Nhơn tình ấm lạnh - Chương 6 (Hồ Biểu Chánh)

74 lượt xem
Phi Phụng đi đâu? Nào ai biết, còn Phạm Duy Linh một là tình, hai là chán đời, ba là muốn lập nghiệp nên bỏ xứ đi trước rồi.
Duy Linh một thầy một tớ chở đồ lên Sài Gòn, tuy bỏ xứ sở ra đi mà trong lòng đau đớn sắc mặt kém vui, song sự uất ức còn dồi dào trong trí, tình lở dở cứ theo đuổi trong lòng, bởi vậy đi dọc đường hăm hở quyết trong lòng cần mẫn làm cho trở nên giàu, quyết bươn trãi cho trở nên sang đặng ngày sau dầu không chắp được mối tơ duyên cũng ngó ngay bạn giàu sang không hổ.
Cảm thương thay người trẻ tuổi lại chán đời! Lòng nhiệt thành thì thiệt nhiệt thành, chí quảng đại thì thiệt quảng đại, nhưng vì chưa quen thuộc đường đời, chưa lịch lãm nhân sự, bởi vậy lòng nhiệt thành đã vô ích mà lại hại mình, còn chí quảng đại phát ra không hợp thời nên đã không được khen lại bị người khinh bĩ.
Duy Linh trong lưng có 2000 đồng bạc trí quyết làm trở nên giàu sang, đi dọc đường không tính trước coi phải làm việc gì trở nên giàu, phải dùng chước nào đặng trở nên sang, bởi vậy chừng xe lửa lên tới Sài Gòn rồi thầy trò khiêng rương ra khỏi ga, đứng ngó dáo dác không biết đâu đặng đi.
Có một xa phu tưởng Duy Linh là học trò nhập trường nên kê xe lại nói:
- Vô trường nào để tôi kéo đi cho.
Duy Linh còn đứng ngơ ngẩn không nghe lời tên xa phu nói, lại tên xa phu tưởng Duy Linh chịu nên để xe trước mặt chờ. Cách một hồi Duy Linh mới hỏi tên xa phu:
- Ở đây có khách sạn nào, anh làm ơn chở rương tôi lại đó rồi tôi trả tiền cho.
Tên xa phu nghe nói biết là người không thạo Sài Gòn, mà cũng không từng dùng xe kéo, nên chúm chím cười mà nói:
- Có! Có, để tôi kéo lại Nam Đồng Hương gần đây. Nhà ngủ Nam Đồng Hương sạch sẽ lại rộng rãi lắm.
Vừa nói vừa bưng cái rương để lên xe. Thằng Cử xách theo cái gói quần áo của nó, thấy tên xa phu ốm yếu nó sợ bưng không nổi, nên nó để cái gói xuống đất rồi phụ để rương lên xe. Tên xa phu cản không cho tiếp, một mình để rương lên xe rồi biểu thằng Cử để luôn cái gói lên nữa rồi kéo xe đi trước, còn hai thầy trò Duy Linh đi theo sau.
Từ ga xe lửa tới Đại Đồng Nam khách sạn dầu đi ngã đường Schroeder hay là đi ngã đường Amiral Roze cũng chừng vài trăm thước, nhưng tên xa phu dòm thấy Duy Linh không biết đường nên kéo đi vòng vo theo đường Colonel Boudonnet, qua đường Chemin Des Dames, xuống đường Lagrandère, trở lại Amiral Rose rồi mới chịu vô đường Amiral Courbet.
Khi đến trước Nam Đồng Hương tên xa phu để xe xuống đất rồi chạy vô tiệm. Cách chẳng bao lâu rồi thấy trong tiệm có hai thằng bồi chạy ra khiệng rương đem vô. Duy Linh móc bóp lấy hai cắc bạc. Tên xa phu trả lại nói:
- Trời ơi! Đường xa mà cái rương lại quá nặng, trả như vậy sao được.
Duy Linh không biết trả sao cho vừa, hỏi tên xa phu thì nó không chịu định giá, túng thế đưa thêm một cắc, trong bụng tính thầm nếu nó còn kêu nài thì sẽ thêm một cắc nữa là 4 cắc. Tên xa phu không dè Duy Linh đã tính sẵn trong trí như vậy, chớ không phải nó được 3 cắc rồi mà gọi rằng đủ, nên lấy tiền rồi kéo xe đi lại phía chợ Mới.
Duy Linh vô tiệm theo bồi lên phòng. Thằng bồi hỏi coi thầy trả tiền xe hay chưa, thầy nói rằng đã trả 3 cắc rồi. Thằng bồi chưng hửng hỏi thầy ở đâu đi lại đó mà trả 3 cắc. Thầy nói thầy mướn chở rương từ ga xe lửa lại đây. Thằng bồi lắc đầu nói:
- Ở ga lại đây trả một cắc đã mắc rồi, sao thầy trả tới 3 cắc.
Duy Linh biết rằng mình lầm nhưng không thấy hổ, thầy chỉ giận bọn hạ lưu gian dối, nên thầy đáp:
- Thây kệ nó! Nó ăn gian vài cắc bạc không đủ cho nó làm giàu được.
