LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Sống mãi với thủ đô - Chương 24(hết) (Nguyễn Huy Tưởng)

126 lượt xem
Đốt cái xe gíp chiến lợi phẩm mãi không cháy, họ bàn là chữa đi để dùng vậy, ít ra là cái động cơ. Người chiếu đèn pin, người loay hoay chữa. Đạn giặc bắn vào ầm ầm, họ bỏ chạy. Nhưng tiếc của, họ lại xúm vào chữa. Chuyện nổ như pháo ran. Họ say sưa đã lập được một chiến công rực rỡ ban đầu. Phá được nhà máy, giết được giặc, bắt được tù binh, bộ đội lại cho xe gíp, món quà hậu đãi nhân dân. Cuối cùng, họ chữa được. Nhật Tân cắm một lá cờ đỏ sao vàng lên mũi xe cho thêm oai. Hỏi mãi không ai biết lái xe. Nhật Tân chỉ nghe lỏm được cách mở công-tắc, đề-ma-rê (1), cài số, nhưng anh cũng liều nhận để vây với mọi người khi ấy đã có cảm tình với anh, và để xứng đáng là người Hà Nội mặc nhiên là phải biết lái ô-tô, chụp ảnh và nhảy đầm – hai cái mốt sau anh cũng thông thạo như cái mốt trước. Họ chào anh em bộ đội ở lại gác. Người thì về Lò Sũ, người về phố Bắc Ninh, người về Hàng Bè. Họ giải tán dần, giao cho Nhật Tân đưa xe về Hàng Bạc trình uỷ ban. Mấy người ngồi lên xe với con Lu lu. Một anh ghếch khẩu súng khai hậu lên cái chắn gió, tự biến thành người bảo vệ. Động cơ nổ phành phạch. Nhật Tân lái văng tê, cái xe loạng choạng, đâm sang phải đâm sang trái. Cuối cùng người ta xô vào đẩy cái xe chiến thắng. Hào hứng, át cả những tiếng súng nổ bốn bề, họ hát vang vang:

Bao chiến sĩ anh hùng

Lạnh lùng vung gươm ra sa trường

Quen xung phong

Nước non đang chờ mong tay ngươi

Trinh cũng đi trong đám người ầm ĩ ấy mà chị không quen, không những thế, còn sợ. Người vú em, xách cái va-li to và nặng, luôn luôn đổi tay. Người vú thì thào:

- Mợ ơi! Trong phố có còn buôn bán gì không? Hết cả xà phòng thơm rồi. Cái đẫy con đeo mất đâu ấy.

- Mai ra phố xem.

Trinh thở dài luôn. Chị bơ vơ không còn biết trông vào ai bây giờ. Chị dự định đến nhà Cự Lâm tối nay, rồi thu xếp mai ra tàu về Nam với mẹ. Rủi ro xảy đến đột ngột chị không thể ngờ. Bao đã lấy được vé máy bay để sáng mai cùng đi với vợ chồng viên giám đốc sang Pháp. Anh sẽ lại vào làm với cái chức Tổng giám đốc công ty điện Đông Dương đặt ở bên ấy. Thế rồi nổ súng, điện tắt. Vợ chồng Trinh và vợ chồng viên giám đốc ở trên gác chạy xuống hầm. Họ còn đứng trước thềm lúng túng trong bóng tối thì tên lính Pháp xồng xộc tới. Bao chỉ kịp thét Trinh ra hầm thì đã bị bắn gục ngay trên thềm. Nghĩ đến xác chồng còn nằm đó, không ai chôn cất, Trinh lại sụt sùi khóc. Chỉ trong nháy mắt, cả cuộc đời êm đềm của chị đổ sụp. Trần Văn ẵm con Diễm đi sau Trinh. Nghĩ đến anh em mà anh sắp gặp, và không biết nói với họ thế nào, anh bất giác thở dài. Trinh tưởng như anh nghĩ về mối tình cũ, và thấy đau khổ đã phải nhờ vả một người mà mình đã lừa. Từ lúc gặp Trần Văn, Trinh đi từ ngạc nhiên đến bối rối, từ cảm động đến biết ơn, từ đau đớn hoang mang đến một cái gì dìu dịu như người được an ủi. Lạc lõng giữa một đám người xa lạ, trong cơn khủng khiếp, chị thấy anh dù sao cũng còn là chỗ quen biết. Trinh mếu máo, chìa tay ra đón con, mùi nước hoa rất kín đáo của Trinh thoang thoảng. Trần Văn nói:

- Chị cứ để tự nhiên. Tôi ẵm cháu cho, cháu đang ngù. Lúc này giúp đỡ nhau thôi. Chị đừng ngại.

Nghe tiếng “chị”, Trinh thấy nó đỡ trách móc, chua chát hơn tiếng “bà” anh nói lúc nãy. Trong bóng tối, cái hình cao cao gầy gầy, cái đầu húi ngắn quen thuộc nổi lên, mờ mờ. Vai anh khom khom, tay vụng về, lọng khọng không biết ẵm trẻ. Trinh thấy tiếc cái không sửa chữa được. Sượng sùng, chị nhích xa anh, đi gần người vú. Nước mắt lại trào ra. Người vú thì thào:

- Ông ấy tốt mợ nhỉ. Nhà ta cũng quen ư, thưa mợ?

Trinh khẽ đáp:

- Cũng quen.

Tiếng súng vẫn nổ. Trời vẫn chớp chớp. Đám cháy về phía bờ sông đỏ rực. Văng vẳng đưa lại những tiếng chó sủa và tiếng người kêu gào. Gió ở hồ thổi lạnh ngăn ngắt, táp vào mặt. Trần Văn cuộn lại cái chăn ủ con bé mà anh đã làm tung ra. Tính anh vốn hay bế ẵm trẻ con, lúc này anh lại thấy tha thiết cái nhu cầu ấy. Con bé sống sót của chiến tranh, trở nên quý giá vô ngần. Mùi thơm của cái chăn và mùi sữa hoi hoi như át được mùi tanh tưởi của máu và mùi khét của súng đạn đầy trong không khí của cái đêm giá lạnh. Anh không nói gì đến chuyện Bao chết, sợ làm cho Trinh đau khổ thêm. Anh thật thà giúp đỡ Trinh, và không muốn Trình có một chút hiểu lầm về thái độ của anh, càng không muốn để cho người yêu cũ nghĩ ngợi vì chuyện trước. Đối với mối tình đầu, anh đã gần như nguội lạnh, và cho đấy là một thắng lớn về tình cảm. Trước mắt, Trinh chỉ là một người cơ nhỡ, một nạn nhân của chiến tranh. Nhìn Trinh nhỏ bé trong bóng tối, lảo đảo vì mệt mỏi, khuỵu luôn, trật giày luôn, anh thấy ngậm ngùi thương hại. Anh nghĩ phụ nữ và trê con là những người phải chịu cái gánh của chiến tranh nặng nề hơn cả, vì là những người yếu đuối nhất đời, mỏng mảnh như cái bóng nước, chỉ một giọt mưa nhẹ cũng đủ làm cho tan đi như đã không có. Trong lúc này, giúp họ cũng lớn như đánh giặc.

