trả lời. Anh kia nói:

- Chắc chỉ độ nay mai thôi chứ gì. Chuẩn bị thế này mà không đánh nhau thì cũng tiếc. Có bao giờ hàng phố lại quen nhau như bây giờ, nhà nọ thông với nhà kia. Người Hà Nội sống cũng đỡ cái thói xấu nhà nào biết nhà ấy.

Câu chuyện trở nên vui vẻ. Một anh có vẻ mơ màng hỏi:

- Đến lúc đánh nhau thì chúng mình sẽ sống thế nào nhỉ. Không thể tưởng tượng trước được. Đánh nhau trong phố, chắc là nhiều cái lạ lắm. Có ở đâu làm như thế này không, ông Sinh?

Sinh cười, mặt thộn ra:

- Không biết có ở đâu làm như ta không. Nhưng làm thì ta cứ làm. Ta có lối riêng của ta chứ.

- Ừ, cũng buồn cười. Đi qua tường này sang tường khác cứ như là bầy chuột cống rúc ra rúc rích. Thằng Tây thì làm thế nào mà chiếm nổi từng này cái nhà Hà Nội.

Anh kiếm Nhật nói:

- Chúng mình phải là những chiến sĩ ương ngạnh bảo vệ thủ đô. Dù nó có chiếm được các đường, chúng ta cũng cứ sống như thế này. Hải Phòng không đục tường nên chóng mất, Hà Nội đục tường thì vĩnh viễn còn.

Câu chuyện đến đây, thì có những tiếng cười nói, rồi lại một bọn thanh niên khác lốc nhốc chui sang. Hương cũng trở về. Nghe tiếng Hương, Lan chạy ra. Gian phòng linh động, vì đông người, nhưng trước nhất vì cái tươi thắm của Hương.

Hương nói với Phúc, ngây thơ:

- Em suýt nữa thì lạc. Anh có đi chơi với em không? Vui lắm. Chẳng muốn đi ngủ.

Hương nói một cách nhẹ nhàng, vô tư lự. Cô thấy anh và chị, và nhiều bạn học sinh ở lại, thì cô cũng ở lại. Chẳng khác gì mọi ngày mà lại được xa bà giáo. Trong khối óc còn ít suy nghĩ của Hương, cô quan niệm đánh nhau một cách lờ mờ, nguy hiểm hơn mọi ngày một tí, rồi đâu lại vào đó. Từ lúc bộ đội vào, Hương vui như tết.

Phúc nói:

- Bây giờ vui, lúc đánh nhau đừng có khóc đấy.

- Đấy rồi anh xem ai khóc. Em sẽ tập ném lựu đạn cho anh xem.

Hương biết mình được nhiều thanh niên “cảm”, theo cái thứ đánh hơi linh tính của đàn bà. Biết rõ ràng mình đẹp, Hương đã có chiều hướng gây nhiều ảo tưởng cho đám thanh niên, bằng cách tỏ sự chú ý của minh. Hương nói với Lan:

- Lúc nãy em thấy anh này tập ném lựu đạn, cũng chẳng sợ lắm đâu, chị Lan ạ.

Người mà Hương chỉ chính là anh thanh niên đeo kiếm Nhật. Anh ta là con một chủ hiệu bán chè và ngày thường vẫn để ý đến Hương. Nghe nói về minh, anh đứng lên, rút quả lựu đạn Mỹ đeo trước bụng, và nói:

- Có lẽ nào lại không sợ, cô Hương. Bởi vì nó là một thứ giết người. Cô không sợ thật ư?

Anh tung quả lựu đạn trên bàn tay. Hương và Lan kêu thét lên. Anh càng đùa, giả vờ rút cái kíp, miệng dẻo quẹo:

- Ném thế này mới nổ này.

Mọi người hét ầm lên:

- Ấy chết.

Anh thanh niên giật mình, tay rút cái kíp ra.

Mọi người đổ xô chạy. Sợ quá, anh kiếm Nhật vứt quả lựu đạn xuống bàn. Nò xì xì khói. Sinh kêu:

- Chạy cả đi!