Ngoài miệng thầy nói mấy lời ấy, song trong trí thầy lại nói thầm „Nghèo thì nghèo chớ phải lập chi tính gian dối chi vậy? Bậy lắm, đừng thèm học cái thói đó, mình phải dùng nhân nghĩa đặng làm giàu, phải do chơn chánh đặng trở nên sang mới hay, chớ giựt của người ta mà làm giàu, quỳ lại người ta cho mình sang thì đừng thèm.”
Duy Linh rửa mặt chải đầu và thay quần áo và sai thằng Cử đi kiếm mua bánh mì về cho thầy trò ăn đở, chớ thầy không muốn đi kiếm tiệm cơm ăn.
Ăn uống xong rồi thằng Cử vì đi tàu xe hai ngày mệt mỏi nên nằm trên ván ngủ khò. Thầy đóng cửa phòng nằm bên giường hút thuốc, thấy trong phòng sạch sẽ, đèn khí sáng lòa lại nghe dưới đường Amiral Courbert rần rần luôn luôn, tiếng người nói, tiếng xe chạy, tiếng máy xe hơi quay, tiếng rao bán mì cháo, lộn nhau không dứt, làm thầy ta hồi hộp trong lòng, và thuở nay không quen cái cảnh rầm rộ ấy nên lấy làm khó chịu lắm.
Đến khuya tiếng người rãn bớt, tiếng xe vắng dần. Duy Linh yên trí mới nghĩ đến việc của mình. Anh ta tính để rạng ngày đi dạo các nẻo đường coi thiên hạ buôn bán làm ăn thế nào rồi sẽ kiếm mướn một căn phố hàng để bán.
Qua bữa sau anh ta thức dậy vòng theo chợ, thấy phố phường một hai từng lầu, tiệm nào hang hóa cũng chứa đầy dẫy dọn rực rỡ, chẳng có một căn nào trống. Anh ta nghĩ vốn mình có 2000 đồng bạc, chắc không thể nào lập một tiệm lớn như họ được, mà dầu có phố trống cho mình mướn đi nữa, thì biết mua thứ chi và mua ở đâu mà bán.
Đi đến trưa trở về khách sạn trong lòng lấy làm buồn bực. Chiều mát anh ta đi nữa, đi vòng mấy đường khác thấy có một căn phố đóng ngoài cửa đề bảng „cho mướn“. song coi lại thì thấy phố đó nhằm đường không có buôn bán, nếu có mướn thì mướn đặng ở, chớ không mua bán vật chi được.
Đêm ấy Duy Linh nằm trong phòng lo tới tính lui thao thức hoài không ngủ được, lấy làm tức tối vì có vốn nhưng không biết làm sao buôn bán. Tuy trí quyết làm giàu của anh ta còn bền vững như hồi ở Bạc Liêu mới ra đi song đến tận nơi dòm thấy buôn bán là một nghề không dễ gì, trong lòng lo sợ. Mà lo sợ là không làm giàu mau được, chớ không phải lo làm giàu không được.
Anh ta lại nghĩ dầu mình tính buôn bán vật chi cũng phải sắp đặt một đôi tháng rồi dọn tiệm mới xong. Mình ở khách sạn mỗi ngày và một đêm bị trả tiền phòng hết 2 đ, hai thầy trò ăn uống dầu có tằn tiện cho lắm đi nữa cũng phải tốn hết 1 đ, cộng sở phí mỗi ngày là 3 đ tính ra mỗi tháng tới 90 đ. Anh ta nhớ tới số 90 đ thì giựt mình, nên tính đi kiếm nhà quen xin ở đậu bớt tốn tiền, rồi sẽ liệu bề làm ăn.
Sáng hôm sau Duy Linh đi vô Cầu Kho, tính kiếm nhà người chú họ là Phạm Phước Đằng để nương náo, Phạm Phước Đằng gốc ở Chợ Lớn, bà con một đầu ông cố với Phạm Duy Hiển. Khi Phạm Duy Hiển còn sanh tiền, mỗi lần đi Sài Gòn đều ghé thăm và anh em mỗi năm đều có gởi thơ cho nhau vài lần. Tuy bà con đã xa xôi song anh em một họ không còn ai, nên tình thương nhau cũng như anh em ruột. Ngày Phạm Duy Hiển mất, Phạm Duy Linh có đánh dây thép cho Phạm Phước Đằng hay. Vì đường xa xôi Phước Đằng không xuống điếu bái được, song cũng có gởi thơ phân ưu tới mẹ con Duy Linh.
Duy Linh vô tới chợ Cầu Kho hỏi thăm họ chỉ nhà đường nhà thờ, nên tìm được. Vì thuở nay Duy Linh không gặp mặt Phước Đằng lần nào, không hiểu tánh tình, không rõ cách cư xử, nên Duy Linh tới cửa trong lòng lấy làm ái ngại. Anh ta đứng ngoài ngó vô thấy một tòa nhà ngói vách gạch ba căn, sạch sẽ, cao ráo, chung quanh nhà trồng bông bụp tụi[1] mà làm rào, trước có một cái sân nhỏ mà trồng bông chơi, còn hai bên có hai khoảng đất trống, bề ngang chừng năm ba thước. Duy Linh đương đứng ngó, bỗng đâu có một tên gia dịch của Phước Đằng đi chợ về, xách giỏ xăm xăm đi vô cửa. Duy Linh kêu lại hỏi thăm: „Họ nói nhà nầy của ông Phạm Phước Đằng, có phải như vậy hay không anh“.