*
* *

Đám người vẫn đẩy cái xe gíp phần phật lá cờ chiến thắng. Tiếng guốc, tiếng giày, tiếng dép lao xao, ầm ĩ. Người ta hát, người ta gõ nhịp. Tiếng súng vẫn đùng đùng chung quanh. Nhưng người ta cứ phớt, vì thấy không nguy hiểm. Lác đác những bóng người ở trong các ngả phố đi ra. Một anh xích lô, ngồi trên yên cái xe không, đỗ trước rạp Philharmonique, hỏi mọi người về những chuyện đã thành thời sự chiến tranh: “Các ông các bà có biết ở Bắc Bộ phủ mình hạ được máy xe tăng?” Có tiếng đáp: “Nhiều lắm”. Anh xe nói: “Chả biết ngày mai có xong không. Hồi đảo chính, cũng như thế này, nhưng được cái không tắt đèn, cháu cứ đạp suốt đêm đi xem. Ở bãi Hàng Da một thằng quan tư Pháp bị Nhật chém đứt cổ trông thấy sợ. Xe gíp mình cướp được đấy phải không ạ?” Tiếng Nhật Tân: “Đã ăn thua gì. Còn khối. Còn khối”. Anh xe theo mọi người như đi theo đám rước. Họ reo lên vì thấy ngổn ngang nhiều toa xe điện trước nhà sách Nam Ký. Tiếng chặt cây chan chát bên hè. Lên tới cái bãi rộng, đầu Hàng Đào, Nhật Tân đứng lên xe thẳng người cho ra vẻ chiến sĩ, tay giơ lên cho giống những viên tướng duyệt binh trong những phim thời sự anh đã được xem, cái mũ phớt càng lệch xuống một bên, cái áo ra-gơ-lăng lùng bùng trong gió. Con Lu lu cũng đứng lên như để tô điểm thêm cho hình ảnh anh hùng của chủ. Một ánh chớp đại bác làm cho anh rụt xuống. Cả cái bãi sáng lên. Trần Văn thấy thoáng trong nháy mắt hai chữ “Cảm tử” đỏ rực, to lớn trên bức tường đầu phố, và cả một đoàn xe điện chạy dài từ đầu phố Hàng Gai tới hết cái ga tàu điện nằm trơ như bị bắt quyết. Anh trào nước mắt. Trinh kêu thất thanh, đầu gối quỵ xuống. Một tiếng nổ như rơi vào trúng đầu chị. Đồng thời, râm ran, lộn xộn, nhâu nhâu những tiếng chó sủa gần xa, rít lên từng hồi, rồi nghẹn ngắc gầm gừ ăng ẳng, rồi lại rống lên khan khan vang động, tha thiết như lời cầu cứu, khi thân mật, khi dã man, những tiếng không phải của thành phố, như đưa người ta về những xóm làng. Đứng trên cái xe gíp, vươn đầu lên kiêu hãnh, Lu lu cũng rú lên một hồi dài.

Một bao cát đã được dựng lên chắn ngang đầu phố Hàng Đào. Nhiều tủ và quầy hàng đã dược quăng ra, lủng củng. Nhật Tân huýt sáo gọi Lu lu, nhảy lên đống bao cát, chìa tay vào. Bên trong, nhiều bàn tay đưa lên tranh nhau nắm lấy bàn tay anh. Nhiều cánh tay đỡ anh xuống. Sờn, anh thợ xẻ đang đứng ở vọng gác ngửa mặt lên nhìn trời, bồng khẩu súng mút. Nhật Tân là người đầu tiên trở về phố từ sau khi nổ súng, như mang theo những tin mới lạ bên ngoài. Lập loè những chấm đỏ thuốc lá trước mặt, dưới đường, trên gác. Tiếng hỏi:

- Ai? Nhật Tân đấy à?

Anh nói:

- Ừ. Nhật Tân đây.

Anh nhảy xuống đường, vừa thở vừa nói:

- Đã bảo mà. Chỉ một hiệp là Tây chết toi thôi.

Một sinh viên hỏi:

- Cướp được xe gíp à? Vui thế này thì mình xin vào tự vệ mới được.

- Còn cái gì giữ anh nữa?

Bốn năm sinh viên gí thuốc lá vào tay Nhật Tân. Người thanh niên cầm của mỗi anh một điếu. Tiếng cửa mở ầm ầm. Người ta reo mừng giữa những tiếng đẩy đồ đạc rít rít, lộc cộc, trên đường va ình ình vào thành cái xe điện chết. Hình những tủ ngả nghiêng, những tấm phản quay ngang, quay dọc hai bên xe điện. Cả dãy phố đen ngòm. thỉnh thoảng hiện lên những ống quần rộng của các chị chạy lại. Họ khoác măng tô, tay mang ghế. Họ vừa ngồi xuống vừa thắt khăn quàng. Một vài nhà hắt ra đường ánh sáng le lói của đèn dầu hoặc nến. Tiếng kêu giận dữ:

- Tắt đi. Ai đấy? Nó bắn chết cả bây giờ.