Sinh liều vớ lấy quả lựu đạn, chạy ra ngoài cửa quăng đi. Anh vừa nằm xuống thì quả lựu đạn nổ.

Không ai việc gì. Một lát sau thì mọi người giải tán. Phúc đưa Sinh về tận nhà.

Đêm hôm ấy, Hương đã ngủ rồi, Lan còn nằm trằn trọc. Nghĩ đến cái quả lựu đạn lúc nào Lan lại rùng mình lúc ấy. Lan nghĩ liên miên. Cũng vẫn cái buồn của hai chị em mà sao Lan thấy nó trống trếnh và lạnh lẽo. Lan phải bật cái đèn khuya lên cho đỡ sợ. Lan nhớ mẹ, nhớ những đứa em nhỏ chúng nó rất mến Lan. Từ bé đến nay, Lan chưa bao giờ ngủ một đêm xa bố mẹ như thế này. Lan ghét bà giáo, chỉ mong làm sao xa được người cô. Lan vốn là người nhu nhược, bà giáo bảo sao nghe vậy. Ngay hai bữa cơm rồi lẩn lút ở trong xó nhà. Sống trong giàu sang mà Lan cảm thấy như tù. Lan chỉ chờ có người đến hỏi và đem Lan đi. Nhưng ba đám đều bị bà giáo gạt hết, mà Lan cũng chẳng được hỏi lấy một câu. Lan càng thù bà giáo. Có lúc bực quá Lan đã nghĩ rằng mình có chết ngay đi nhưng thoát khỏi bà cô, Lan cũng vui lòng. Điều đó trở thành một cái ám ảnh ngày đêm. Lan ao ước được như nhiều chị em trong phố, họ chẳng bị bó buộc, cấm đoán như Lan. Lan thèm được như Oanh tự do đi ngoài phố. Bây giờ ước sao được vậy rồi. Lan thấy vui lắm. Chị em bắt đầu đến chơi. Lan nói chuyện đến cô Nhân luôn, mà khen Lan là xinh, là giỏi. Nhưng nghĩ lại mình, Lan ngao ngán. Lan chẳng biết làm gì. Các chị bảo học tiêm thì tay Lan run bắn. Nó bắn vào chợ, Lan chết khiếp đi. Đến khi đánh nhau thật thì Lan sao chịu nổi. Lan hoang mang lo nghĩ, càng nhắm mắt, mắt lại càng mở ra đờ đẫn. Lan thấy cuộc đời mới có cái gì rợn rợn, một cái gì đành chịu như cái số. Việc đã như thế rồi, thì cứ thế. Chả nhẽ lại xin về. Còn anh Phúc, còn con Hương. Lan kêu khe khẽ: “Mợ ơi! Không có bà giáo thì làm gì con phải xa cậu mợ, xa các em con”. Lan khóc thút thít một mình. Ở trong nhà mình mà Lan cảm thấy như đang đi trốn. Còn như xa lạ nữa, ngay cả đối với bọn người nhà. Từ lúc bố mẹ đi, Lan sai họ rất khó. Lan thấy mình yếu ớt quá chừng. Nếu được như cô Nhân? Họ chẳng sợ một cái gì, ở đâu cũng được.

Gió lạnh thổi ù ù; dây điện vo vo như tiếng khóc. Ngoài cửa kính, cả cái khối lù lù của chợ Đồng Xuân ập tới, một cái vòm mất trụ thê thảm như cụt đầu. Chờn vờn như có những người máu me đầm đìa đi trên những nóc nhà nhấp nhô, mù mù. Lan hoảng hốt như có ai với tay vào. Lan nhắm mắt, trùm chăn lên kín đầu. Lan ghì đứa em gái, gần như ôm lấy nó vào trong lòng mình. Hơi nóng kích thích xác thịt Lan. Lan nghiến chặt răng, thân run lên vì hởn tủi, vì đòi hỏi một sức mạnh nào chiếm lấy người Lan…
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×