Tên gia dịch gật đều nói phải rồi bỏ đi vô. Duy Linh đi theo vô sân rồi bước lên thềm đứng ngó vô nhà, thấy bàn ghế láng bóng, chưng dọn lộng lẫy nhưng không thấy ai phía trước hết. Duy Linh đứng đợi hồi lâu, làm bộ ho coi có ai ra hay không, té ra ho hai ba tiếng mà cũng không thấy ai ra.
Anh ta bước xuống thềm và đi vòng lại góc tường, dòm theo đường của tên gia dịch đi vô hồi nãy cũng chẳng thấy ai, song nghe tiếng nói chuyện nho nhỏ ở phía sau nhà bếp. Duy Linh đứng ngó một hồi nữa, bỗng nghe trong nhà có tiếng giày. Anh ta lật đật trở lại bước lên thềm mà tằng hắng, nghe trong buồng có tiếng đàn bà kêu:
- Sảnh a! Có ai ở ngoài trước kìa, sao mầy không ra ngoài coi nhà, lại rút vô bếp làm giống gì đó vậy?
Tức thì có một đứa con gái trạc 16, 17 tuổi, bận quần vải đen, cặp mắt lộ lại lớn, miệng rộng, môi mỏng, mặt có thẹo hai ba đường, coi bộ hung ác lắm, ở trong buồng sốc sốc đi ra hỏi:
- Thầy đi đâu?
Duy Linh lột nón cầm trong tay, bước vô cửa rồi đáp:
- Tôi ở dưới Bạc Liêu, sẵn có dịp lên Sài Gòn ghé đây thăm chú thím tôi. Có chú thím tôi ở nhà không?
Con tên là Sảnh ấy liền đáp:
- Có, mà ông tôi còn ngủ; còn bà tôi đã thức dậy rồi còn rữa mặt. Thầy ngồi chơi một chút, để tôi vô thưa lại với bà tôi.
Duy Linh bước vô, không dám kéo ghế giữa ngồi, song đứng lâu đã mỏi chân, nên lại ngồi ghé nơi đầu ván bên tay mặt. Anh ta dòm coi trong nhà dọn dẹp thật đẹp, cửa buồng cửa sổ đều có treo màn, hai bên hai bàn thờ, chánh giữa để một tủ sắt lớn, trên đầu tủ lại có thờ bức tượng Quan Âm. Anh ta liếc thấy trong cửa buồng có một người đàn bà đứng núp tấm mành mành mà dòm, song người ấy không chịu ra, nên anh phải ngó lơ ra ngoài sân, làm bộ như không thấy.
Duy Linh nghi Phước Đằng đã thức dậy nên nghe có tiếng nói chuyện với vợ, thiệt quả cách chẳng bao lâu thì thấy có một người đàn ông độ chừng 50 tuổi đầu cúp kiểu ma ninh, tóc đã bạc hoa râm, mép có râu vuốt ngoảnh lên hai bên, bận áo lục soạn trắng quần lãnh đen, chân đi giày hàm ếch ở trong buồng bước ra ngó Duy Linh hỏi:
- Thầy là ai tôi không biết, đến có việc chi hay chăng?
Duy Linh đoán chắc người ấy là chủ nhà nên lật đật đứng dậy thưa:
- Thưa chú, cháu là con của Hương Chánh Hiển dưới Bạc Liêu.
Người ấy quả thật là Phạm Phước Đằng, vừa mới nghe Duy Linh xưng là con của Hương Chánh Hiển liền nói:
- Vậy hay sao! Té ra cháu là con của anh hai sao? Bất nhơn dữ hôn! Bà con mà thuở nay không gặp nhau, chừng gặp nhau ngó nhau như người dưng.
Phước Đằng day mặt vô buồng kêu vợ:
- Má nó a! Con của anh hai ở Bạc Liệu đây nè! Vậy mà nãy giờ má nó không biết, tưởng là thầy nào đến vay hỏi tiền bạc chớ. Cháu năm nay mấy tuổi, có vợ con gì hay chưa? Năm trước chú hay anh hai chị hai mất nhưng mắc bận việc nhà quá nên không xuống được. Anh hai có một mình cháu thôi, chớ có đứa nào nữa đâu há? Cháu qua bên ghế đây ngồi, cháu.
Phước Đằng hỏi nói lăng xăng làm cho Duy Linh không biết đâu mà trả lời. Kế đó lại người vợ bước ra nữa. Duy Linh đứng dậy chắp tay chào, liếc coi người đã gần 50 tuổi, bới tóc vén vung, mặt dồi phấn, bận áo lụa trắng, áo màu tro, lại có đeo bông tay, cà rá, dây chuyền, nhẫn hột xoàn chiếu xanh xanh đỏ đỏ. Vợ Phước Đằng đứng ngó Duy Linh tay xỉa thuốc sống, cách lâu dài và nói:
- Vậy mà con nhỏ ở nó vô nó nói có thầy nào lạ, nên có dè là cháu đến đâu. Tội nghiệp cháu vô phước quá! Chẳng bao lớn mà mồ côi hết cả cha lẫn mẹ. Cháu có vợ rồi hay chưa....