Nhật Tân vẻ quan trọng:

- Không hút thuốc lá nữa. Chiến tranh rồi. Lộ hết bây giờ.

Ánh sáng tắt phụt. Những chấm đỏ thuốc lá biến đi. Tiếng súng vẫn nổ, nhưng ở đây xa tầm đạn giặc. Ngó đầu ra ngoài cửa, mấy cụ ho sù sụ. Cụ Tĩnh Trai, một tay thích chơi hoa, nhà ở giữa phố, chỉnh tề khăn xếp, cồm cộp giày ban đi ra. Mọi người đã lục tục vào hết. Cụ hỏi:

- Thế nào các đồng chí?

Nhật Tân nói:

- Chúng cháu vừa phá xong nhà máy đèn. Các nơi xong hết rồi.

- Thế là mừng. Sau cái vụ Yên Ninh, cái vụ Đồng Xuân, tưởng là chết hết. May ra yên được. Tôi đang lo cho cái hoa quỳnh nhà tôi mười hai giờ đêm nay nở, không ai đến xem. Chè bánh sẵn cả. Mời các đồng chí chốc nữa vào chơi. Hoa quỳnh nở là hiếm, lại vào đúng đêm nay. Điềm lành mừng Cụ Hồ. Tới cả cho vui nhé. Đúng giờ, chỉ mấy phút nó tàn thôi. Phải xem lúc nó đang nở mới đẹp.

Cụ cười khà khà đưa tay che miệng.

Trần Văn trông thấy Sờn, rẽ mọi người bước tới. Hai người cùng kêu lên. Vẫn cái vọng gác anh đứng gác sáng ngày. Anh bồi hồi như Từ Thức nhập Thiên Thai trở về. Anh tạm đưa Trinh vào trong nhà cho đỡ rét. Anh lần vào đến phòng ăn. Lố nhố một số anh em đang rì rầm bên một ngọn nến đỏ. Anh lặng người nhìn họ. Lắng nghe họ không nói gì đến anh cả, mà như đang bàn một việc quan trọng. Chú Lai trông thấy anh trước, nhảy ra kéo anh vào. Mọi người reo lên quây Trần Văn vào giữa. Người nào cũng có vê nai nịt như sắp đi đâu. Anh đứng tần ngần thấy mình như xa lạ. Xem ý thì không có anh ở nhà cũng không có gì lộn xộn lắm. Họ lại niềm nở, không lạnh lùng như anh tưởng. Anh thấy tẽn như người vừa nói một câu chuyện vô duyên. Anh chỉ kể chuyện máy đèn và hỏi chuyện nhà. Mộng Xuân nói:

- Ông Tu thì đi rồi. Từ lúc có tiếng súng nổ thì một số đi đào hố cá nhân, một số đi ngả cột đèn. Ngày mai thì phải làm cái hố chống xe tăng ở đầu phố. Xẻng cuốc uỷ ban cho rồi, lấy ở nhà Quảng Xương Long hàng năm không hết. Còn chúng tôi ở nhà, bây giờ được lệnh đi đây.

Anh hỏi đi đâu. Mộng Xuân rỉ tai anh:

- Đi đánh nhà Sauvage. Thôi, ta nói chuyện sau. Đi thôi, mười một giờ rồi. Các chị đã sửa soạn chờ liên hoan chúng ta thắng trận trở về. Lệnh phải tiêu diệt cho bằng được bọn lính Pháp ở đấy, thu toàn bộ võ khí.

- Tôi đi được chứ?

- Nếu anh mệt thì nghỉ.

- Không, tôi sẽ đi. Tôi xin thề sống chết trong trận này.