Duy Linh nghe hỏi lấy làm buồn, nên đứng dậy rón rén thưa:
- Cha với má cháu mất mấy năm nay, phần cháu buồn rầu lo việc nhà, phần cháu ăn ở không yên nên cháu chưa dám tính tới việc đôi bạn.
Phước Đằng nói:
- Năm trước anh hai có ghé một lần, ảnh nói chuyện kiện ruộng đất giành với ai đó, vậy ảnh kiện đặng hay thất?
· Thưa chú! Thất. Cha cháu bị thất vụ kiện ấy nên buồn rầu mang bịnh đến chết đó đa.
· Té ra thất kiện hay sao? Ảnh còn sở đất nào khác nữa hay không?
· Thưa, cha cháu thất kiện hết mấy trăm mẫu ruộng. Bây giờ để lại cho cháu còn có 12 mẫu.
· Bất nhân dữ hôn! Ảnh có mắc nợ ai nữa không?
· Thưa không.
· Thôi, vậy cũng may cho cháu. Chớ nếu ảnh để nợ lại càng khổ cho cháu
· Ba người ngồi ngó nhau, chẳng còn biết việc chi hỏi nữa. Cách một hồi vợ chồng Phước Đằng mới nói.
· Cháu lên Sài Gòn chơi hay là đi có việc chi?
· Thưa chú thím, chẳng dấu chi. Cháu lên Sài Gòn tính lập tiệm buôn bán.
· Cháu có vốn liếng gì hay không mà tính buôn bán.
· Thưa, cháu có vài ngàn đồng bạc.
· Phước Đằng suy nghĩ một hồi rồi nói:
· Ở Sài Gòn tuy buôn bán thịnh thật, song tiệm nhiều phố xá lại mắc quá, nên coi buôn bán cũng chẳng có lợi bao nhiêu. Mà thuở nay cháu có tập buôn bán rồi hay chưa?
· Thưa, chưa.
· Húy! Nếu cháu chưa thạo nghề buôn mà xướng ra lập tiệm thì lỗ chết còn gì. Không được đâu. Để chú nói cho cháu nghe: Phàm làm một người buôn bán, cần nhứt phải biết tính toán cho giỏi, rồi cũng phải giao hảo với người ta nhiều, bởi vì nếu không biết tính toán vác tiền đi mua thứ hàng người ta ít dùng đem về bán không chạy, vốn đã mắc kẹt không sanh lợi được, mà hàng để lâu rồi hư mục sau rồi phải chịu bán lỗ rẻ, còn không quen biết người ta cho nhiều tự nhiên ít mối hàng; mà ít mối hàng sợ lỗ sở phí chớ đâu có lời được. Cháu thuở nay chưa quen buôn bán có biết thứ nào họ dùng nhiều để mua, thứ hàng nào họ ít dùng mà chừa. Còn cháu lên đây còn xứ lạ không quen biết với ai làm sao có mối hàng đông cho được? Chú coi cháu buôn bán không xong đâu, sợ cháu làm ít tháng rồi lỗ hết vốn.
Duy Linh suy nghĩ biết những lời của Phước Đằng mới nói đó đều có lý nhưng vì trong lòng còn đang sốt sắng về việc thương mãi nên tính thầm rằng nếu mình chưa biết thứ hàng nào họ cần dùng nhiều thì mình đi chơi đặng dọ một ít lâu cho biết rõ rồi sẽ làm, còn như mình chưa quen với ai rồi thủng thẳng mình sẽ làm quen, có khó gì; ở đời có nghề nào dễ, hễ muốn ăn phải lăn vào bếp, nếu mình thấy khó rồi do dự thì làm sao làm giàu cho được. Duy Linh nghĩ như vậy rồi thưa:
· Chú thương cháu nên chú chỉ đường phải nẻo quấy cho cháu như vậy cháu lấy làm cảm ơn chú lắm. Song cháu đã quyết chí và cháu đã biết cháu có đủ trí buôn bán được.
· Cháu họ đã có bằng cấp tài năng rồi hay chưa?
· Thưa cháu học trường Mỹ Tho có vài năm kế cha mẹ cháu qua đời, cháu phải thôi, không học nữa được.
· Học Mỹ tho đã được vài năm, cũng khá rồi. Nầy, cháu để chú nói cho cháu nghe; đời nầy khó làm ăn lắm, phải khôn lanh quỷ quyệt lắm mới làm ra tiền, chớ chân chất thật thà dầu có tiền họ cũng ăn hết. Cháu còn nhỏ tuổi, chưa lịch lãm việc đời, bây giờ trong kiến họ mình còn mình chú là lớn, không lẽ chú không dìu dắt cháu. Chú tính như vầy: Cháu hãy làm một lá đơn xin vào sở Trường Tiền làm việc. Mấy thầy ngoài Trường Tiền họ hỏi tiền chú hoài nên chú quen thiếu gì. Chú dắt cháu ra chú gởi gấm cho họ, chắc họ đem cháu vô được. Cháu làm việc lãnh lương để tiêu xài, còn số bạc vốn của cháu đó để chú cho vay dùm cho.
Cháu học đã khá chắc có lẽ làm không thua sút họ, còn số hai ngàn đồng bạc chú cho góp tháng góp ngày, bề nào mỗi tháng cũng sanh lợi được đôi ba chục đồng bạc tính ra một năm cũng lợi được đôi ba trăm, tích tụ nhiều năm ắt cũng khá được. Cháu hãy nghe lời chú làm như vậy đi, chớ đừng có bắc chước họ bày đặt lập tiệm buôn bán, không khá đâu.
Duy Linh ngồi lặng thinh, không trả lời, thầm nghĩ mình đã không chịu làm việc quan, nên bỏ xứ lên đây lẽ nào bây giờ mình lại xin vào sở Trường Tiền mà làm. Trường Tiền thì lại hơn gì Thương Chánh? Còn cho tiền góp tuy lợi nhiều song nếu có lợi nhiều tất nhiên thất đức. Mình quyết làm trở nên người giàu sang, trước hết cần phải tu nhân tích đức, chớ mình làm việc thất đức bất nhân thì làm sao trở nên giàu sang được.
Vợ chồng Phước Đằng thấy Duy Linh ngồi lặng thinh tưởng Duy Linh nghe lời nên ông chồng nói tiếp:
· Cháu còn nhỏ, cháu không hiểu, hồi trước chú đây với ông già cháu hai anh em ở trong Chợ Lớn mỗi người trong nhà có chừng đôi ba trăm đồng bạc vốn chớ đâu có nhiều. Khi anh với chị hai tính xuống Bạc Liêu khẩn đất làm ruộng, anh hai có rủ chú. Chú mới ra Sài Gòn tính vào hãng buôn làm. Chú học ít, tuy biết nói tiêng Pháp, song nói liều mạng trúng trật trối kệ, may gặp chủ tử tế nên ban đầu cho chú đứng bán rồi sau cho chú đi đòi tiền. Chú làm ít năm khôn lanh lắm nên dư được một ngàn. Chú đi làm, còn thím cháu ở nhà cho tiền góp, chẳng bao lâu chú trở nên giàu. Chẳng giấu cháu làm chi, bây giờ chú có mấy muôn rồi. Cái nhà với cuộc đất đây hồi trước chú mua có một ngàn rưởi mà bây giờ đáng năm sáu ngàn. Còn những hột xoàn của thím cháu và của con nhỏ đeo nếu tính hết cũng gần muôn.
Mấy năm nay chú không thèm làm việc chi hết, cứ ở nhà húng hính cho vay lấy lời xài. Ai vay lớn chú cũng cho, ai vay nhỏ chú cũng cho, song vay lớn phải thế giấy ruộng, còn vay nhỏ phải góp tháng hoặc góp ngày. Bây giờ huê lợi của chú một tháng xê xích hai ba trăm, cháu coi sung sướng hay không, chớ phải hồi trước chú nghe lời anh hai chú đi làm ruộng thì làm sao giàu được như vầy? Nghĩ lại mỗi người đều có số mạng riêng, chắc mạng của chú tốt nên trời mới để dành phần, còn anh hai tại mạng xấu nên làm cực khổ mà không ra cái cóc rác gì hết.
Duy Linh nghe nhắc tới việc cha mẹ thì buồn nên ngồi chim bỉm. Cách một hồi thấy dọn cơm, vợ chồng Phước Đằng mời Duy Linh đi ăn cơm. Vợ chồng Phước Đằng niềm nở tử tế, nên Duy Linh tuy lạ mà không bở ngở chút nào. Duy Linh có ý trông cho chủ nhà hỏi thăm chỗ ở, đặng mình thừa dịp xin ở đậu, song hai vợ chồng hỏi việc nầy, nhắc việc nọ, nói không dứt, nhưng không chịu hỏi tới chỗ ở của mình. Chừng ăn cơm rồi, Duy Linh không kể hiềm nghi nữa, nên nói phức rằng mình lên Sài Gòn một thầy một tớ không quen biết ai, ở khách sạn hoài thì hao tốn nhiều, vậy xin cho đùm đậu ít ngày chừng kiếm thế làm ăn được rồi sẽ mướn phố ở.
Phước Đằng nghe nói thì ngó vợ, người vợ liền đáp:
· Ở trong nầy đi làm việc thật có xa một chút. Song nếu cháu muốn ở thì được, có hại chi đâu.
Phước Đằng tiếp mà nói:
· Con nhỏ ở trong trường cả tháng mới về
· một lần; nhà chú rộng rinh có hai vợ chồng ở trong buồng còn phía ngoài bỏ trống. Vậy cháu vô đây đặng ở cho khỏi tốn hao. Cháu có đem đồ đạc theo hay không? Thôi, ra lấy đồ vô đây mà ở.
Duy Linh tạ ơn rồi ra khách sạn trả tiền phòng và chở rương vô Cầu Kho mà ở đậu.