- Khẩu súng và lựu đạn của anh, chú Lai giữ.

Chú Lai nghển cái mặt đen đủi, mắt láu lỉnh nhanh như cắt:

- Em đem cho. Em được phát chứng minh thư rồi.

Họ bước ra thì ông già Tư, vẫn cái áo ba-đờ-xuy màu nâu sẫm, vẫn cái vẻ sạch sẽ, cẩn thận mọi ngày, nhưng trông có vẻ rụt rè, sợ sệt. Ông cười cười lấy lòng, nhe cả bộ răng đen đã bạc. Ông già chào Trần Văn và nói:

- Thưa ngài, ngài về, chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi muốn xin thưa ngài một câu chuyện.

Mộng Xuân cau mặt, gạt đi:

- Không chuyện trò gì cả. Bây giờ không dân vận nữa.

- Thưa các ngài, không ạ. Chúng tôi xin thưa. Trước khác, bây giờ khác ạ.

Vẻ hoà nhã, ông già nói:

- Bây giờ thì chúng tôi không còn là người bù nhìn giữ của nữa, mà phải là lão già cứu quốc. Cái nhà này, các ngài cứ dùng. Có cái gì các ngài cứ lấy. Dạ thưa các ngài, không phải của tôi, nhưng tôi xin ủng hộ.

Ông vừa nói xong thì đã bị anh em nắm tay quay tròn chung quanh cái bàn. Trông thấy những quả lựu đạn bên mình họ nhảy nhảy chỉ chực văng ra, ông già vừa mừng vừa sợ kêu:

- Lựu đạn, lựu đạn, các ngài.

Mộng Xuân đến trước mặt vái ông già, như đóng một đoạn chủ khách thi lễ trên sân khấu:

- Đệ xin rất hoan nghênh đại huynh.

Ông già cúi đầu chào, mọi người vui vẻ ra đi. Trần Văn thắt dây súng lục, giắt hai quả lựu đạn của anh. Anh nghĩ sẽ không oán thán gì nếu anh được chết trong trận đánh này, để chuộc lại cái hành động đáng tiếc của anh. Một câu thơ của Victor Hugo đến với anh: Những người đi chết cho Tổ quốc được quyền có quần chúng đến bên linh cữu mình khấn vái. Anh bước mạnh đi trước anh em. Ra đến phòng ngoài, anh dừng lại, nghe thấy tiếng Trinh khóc, trong bóng tối. Trinh đang ngồi trên va-li, bên cạnh người vú em ẵm con Diễm, thấy có người ra thì đứng dậy. Trần Văn ái ngại cho Trinh. Anh vẫn chưa biết thu xếp cho Trinh ăn ở thế nào cho tiện. Đắn đo một lúc, anh nói:

- Tôi có nhiệm vụ phải đi ngay. Tôi sẽ nhờ ông cụ giữ nhà này để chị tạm nghỉ lại đây đêm nay. Nếu tôi được trở về, tôi sẽ thu xếp sau.

Anh thấy bất nhẫn. Mình không trở về thì ai sẽ lo cho Trinh một cách chu đáo. Anh ngập ngừng. Trinh nói trong nước mắt:

- Thưa anh, em định đến nhà bác em ở Đồng Xuân…

Trinh cắn cái mùi xoa, và quay mặt đi. Chị lảo đảo, tay chới với tìm người vú em để vịn. Chị khóc nức lên. Trần Văn bàn với các bạn, rồi quyết định nhờ con Tuyết, buổi chiều đã đến thổi cơm cho anh em, đưa Trinh đi, vì đường nguy hiểm mà kiểm soát lại ngặt. Trần Văn yên tâm từ biệt Trinh và hỏi:

- Cháu vẫn ngủ chứ?

- Vâng. – Trinh sùi sụt trả lời.