Đêm ấy Phước Đằng nhắc Duy Linh, biểu làm đơn cho sẵn đặng sáng ngày anh ta dắt ra sở Trường Tiền xin dùm cho việc làm. Duy Linh nghe những lời Phước Đằng khuyên dạy hồi sớm mai tuy không tỏ ý ra, song trong lòng đã quyết định rồi bởi vậy vừa nghe tới việc xin làm việc quan liền đứng dậy thưa:
· Thưa chú, hồi sớm mai chú dạy cháu mấy lời cháu không dám cãi, song cháu lại nghĩ bụng cháu không muốn làm việc quan chút nào hết, nên cháu sợ làm không kham, rũi phận cháu đã lỡ dở, mà chú lại gởi gấm lại e mang tiếng. Vậy cháu xin chú thím làm phước cho cháu đùm đậu ít ngày đặng cháu lo làm ăn. Ơn chú thím giúp cho cháu bấy nhiêu đó cũng đã nặng nề rồi, cháu chưa ắt ngày sau đền đáp được không dám làm nhọc lòng thất công chú nữa.
Phước Đằng nghe nói ngó vợ chưng hửng, không hiểu vì cớ nào mình sẵn lòng giúp đở cho cháu có sở làm, nay nó lại không chịu, nên hỏi:
· Sao cháu không chịu làm việc quan?
· Thưa chú, ý cháu muốn buôn bán, chớ làm việc khó lòng quá, nên cháu không ham chút nào hết.
· Nầy cháu, đời nầy học trò ra trường mỗi năm đều năm ba trăm, đứa nào cũng đi xin việc làm, bởi đông quá nên nhiều đứa có bằng cấp tốt nghiệp đủ hết mà cũng kiếm không được chỗ làm. Chú có thể làm cho cháu có chỗ việc làm được, ấy là may cho cháu lắm, sao cháu lại chê? Cháu phải tính lại, cháu phải đi làm việc quan cho có danh tiếng chút đỉnh, rồi thủng thẳng chú kiếm con gái tử tế nói vợ giùm cho cháu, chớ cháu không làm thầy nói vợ sao được?
· Thưa chú, chú thương cháu nên chú tính cho cháu như vậy, thiệt cháu cám ơn vô cùng. Song phận cháu nghèo hèn, một mình cháu làm chưa chắc đủ ăn, đâu dám tính kết đôi bạn?
Vợ Phước Đằng cười nói:
· Cháu sợ có vợ rồi phải nuôi nó hay sao? Nếu nói vợ dùm cho cháu ta lựa chỗ có ăn cho cháu nhờ cậy được, chớ ai khờ dại gì kiếm con nhà nghèo đặng cho cháu nuôi nó hay sao mà cháu lo sợ.
· Thưa thím, làm trai hễ có vợ phải nuôi vợ, chớ nhờ vợ sao phải. Nhưng vì bụng cháu chưa muốn cưới vợ, nên chưa tính chớ không phải sợ cưới vợ nghèo. Chẳng giấu chi chú thím, cháu ở dưới Bạc Liêu vì phận nghèo hèn bị người ta khinh dể, nên cháu mới lên đây quyết chí làm sao trở nên giàu sang cho được, cháu mới vừa lòng.
Phước Đằng nghe nói vỗ tay cười ngất rồi đáp:
· Nếu cháu muốn giàu sang làm sao không chịu nghe lời chú? Cháu buôn bán biết có giàu được hay không, còn không chịu làm việc quan trở nên giàu sang sao được? Cháu phải đi làm việc quan rồi đi cưới vợ nhà giàu sang chớ. Cháu coi như ông Huyện Hàm Tấn đó bây giờ danh giá ông bay đi cùng sáu tỉnh khi trước ổng là người gì? Ổng học ít hơn cháu nữa. Họ nói hồi trước ổng học trường tỉnh Sa Đéc vừa tới lớp ba hay lớp nhì gì đó, rồi ổng lên Sài Gòn xin việc mà làm. Ổng làm sở Trường Tiền có mấy năm kế ổng đụng một người vợ ở Chợ Lớn giàu quá, ổng xin thôi làm việc quan, về ở theo bên vợ, nhờ gia tài ở bên vợ ổng trở nên giàu lớn, rồi sau ổng mua chức Huyện Hàm, vinh quang biết chừng nào. Hồi trước ổng lên Sài Gòn trong lưng không có tới 10 đồng bạc, mà cũng không có ai đỡ đần. Bây giờ cháu lên đây đã có vốn được vài ngàn, lại có chú giúp đỡ, nếu cháu có chí muốn trở nên giàu sang thế coi dễ hơn ổng nhiều lắm. Vậy cháu phải nghe lời chú, cháu xin vào sở Trường Tiền làm đi. Chú quen với nhà giàu Sài Gòn, Chợ Lớn thiếu gì, để chú coi chỗ nào cháu có thể nhờ cậy được chú sẽ làm mai giùm cho cháu. Mà như cháu không muốn lấy vợ thành thị chú sẽ kiếm vợ Lục Tỉnh cho, nhà giàu dưới Lục Tỉnh lắm ruộng đất cháu càng nhờ được nhiều.
Vợ Phước Đằng xen vô nói:
· Nầy cha nó, con Kiềm là con ông bá hộ Bảy ở trong Chợ Lớn, nó ra chơi hoài với con nhỏ nhà mình đó, tôi coi nó xứng với cháu đây lắm. Con đó mềm mỏng dễ thương, có nết mà lại có sắc. Còn ông bá hộ Bảy, ổng giàu gia sản tới năm ba muôn, lại chỉ có hai đứa con, nếu cháu đụng vô chỗ đó chẳng khác nào chuột sa hũ nếp, sung sướng biết chừng nào.
Phước Đằng đáp:
· Ta còn quen nhiều chỗ giàu hơn nữa, chớ như ông bá hộ Bảy mà kể làm gì. Nếu mình làm cho cháu ngày sau giàu sang hơn ông Huyện Hàm Tấn đó mới là quý chớ.
Duy Linh có sắc mắc cở nên ngồi chúm chím cười rồi thưa:
· Ông huyện hàm nào chú nói đó tại cái mạng của ổng như vậy nên ổng mới giàu sang được. Cháu không có cái mạng kỳ cục đó, nên chắc là cháu không làm như ổng được đâu.
· Sao vậy?
· Giàu do sức mình làm ra kia họ mới kiêng, chớ nhờ vợ nên làm giàu thì ai khen giỏi!
- Ủa! Thế nào miễn là giàu có thôi chớ! Người ta không thèm nhọc công làm, người ta dùng trí mà trở nên giàu, như vậy khôg phải giỏi giang sao?
- Xin chú tha tội cho phép cháu cạn tỏ. Cái trí đó không phải là trí quân tử.
- Hại gì! Bây giờ thiên hạ kính phục ổng quá, ai dám khi dể ổng đâu nào?
- Thưa phải, họ kính phục chớ đâu dám khi dể. Song kính phục ấy là họ bị quyền lợi câu thúc, hoặc sợ ổng giận không cho vay tiền hoặc sợ ổng ỷ thế hiếp đáp nên họ sợ chớ trong bụng họ khi dể thầm, ai làm sao mà cản được?
- Ôi! Hơi đâu lo việc đó cháu! Ở đời nầy hễ có tiền nhiều là sang, chớ tài đức cho lắm mà không tiền thì có ra gì? Cháu không thấy sao? Mấy ổng nhiều tiền chừng nào, càng sang trọng, thiên hạ càng kính phục chừng ấy, chớ ai dám chê cười. Nay mình cưới vợ giàu thiệt hại gì đến ai, mà dầu có hại thì hại một nhà thôi, chớ không hại chi đến dân trong tổng trong quận, hoặc trong tỉnh sao cháu lại sợ họ khi dể?
- Thưa chú, gạt dân ngu mà lấy tiền, hiếp dân yếu mà giựt của, theo như chú mới nói đó, lại càng bậy hơn kiếm vợ giàu mà ăn chực nữa. Người khờ dại họ không biết phân biệt chánh tà, hễ thấy tiền nhiều quyền lớn họ sợ nên họ kính phục, chớ kẻ biết điều họ coi ra gì?
- Đời nầy được bao nhiêu người biết điều đâu cháu kể cho chú nghe thử coi. Cháu đốt đuốc kiếm cùng trong nước mình sợ cũng không được tới trăm người. Mà dầu có tới trăm người biết điều đi nữa, cũng không ích gì, bởi vì hơn hai mươi triệu người khen còn 100 người chê thì sợ nỗi gì. Chú e 100 người biết điều đó bị thiên hạ nó ganh ghét nữa đó cháu. Sanh nhằm đời nào phải theo thói tục đời nấy hơi đâu câu chấp. Cháu hãy nghe lời chú xin vào sở Trường Tiền làm cho có danh tiếng chút đỉnh đi rồi chú giúp cho.
- Thưa chú, cháu không dám cãi với chú cho hềt lời, chớ theo ý cháu nghĩ thứ làm thầy thông thầy ký mà danh tiếng gì. Như cháu đứng buôn bán, cháu làm chủ lấy cháu, bán không gạt ai, mua hàng tới kỳ trả tiền đủ, dường ấy cháu không sang hơn thầy thông thầy ký hay sao?
- Phải, chú hiểu ý cháu lắm. Mà tại thời nầy họ ưa thông ngôn, ký lục, chớ họ không chuộng nghề khác, nhân tâm như vậy cháu phải chiều theo, chớ trái làm chi.
Duy Linh không đáp nữa, ngồi thở dài, sắc mặt coi chẳng vui. Vợ Phước Đằng thấy vậy mới nói:
- Ý cháu nó không muốn làm việc quan thì thôi, ba nó ép làm chi, nó cũng có vốn chút đỉnh để nó buôn bán thử coi.
Duy Linh nghe lời vợ Phước Đằng nói mấy lời, sợ bà ta giận nên cười dã lã đáp:
- Thưa thím, cháu lên đây muôn việc đều nhờ chú thím. Thiêt cháu cũng muốn buôn bán quá, nên cháu quả quyết, vậy để thủng thẳng ít ngày cho cháu suy nghĩ lại rồi sẽ hay.
Duy Linh móc túi lấy một gói 20 tấm giấy một trăm đưa cho Phước Đằng và nói:
- Thưa chú, làm ơn cho cháu gởi hai ngàn đồng bạc đặng chú cất dùm, chớ cháu để trong mình hoài coi bất tiện quá.
Phước Đằng thò tay cầm lấy xấm bạc, miệng hỏi:
- Cháu gởi đây là đặng cho chú cho vay dùm, hay là gởi cho chú cất.
- Thưa, chú cất dùm, chớ đừng cho vay!
- Cháu không chịu cho vay sao? Ðể chú cho vay dùm đặng có lợi thêm cho cháu; ở đất nầy người ta không cho tiền bạc ở không, tiền bạc gì mà lại đem cất cho uổng.
- Thưa chú, cháu có chút vốn thiệt cháu cũng muốn sanh lợi lắm, song muốn sanh lợi phải làm thế nào kia, chớ cho vay tuy có lời mà cũng có hại nữa.
- Hại là sao? Ồ, cháu sợ họ giựt phải không? Cháu khờ quá! Chẳng hiểu họ cho vay thế nào, chớ thuở nay chú cho vay có lợi luôn luôn, đâu có hại mà sợ. Để chú nói cách chú cho vay cho cháu nghe: như có hai ngàn đồng bạc, chú lựa chỗ nào chắc chắn chú cho vay 1000. Ai muốn vay phải thế chấp bằng khoán đất, hoặc phải có người giàu đứng bảo đảm mới được. Muốn mãn năm trả vốn lời một lượt chú tính tiền nhẹ hơn hết là 300 đồng, còn nặng là 400 đồng. Như muốn góp mỗi tháng thì góp 120 đồng, góp 12 tháng tất số. Cháu tính lại coi một ngàn đồng mỗi tháng có lời ít nhứt cũng 25 đồng, còn 1000 nữa chú cho vay góp nhỏ, từ 50 đồng sấp xuống, nghĩa là cho 20 chỗ, như muốn góp 3 tháng mỗi tháng góp 20 đồng; như muốn góp 5 tháng mỗi tháng góp 13 đồng. Còn như muốn góp tiền ngày mỗi ngày phải góp 1đ30 góp 50 ngày tất số. Mỗi người vay mình ăn lời 15 đồng, tính ra 20 người số lời được 300 đồng mà số lời ấy là lời từ 3 đến 5 tháng thế thì một năm mình lời 600 đồng. Ví như vài chỗ trốn mình mất vốn có trên 100 đồng thôi, có hại chỗ nào đâu. Nếu cháu để cho chú cho vay dùm một năm chú kiếm lợi cho cháu tám chín trăm đồng, cháu chịu hay không?
- Thưa chú, theo như chú tính đó cho vay lợi thiệt song cháu sợ thất đức quá, nên cháu không dám cho vay.
- Trời ơi! Ở đời nầy mà cháu lo nhân nghĩa đức hạnh quá như vậy, có làm ăn nghề gì được? Nếu chú sợ như cháu đó, làm sao ngày nay chú có sự nghiệp đến mấy muôn đây!
Vợ Phước Đằng nãy giờ nằm dài trên ván cho con Sảnh quạt, chừng nghe chồng nói tới đó thì lồm cồm ngồi dậy nhổ trầu mà nói:
- Sao cho vay mà cháu gọi là thất đức? Mình cho vay là làm ơn cho người ta lắm chớ. Người ta nghèo rũi gặp tai vạ như cha mẹ chết, vợ con đau, người ta không sẵn tiền chôn cất cha mẹ, hoặc chạy thuốc cho vợ con. Mình cho người ta vay tức là mình giúp cho người ta trọn hiếu, mình cứu vợ con người ta; mình làm đó là làm nhơn, ai dám chê mình thất đức?
- Thưa thím, nếu mình giúp tiền mà không ăn lời thì mới gọi là ơn được, chớ giúp tiền còn ăn lời, nhứt là ăn lời nhiều, đã không ơn mà lại mang oán là khác.
- Thím cho vay từ thuở nay chưa thấy ai oán. Ai tới đây họ cũng năn nỉ, họ xin làm ơn cho họ, nếu họ oán sao họ còn năn nỉ?
Duy Linh muốn cãi, song sợ tỏ hết ý sanh mích lòng, nên cười rồi đứng dậy lấy thuốc hút.
Vợ chồng Phước Đằng không hiểu ý Duy Linh, tưởng Duy Linh hồi nãy cải việc không làm việc cho quan rồi bây giờ cãi không chịu cho vay nữa, là cãi chơi vậy thôi, nên mở tủ cất bạc rồi đi ngủ, trong lòng cứ tính kiếm chỗ cho vay dùm, đặng Duy Linh có danh tịếng và có vốn thêm chút đỉnh.
Còn Duy Linh đã nhứt định rồi, nên đi ngủ trong trí cứ tính lập tiệm buôn bán hoài, quyết không chịu sang giàu theo kế của chú thím bày đó.
[1] bông lồng đèn
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×