*
* *

Đầu phố, Nhật Tân vẫn đang ba hoa kể những chuyện đã xảy ra, thêm nhiều hơn là bớt, với cái thế của một người đã xông pha vào sinh ra tử. Một sinh viên lấy ghế mời anh ngồi. Quên những lời cảnh giác và khuyên mọi người. Nhật Tân đánh diêm hút thuốc. Nhưng không ai trách, cho là anh được đặc quyền. Nghe anh kể, người ta thi nhau sờ vào tay, sờ vào mũ anh. Các chị người thì cúi đầu nghe, người thì mở to không chớp đôi mắt âm thầm đầy cảm phục nhìn người thanh niên. Kể xong, Nhật Tân nói để giải thích một điều khó hiểu:

- Như thế là ở chỗ nào mình cũng làm chủ được tình thế. Mấy cái xe nó còn chạy là vì không trở về vị trí được nữa, ta chiếm hết rồi, chúng nó về đâu? Vả lại để nó đi như thế dễ tỉa.

Anh sinh viên vừa mời anh ngồi ghế, nắm chặt tay Nhật Tân, rung rung mãi:

- Merci. Merci (2). Cảm ơn anh. Enfin! Enfin! (3)

Một thanh niên vui sướng quá, rút súng lục, chĩa lên trời bắn một phát, giữa những tiếng kêu léo nhéo của phụ nữ, và tiếng gắt mềm yếu của một ông đứng tuổi: “Phải tiết kiệm đạn, anh em. Uỷ ban đã có lệnh”. Cụ Tĩnh Trai, tay an nhàn chải chòm râu:

- Nào xem Hồ Chí Minh có dám đánh không. Ta phải thức suốt đêm nay. Anh Nhật Tân, chốc nữa mời anh vào xem hoa quỳnh nở cho thêm may.

Nhật Tân bảo mọi người đi nghỉ, nhưng kẻ ngồi người đứng vẫn không nhúc nhích. Người ta vui như trong ngày hội mở đầu.

- Anh Nhật Tân!

Một tiếng ỏn ẻn gọi, và một luồng ánh sáng đèn pin chiếu thẳng vào anh. Nhật Tân nghe rõ tiếng Hiền. Anh đứng lên, chạy trong đêm tối:

- Hiền đấy à?

Tin Nhật Tân đem được xe gíp về đã được đồn ầm lên ở nhiều nơi. Hiền đang lo cho Nhật Tân từ chiều không về. Chị dán vội mấy tờ hiệu triệu của uỷ ban rồi vội chạy ra đón. Thấy Nhật Tân ngồi nói chuyện. Hiền không vui lắm, nhất là lại thấy có mấy phụ nữ quây lấy anh. Hiền gọi Nhật Tân để cho anh biết, nhưng nguẩy đi ngay. Thấy không có tiếng trả lời, anh hỏi:

- Hiền ở đâu ra? Từ lúc nổ súng có sợ không?

Hiền khóc:

- Anh hỏi em làm gì nữa. Anh nói chuyện với ai chứ cần gì nói chuyện với em.

Biết Hiền dỗi, anh kéo Hiền lại:

- Đánh nhau không được làm nũng đấy, cô Hiền nhé.

Giữa lúc ấy, bọn Trần Văn rầm rộ đi đánh nhà Sauvage. Bóng người ứ lại. Lách bên cái xe điện chết, một toán người trổ ra nhớn nha nhớn nhác. Nhật Tân nghe có người hỏi:

- Có ai trông thấy vợ chồng bác sĩ Quán đâu không?

- Không. Có phải ông ở Tây về không?

- Không phải, ông kia còn ở quân y.

- Lão Quán hàng mẹ nó Pháp rồi!

Nhật Tân bỏ Hiền lại, lần đến người vừa nói. Anh quãng điếu thuốc lá, bảo người kia:

- Cho tớ đi lùng với. Tớ biết lão Quán từ lâu rồi. Đi. Hiền ơi, Nhật Tân đi đây. Cấm giận đấy nhé.

Chú thích:

(1) Khởi động.

(2) Cảm ơn.

(3) Cuối cùng phải như vậy.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư